Monday, September 29, 2008

Kỷ niệm với dòng sông Gianh

... Sông Gianh là một con sông chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017 m thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Trạch để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.

Photobucket

" Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ

Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam,

Đây dòng sông, dòng máu Việt còn loang,

Đây cổ độ, xương tàn xưa chất đống

Sông còn đây hận phân chia nòi giống

Và còn đây, niềm cốt nhục tương tàn

Ai biết rằng sau sông Gianh chia cắt, lại có sông Bến Hải

Rồi sau Bến Hải thống nhất, thì cả nước tiếp tục lầm than..."

(Thơ Đằng Phương)

Ôi những con sông buồn trong lịch sử dân tộc, vẫn còn đây khi dòng nước vẫn không thể cuốn đi những nỗi buồn trong lòng người dân Việt. Nhìn dòng nước chảy mà lại hình dung ra cảnh chia lìa nồi da xáo thịt thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tai ách đổ lên đầu người dân, lại ngậm ngùi vì sự phân rẽ bằng một dòng sông oan nghiệt.

Sông mênh mông là nước, buồn ở đâu cũng cuồn cuộn chảy về...Miền Trung có nhiều con sông hẹp, không mênh mông như sông Cửu Long nhưng nước trong văn vắt, có lẽ vì thế mà đất đai, ruộng đồng không màu mỡ, phì nhiêu

Tôi bắt gặp những bà mẹ miền Trung nghèo khổ, áo vá vai, trên đôi vai gầy khẳng khiu gánh lỏng chỏng mấy món quà nhà quê trông rất tội. Một bữa cơm nhà quê bất chợt ghé mắt nhìn, chỉ là bát muối vừng, đĩa rau lang luộc và bát nước mắm mặn giầm ớt đỏ cay xé, mấy đứa trẻ con quần áo bẩn thỉu vây xung quanh nồi cơm gạo hẩm chìa bát ra chờ đợi, những đôi mắt trẻ thơ tội tình trên một quê hương khốn khổ. Bây giờ ở những vùng quê miền Nam, Trung, Bắc có còn những đứa bé như thế không nhỉ?

Những con sông ở quê hương nào có tội tình gì như người dân VN nào có tội tình gì, dòng nước cứ êm đềm chảy theo năm tháng, lại nghe như trong tiếng sóng bao lời thở than của những oan hồn dân Việt. Nỗi ám ảnh đó đã in sâu vào tâm khảm, để đến nỗi khi qua sông Bến Hải, hay sông Gianh, lại nghe như dòng nước chuyên chở mối tương tàn cốt nhục, để nỗi buồn cứ phảng phất mãi đến nghìn sau.


Photobucket

...Chúng tôi đến bến phà Gianh vào 11 giờ đêm, bến phà đã đóng cửa. Phải chờ 5 giờ sáng, phà hoạt động trở lại, khí ấy mới có thể qua sông đề tiếp tục cuộc hành trình....
Xe dừng lại. Các quán xá 2 bên đường vẫn còn mở cửa bán hàng cho khách bộ hành. Một vài người vào quán, ăn vội những bữa cơm để tranh thủ cái bàn, cái ghế nghỉ ngơi

.Chúng tôi, 4 đứa : tôi, Út Hạnh, Hoàng và Phương chia nhau 2 tấm áo mưa, trải ra đường ngả lưng. Cơm nắm bác Bé chuẩn bị cho chúng tôi bị thiu, 2 bạn nam Phương, Hoàng trổ tài ngoại giao đi tìm nước sôi để nấu mì, nhưng không có. Thế là các anh nhường cho tôi và Hạnh mấy cái hột gà luộc của các anh, còn cơm nắm và nhai khan gói mì tôm, mấy anh lãnh phần

Màn đêm chỉ có vài ngọn đèn đường leo lét.. Thỉnh thoảng, vài ba chiếc xe tiếp tục đổ bến, quét những vệt đèn pha, làm cả bọn hốt hoảng ngồi dậy, chỉ sợ lỡ xe không thấy, hay thắng không kịp...Đêm ấy, chúng tôi mới cảm nhận được đúng nghĩa các từ : "Màn trời, chiếu đất" nghe rất quen thuộc từ bấy đến giờ

Rồi đêm cũng qua. Bình minh trên sông Gianh, đẹp không sao chịu nổi

Photobucket

Phà sang sông vào buổi sáng, trời còn mờ hơi sương, mặt nước như một miếng bông cỏ nõn nà phô mình dưới nắng mai. Phà thưa người, đứng tựa vào lan can chiếc phà để hít vào buồng phổi cái mát mẻ của dòng sông mênh mông gió sớm, chiếc phà lao chao tạo cảm giác bồng bềnh cho một chuyến đi xa.

Buổi sớm qua phà, tâm hồn thênh thang như dòng nước cuốn. . .


Photobucket

Bến phà sông Gianh hiện nay đã không còn hoạt động. Cầu Gianh khánh thành năm 1999, "nhịp cầu nối những bờ vui", nhưng nhịp cầu cũng không còn cho ta cảm giác qua những chuyến phà lắc lư, chao đảo trên sông, và sẽ rất tiếc cho những ai...chưa từng được một lần qua phà trên những con sông quê hương

Photobucket

Cầu Gianh - khánh thành năm 1999

No comments: