Wednesday, November 26, 2008

Viết cho SN con - Minh Thu

Trong Kinh Thánh Tân Ước - Tin mừng theo Thánh Mác co, chương 12 có bài viết :

Tiền dâng cúng của bà goá nghèo (Lc 21,1-4)

(41) Ðức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Ðền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. (42) Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. (43) Ðức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. (44) Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống mình".

Giống hình ảnh bà goá nghèo trên đây, Thu chỉ có 2 bộ quần áo cũ, sờn vai, cùng với một trình độ văn hoá lớp 2 làm hành trang khi bước vào nhà tôi.

Như một định mệnh hay duyên nợ thế nào không hiểu được, Thu đã sống, đã gắn bó cùng chúng tôi gần18 năm bằng cả một tấm lòng thơm thảo và hiếu thuận như một đứa con lớn trong gia đình

Ngày ấy...trước khi đi Thuỵ Điển, chị Hoa gửi Hường cho tôi. Chị nói Hường học khá, nhưng có nguy cơ phải nghỉ học, vì nhà nghèo. Nếu chị còn ở VN, chị sẽ đón cháu vào nuôi, nhưng chị lại sắp đi xa, chị muốn tôi nhận lời giúp chị...Thu, Hường là cháu gọi chị Hoa là cô ruột, và có họ hàng với gia đình dì Nhã....

Tôi chưa nghĩ đến vì không hình dung ra được mình sẽ có một gia đình như thế nào, nếu có một người lạ trong nhà (khi ấy, chúng tôi chỉ mới cưới nhau chưa đầy 1 tháng)...

Thời gian trôi nhanh, chỉ đến khi Bảo Khanh ra đời, chúng tôi mới cảm nhận được cái neo đơn, khó nhọc khi chỉ có 2 vợ chồng loay hoay với nhau. Nhớ lời chị Hoa, tôi nói anh Đường cho cháu nào vào ở với tôi

...Không ngờ, Thu, chứ không phải Hường được anh Đường chở xuống nhà tôi sau khi Bảo Khanh vừa tròn tháng tuổi....

Nhà nghèo, là chị cả của một gia đình đông con, ngay từ nhỏ, Thu đã phải nghỉ học, hết chăm mẹ sinh nở, lại phụ mẹ bồng ẵm các em, và theo cha đi hết nơi này, nơi khác nấu cơm cho thợ ăn. Tuổi thơ của con không biết đến một phút vui đùa, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác....

Anh Trung - bố của Thu - nói : "Không phải là đem con đi ở đợ, mà chỉ muốn cô chú xem cháu như con cháu trong gia đình". Thế nhưng, ngày đó, chúng tôi nghèo quá, nên không ít lần, anh Trung, chị Thuý muốn đưa Thu về nhà, hay sang ở với dì Hà. Dĩ nhiên, là cha mẹ, mình đã nghèo, muốn con được sung sướng hơn mới đành lòng xa con, chứ đâu ngờ, cho con ở với người ngoài còn khổ hơn mình, nên quyết định của anh chị là hoàn toàn có lý

Tôi không ngờ, Thu đã chọn quyết định ở lại cùng chúng tôi, đồng cam cộng khổ, chia xẻ ngọt bùi, cay đắng. Con nói : " Mình có chia xẻ lúc người ta nghèo, khó khăn, thì sau này, người ta mới quý trọng mình, chứ đợi khi người ta giàu có, mình lại hưởng thì ai mà cho không đâu ?''

18 năm, con đã sống hết lòng cùng bố mẹ, các em, các em khôn lớn chừng nào, có mồ hôi, công sức của con chừng ấy. Ông bà nội, ngoại đau ốm, con chẳng nề hà làm bất cứ việc gì được giao, vượt xa hẳn sự lo lắng những người con, cháu ruột khác...

Và cũng chẳng biết tự bao giờ, bố mẹ đã không còn phân biệt giữa con và các em nữa. Với bố mẹ, con gần như là con gái lớn trong nhà, bố mẹ tin yêu, quý trọng con, còn các em luôn nghe lời chị, gắn bó với chị Thu thật nhiều

Chỉ với 2 bộ quần áo cũ, và văn hoá hạn chế, nhưng những gì con làm cho bố mẹ thật to lớn, nó chính là "một đồng của lễ mà bà goá dâng cúng" đấy, con à

Ngày mai, mới là SN con, nhưng mẹ biết, ngay từ bây giờ, bô mẹ, các em, dì Út, và còn nhiều người nữa, ai cũng nghĩ đến những món quà, những lời chúc tốt đẹp gửi tặng con, để minh chứng cho một tình thương yêu mà bố mẹ, các em và mọi người dành cho con đấy

Tuesday, November 25, 2008

Ngây thơ

Ba mẹ ao ước giữ lại tất cả những hình ảnh ngây thơ, ngộ nghĩnh, đáng yêu nhất của các con, những thiên thần nhỏ của ba mẹ.

Hy vọng những tấm hình này, cùng với kỷ niệm gia đình sẽ luôn là hành trang giúp các con vào đời, là chỗ dựa bình yên cho các con sau này và mãi mãi...


Monday, November 24, 2008

Tám mối phúc thật

Sáng nay, nhìn thấy thời khoá biểu của con trên mặt bàn, mẹ vui lắm. Mẹ biết, con là đứa con ngoan, luôn cố gắng vâng lời ba mẹ học tập, rèn luyện để ba mẹ được hài lòng

Và như vậy, mẹ cũng phải nhìn lại xem, mẹ đã dạy tụi con thế nào, mẹ có đặt trên vai tụi con áp lực học tập, trách nhiệm lớn lao quá không ? Mẹ có ích kỷ khi hướng các con đến những ước muốn của mình mà quên đi mơ ước riêng của chính bản thân con không ?

Mẹ biết, các con của mẹ trưởng thành, suy nghĩ chín chắn, có chiều sâu hơn các bạn đồng trang lứa, nên con, chị Bảo Khanh, thậm chí là bé Nhí, sẽ khó hoà đồng với các bạn, và khoảng cách giữa con và các bạn cũng vì thế mà xa rất nhiều.

Mẹ cũng biết, vì cách sống của ba mẹ, các con cũng bị thiệt thòi, hy sinh những sở thích cá nhân của mình, khiến tụi con xa lạ với các bạn, khi mà cuộc sống và tuổi trẻ bây giờ thường đánh giá nhau qua hình thức bên ngoài, qua một số tiêu chuẩn vật chất nào đó

Mẹ thật có lỗi với các con, nhưng mẹ vẫn không thể thay đổi cách sống, cách suy nghĩ của mình, nên mẹ lại càng phải xin lỗi con thêm lần nữa, Kyo của mẹ à

Bố mẹ luôn mở cửa, đón nhận tất cả những ai cần đến bố mẹ, và trong bất cứ khả năng của mình, bố mẹ sẵn sàng giúp đỡ không ngần ngại, và dĩ nhiên, như thế, khiến các con ít nhiều bị chia xẻ. Các con phải bớt đi một phần không gian riêng tư của mình, các con phải giảm một phần nhu cầu sở thích của mình...nhưng các con của mẹ thật dễ thương, chưa bao giờ buồn phiền ba mẹ vì những điều này cả.
Vì thế, mẹ cảm ơn các con đã ủng hộ việc làm của ba mẹ

Con ơi, mẹ vẫn thường nghĩ rằng của cải, vật chất mà chúng ta hiện đang có, nó chẳng bao gìơ tồn tại vĩnh hằng, hôm nay, ta có thể có, nhưng biết đâu, ngày mai, chúng ta trở thành tay trắng.mà thôi. Mẹ thì luôn muốn để lại cho các con những gì không thể mất đi, không ai lấy được của tụi con cả.

Khi làm bất kỳ việc gì, các con luôn là suy nghĩ đầu tiên của bố mẹ. Mẹ chỉ ao ước rằng, sau này, vì điều kiện nào đó hay lỡ bố mẹ có mệnh hệ gì, mà các con phải xa bố mẹ, bố mẹ chỉ mong rằng sẽ có những người đón các con vào nhà như bố mẹ đã từng giúp mọi người vậy thôi

Hôm qua, chú Huy nói với mẹ : "Em và nhà em thường suy nghĩ các bác sống đúng là 8 mối phúc thật đấy". Chú Huy khen bố mẹ quá lời rồi, bố mẹ cũng bình thường thôi, nhưng dù sao cảm ơn chú cô đã phần nào hiểu được bố mẹ

Các con là con của bố mẹ, khi sinh ra, các con đã có những tố chất thông minh được thừa hưởng từ dòng họ 2 bên, các con hãy hãnh diện và tự hào về điều đó. Bố mẹ thường lấy câu chuyện tương tự trong dụ ngôn như sau :

"Ông nhà giàu trước khi đi xa, gọi 3 anh đầy tớ lại và trao cho người thứ nhất 1 nén bạc, người thứ hai 3 nén, và người thứ ba 5 nén. Sau một thời gian ông ta trở về, người thứ 1 đưa cho ông chủ 2 nén bạc và nói :
- Tôi gửi lại số bạc ông giao cho tôi và số lời sinh ra được từ số tiền này
Người thứ hai cũng đưa lại cho ông chủ 4 nén bạc gồm 3 nén được giao và 1 nén sinh lời. Còn người thứ ba thì gửi lại ông chủ 5 nén bạc và nói :
- Số tiền ông giao cho, tôi sợ mất, nên đã chôn kỹ ỡ một nơi, hôm nay tôi xin gửi lại cho ông
Dĩ nhiên, người chủ khen ngợi người đầy tớ thứ nhất và quở trách người thứ ba rồi"

Qua câu chuyện này, mẹ chỉ muốn nói với các con rằng : "Chúa cho chúng ta mỗi người một khả năng khác nhau, việc này cũng có thể hiểu là cả cuộc sống vật chất, kinh tế khác nhau nữa. Nếu Chúa giao cho chúng ta nhiều hơn người khác, nghĩa là trọng trách của chúng ta nhiều hơn, chúng ta phải cố gắng sống sao cho sinh lợi trên những gì chúng ta đã được giao.

Kyo à, khả năng của con nhiều lắm, mẹ biết. Con trai của mẹ rất giỏi, chính vì thế, mẹ luôn muốn con dùng khả năng của mình để làm một điều gì đó rạng danh cho dòng họ, giúp đỡ được nhiều người khác xung quanh mình.

Mẹ biết, nói với con những điều này, bố mẹ lại đặt lên vai con một áp lực, nhưng con ơi, bố mẹ không đẩy con ra để con tự bơi giữa biển trời bao la, bố mẹ vẫn ở bên con, và con cứ mạnh dạn lên, tự tin lên đã có bố mẹ sẵn sàng ủng hộ con, nâng đỡ con mà

Có lần, mẹ đọc báo thấy Bill Gate để lại quyền thừa kế cho 3 con trai của ông số tiền 10 triệu dollar, còn hơn 40 tỳ dollar, ông dành cho từ thiện. Mẹ liền nói với con : "Vậy là một trong những người giàu nhất hành tinh này có cùng quan điểm với me"

Bố mẹ bảo bố mẹ chỉ nuôi tụi con đến 25 tuổi thôi, từ bây giờ đến 25 tuổi, các con xin bố mẹ cái gì cũng được, nhưng từ 25 tuổi trở đi, dứt khoát, bố mẹ không cho gì thêm nữa, nếu lúc đó, bố mẹ còn tiền, bố mẹ sẽ làm từ thiện. Các con có buồn vì chuyện này không ?

Đừng buồn bố mẹ, các con à. Các con là tài sản quý giá nhất của bố mẹ. Đôi khi, nghĩ đến các con, mẹ càng cảm thấy, mẹ không cần gì cả, mẹ chỉ cần nhìn các con trưởng thành, khôn lớn, và vào đời vững chắc bằng một công việc ổn định, một cuộc sống gia đình hạnh phúc, bình an...là mẹ yên lòng

Nên mẹ nói các con hãy xin bố mẹ đi, xin nhiều vào, nhưng đừng xin điện thoại này, xe này, quần áo này...những thứ này nó có thể mất, có thể cũ và đôi khi nó còn làm nguy hiểm đến tính mạng của tụi con nữa. Các con hãy xin ba mẹ sức khoẻ, tri thức, và nhiều cái khác mà bố mẹ sẵn sàng cho, để lại cho tụi con nhưng không ai lấy được của tụi con đi hết

Cuối cùng, mẹ cảm ơn những cố gắng của tụi con trong thời gian đã qua. Mẹ vui lắm.

Còn đây là tám mối phúc thật, các con đều thuôc, nhưng các con đọc lại những gì mẹ viết và suy nghĩ thêm nhé

Thứ nhất: ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

Thứ hai: ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.

Thứ ba: ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy.

Thứ bốn: ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.

Thứ năm: ai thương xót người ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.

Thứ sáu: ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy

Thứ bảy: ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.

Thứ tám: ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy

Giấy khen của tôi

Ngày còn đi học, tôi có nhiều giấy khen và bảng danh dự lắm, nhưng tôi không còn giữ nữa, vì hiện tại, tôi phải lưu lại rất nhiều giấy tờ quan trọng khác của gia đình...

Và cũng như bố, tôi chỉ gìn giữ tất cả sổ học bạ, phiếu liên lạc, giấy khen của các con tôi từ lớp 1 đến giờ...

Tuy vậy, tôi vẫn còn duy nhất tờ giấy khen này để khoe với các con đấy : Đó là giấy khen của Sở Giáo Dục TPHCM do Giám Đốc Sở ký, khen thưởng cho tôi nhân kỳ thi tốt nghiệp phổ thông Trung Học đoạt loại giỏi...

Photobucket

"Tre già, măng mọc"...
"Con hơn cha là nhà có phúc" .

Tờ giấy khen của tôi cũng chỉ còn là kỷ niệm, là quá khứ đã qua. Chỉ có các con là hiện tại, và tương lai cần hướng tới.

Mẹ rất mong, Bảo Khanh và Duy sẽ vượt qua mẹ, đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nhé.

Đó mới chính là điều bố mẹ trông chờ nhiều nhất, các con ạ

Dụ ngôn : Thợ làm vườn nho

Bài này đã được Cha giảng tại các nhà thờ từ CN cách đây 2 tuần. Không hiểu sao, mẹ thích bài dụ ngôn này lắm. Suy ngẫm về nó, chúng ta sẽ từ bỏ được cái thói ghen ghét cố hữu của con người. Chúng ta sẽ biết đánh giá đúng giá trị về mình, và của mọi người chung quanh để không còn phân bì, so sánh, kể công và ghen tuông nữa. Chúng ta sẽ có một tầm nhìn khác, sẽ hướng thượng, nhân bản, vị tha hơn.

Dụ ngôn này chẳng xa lạ gì với các con đâu. Tuy vậy, mẹ vẫn chép vào đây nhé :

«Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. (2) Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. (3) Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. (4) Ông cũng bảo họ: «Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng». (5) Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. (6) Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: «Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?» (7) Họ đáp: «Vì không ai mướn chúng tôi. «Ông bảo họ: «Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!» (8) Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: «Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất». (9) Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. (10) Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. (11) Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: (12) «Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt». (13) Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: «Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? (14) Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. (15) Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?»

Cùng suy ngẫm, các con nhé :

1. Con có đồng ý với cách xử sự của ông chủ vườn nho không? Tại sao? Lý do khiến con đồng ý hay không đồng ý dựa trên lòng ích kỷ của con người hay dựa trên lòng yêu thương?

2. Con có phân biệt 2 thứ công bằng: công bằng có tình thương, và công bằng không có tình thương không? Con thích thứ công bằng nào?

Mới đọc, ai cũng cảm thấy ông chủ làm vườn nho đối xử như thế với những người làm thuê là không công bằng: người làm ít cũng như người làm nhiều đều nhận một mức lương bằng nhau. Vì theo suy nghĩ bình thường của người đời, người làm nhiều phải hưởng lương cao hơn người làm ít. Nghĩ như thế là hoàn toàn đúng và hợp lý.

Nhưng với tình thương, người ta có thể suy nghĩ khác, cao hơn, mà vẫn hoàn toàn hợp lý.

Chúng ta vẫn thường suy nghĩ về sự công bằng như thế này :

Những người có tài năng, có sức khỏe thì luôn luôn làm được nhiều hơn nên được hưởng lương cao hơn những người yếu đuối, kém tài năng, bất chấp những người yếu đuối này có thể có nhu cầu lớn hơn hay nhiều hơn.

Vì thế, người có tài có sức thường giàu có, còn người ít tài kém sức thường nghèo khổ.

Như thế, nhu cầu của tôi dù có lớn đến đâu, nhưng nếu tôi làm được ít, thì tôi chỉ được hưởng ít, cho dù hưởng ít như thế thì tôi sẽ rất thiếu thốn và đau khổ.

Còn nhu cầu của anh dù rất ít, nhưng nếu anh làm được nhiều, thì anh vẫn được hưởng nhiều, cho dù hưởng nhiều như thế anh sẽ dư thừa một cách vô ích. Đó là điều hợp lý theo lẽ thường và dường như không thể nào làm khác hơn được.

Còn công bằng theo kiểu có tình thương kia, nếu áp dụng sẽ có cái dở là làm cho nhiều người đâm ra lười biếng: vì có làm chăm thì cũng chỉ được hưởng bằng người lười. Cứ nghĩ như thế thì sẽ chẳng còn ai hứng thú trau giồi tài năng của mình làm gì, vì có tài thì chẳng ích lợi gì cho mình hơn không có tài. Ai cũng có tính ích kỷ, không ai muốn hy sinh một cách vô vị lợi cho ai cả. Ai cũng muốn dùng tài năng hay những lợi thế mình có được để phục vụ mình, để làm lợi cho mình trước đã, không mấy ai muốn ưu tiên cho tha nhân, cho những kẻ hèn kém, yếu thế, dù họ có nhu cầu nhiều hơn mình. Nếu có tài năng mà không đem lại ích lợi cho mình, thì tài năng để làm gì? (www.vietcatholic.net)

Một xã hội lý tưởng, hoàn hảo thường xây dựng cuộc sống hạnh phúc của người dân gần giống ý tưởng của dụ ngôn này, trong đó mọi người đều được hạnh phúc. Để được hạnh phúc như thế thì mọi người phải yêu thương nhau, và yêu thương một cách cụ thể là phải quên mình đi để lo cho người khác. Khả năng hay tài năng của mỗi người là để phục vụ, để lo cho lợi ích chung, chứ không ai dùng tài năng chỉ để vun quén cho mình.

Một gia đình hạnh phúc nếu mọi người trong nhà đều yêu thương lo lắng cho nhau. Những người lớn, có nhiều khả năng, thì đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Những em nhỏ tuy không đi làm, nhưng vẫn phải ăn, học, và do đó phải tiêu một món tiền không nhỏ. Nếu trong nhà có một người đau yếu, bệnh tật, thì người bệnh này có thể không làm ra được một đồng nào, nhưng lại có thể tiêu một số tiền lớn nhất trong nhà vì tiền thuốc, tiền bác sĩ rất mắc. Trái lại, người làm ra nhiều tiền nhất trong nhà có thể lại tiêu xài tiền ít nhất, vì có ít nhu cầu nhất. Nhưng anh ta vẫn không lấy thế làm bất công, mà cảm thấy như thế là hợp lý. Anh cho rằng số tiền trong gia đình phải được chia tỷ lệ với nhu cầu của mỗi người chứ không phải tỷ lệ với số tiền mà mỗi người kiếm được.

Trong dụ ngôn người chủ vườn nho trả tiền theo nhu cầu chứ không theo giờ làm thật là hợp lý nếu xét theo lý luận của tình thương. Những người làm từ sáng sớm hay những người chiều mới vào làm, người nào cũng đều có vợ con phải nuôi, một gánh gia đình phải cưu mang.

Người vào làm sau, sở dĩ họ vào làm trễ chỉ vì họ không có may mắn có việc để làm từ sáng sớm, cho dù họ rất muốn có.

Đương nhiên sự công bằng ấy chưa thể áp dụng một cách phổ biến trong một xã hội mà các thành viên còn quá ít tình thương. Nhưng ít ra nó có thể áp dụng và cần phải áp dụng trong gia đình chúng ta, các con ạ?

Nếu có một lúc nào đó, các con cảm thấy dường như bố mẹ không công bằng trong yêu thương đối với các con, các con hãy nghĩ đến bài dụ ngôn này.

Các con ra đời và được bố mẹ đón nhận, nuôi dưỡng trong ngôi nhà này tại những thời điểm khác nhau. Bảo Khanh đến với bố mẹ sớm nhất, và trễ nhất là bé Nhí. Nhưng tất cả các con đều được thụ hưởng bằng nhau, đều nhau trong tình thương của bố mẹ. Cái đều nhau đó, cái công bằng đó, không phải thể hiện bằng những phép tính cộng trừ, so sánh bình thường, mà là : tất cả các con đều được bố mẹ chăm sóc tối đa bằng tất cả khả năng của bố mẹ, nhằm đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho tụi con, để tụi con được nên người

Đừng so đo, tính toán rằng bố mẹ thương ai hơn, như thế, chính các con đã tự hạ thấp mình đấy. Vì sao mình lại không tin mình được bố mẹ rất mực thương yêu ? Có lần, mẹ nói vui với Bảo Khanh rằng : " Chỉ có con ghẻ mới không được thương bằng con ruột. Nếu con cảm thấy mẹ không thương con, thì con là con ghẻ đấy"

Có thể, với từng đứa, bố mẹ có cách thương khác nhau nên do đó, cách ứng xử cũng khác nhau. Nếu cách bố mẹ thương các con không như các con mong đợi, thì đừng bao giờ trách bố mẹ không thương các con, chỉ vì các con chưa thực sự hài lòng với những gì mình đang có mà thôi

- Nếu con cảm thấy có vẻ mình ít được quan tâm chăm sóc hơn các em, hãy nghĩ rằng : "bố mẹ muốn rèn luyện mình đấy"
- Nếu con cảm thấy bị bố mẹ sai vặt nhiều việc hơn, hãy nghĩ rằng "ta đã được bố mẹ tin cậy hơn các chị em khác"
- Nếu con cảm thấy hay bị bố mẹ la mắng, hãy nghĩ rằng " bố mẹ đang chăm sóc mình mà"

Nên tự lý giải để tìm ra đáp số của bài toán tình yêu, các con ạ. Và mẹ rất mong các con sẽ luôn hoà thuận, thương yêu, gắn bó với nhau để "Thiên đàng" sẽ hiện hữu ngay chính trong ngôi nhà mình,. các con nhé

Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha

Trưa nay, anh Hân hỏi các con, cháu : "Trong cuộc đời của Chúa Giesu, có rất nhiều hình ảnh : Chúa Hài Đồng ngây thơ, Chúa trong tiệc cưới Cana, Chúa làm phép hoá bánh, Chúa chữa bệnh, Chúa cầu nguyện...Các con thích hình ảnh nào của Chúa nhất ? Và tại sao thích ?"...

Dĩ nhiên, các con, cháu khá bất ngờ, nên tỏ ra lúng túng không tìm được câu trả lời...Bé con được bố mẹ mớm lới, chọn hình ảnh Chúa hài đồng trong hang đá (sắp Noel rồi), nhìn thấy thương quá, muốn bế vào lòng quá. Bố còn nói "muốn nhéo tai quá" nữa chứ.

Bảo Khanh nói thích hình ảnh Chúa giảng dụ ngôn, vì các dụ ngôn của Chúa, dụ ngôn nào cũng hay, ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Câu trả lời này chỉ tạm thôi, chưa sát nội dung lắm. Bia thì chưa đưa ra được hình ảnh cụ thể. Duy trả lời sau cùng. Con trai của mẹ chọn hình ảnh của Chúa cầu nguyện trong vườn cây dầu, nơi được gọi là Ghết-sê-ma-ni, và điều con thích là :

....Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.” Người đi xa hơn một chút, qụy xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy rời khỏi mình, nếu có thể được. Người nói: “Áp-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”....(Xem Mc 14:36)

“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”

Sẽ không quá xa vời, nếu chúng ta chiêm nghiệm đầy đù và hướng về đời sống thường ngày. Bài giảng tối nay, Cha nói : "Nếu chúng ta được Chúa chọn ở cùng, nơi đó sẽ có yêu thương ngự trị. Do đó, không chỉ là dân Chúa, không chỉ bạn có tên Thánh kèm theo là có Chúa ở cùng bạn, mà tất cả những ai, kể cả người ngoại đạo, nếu họ đối xử với anh em đồng loại những gì đẹp lòng, đẹp ý Chúa, thì mặc dù họ không biết, chưa biết Chúa là ai, Chúa vẫn chọn họ..."

Chúa ở ngay trong gia đình , Chúa chẳng ở đâu xa, nếu Cha mẹ, vợ chống, anh chị em, con cái yêu thương nhau

Con trai tôi chưa giải thích được nhiều, nhưng việc con chọn hình ảnh này gợi lên trong tôi bao điều suy nghĩ về con, về cách sống của con thời gian gần đây...

Sẽ thật bất ngờ, nếu bạn nghe được câu trả lời như sau từ một cậu con trai 16 tuổi nói chuyện với chị Thu của nó : "Duy thích gì nhất ?'

- Em chẳng biết là em thích cái gì, hình như bây giờ, em chỉ thích làm cho mọi người thân chung quanh em vui. nếu mọi người vui, là em vui rồi"

Con cố gắng học, để bố mẹ vui lòng, mặc dù bản thân con chưa thể trả lời câu hỏi : "học để làm gì ?" cho chính mình...Con dịch bài, kiếm tiền bằng chính mồ hôi, sức lực của mình, nhưng con chưa hề tự mua sắm một cái gì cho bản thân. Thấy chị Khanh, bé Nhí thích xem phim, uống trà sữa, thích hộp đựng bút con thỏ lông xù, con sẵn sàng chiều theo, đi mua về tặng chị em...

Sáng CN, con trai hớn hở mời bố, mẹ, dì Út, chị Thu đi ăn sáng. Nhìn con gọi tính tiền và tự tay trả, tôi vui quá. Con trai tôi, dĩ nhiên còn nhiều cần được hướng dẫn, nhưng từ ý nghĩ của con biết vâng phục cha mẹ, phó thác vào cha mẹ, tin tưởng vào sự hướng dẫn của cha mẹ...đã là một sự trưởng thành. "Sống vì mọi người, nghĩ theo mọi người" không phải là tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại như nhiều người lầm tưởng đâu, vì chỉ có tâm hồn sâu sắc, và sự rèn luện kiên triì mới thực hiện được.

"Xin đừng theo ý con, mà hãy làm theo ý Cha"

Cám ơn con trai. Con đã cho bố mẹ một niềm vui thực sự và rất bất ngờ từ câu trả lời của mình. Bố mẹ yêu thương con vô cùng, con ơi

Cùng suy nghiệm rộng hơn lời Chúa trong bài trích dẫn dưới đây, các con nhé :

“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”

(Mác-cô 14:36)

Ðây là giây phút quyết định cho toàn thể cuộc sống của Người. Người phủ phục xuống đất và nài xin Thiên Chúa, với lòng mến yêu tin tưởng Người gọi Chúa là “Cha”, xin tha cho mình khỏi phải “uống chén ấy” (Xem Mc 14:36), kiểu nói ám chỉ về cuộc khổ nạn cùng cái chết của Người. Người xin Chúa Cha cho giờ ấy qua đi… Nhưng cuối cùng Ðức Giêsu hoàn toàn phó mình cho ý Cha:

“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”

Ðức Giêsu biết rằng cuộc khổ nạn của mình không phải là một biến cố ngẫu nhiên, cũng không chỉ là một quyết định của con người, mà là một dự định của Thiên Chúa. Người sẽ bị người ta xét xử và ruồng bỏ, nhưng cái “chén” là do từ bàn tay Thiên Chúa.

Ðức Giêsu dạy ta rằng Chúa Cha có chương trình thương yêu của Người dành cho mỗi người chúng ta.
Tất cả mọi sự xảy ra, những gì ở chung quanh ta và cả những gì làm ta đau khổ, ta phải biết đọc chúng như ý Thiên Chúa, Ðấng yêu thương ta. Lúc đó mọi sự sẽ có ý nghĩa trong cuộc sống, tất cả mọi sự sẽ rất ích lợi, ngay cả điều lúc này xem ra vô lý không thể hiểu được, cả điều mà, như đối với Ðức Giêsu, có thể làm ta rơi vào một nỗi lo âu chết người.

Chỉ cần là, cùng với Người, bằng một thái độ hoàn toàn phó thác vào tình thương của Chúa Cha, chúng ta biết lặp lại:


“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”

Ý Chúa là sống, là vui mừng cảm tạ Người về những ân huệ ta nhận được trong cuộc sống, đôi khi đó không phải là ý ta muốn, cũng không phải là những tác động đều đều nối tiếp nhau rải rác trong đời ta.

Ý Chúa là tiếng của Người liên tục nói với ta cùng mời gọi ta, là cách thế Người tỏ cho ta tình thương của Người, để ban cho ta sự Sống tràn đầy của Người.

Chúng ta có thể diễn tả ý đó như hình ảnh mặt trời mà những tia sáng là như ý Chúa đối với mỗi người chúng ta. Mỗi người bước đi trên một tia sáng, khác biệt với tia sáng của người bên cạnh, nhưng vẫn luôn luôn đi trên một tia sáng mặt trời, nghĩa là trên ý Chúa.

Vậy tất cả chúng ta làm theo một ý muốn, ý Thiên Chúa, nhưng ý đó đều khác nhau đối với mỗi người. Sau đó khi những tia sáng càng gần mặt trời bao nhiêu thì chúng càng gần nhau bấy nhiêu. Chúng ta cũng vậy, khi ta càng đến gần Thiên Chúa, càng ngày càng chu toàn ý Chúa hơn, thì ta càng tiến lại gần nhau… đến khi tất cả chúng ta nên một.


Khi sống như vậy, trong đời ta mọi sự có thể đổi thay. Thay vì đi đến với người ta thích và chỉ thương yêu những người ấy, thì ta có thể đến với tất cả những ai ý Chúa đặt bên cạnh ta. Thay vì ưa chuộng những cái ta thích hơn cả, ta có thể chấp nhận những cái ý Chúa gợi lên cho ta và ưa chuộng chúng.

“Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”

Giây phút đã qua không còn nữa; giây phút tương lai ta chưa nắm được. Ðiều đó giống như một hành khách trên xe lửa: để đến đích người đó không đi đi lại lại, mà ngồi ở chỗ mình. Cũng vậy chúng ta đứng ở hiện tại. Con tầu thời gian tự nó đi. Thiên Chúa ta chỉ có thể mến yêu trong hiện tại Người ban cho ta, bằng cách ta thưa “vâng” với ý Người, cách mạnh mẽ, hoàn toàn và tác động.

Vậy ta hãy yêu mến nụ cười ta hiến tặng, công việc ta làm, cái xe ta lái, bữa ăn ta chuẩn bị, sinh hoạt ta tổ chức, người đau khổ bên cạnh ta.

Cả thử thách hay đau khổ cũng không được làm ta sợ hãi, nếu, cùng với Ðức Giêsu, ta biết nhìn nhận ra ở đó ý Chúa, cũng như tình thương của Người đối với mỗi người chúng ta. Hơn nữa ta có thể cầu nguyện như thế này:

“Lạy Chúa, xin cho con đừng sợ gì, bởi vì tất cả những gì xảy ra sẽ chỉ là ý Chúa mà thôi! Lạy Chúa, xin cho con đừng ước muốn gì cả, bởi vì không gì đáng ước ao hơn là duy chỉ ý Chúa mà thôi.

Ðiều gì quan trọng trên đời? Ý Chúa quan trọng.

Xin cho con đừng hoảng sợ trước điều gì, bởi vì trong mọi sự đều có ý Chúa. Xin cho con đừng tự mãn vì điều gì cả, bởi vì mọi sự đều là ý Chúa.”

Chiara Lubich
Lm. J B Vượng, chuyển dịch
(trích simonhoadalat.com)

Dành tặng anh - Tình yêu của em

Photobucket


Tình yêu


Là loài hoa nở không cần tiết mùa
Là đất trời nuôi sống thân thể người tình
Là nắng của mùa hè ôn đới
Là lửa của những ngày tuyết rơi mù trời
Là mưa trên ngọn cao thành phố
Là tất cả...

Cũng có khi,

Chỉ là một nhánh cỏ trôi trên dòng lênh đênh..

Và một ngày kết vòng cho đôi chân người thiếu nữ dậy thì
Là vàng ngọc - từ mỏ hầm xa xôi đem về
Kết thành nữ trang đeo trên ngực người đàn bà quý phái...

Đây là đoạn văn của Kahlil Gibran tôi yêu thích từ lâu, trong một cuốn tiểu thuyết vô cùng dễ thương và cảm động mà tôi không còn nhớ tên là gì nữa...

Tôi đã chép tặng duy nhất đoạn văn này cho chồng tôi ...

Thế mà 20 năm sau, bỗng dưng vô tình tôi ghi lại nó trong Album lưu niệm tặng đám cưới của Bình...Có lẽ vì tôi muốn cầu chúc cho Bình và An có một tình yêu thật đẹp, thật nồng nàn, thật đằm thắm

Chàng bảo tôi : " Này em, sao lại thế ? Cái này anh mua bản quyền rồi mà ? "

Nhưng chẳng để tôi phân trần gì cả, chàng nói : " Mà thôi, 20 năm rồi, anh chẳng chiếm hữu nó làm của riêng mãi đâu"

Cám ơn anh thật nhiều, anh yêu

Mẹ chồng - Con dâu

Mẹ chồng, cô chồng, bà cô chồng cùng xuống SG khám bệnh và ở lại nhà tôi. Suốt 18 năm qua, hầu như nhà tôi luôn là địa điểm đón tiếp của khoảng gần 70 thành viên trong đại gia đình bên chồng : từ bà cô, các cô, cha mẹ chồng cho đến các anh chị em chồng, dâu, rể, các cháu chồng (chồng tôi có 10 anh chị em ruột và 30 đứa cháu)

Có người chỉ ở lại dăm ba ngày, có người vài ba tháng, thậm chí các cháu của chồng học Đại Học thì ở dăm ba năm...Chỉ có điều, không phải công sức của tôi lúc nào cũng được ghi nhận, mà có khi la những điều ngược lại khiến tôi buồn lòng không ít.

Nhưng rồi...tôi vẫn chẳng thể từ chối ai, và cuộc sống cứ thế tiếp diễn.


Tôi đọc và nghe rất nhiều tâm sự, suy nghĩ của các bạn trẻ bây giờ về mối quan hệ giữa các bạn và mẹ chồng. Thậm chí, đã có biết bao cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng chỉ vì những rạn nứt, xung đột, bất hoà xảy ra quanh mối quan hệ này, mà hậu quả thiệt thòi là những đứa con.

Mẹ chồng tôi có 6 con dâu, và cô con dâu út đã chia tay với chồng . Bảo là mẹ chồng tôi dễ, cũng không đúng, mà nói là bà khó, cũng không sai.

Khi bà còn trẻ, khoẻ, thì bà luôn la rầy chúng tôi, bởi làm sao chúng tôi có thể bằng được bà khi bà vất vả nuôi một đàn con 10 người khôn lớn ??? Bà chẳng bao giờ hài lòng với chúng tôi bất cứ điểm gì, từ nhỏ đến lớn, từ việc nấu ăn, giặt giũ, rửa chén...cho đến cách tiêu xài, săn sóc con cái...

Bà chẳng bao giờ cho chúng tôi, nhất là các con dâu những lời khuyên bảo ngọt ngào , tình cảm, và sự ân cần. Thời gian đầu mới cưới, mội lần phải vế quê, hay đón mẹ từ Đà Lạt xuống chơi, tôi luôn lo sợ và cảm thấy không thoải mái khi tiếp xúc với bà

Nhưng bạn ơi ! Mẹ chồng, cũng chỉ là một người mẹ, và bạn, dù là con dâu, bạn cũng chỉ là một người con gái thôi

Vậy thì vì sao, mẹ chồng và con dâu không chịu tìm đến tiếng nói chung ???

Rồi tôi và bạn, chúng ta lại cũng sẽ là mẹ chồng, và chúng ta cũng sẽ có con dâu. Bạn có nghĩ đến ngày đó chưa, và liệu chúng ta có dám chắc rằng chúng ta đối xử với con dâu tốt hơn mẹ chồng đối xử với ta không ?

Căng thẳng với mẹ chồng, chúng ta sẽ làm đau lòng chồng, người đàn ông mà chúng ta yêu thương nhất. Bạn và tôi đều hiểu rằng : "anh ấy chẳng thể bỏ mẹ mình được, và anh ấy cũng không thể chọn lựa giữa mẹ và vợ" Mẹ hay vợ, cũng đều là mẹ, một người là mẹ của anh ấy, một người là mẹ của con anh ấy

Tôi yêu chồng tôi. Tôi biết rằng một người đàn ông hiếu thảo với cha mẹ, chắc chắn anh ấy sẽ chẳng bao giờ phụ bạc vợ đâu.

Khi mới lấy nhau xong, mẹ chồng tôi không hể đặt chân đến nhà tôi, mỗi lần bà xuống SG. Bà ở bên nhà dì tôi, và vợ chồng tôi luôn phải chở nhau qua thăm bà. Mời mọc đến mấy, bà cũng không ghé thăm. Bà chẳng hề quan tâm xem chúng tôi thuê nhà ở đâu, cuộc sống chúng tôi ra sao...

Mà lúc ấy, chúng tôi nghèo lắm, trong khi gia đình chồng tôi, cũng không đến nỗi nào. Chỉ vì...chồng tôi là đứa con trong gia đình ít được cha mẹ quan tâm.

Bà lúc nào cũng lạnh lùng, căng thẳng với tôi, có lẽ trong mắt bà, tôi như một cái gai, vỉ tôi là cô con dâu trí thức nhất nhà. Bà e ngại tôi lên mặt với mọi người. Bà sợ các con dâu khác nghĩ rằng bà phù thịnh, chứ không phù suy... Và nhiều điều khác nữa...

Nhưng hôm nay...mọi việc đều khác. Bà cũng chẳng thương yêu tôi hơn hẳn các con dâu khác đâu, nhưng bà rất thích sống cùng vợ chồng tôi. Tại gia đình tôi, bà luôn cảm thấy thoải mái, được săn sóc, được thương yêu, và ngoài nhà của ông bà, thì nhà tôi là nơi bà có thể lưu lại lâu nhất

Làm như thế, bạn có thấy mình bị thiệt thòi không ? Không đâu, bạn à. tôi luôn tâm niệm rằng : "Gái có công, chồng chẳng phụ". Mà được phụng dưỡng cha mẹ, là cái phúc của chúng ta. Cha mẹ có đông con thật, nhưng chỉ có vài người được chọn để lo lắng, hầu hạ, cơm bưng nước rót cho cha mẹ thôi. Nếu bạn ở xa, nếu bạn có những hoàn cảnh khác nhau, để bạn không thể gần gũi cha mẹ được, nghĩa là bạn đã không được chọn, và chính bạn mới là người thiệt thòi chứ không phải tôi

Các con tôi, chúng luôn luôn quen với cảnh nhà đông người, chúng sẽ có đông anh em, bạn bè để chơi, chúng có những tình cảm họ hàng gắn bó, thân thiết. Còn chồng tôi... anh ấy luôn cám ơn tôi đã gắn bó cùng anh trong suốt cuộc đời này

Ai đặt tên cho con ?

Photobucket

Con chào đời, đôi khi không chỉ cha mẹ đặt tên cho con mà là cả họ. Cũng không phải đợi lúc con ra đời mới lo đặt tên, mà tên con đã được nghĩ đến khi con mới tượng hình.


Bố hỏi mẹ thích đặt tên con là gì ? mẹ bảo nếu là con gái, mẹ thích tên Khanh, Khánh, Khuê...còn con trai, mẹ thích tên Khôi, Khiêm...Chẳng hiểu sao, mẹ thích tên có vần K đến thế, có lẽ vì vần K là vần giữa, con sẽ đỡ thiệt thòi sau này khi đi học, đi thi như vần đầu hay vần cuối. Kinh nghiệm bản thân cho mẹ thấy là như vậy

Rồi con chào đời...Tên Khanh thì có rồi, nhưng cái gì Khanh nhỉ ? Ngọc Khanh à ? Nghe cũng được, nhưng mẹ chưa thích lắm. Dì Út bồng con lên nói : "Thôi, đừng Ngọc Khanh, em thích Bảo Khanh hơn". Bảo Khanh, cái tên hay thật, dì Út quả là tuyệt quá. Mẹ ưng ý ngay. Ông ngoại nói : "Ở Hà Nội có tiệm vàng gần nhà tên Bảo Khanh". Chắc ông ngoại mong rằng sau này cháu gái có cuộc sống an nhàn, quý phái đây

Bố ra phường làm khai sinh cho con...Anh thư ký phường chắc là người Nam nên không phân biệt được dấu hỏi, ngã hay sao mà lại đổi tên con là : "Nguyễn Bão Khanh" vào khai sinh. Bố mẹ cũng chẳng để ý, cho đến khi con lên lớp 5, thi tốt nghiệp tiểu học, bố mẹ mới vỡ lẽ rằng tên con không phải là Bảo Khanh như bố mẹ đặt

...mà là...Bão Khanh, và chính anh thư ký phường là người đặt tên cho con...!!!

Thư bố gửi con

Gởi con của bố,

Hai bố con đã cãi vã với nhau. Con đã rất bực tức và bố cũng thế. Bố đã mất bình tĩnh, thế là hai bố con ta to tiếng với nhau. Con biết đấy, rốt cuộc là la hét chẳng giúp ích được gì ngoại trừ làm cho mọi thứ đều trở nên tồi tệ hơn.

Bố rất vui khi tối qua con đã đến và xin lỗi bố. Điều đó bố biết không dễ dàng chút nào, đặc biệt là khi ai cũng nghĩ rằng mình đúng.

Bố cũng xin lỗi con. Bố đã sai khi mất bình tĩnh như thế. Con biết đó, làm một điều sai thì rất dễ dàng, nhưng lấy lại điều sai đó thì vô cùng khó. Bố cũng cảm thấy rất khó khăn khi nói xin lỗi con, con trai. Nhưng bố thật mừng vì cuối cùng bố cũng đã xin lỗi.

Có lẽ con không biết đâu, khi con nổi nóng bố cảm thấy như mình mất hết quyền lực. Bố sợ hãi! Bố không còn điều khiển được cảm xúc nữa. Hoặc là bố phải đấu tranh, hoặc là bố phải trốn chạy. Bố đã chọn cách thứ nhất.

Nói lời xin lỗi quả khó thật, nó cưỡng lại quy luật tự nhiên về lòng tự ái của con người. Ai cũng luôn nghĩ là mình đúng, trong khi xin lỗi nghĩa là công nhận mình sai. "Xin lỗi", nó cần một sự thay đổi trong tư tưởng, cần phải chấp nhận rằng mình đã sai, cần sự nhún nhường, nghĩa là khước từ những gì mình đã nghĩ trong đầu trước đó.

Nhưng xin lỗi cũng có cái hại của nó, vì đã xin lỗi rồi thì khi khác, nếu trường hợp y như thế này lại tái diễn thì lời xin lỗi không còn chút giá trị gì hết. Nhưng bố biết rằng xin lỗi là đúng đắn. Bố và con phải rút kinh nghiệm, phải làm thế nào, cư xử thế nào trong tương lai. Và vì vậy hai bố con phải quên đi những lỗi lầm của nhau. Hai bố con không thể mang cái sai trong suốt hành trình còn lại của đời mình.

Bố rất vui, con trai, con đã đến xin lỗi bố và cho bố cơ hội để xin lỗi con. Hai bố con đã cho nhau cơ hội để tha thứ lẫn nhau, để cả hai bố con mình biết: Bố yêu con như thế nào và con cũng yêu bố đến mức nào.

Bố của con,

Đây là bức thư của một người bố gửi một người con sau cuộc cãi vã. Có thể bố mẹ không nói lên thành lời như thế này, nhưng hãy tin rằng trong đầu bố mẹ luôn có một bức thư tương tự như thế. Mỗi khi bạn quá buồn bã và bị tổn thương vì những lời nói của bố mẹ trong lúc giận dữ, hãy đọc bức thư này để xoa dịu lòng mình... Để biết rằng cha mẹ thương yêu chúng ta biết bao nhiêu!

Sưu tầm

Nói chuyện với con trai 9X

Con à, cho dù đây không phải là bài viết của ba mẹ, nhưng mẹ thấy bài viết này hay quá, và cũng chính là những tâm tư, tình cảm của ba mẹ dành cho con, nên mẹ chép vào Blog, con sẽ đọc chứ ? Con trai yêu


Hosted by RockYouPhotos.com

Con trai!

Lâu rồi bận rộn bao nhiêu chuyện cuộc sống, không có thời gian để mấy cha con ta nói chuyện với nhau. Thật ra thì cha vẫn cứ nghĩ, các con vẫn bé nhỏ của thời khăn quàng đỏ, vẫn vô tư nũng nịu đòi quà. Hôm qua, thấy con chải đầu làm dáng trước gương, mới chợt nhận ra, các con đã lớn. Hết hè này thì cả hai đứa đều đã vào lớp 11, các con đang ở cái tuổi nhạy cảm với những tác động của cuộc sống. Luôn muốn tự khẳng định mình, có thừa nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng lại chưa đủ có những trang bị cần thiết cho cuộc sống.

Tuổi các con hiện nay củng đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí- teen 9x. Dạo quanh những tờ báo trên mạng, đọc những bài viết về lứa tuổi các con cha cảm thấy xốn xang. Cái xốn xang của bậc làm cha mẹ khi thấy những đứa con của mình bỗng chốc không còn nhận ra nữa. Cái xốn xang của một con người, của một công dân khi nghĩ về tương lai đất nước. Nhưng thôi chuyện đó lớn lao quá, rồi cũng sẽ có người gánh lấy trách nhiệm thôi. Cha chỉ là một người cha bình thường, hôm nay cha chỉ muốn nói chuyện với các con một vài điều về những tháng ngày tới của con. Có thể hôm nay con chưa lĩnh hội hết được những điều cha nói, nhưng không sao hãy giữ lấy nó, rồi một ngày trên bước đường đời, con sẽ tự chiêm nghiệm được những điều mà ngày hôm nay con chưa thấu đáo.

Con trai! Điều đầu tiên mà cha muốn nói với hai con ( đó cũng là lý do mà buổi nói chuyện cha đã không gọi em gái con) đó là việc các con cần ý thức được vai trò, trách nhiệm của một người đàn ông trong xã hội cũng như trong gia đình. Hiện nay mặc dù người phụ nữ đang được khuyến khích bình đẳng như nam giới, nhưng cho dù có sự bình đẳng nhất định nào đó giữa chồng và vợ trong quan hệ gia đình, thì con với tư cách là một người đàn ông, một người chồng, người cha vẫn phải là trụ cột vững chắc cho mái ấm của mình. Con có đủ vòng tay rộng để che chở? Con có đủ vững chắc để người khác nương tựa? Con có đủ tài năng để tạo cho mình một đời sống hạnh phúc không? Điều này tuỳ thuộc vào việc con có cố gắng rèn luyện, học hỏi xây dựng cho mình một bản lĩnh sống hay không. Chính các con chứ không ai khác chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Ngày mai hạnh phúc hay khổ đau tuỳ thuộc vào việc hôm nay con sống rèn luyện ra sao." Rễ của sự học tập thì đắng, nhưng quả của nó thì ngọt " (Cha nhớ không chính xác lắm). Hãy chịu khó học hỏi những điều gì ta có thể học được, đừng để mọi thứ trôi qua . Các con đang ở lứa tuổi mà lửa nhiệt huyết luôn âm ỉ cháy trong người, hãy luôn giữ gìn và thắp sáng nó trên con đường mưu cầu hạnh phúc của mình.

Hình ảnh: Tác giả bài viết (st)
Hiện nay với sự phát triển của cuộc sống, các con có quá nhiều những điều kiện để có thể học tập, rèn luyện, thực hiện những ước mơ của mình. So với thời của cha ngày ấy ( không biết ta có thể gọi là 6x được không nhỉ) có gì đâu để mà chọn lựa. Tuy nhiên, có quá nhiều thứ như thế cũng sẽ dễ làm các con phân vân, không biết phải chọn cho mình con đường nào. Cái gì cũng thích, cái gì cũng muốn biết. Điều này cũng bình thường thôi con trai ạ, khi ở tuổi các con, chúng tôi cũng thế, chỉ sợ một điều là con không thích gì cả. Cứ mạnh dạn lên, đừng ngại ngần, con có thể thử sức mình ở nhiều lĩnh vực. Biết nhiều thứ trong đời sống cũng là điều tốt, nó giúp ta dễ thích nghi khi phải thay đổi môi trường làm việc. Nhưng con sẽ chẳng làm nên được điều gì nếu con chỉ biết mỗi thứ một tí, vì vậy con phải có con đường đi của mình. Điều này chỉ có thể trông mong vào chính con, chỉ có con mới hiểu mình thích gì, mình làm cái gì tốt nhất để từ đó các con chọn cho mình một hướng đi phù hợp nhất với chính bản thân mình. Đừng vội vã, hấp tấp, hãy nghĩ suy lựa chọn bằng chính sự đam mê của trái tim, và sự trăn trở của lý trí. Cha tin rằng không khó để các con có thể tìm ra con đường của bản thân mình.

Khi đã có con đường của mình rồi thì đừng do dự, hãy mạnh dạn tiến bước. Có thể con đường mà con chọn có nhiều gập ghềnh khúc khuỷu, hoặc trước con chưa từng có ai đi, chuyện ấy thì có hề gì cơ chứ, trên trái đất này làm gì có đường, người ta đi riết thành đường - cha nhớ không lầm là Lỗ Tấn đã nói như vậy. Biết đâu con trở thành người tiên phong mở ra một con đường không chỉ cho mình mà còn cho người khác. Có một điều con cũng cần nên hiểu, cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẽ như mong muốn của mình. Có thể các con không thu hoạch gì hết khi đến cuối con đường, đừng nản, đó chẳng qua là học phí cho những kinh nghiệm sống thôi mà, và rồi các con sẽ tìm được điều mình cần tìm thôi, dĩ nhiên là con phải có một sự cố gắng nhất định, cơ hội không bao giờ tự tìm đến với người không cần nó. Con đường mà các con chọn cho mình nó sẽ gắn liền với cuộc đời của con. Mọi vui buồn, vinh nhục hay thành bại của các con đều ở trên chính con đường đó. Vì vậy, hãy biết nghĩ suy một cách có trách nhiệm với chính cuộc đời mình, cuộc sống không có chỗ cho những hối tiếc đâu con trai ạ!

Hình ảnh: Deviantart.com
Bây giờ con đã chọn cho mình một con đường, vậy thì mạnh dạn lên, bắt đầu cho một hành trình cuộc sống. Hãy ghi nhớ, cuộc sống là của con vì thế đừng đi trên con đường của mình bằng đôi giày mượn của kẻ khác. Mượn rồi phải trả, đó là quy luật, lúc ấy con chẳng còn lại cái gì là của con hết. Bằng chính đôi chân của mình con mới cảm nhận hết được những gập ghềnh khúc khuỷu của con đường, các con mới có thể có những bước chân vững chắc, không do dự dù rằng con đường phía trước nhiều ổ gà. Khi còn là học trò con có thể mượn điểm của bạn bè từ việc coppy bài, nhưng khi con bước vào đời sống thì con chỉ có thể sống bằng chính khả năng của mình. Sự giúp đỡ của người khác chỉ là vô nghĩa nếu như con không thể tự thân vận động.Vì vậy trên bước đường đời đừng mãi rong chơi theo hoa thơm cỏ lạ, để rồi ở cuối con đường các con chẳng có gì hết ngoài việc đánh mất đi những ước mơ, những khát vọng của một thời. Khi đã có một mục đích, một hướng đi đã chọn, hãy biết kiên trì nhé. Ngày qua ngày, hãy như chú ong xây tổ , như chú kiến tha mồi, quan sát, lắng nghe và học hỏi cuộc sống quanh ta. Nhà phát minh vĩ đại Edison đã nói " Thiên tài là 99% lao động cần cù cộng với 1% thông minh sẵn có", thiên tài còn tốn đến 99% thời gian lao động, còn chúng ta, các con nghĩ chúng ta phải thế nào? Luôn học hỏi, nâng cao năng lực của bản thân từ chuyên môn đến những vấn đề về cuộc sống. Từng ngày qua các con sẽ làm đầy thêm hành trang của mình bằng những hiểu biết, và chính những thứ ấy là chìa khoá để con mở được cánh cửa ước mơ của mình, là công cụ để con đạt thành ước vọng. Hãy nhớ lấy điều ấy, đừng bao giờ đặt một điểm dừng cho việc học, rồi con sẽ được đền đáp. Cuộc sống rất công bằng, hãy vươn lên bằng ý chí, nghị lực của mình, cha tin rằng các con sẽ nhận được những sự đãi ngộ từ cuộc sống.

Còn một điều cha rất mong các con ghi nhớ, sự thành công của một con người không chỉ ở yếu tố tài năng, mà sự rèn luyện đạo đức cũng là một phần không thể thiếu được. Hãy sống chân thành và rộng mở tấm lòng với mọi người, các con sẽ nhận biết được giá trị đích thực của con người và cuộc sống. Trên con đường ta đi, còn gì buồn hơn khi ta chỉ là kẻ lử hành cô độc, xung quanh ta "đôi tay nhân gian chưa hề độ lượng". Hãy chìa tay ra với một sự chân thành, con sẽ có được những bạn đồng hành có thể sẻ chia, giúp nhau trên bước đường hướng tới tương lai (dĩ nhiên cũng sẽ có nhiều những “Lý Thông” cản đường đấy). Hãy an tâm rằng cuộc sống vẫn còn rất nhiều chỗ cho người tốt, quan trọng là con có phấn đấu để trở thành một trong số họ không. Không só việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, khi ta làm điều gì bằng chính cái tâm của mình ắt sẽ có kết quả tốt.

Bây giờ hãy đứng lên và bước đi, có thể con đường con sắp chọn sẽ lắm chông gai và gập gềnh


khúc khuỷu, hãy mang theo một niềm tin như cha vững tin "chân cứng, đá mềm".

Gửi từ Blog Spot Cuộc sống và… Tôi - Nguyễn Hoàng Nam :Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người...còn cuộc đời ta cứ vui”

Nhìn con gái lớn, mẹ thấy lo...

Con gái của mẹ tròn 17 tuổi và đã bước qua tuổi 18 được hơn 1 tháng. Con dang ở vào lứa tuổi đẹp nhất , tươi vui nhất và...nếu như ngày xưa là có thể lấy chồng rồi.

Thế mà, mẹ vẫn thấy con còn nhỏ dại lắm, mẹ vẫn nhớ gần như thuộc lòng cảm giác từ khi con tượng hình trong bụng mẹ thế nào, sinh con ra sao, và từng năm tháng con lớn lên, chập chững đi học mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, rồi bây giờ, là năm cuối cấp 3.

Bố mẹ thường đùa vui con là con ghẻ của mẹ, mẹ ruột của con đã chết khi con mới lọt lòng...Con vùng vằng không thích, nhưng con đâu biết rằng chính điều này đã từng có lúc khiến mẹ đau lòng không ít. Đó là ý nghĩ dại khờ của con mà, đúng không ? Con luôn chống đối mẹ, con luôn tạo khoảng cách xa rời mẹ, và...con luôn cho rằng, mẹ không thương con như Duy hay bé Nhí.

Trong khi đó, con đâu biết rằng, con mới chính là đứa con bố mẹ chờ đợi và mong ước. Đám cưới xong được 2 tháng, mẹ vui mừng báo tin cho bố là có con rồi.

...Con so, mẹ còn quá thiếu kinh nghiệm, nếu không nhờ on Trên, có thể cả mẹ và con đều đã chết ngay trong đêmcon ra đời Bác sĩ phải can thiệp bằng Forcep để kéo con ra ngoài, nên đầu của con móp méo lắm, còn mẹ lịm ngay trên bàn sinh không biết gì nữa cả. Phải khoảng 4 tiếng sau, mẹ mới hồi tỉnh trong cái đau đớn tột cùng của cơ thể, từng khúc xương như muốn rụng rời ra ngoài, miệng khô, cổ đắng và lạnh run cả người

Bố đón mẹ con mình về nhà, tôi nghiệp bố, bố vừa đi chợ, nấu cơm, giặt giũ tã lót, tắm con...mọi việc đều tự tay bố chăm sóc vợ con. Con tròn 1 tháng, chị Thu bước vào gia đình mình.

Photobucket

Con được 3 tháng, mẹ biết là sắp có em Duy

Dĩ nhiên, nếu nói rằng mẹ không mong đợi em Duy là không đúng, nhưng thực sự, lúc ấy, bố mẹ chưa chuẩn bị để đón nhận...và bố mẹ đã phải chật vật, vất vả rất nhiều mới vượt qua giai đoạn này

Bố mẹ cũng không ngờ có thêm bé Nhí, sau một thời gian dài rảnh rỗi, các con khôn lớn, bố mẹ nhận chị Thu làm con nuôi, gia đình mình đã khá đông. Mẹ có Nhí, mẹ phải làm lại từ đầu, nuôi con thơ, bao dự định, công việc bị đình lại, nên cảm giác mệt mỏi, buồn chán hầu như luôn luôn xuất hiện...

Mẹ nói thế, để con hiểu là con đã được bố mẹ thương yêu, mong đợi hơn các em rất nhiều

Con cứ nói là chị Thu thương con không bằng bé Nhí, nhưng mẹ hiểu, chị Thu yêu thương tất cả các con như thế nào. Tấm lòng chị Thu đối với gia đình mình lớn lắm, nếu sau này chị Thu không lập gia đình, thi mẹ mong rằng tất cả các con phải nhớ ơn chị và yêu thương chăm sóc chị lúc chị già yếu, bệnh hoạn, nghe không ?

Con đừng nghĩ rằng, cả bố, mẹ, chị Thu không hiểu con, chính vì bố mẹ rất hiểu con, nên bố mẹ muốn con cần biết "khép kín" một chút, những những nỗi niềm, tâm trạng của con ra sao, mẹ vẫn luôn quan tâm theo dõi. Bố mẹ vẫn ở bên con, và mãi luôn ở bên con trong suốt cuộc đời con

Con gái lớn rồi, không phải việc gì cũng cần nói hết ra ngoài ngay lập tức, mà ngược lại, nên biết giữ kín lại, suy nghĩ nhiều hơn, sau một thời gian, cái gì có thể quên, nên quên ngay, con à. Cái gì cần nói, mình bình tĩnh lại, nói sẽ hay hơn và khi đó, người ta lắng nghe mình nhiều hơn, và con sẽ có nhiều bạn gần gũi với mình hơn

Con đã rất cố gắng làm vui lòng bố mẹ, bố mẹ hiểu hết. Con càng khôn lớn, xinh đẹp hơn, duyên dáng, học giỏi bố mẹ vừa mừng, vừa lo. Nhưng trên hết tất cả, tình tương dành cho con không bao giờ cạn, và bố mẹ muốn con tin rằngkhi nào con gặp khó khăn, buồn chán, hãy tìm đến bố mẹ, chị Thu để được chia xẻ, được thương yêu, con nhé

Món quà nhỏ cho các con

Sắp đến ngày 13/09, kỷ niệm 18 năm, bố mẹ lập ra cái gia đình nhỏ bé của mình và có các con. Mẹ có chút quà nhỏ cho mấy đứa nhé.

Theme Blog của mẹ đơn điệu quá, các con nhỉ.

Mẹ sẽ thay đổi, đầu tiên là dành tặng cho bé con một vườn hoa rực rỡ

Từ từ, mẹ sẽ tham khảo thêm cách đưa các Theme phong cảnh đẹp khác vào Blog, chứ hiện giờ, khả năng của mẹ chỉ làm được cái có sẵn. Bé con thăm vườn hoa của mình đi nhé

Những điều ba mẹ ước mong được gửi gấm tại đây cho Kyo, con trai của ba mẹ

Con gái đầu lòng vốn yêu thích Sử, chắc giống mẹ. Con hay nói :"Sao mẹ toàn chép vào Blog Sử đời Trần không thế ?". Ừ, chẳng phải vì mẹ họ Trần mà thích sử đời Trần đâu, mặc dù mẹ rất hãnh diện được làm con cháu Đức Trần Hưng Đạo

Còn nhớ hồi đi học, trong giờ học Sử của cô giáo Trương Mỹ Nam bảo : Trong lịch sử dân tộc, nhà Trần là một thời đại oanh liệt và hùng mạnh nhất. Điều đặc biệt là con cháu họ Trần dù la hoàng thân quốc thích, hoàng tử hay công chúa, đều rất giỏi và anh dũng hy sinh không tiếc thân mình.

Tuy vậy, họ Trần cũng bị chỉ trích khá nhiều, và mẹ yêu thích cái bi hùng của các nhân vật lịch sử đời Trần từ Chiêu Thánh công chúa, đến Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, từ Trần Hưng Đạo, đến Trần Thủ Độ, rồi An Tư công chúa, Huyền Trân công chúa..., nhiều vô cùng không thể kể hết.

Tất cả như những bản tình ca anh hùng, và cũng không kém phần đau đớn...Thế nên, các con đường trong thành phố mang khá nhiều các danh nhân lịch sử, anh hùng đời Trần

Mẹ tặng Bảo Khanh lịch sử đời Trần, con đọc để hiểu rằng học và yêu nước sử ta như thế nào cho đúng...Con sẽ cảm nhận được sử VN còn hay hơn gấp bao nhiêu lần mấy bộ phim Trung Quốc nói về Càn Long, Khang Hy hay Từ Hy TháiHậu, Võ Tắc Thiên...đấy

Thế nhé, bây giờ đến Thu

Bố mẹ không biết nói gì với con, con bước chân vào gia đình 17 năm, con sống với bố mẹ,chăm sóc các em, ông bà, họ hàng nội ngoại...không nề hà, không tiếc công sức, không tính toán hơn thiệt...
Bố mẹ xin lỗi con, nếu có những lúc bố mẹ vô tâm, chỉ trao công việc, trọng trách cho con, mà không nghĩ đến con đã hy sinh quá nhiều thì giờ, công sức cho gia đình

Bố mẹ cám ơn con, và bố mẹ sẽ thay đổi, từ đây, bố mẹ sẽ quan tâm đến con hơn nhé

Nhìn các con quây quần xung quanh bố mẹ, bố mẹ chỉ mong gia đình ta mãi mãi hạnh phúc và thương yêu nhau. Và các con hãy nhớ, tất cả phải yêu thương và chăm sóc chị Thu nhé

Photobucket Image Hosting

Bé con có kính mới

Cuối cùng, cũng không thể chần chờ thêm nữa, phải dắt bé con đi cắt cặp kính khác.

Hôm qua, bé con đi học về, mếu máo khóc, vì đánh rơi kính và đã bị bạn khác dẫm lên bể nát mất rồi. Bé con lấy từ trong cặp ra nửa còn lại nhặt được, để lên bàn và xin lỗi bố mẹ rối rít.
...Thương ghê.

Lúc nào bé con của mẹ cũng lo lắng và trầm tư trước tuổi. Hay tủi thân và khóc nhè. Sao vậy nhỉ ?
Bố mẹ tiễn bác xơ ngoài phi trường xong, vội vàng chở bé con ra chú Thuận, cô Hằng.

Bé con với cặp kính mới, gương mặt trái xoan trông rạng rỡ hẳn lên.
...Dễ thương quá. Cũng may, kịp buổi học chiều cho bé con

Bé con ơi, hãy hồn nhiên và tươi vui lên, tuổi của con chỉ nên ăn, ngủ, học cho tốt, vâng lời ba mẹ, anh chị.
Chỉ bấy nhiêu thôi, bé con đã xứng đáng là con gái ngoan của mẹ nhiều lắm rồi, nghe con

Cá cược với con gái

Con gái co thói quen nói chuyện điện thoại đường dài với bạn trai. Bố mẹ khuyên hoài, nhưng không nhớ, cứ cầm ống nghe lên là quên hết thì giờ. Mỗi tháng, cầm Bill điện thoại, mẹ buồn kinh khủng

Bố hay nhâm nhi mỗi tối vài ba ly rượu nhỏ trước khi ăn cơm. Đôi ba lần, bố bảo sẽ chỉ uống vào tối thứ bảy, nhưng cũng là thói quen, bố lại quên ...giống con gái

Trưa hôm qua, bố và con gái giao kèo với nhau : con gái chỉ gọi điện thoại vào tối thứ bảy khoảng 15 phút thôi. Còn bố, cũng chỉ tối thứ bảy, bố mới uống rượu

Chưa biết ai sẽ vi phạm, chắc con gái quá ? Tuy thế, mẹ cầu chúc cho cả 2 bố con cùng vượt qua đợt thử thách này, vì mẹ là người có lợi nhất...

Nghĩ về tương lai của các con

Cách đây một tháng, thày Trấn nói với mẹ rằng : " Thày trách em nhiều lắm, vì sao em không đầu tư cho con em đi du học ? Thằng Duy học tốt lắm, em có thể nhờ nó được đấy, nó mà là con thày, thày cho nó đi từ khi học lớp 6, lớp 7 rồi..."

Rồi bố xuống Cty Minh Hiển Đạt, về nhà, bố nói : "Anh gặp con gái ông Giàu về nghỉ hè, anh chợt nghĩ sao mình không cho con mình đi du học hả em ?"

Mẹ chat với má Na, má Na cũng nói : "Cháu anh Đường đi du học ở Thuỵ Điển, toàn bộ học phí và sinh hoạt phí mình đều được cho, sao D không tính chuyện cho các con đi du học ?"

Ai cũng đặt vấn đề du học...Nhưng bố mẹ thật sự khó nghĩ, một phần vì tiền bạc, nhưng hơn hết, có thể bố mẹ chưa chuẩn bị tinh thần cho các con sống tự lập, xa gia đình

...Mẹ đọc tâm sự của con trai, mẹ càng suy nghĩ nhiều hơn. Mẹ nhớ đến chính mẹ ngày xưa.

Nếu SG chưa giải phóng, chắc chắn mẹ sẽ cầm chắc một suất học bổng đi du học, nếu đậu Tú Tài loại Ưu hay Bình, và điều này không khó với sức học của mẹ, thêm vào đó, là địa vị xã hội của ông ngoại nữa. Ông ngoại cũng chuẩn bị cho mẹ một con đường mặc dù điều ấy không thành hiện thực

Sau đó, mẹ cũng đạt kết quả thi ĐH với số điểm cao để lấy học bổng du học nhưng rồi chính lý lịch lại cản trở bước đi của mẹ...

Thôi thì, đời mẹ xem như đã xong, những gì mẹ chưa làm được, mẹ giao lại cho các con của mẹ nhé

Duy hỏi mẹ : Ba mẹ có thực sự muốn con đi du học không ?

Mẹ đã trả lời cho con rồi, chưa bao giờ, mẹ cảm nhận được chuyện du học nó nằm trong tầm tay của con đến như thế.

Khi Bia bước vào lớp Kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp, mẹ bỗng khám phá ra thật nhiều hướng đi cho tương lai của con, thật rộng mở, thật tươi sáng,

Mẹ đặt tất cả kỳ vọng và mong ước của mình cho tất cả các con, nhưng không vì thế, mà trách nhiệm của con nặng nề đâu, con đừng quá lo lắng.
Trước mắt, con chỉ cần cố gắng cho điểm số các môn thi Toán, Lý , Hoá, Anh văn trong bảng điểm thật đẹp, con ít chú trọng việc này lắm, học bạ lớp 10 của con không đúng với sức học của con chút nào cả

Có thể đến năm của con, sẽ bỏ thi ĐH, việc tuyển sinh căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp phổ thông và kết quả 3 năm học cấp 3, nên bố mẹ chỉ muốn nhắc con cẩn thận hơn trong năm học này

Con cần luyện thêm Anh văn, con thấy đấy, Bia đạt 325 điểm khi làm bài thi Toeic không mấy kho khăn, thậm chí các bạn của Bia còn đạt điểm cao hơn Bia, có bạn đạt 550 điểm, nghĩa là bằng kiến thức học phổ thông bình thường, chưa luyện thi gì nhiều, con cũng có thể đặt một chân vào kỳ thi Toeic, hay Toefl rồi. Dĩ nhiên, theo nguyện vọng của con, mẹ sẽ cho con theo học thêm các lớp luyện thi mà.

Mẹ rất tin tưởng con trai của mẹ, giả sử, con chưa đi du họ cđược ngay khi thi ĐH, cũng không sao, cơ hội học lớp kỹ sư CLC cũng là du học tại chỗ, con à, và còn rất nhiều cơ hội khác cho các năm sau đó. Cứ cố gắng làm hết sức mình, đấy mới chính là điều mẹ muốn nói với con nhiều nhất

Bàn về việc học thêm của con gái

Con gái của mẹ bước vào năm thi đầy căng thẳng...Hầu như thời khoá biểu của con dày đặc lịch học và học thêm.

Này nhé :
- Buổi sáng : từ thứ hai đến thứ bảy từ 6 giờ 30 ra khỏi nhà đến 12 giờ 15 mới về cho các buổi học chính khoá tại trường
- Buổi chiều : Chiều thứ 2 học Thể dục, chiều thứ 3, 5, 7 từ 16giờ đến 18 giờ 30
- Buổi tối : Hầu như các buổi tối, tối thứ 2 học Hoá tại nhà, tối thứ 4 và thứ 6 học tăng tiết từ 16 giờ 30 đến 20 giờ 30. Tối thứ 3, 5, 7 học Toán thày Trấn từ 19 giờ đến 22 giờ

Thế mà con gái còn xin học thêm Hoá vào buổi chiều thứ bảy và chiều CN. Thì giờ đâu để con làm bài tập ở trường và các bài tập ở lớp học thêm nữa hả con ?

Bố mẹ quyết định không cho con học thêm gì nữa, ngoài học các buổi tăng tiết ở trường và học thày Trấn. Như vậy, con chỉ còn các buổi chiều từ thứ 3 đến thứ bảy để học bài, làm bài ở trường từ 14 giờ đến 16 giờ 30 thôi, đúng không ?

Con nói ba mẹ khác ba mẹ của các bạn con quá, con còn nêu rất nhiều lý do, ý kiến có vẻ như các bạn của con cho rằng ba mẹ thất kỳ khôi

Mẹ chỉ muốn nói với con thế này : Ăn nhiều quá, cũng bội thực, không tiêu hoá nổi, con à. Con đi học nhiều quá, mà không có thì giờ ôn lại những gì mình đã học, thì không thể có hiệu quả đâu con. Trong cuộc thi chạy đường trường, người ta chỉ tăng tốc lúc ở chặng đua cuối, gần về đích, còn ở giai đoạn đầu, người ta chỉ chạy chậm thôi, để dưỡng sức. Con tăng tốc quá nhiều ngay đầu năm học thế này, mẹ e rằng đến ngày thi, con gục mất thì chưa chắc tốt nghiệp được phổ thông chứ nói gì đến thi ĐH ???

Bố mẹ chỉ muốn con giữ gìn sức khoẻ, quan trọng là con cố gắng hết sức mình, học đâu, hiểu đó, dù học ít hay nhiều. Nếu con thi ĐH, chỉ cần con đủ 15 điểm, nếu không đậu ĐH, bố mẹ cũng không buồn phiền gì con hết. Bố mẹ sẵn sàng nuôi con học luyện thi lại, chừng đó, con chỉ cần học tập trung các môn chính, và biết đâu, luyện thi lại, con còn cơ hội đậu cao, lấy học bổng đi du học chung với em Duy không chừng...

1 năm sẽ không là gì, nếu chỉ biết dừng lại một chút để chuẩn bị cho con đường tiến xa hơn nữa của mình, con gái à. Con hãy yên tâm, đừng quá lo lắng và căng thẳng trong năm thi này nhé

Họp PHHS - Một vài suy nghĩ

CN vừa rồi, mẹ đi họp PHHS cho con trai...Một buổi họp đầu năm, đúng ra chưa có gì nhiều để nói, để suy nghĩ

Nhưng đối với mẹ, đây là lần đầu tiên mẹ có một tâm trạng hoàn toàn mới mẻ khác hẳn những lần đi họp trước, từ sau những quyết tâm học tập cùng những thay đổi trong tư duy của con.

Mẹ còn nhớ...những năm con học cấp 1, mẹ hãnh diện sung sướng biết bao khi gặp các PHHS khác tấm tắc khen ngợi con trai của mẹ...Liên tục những năm cấp 1, con đón nhận hầu hết bằng khen, bảng danh dự, các phần thưởng từ học sinh giỏi toàn diện với thứ hạng cao nhất, đến học sinh giỏi Tin học, học sinh giỏi Anh văn.

Đặc biệt, năm con học lớp 4, con được giải II Lê Quý Đôn cấp quận



Và lớp 5, con đạt giải III học sinh giỏi cấp thành phố, giải III Lê quý Đôn cấp quận.



Ngày bố mẹ đi dự lễ phát thưởng cho con tại trường và sau đó la buổi phát thưởng của Phòng giáo dục quận tại công viên Đầm Sen, mẹ đã hỏi Duy rằng : "Liệu năm sau, Duy có cho mẹ vào Đầm Sen như thế này nữa không ?"




Photobucket

Duy gật đầu hứa với mẹ, nhưng mẹ biết, con chỉ muốn làm vui lòng mẹ, chứ bản thân con, con không thèm, không cần những phần thưởng này.

Con đã sống và học tập gần như không có ước mơ chính đáng nào cả. Con chỉ cần cô bạn dù đứng nhất lớp, nhưng vẫn phải nể phục con, vẫn phải gọi con là papa là đủ. Một mình con, khi đi thi, con có thể chỉ bài cho các bạn bên cạnh để rồi chính điểm số của con không phải là con số 9,10 thì đối với con việc đó cũng không sao cả

Cấp 2 hoàn tất, con vẫn là học sinh giỏi liên tục từ lớp 6 đến lớp 9, nhưng bố mẹ không còn dịp đi cùng con vào những buổi lãnh thưởng chung của quận nữa. Thực ra, bố mẹ chẳng cần đâu các buổi lãnh thưởng này, cái mà bố mẹ buồn chính là con chưa học bằng hết khả năng của con

Năm học này, mẹ vui lắm. Nghe các bậc PHHS khác bàn tán về chuyện học thêm của con mình, mẹ lại thêm hãnh diện, vì con trai của mẹ có nhiều khả năng đặc biệt lắm. Có người đề nghị tăng cường học tăng tiết thêm các môn Toán, Lý, Hoá...mẹ lại nghĩ đến con, con tự học một mình, và tham gia các diễn đàn về Hoá, về Anh văn để tìm người giải đáp các khó khăn của con

Mẹ nghĩ về thời khoá biểu của con, mỗi ngày, con ngồi luyện nghe Anh văn trước máy vi tính, và luyện dịch bài cho trang Game4 để kiếm thêm tiền gởi mẹ để dành cho con học hè...Mẹ cũng nghĩ đến các quyển sổ tay của con, tóm tắt các công thức cần thiết để dễ dàng ôn tập...

Mẹ thương con nhiều lắm, con trai của mẹ. Hôm nay, mẹ đã mua cho con bộ luyên thi Toefl, bắt đầu từ mức độ Beginning...Đúng ra, một bộ sách có giá trị như thế, mẹ sẽ để làm quà Noel cho con hay có dịp nào đó khen thưởng con, nhưng mẹ nôn nao quá, mẹ muốn cho con liền, để ngày mai, con bắt đầu có thể luyện nghe, luyện đọc, nói và viết. Vậy thì, mẹ thưởng con đây, phần thưởng dành cho sự kiên trì, nỗ lực, cố gắng của con

Mẹ sẽ tiếp sức cùng con xây dựng ước mơ tương lai,... Mẹ ước gì, mẹ cứ có dịp để thưởng con hoài. Con cứ cố gắng lên, mẹ sẽ luôn đi cùng con và ở bên con, con nhé

Bé con học Toán

Bước vào năm học mới, bé con hơi ...bị vấp môn Toán ??? Sao lạ vậy ? Mặc dù trong lớp, bé con vẫn thuộc hàng Top, nhưng quả thật, bố mẹ không yên tâm chút nào...

Bé con bị la nhiều, mẹ chẳng vui đâu. Mẹ thèm ôm bé con vào lòng, hôn lên đôi má bầu bĩnh, mịn màng của bé con biết bao...Nhưng mẹ cứ phải làm mặt nghiêm...

Lúc các anh, chị còn nhỏ, học Toán, bố ký đầu, la mắng nhiều lắm, mỗi khi các anh chị làm sai. Còn bé con ? Được cưng chiều từ nhỏ, hấu như bé con chưa bao giờ bị quỳ gối, úp mặt vào tường, thậm chí ...một roi cũng chưa bao giơ phải đón nhận...Thế nên, bé con lo ra lắm, học không chịu tập trung, khiến bố mẹ bực tức không sao chịu được

Hôm qua, bố ký đầu cho vài cái, sáng nay, bé con bảo bị nhức đầu...Chán bé con ghê. Bị la xong, lại thút thít khóc, rồi rối rít xin lỗi...

Nhưng bố mẹ không muốn bé con xin lỗi như thế này. Bố mẹ thích bé con cố gắng rèn luyện để học tốt hơn bây giờ. Chỉ vậy thôi, bé con à

Thư gởi em 11

Em,

Hôm nay tôi đi vào hồi ức của em về những ngày khó khăn ở Đàlạt cách đây gần 30 năm. Em viết: Người ta cho ba của em đi học miễn phí ròng rã hơn 7 năm trời.. nhưng rồi không biết vì sao ông ‘bỏ học’ mà đến bây giờ mẹ tôi và anh em tôi cũng không biết ông ở đâu” Thế là mẹ em, với hai bàn tay trắng, phải một mình nuôi nấng 4 đứa con đang lớn lên như thổi. Cũng vì vậy mà “suốt 3 năm ròng rã, gần như Chủ Nhật tuần nào em cũng được ‘dạo chơi’ ở núi Bà. Buổi sáng sớm, em và đám bạn trong xóm rủ nhau đi. Sau khi ‘dạo’ một vòng xem thử cây nào ‘đẹp’ thì cắt khúc chừng 2 thước, đóng đinh 2 đầu rồi kéo về nhà. Em hiểu làm như vậy là có lỗi với dân Dalat mình lắm nhưng ... mỗi chuyến đi ‘chơi’ là bằng hai ngày bôn ba của mẹ nên em cũng nhắm mắt làm liều… Bao nhiêu năm qua rồi, giờ đây khi đọc những dòng này, xin thầy hiểu cho và xem như đây là lời xin lỗi của em.”

Đọc những lời nói thật như đùa của em mà nước mắt tôi cứ lưng tròng. Một thiếu niên mất cha mà đến giờ này vẫn chưa hiểu nguyên do. Một em mồ côi vì thương mẹ nên chặt một vài cây trên núi để sống qua ngày. Thế mà gần 30 năm sau em không nói lên một lời than trách, nhưng chỉ nói lên lời xin lỗi với người dân Dalat...

Sáng hôm nay, tôi xót xa đọc một mẫu tin nhỏ trên tờ Tuổi Trẻ:

“Ngày 8 tháng 10, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức đưa ra đề án có tên “Bảo vệ và phát triển lâm nghiệp đến năm 2020” tại một hội nghị của tỉnh ủy. Theo đề án, Lâm Đồng sẽ khai thác theo phương thức chặt trắng 52.000ha rừng thông tự nhiên, trong đó có 14.966ha thành thục ( 60 – 70 năm tuổi )”.

Em có nghe không? Chặt trắng 52.000 ha rừng! Một cách thản nhiên! Và với danh nghĩa là ‘bảo vệ và phát triển lâm nghiệp”!!! Khi nghe em xin lỗi vì một vài cây thông nhỏ mình đã chặt năm xưa, tôi bỗng thấy thế hệ của chúng tôi cần phải xin lỗi các em rất nhiều... Không phải chỉ là chặt trắng 52.000 ha trong số rừng ít ỏi còn lại của Dalat, mà đã chặt trắng bao nhiêu giá trị trong tâm hồn của các em trong suốt bao nhiêu năm ròng.

Chúng tôi đã làm được gì cho thế hệ các em? Bạn bè chúng tôi, lứa tuổi cha chú của các em, ở hai miền Nam Bắc, đã ngã xuống mấy triệu người... có nơi nói là hai triệu, có nơi nói là ba... Con số sai biệt một triệu mạng người Việt Nam sao không ai tổng kết? Trên thương trường, khi tính toán hàng triệu đô la, chỉ cần sai biệt 100 là ai cũng thấy ngay, nhưng sao sai biệt một triệu mạng người anh em Việt Nam thì chúng tôi lại coi nhẹ đến thế?.. Chúng tôi, những người đang còn sống đây, chúng tôi đã làm được gì cho các em? Và cho những em thiếu niên dưới 20 tuổi ngày hôm nay? Chúng tôi mau quên quá, chúng tôi quên rằng chính nhân danh thế hệ tương lai, nghĩa là các em, mà người Việt phải bắn vào người Việt trong mấy chục năm trời, và hằng triệu người đã nằm xuống từ Bắc chí Nam... Chúng tôi chỉ nhớ tới vinh quang, chúng tôi chỉ nhớ tới hận thù, để rồi dựa trên đó mà trở thành ích kỷ, gian manh, trục lợi, hưởng thụ, ươn hèn và vô tâm.

Tôi còn nhớ những năm đầu tiên cầm lại viên phấn ở mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng tôi đã học tập rất kỹ để quán triệt rằng mình phải là kỹ sư tâm hồn hầu đào tạo ra ‘con người mới xã hội chủ nghĩa’. Chúng tôi thảo luận với nhau: chính bản thân chúng tôi không phải là con người xã hội chủ nghĩa thì làm sao đào tạo ra được con người mới xã hội chủ nghĩa? Thế nhưng các đảng viên, với những lý luận mà đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được, đã cho thấy rằng dù không phải là người mới xã hội chủ nghĩa chúng tôi vẫn có khả năng đào tạo các em thành con người xã hội chủ nghĩa.

Giờ này nhìn lại, tôi tự hỏi vì sao trong 12 năm trời, tôi lại có thể ngoan ngoãn đến thế? Có lẽ bấy giờ tôi là một giáo viên lưu dung, nên răm rắp nghe theo lời giáo huấn mà không cần ai thuyết phục! Vào thời điểm đó, tôi sợ hãi lắm, tôi hèn hạ lắm! Chỉ cần sai một câu so với sách giáo khoa, thì cũng có thể bị xem là ‘thiếu quán triệt’, thậm chí là ‘phản động’. Vì sợ hãi, nên tôi ca ngợi những điều mà người ta kể mình nghe, và nói lại cho các em như chính là của mình. Đằng sau những lời đầy nhiệt tình của tôi, là sự ươn hèn và dối trá. Tôi dạy cho các em: ‘mình vì mọi người’, mà mỗi tháng rình rập để nhận tiêu chuẩn 300g thịt nhiều nạc hơn người khác, cũng như đối xử bần tiện với đồng nghiệp mình để giành giựt ba thước vải thô hay một vỏ xe đạp; tôi dạy cho em ‘phải căm ghét kẻ thù’ mà trong lòng thì chỉ muốn dạy yêu thương; và vì những lời dối trá đó, nên dù em không căm thù ai, thì em chỉ tin tưởng ở căm thù hơn là tin tưởng vào tình yêu giữa người và người.

Những lời tôi nói thuở ấy thì chắc chắn các em đã quên gần hết rồi, nhưng cái ươn hèn và đối trá thể hiện qua cách sống của tôi, giờ đây đã trở thành điều đương nhiên nơi các em. Thay vì đào tạo ‘con người mới xã hội chủ nghĩa’ như tôi rêu rao, giờ đây các em trở nên những con người thoải mái sống trong bầu không khí dối trá của một xã hội vô tâm, và uốn mình theo môi trường một cách ươn hèn để làm sao mình có lợi nhất… Tôi đã góp phần tạo ra một thế hệ hoàn toàn vô cảm, vì những từ như ‘tổ quốc, tự do, trách nhiệm, lương tâm, tình người, vì dân, vì nước’… chỉ còn là những sáo ngữ rỗng tuếch. Và đau lòng nhất, ấy là các em không thấy đó là điều mất mát lớn nhất của một con người. Các em cho rằng sự thật và lòng dũng cảm không bao giờ có thật trên đời. Tôi và nhiều đồng nghiệp của mình đã lừa dối các em.

Thế hệ chúng tôi đọc những lời xin lỗi của em về một khúc cây rừng để đổi lấy chén cơm, chúng tôi biết lấy gì để xin lỗi thế hệ các em vì những tàn phá mà chúng tôi đã gây ra đối với vật chất và tinh thần của các em trong 30 năm qua?

Nhưng dù chúng tôi không biết xin lỗi và nhiều khi không buồn xin lỗi, thì tôi tin rằng các em đã tha thứ cho chúng tôi. Thế hệ đàn em luôn quảng đại đối với đàn anh, và sẽ tiếp tục tha thứ. Hy vọng với tấm lòng tha thứ của các em đối với chúng tôi, các em sẽ trở thành những người biết trồng lại những chồi non đầy hy vọng trên những cánh rừng Việt Nam và trong tâm khảm của thế hệ con cháu của các em. Tôi chắp tay nguyện cầu cho các em xóa bỏ những bài học dối trá của chúng tôi, để thế hệ ngày mai sẽ là một thế hệ không còn mất mát như các em, mà là một thế hệ biết giá trị của mình, một thế hệ sống hiên ngang, không chấp nhận dối trá và đối xử với nhau trong một bầu không khí của sự thật. Tôi nguyện cầu để đừng ai tiếp tục tưới vào những chồi non hôm nay chất độc của hận thù hầu mai này con em Việt Nam còn có được một rừng ‘người’, những con người sống với nhau đầy lòng trắc ẩn..

Cho tôi một lần bắt chước em để nói lên lời sám hối: Khi đọc những dòng này, xin em hiểu cho và xem như đây là lời xin lỗi muộn màng của tôi.

Thư gởi em 10

Em,

Mùa xuân này là mùa xuân đầu tiên em sống cuộc sống lứa đôi. Những ngày cuối năm, ai ai cũng nghĩ đến đoàn tụ với những người thân thương. Đây cũng là lúc mà tàu xe lên giá, chợ đỏ chợ đen, để cho một giới nào đó mặc sức bóc lột vô tội vạ những người sẵn sàng trả mọi giá để được về với gia đình. Nhưng cũng trong những ngày tình thương réo gọi, không ít bạn trẻ (và không còn trẻ) nghĩ đến người nghèo: những cụ già neo đơn trong gia đình hay trong một trại dưỡng lão nào đó; những em mồ côi hay bụi đời, sống trên vỉa hè thành phố hay ở vùng ven đô.

Từ nhiều ngày qua, tôi được mời gọi tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào những chương trình Tết hướng đến những người không ai đoái hoài. Giữa một xã hội mà tư lợi được đặt lên hàng đầu, mà những người có chức có quyền, có tiền có bạc chỉ nghĩ đến gom góp tất cả về cho mình, cho gia đình mình, thì những hành động đó quả là ý nghĩa. Các bạn ấy không hề nghĩ rằng mình làm chuyện ‘ruồi bu’, vì trước cái cơ cực mênh mông của bao nhiêu người bị bỏ mặc, thì nỗ lực của họ để đem một tí quà Tết cũng chỉ là những hạt muối bỏ biển.

Thực ra, khi nói đến người nghèo, ta nghĩ ngay đến những người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà, thiếu cửa, nghĩa là nghèo tiền bạc... Tuy nhiên, có thể còn nhiều thứ nghèo khác nữa: nghèo thì giờ, nghèo sức khỏe, nghèo kiến thức, và nhất là nghèo trái tim.

Cha Anthony de Mello đã viết câu chuyện sau trong cuốn The Song of the Bird:

Tôi thấy ngoài đường một cô bé gái đang run cầm cập trong chiếc áo mỏng tanh, với chút hy vọng mong manh là có được một bữa ăn kha khá. Tôi phẫn uất và thưa với Đấng Tối Cao: "Tại sao Người đã để cho sự việc đó xảy ra? Người không nhìn thấy sao? Tại sao Người không làm gì hết?" Trong một thời gian khá lâu, Người không nói gì. Rồi một đêm kia, Người đã trả lời rất bất ngờ: “Dĩ nhiên là Ta đã thấy điều đó rồi: vì thế mà Ta tạo dựng nên con, con đấy!”

Vâng! Các bạn ấy đã không ngồi trách móc trời cao đất thấp, mà họ xăn áo bắt tay vào việc, và kêu gọi người khác cùng tiếp sức với họ. Điều họ làm không chỉ là tạo niềm vui chia sẻ bằng cách đi vá một mảnh áo nát mà mình biết rằng thế nào cũng rách trở lại. Họ không chỉ nhằm xoa dịu cái nghèo vật chất mà còn muốn xóa bỏ cái nghèo nhân phẩm do một quan niệm sai lầm về giá trị con người. Và khi giúp đỡ người nghèo, họ cũng muốn làm cho chính mình bớt nghèo đi. Trong một xã hội mà con người càng giàu lên về kinh tế thì trái tim cảng nghèo đi, họ muốn làm một cái gì đó để làm vơi bớt cái nghèo của tấm lòng mình.

Viết cho em hôm nay trong mùa xuân đầu tiên em sống đời sống lứa đôi - và chuẩn bị cho cuộc hành trình mà hai người sẽ đối xử với nhau bằng tiếng nói của con tim - tôi mong rằng em đừng để trái tim mình nghèo đi, vì chỉ nghĩ đến cái gia đình nhỏ bé của mình!

Ngày con cái lập gia đình, cha mẹ thường nói những lời dặn dò trước bàn thờ gia tiên. Tôi cũng thế! Ngày con gái tôi lấy chồng, tôi cũng nói! Nói thật dài và thật ngắn. Tôi trao cho hai cháu một phong bì chứa một bức thư 8 trang:

- Đây là lá thư ba viết trong nhiều ngày qua, để hai con đọc đi đọc lại sau này mà nuôi dưỡng và giữ gìn hạnh phúc. Những lời dặn dò của ba không thể gút lại thành một vài câu trong buổi lễ hôm nay.

Tiếp theo, tôi trao cho hai cháu một phong bì thứ hai:

- Đây là quà của ba má tặng hai con để góp một phần vào việc chúng con ra riêng. Nhưng ba má chỉ yêu cầu có một điều thôi: Ngay trong tuần này, trước khi đi hưởng tuần trăng mật, các con hãy tìm một nơi nào đó có những người bất hạnh và chia sẻ với họ niềm hạnh phúc của mình một cách cụ thể, bằng cách chi cho họ 1 hay 2 phần 10 số tiền này. Bởi vì cuộc đời đã dạy ba má - và các con cũng đã biết - rằng một gia đình chỉ thật sự hạnh phúc, khi mọi thành viên hướng đến một ai khác hơn là chỉ quanh quẩn giữa vợ chồng con cái với nhau.

Chúa nhật đầu tiên sau ngày thành hôn, hai cháu đã mời tôi và vài người lên nhà của các em bị bỏ rơi (có em bị vứt trong thùng rác khi mới lọt lòng) mà hai ni sư nhặt về nuôi ở Hóc Môn trong hơn mười năm qua. Hai cháu trao quà cho các em, đồng thời tổ chức một bữa tiệc liên hoan và vui chơi với các em….

Tôi nhắc lại điều này với em, vì em từng xem tôi như một người cha tinh thần. Tôi nói với em cũng như nói với con tôi cách đây ba năm, gửi gắm niềm mong ước rằng ngay mùa xuân đầu tiên trong nếp sống hạnh phúc, em biết nghĩ đến người bất hạnh hơn mình, để rồi nhờ người nghèo vật chất mà vợ chồng em khỏi phải bất hạnh trong tương lai vì đã lơ đễnh để mình trở thành những người nghèo trái tim.

Thày Trần Duy Nhiên

Thư gởi em 09

Em.

Hôm qua gặp em giữa nhóm sinh viên cũ, thì điện thoại em rung. Em cầm ra trả lời với vẻ ngại ngùng: điện thoại em thuộc thế hệ cũ với giá không hơn 2 triệu bạc, trong khi đó, một người bạn vô tình để trên bàn chiếc điện thoại của mình, loại mà các chuyên viên IT thường dùng hiện nay, với giá không dưới 10 triệu đồng.

Dáng vẻ ngại ngần mang ít nhiều xấu hổ của em làm tôi suy nghĩ. Em có cảm tưởng rằng giá trị của mình thấp hơn ngưòi bạn kia. Không phải đâu em! Thế giới ngày nay đã gieo một lối nhìn sai lệch về giá trị con người, và từ đó kéo theo những khái niệm luân lý sai lệch, dẫn đến tình trạng đạo đức suy đồi!

Em có nguy cơ phản ứng: “lại lên lớp về vấn đề đạo đức nữa đây! Mấy ông già rõ chán!” Không! Tôi không nói với em về đạo đức đâu! Tôi nói với em về tự do của em, và về con đường bình an và hạnh phúc của em. Bất chấp em quan niệm hạnh phúc như thế nào, thì hạnh phúc ấy cũng phải đặt trên nền tảng là tự do. Một con người không có tự do chắc chắn là một con người bất hạnh. Có điều nhiều khi mình bị cầm tù mà mình không biết!

Em thấy chăng, thế giới ngày nay đã đặt tiền bạc lên ngai thần tượng, và mọi vấn đề đều được giải quyết theo cái nhìn kinh tế. Vì muốn làm giàu nên những nhà tư bản tìm đủ mọi cách để biến con người thành sinh vật tiêu thụ. (Em có biết rằng hiện nay, khi mua một sản phẩm 'nổi tiếng' thì em phải trả thêm 30% giá trị món hàng để bù lại số tiền họ quảng cáo cho 'giá trị' món hàng đồng thời tạo nhu cầu nơi em đối với món hàng đó?) Giá trị của một con người được đánh giá bằng khả năng mua sắm của họ! Hai chiếc áo với vẻ đẹp và chất lượng không khác biệt bao nhiêu, người ta cho em cái cảm tưởng rằng mình sẽ giá trị gấp 10 nếu mình mặc chiếc áo giá 300000 thay vì chiếc 30000. Cùng một món ăn nếu vào một quán phải trả với giá 50000đ thì ngỡ rằng giá trị của mình gấp 5 lần so với một quán mà mình trả 10000đ. Từ đó, dần dần mọi ngưởi quên giá trị của bản thân mà đồng hóa mình với những gì mình có. Vì thế, khi ai làm trầy chiếc xe @ của một người, thì người ấy cảm thấy đau đớn như da thịt của chính mình bị xé rách.

Xã hội hôm nay đã mặc nhiên đánh giá con người theo bảng thang giá trị đó, vì thế người ta chỉ biết làm sao để có được nhiều tiền, bất chấp mọi giá trị luân lý. Em đã thấy xuất hiện nhan nhản những người bóc lột, ăn cướp, lừa đảo để có tiền... rồi dương dương tự đắc xem mình là chuẩn mực cho con người thời đại.

Hôm nay, tôi mong em trả lại sự vật về đúng với vị trí của nó. Quần áo là để mặc, lương thực là để ăn, phương tiện là để sử dụng. Những thứ ấy không thêm bớt gì cho giá trị của em cả. Em đừng để mình bị cầm tù vào cái định kiến mà thế giới tiêu thụ đã gieo thành công vào xã hội chúng ta! Tôi kể em nghe câu chuyện của một người biết rằng giá trị mình không phải ở những gì mình có nhưng ở phẩm chất của mình, đó là nhà hiền triết Diogène, sống vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên.

Ông không bao giờ đặt giá trị của mình vào của cải. Là một triết gia nổi tiếng, ông có thể để cho môn sinh mình cung cấp mọi nhu cầu vật chất, nhưng ông chọn ở trong một thùng rượu và tài sản chỉ vỏn vẹn là một cái tô để ăn uống. Thế nhưng một hôm, ông thấy một em bé bụm hai tay uống nước từ nguồn suối, ông bảo rằng: “Em bé này cho mình thấy rằng mình còn cái dư thừa”, thế là ông về đập vỡ cái tô của mình.

Một lần kia, đại đế Alexandre đến Corintô thăm ông. Lúc bấy giờ ông đang nằm gần như trần truồng để phơi nắng ngoài trời. Đại đế nói: “Ta là Đại đế Alexandre! Ngươi muốn xin gì, ta sẽ ban cho”. Ông đáp: “Xin ngài tránh bóng ngài ra khỏi mặt trời của tôi”. Vâng! Giá trị của ông, không phải là tiền của chức tước, nhưng là con người đích thực của mình. Thay vì nổi cơn thịnh nộ, Alexandre cảm phục tư cách của Diogène nên ông đã nói với tùy tùng: “Nếu ta không phải là Alexandre Đại Đế, thì ta đã làm Diogène”.

Không! Tôi không bảo em phải đi đến cùng như Diogène! Tôi cũng không bảo em sống như người lập dị trong xã hội chúng ta. Tôi không muốn em giống như cộng đồng Amish hiện nay tại Mỹ: họ từ chối mọi phương tiện hiện đại do kỹ thuật đem đến, như máy móc, đèn điện, điện thoại, truyền hình, vi tính… Tôi biết rằng một người rất khó được chấp nhận trong xã hội này, nếu không có một ‘bề ngoài’ đúng mức. Bản thân tôi đã có một kinh nghiệm chua chát vì từng ngu ngơ xem thường vấn đề này. Cách đây 20 năm, khi mới về Saigon dạy trong một trung tâm ngoại ngữ, tôi mặc bộ đồ cũ của thập niên 60 và mang đôi dép cao su (dép lào) để lên lớp. Hai tuần sau, giám đốc trung tâm mời tôi lên yêu cầu nghỉ dạy, vì học viên phản ảnh rằng tôi… dạy dở! Học được bài học đau đớn đó, sau này lên lớp, tôi ăn mặc tương đối giống như các đồng nghiệp mình (nhưng không bao giờ mặc đồ đắt tiền!) và kể từ đấy không còn nghe một học trò nào ‘chê’ tôi là dạy dở!

Vì vậy, tôi không bao giờ khuyên em trở thành một người lạc điệu! Hãy đẹp, hãy xinh, hãy tươm tất ở mức cao nhất có thể. Hãy sử dụng mọi phương tiện hiện đại để cập nhật nếp sống của mình. Hãy vui chơi những chỗ hợp thời đại, dù phải tốn phí cao. Đừng sống như người thế kỷ thứ 17 trong môi trường thế kỷ 21. Thế nhưng, điều tôi mong nơi em là đừng bao giờ để cho những phương tiện em dùng ảnh hưởng đến giá trị con người thật của em. Giá trị của em không phải là chiếc xe đắt giá, chiếc điện thoại hiện đại, bộ quần áo hợp thời trang mua trong một cửa hiệu hạng sang; giá trị của em là những phẩm chất trong trí óc và con tim của em.

Nếu em tự nhìn đúng với giá trị của mình, thì em sẽ tự do. Em không sợ ai ‘xem thường’ mình vì chiếc xe, bộ đồ, đồng hồ hay điện thoại mình dùng. Và từ đó, em không bị mặc cảm là mình thua sút các bạn vì mình ‘ít tiền’ hơn họ. Ngày nào em còn mang mặc cảm đó, ngày ấy em còn phải sống trong gian dối, giấu giếm, và luôn luôn đeo mặt nạ với người và với chính mình. Em hãy buông chiếc mặt nạ mà những kẻ tư bản đã làm đủ mọi cách để khiến em mang vào. Buông mặt nạ ra, em sẽ thấy rằng giá trị mình không bị sứt mẻ mảy may, trái lại mình thanh thản hơn bao giờ cả. Buông mặt nạ ra, em không phải chạy theo tiền bạc để ‘mua danh’ mà vẫn luôn luôn có đủ để chi tiêu cho mọi nhu cầu cuộc sống; bởi vì đúng như câu nói mà nhiều người gán cho Lão Tử: “Tri túc chi túc hà thời túc” (biết đủ thì đủ và lúc nào cũng đủ).

Và để kết bức thư khá dài này tôi muốn nhắc lại với em câu chuyện mà hẳn em đã biết rồi. Một nhà diễn thuyết nọ có lần đưa ra trước cử tọa tờ 20 Mỹ kim. Ông hỏi 200 thính giả đang ở trong phòng: “Ai muốn nhận tờ $20 này?” Một số bàn tay đưa lên. Ông bảo: “Tôi sẽ tặng cho một người trong các bạn, nhưng trước hết, để tôi làm như thế này đã.” Ông vò tờ $20 cho nhăn nheo rồi hỏi: “Ai còn muốn nhận tờ bạc này?” Vẫn có những bàn tay đưa lên. “Thôi được, tôi làm thêm thế này nhé.” Ông vứt tờ giấy $20 xuống đất, lấy giày đạp dẫm lên và chà đi chà lại. Sau đó ông nhặt tờ giấy bạc nhăn nhúm và vấy bẩn lên rồi hỏi: “Bây giờ, có ai còn muốn nhận tờ bạc này không?” Vẫn còn có những bàn tay đưa lên.

Em à, từ câu chuyện này có lẽ em cũng rút ra được một bài học đáng giá. Cái bên ngoài của tờ bạc ấy có thế nào đi nữa, thì giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế, em hãy tạo ra cho mình một giá trị bằng cách trau dồi kiến thức, phát huy khả năng, và rèn luyện những phẩm chất nhân bản của mình như lòng trung thực, can đảm và yêu thương vô vị lợi. Được như thế, em sẽ không sợ và cũng không bị ảnh hưởng bởi những người đang gieo vào đầu óc em một giá trị giả tạo, để biến em thành một người phục vụ cho quyền lợi tài chánh của họ. Đừng mắc mưu những người bắt em sống theo giá trị của họ rồi trở thành nô lệ cho những giá trị ảo đến độ đánh mất chính mình, nghe em!

Thày Trần Duy Nhiên