Sunday, November 23, 2008

Dạy con từ thuở còn thơ

Nhà tâm lý danh tiếng của Mỹ JB Watson từng tuyên bố: "Hãy mang đến cho tôi chục đứa trẻ khỏe mạnh..., tôi cam đoan với bất cứ đứa nào tôi cũng thành công trong việc giáo dục biến nó thành một chuyên viên theo ý muốn: y sĩ, luật gia, nghệ sĩ, thương gia hoặc thành một kẻ ăn mày hay một tên trộm cướp, cho dù tài năng, năng khiếu thiên hướng hay chủng tộc của đứa bé đó như thế nào".

Quan niệm đó sai lầm vì đã bỏ qua vai trò trọng yếu của di thể, của những năng hướng tự nhiên; nhưng có ưu điểm làm nổi bật tầm quan trọng của giáo dục, điều mà người xưa đã nói: "Dạy con từ thở còn thơ..." vấn đề còn lại là: phải giáo dục con theo mục đích nào?

Ðó là vấn đề căn bản, vì tùy theo từng mục đích, chúng ta lựa chọn những điều nên dạy cũng như phải lựa chọn phương pháp giáo dục thích hợp. Bài viết này không bàn đến những vấn đề to lớn nêu trên. Dựa vào sự nghiên cứu của các nhà giáo dục và các nhà tâm lý hiện đại, chúng tôi chỉ xin trình bày một số qui tắc hướng dẫn thái độ của bậc làm cha mẹ trong việc dạy con.

1. Qui tắc: Hãy tỏ ra hợp nhất với chính mình

Qui tắc này bắt buộc ta phải sống và hành động theo đúng nguyên lý mình đã đề xướng ra. Nói cách khác, người hành động hợp nhất là người không hành động tùy hứng hoặc tùy theo tình cảm của mình đối với riêng từng đứa con. Có khi ta tỏ ra rất nghiêm khắc với đứa này nhưng lại dễ dãi đối với đứa khác. Có người dạy con làm một đường nhưng chính mình, trong hoàn cảnh tương tự, làm theo một nẻo. Dạy con không được nói láo nhưng chính mình lại nói dối trước mặt con cái. Sách Cổ Học Tinh Hoa kể lại truyện thầy Tăng Tử là người thực hiện sự hợp nhất giữa lời nói và hành động.

Sách kể: Vợ thầy Tăng Tử hứa với con là sẽ làm thịt lợn khi đi chợ về. Lúc vợ về, thầy Tăng Tử đi bắt lợn làm thịt. Người vợ nói: "Tôi nói đùa nó đấy mà!" Thầy liền bảo: "Nói đùa là thế nào? Ðừng khinh trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư ?" Nói xong Tăng Tử đi làm thịt lợn cho con ăn thật. Các nhà tâm lý cho biết: sự mâu thuẫn nơi người cha người mẹ có những tác dụng không tốt cho con trẻ. Trước hết, chúng không vâng lời cha mẹ khi chúng nhận thấy cha mẹ chúng bất nhất. Chúng sẽ tự hỏi: ta nên làm điều cha mẹ nói hay điều cha mẹ làm? Ngoài ra, sự bất nhất nhiều khi gây ra những hỗn loạn tâm lý nghiêm trọng. Thái độ tốt đẹp là tôn trọng nguyên tắc nhưng biết tỏ ra linh động trong việc áp dụng nguyên tắc.

2. Qui tắc: Không tránh né trả lời câu hỏi của con cái

Óc tò mò là một năng hướng tự nhiên, tự nó không xấu, nếu được hướng dẫn, nó sẽ phát triển và trở thành một yếu tố thuận lợi cho sự hiếu học về sau. Vì vậy, khi con cái đặt một câu hỏi, chúng ta không nên xua đuổi chúng bằng cách nói: Ðừng làm mất thì giờ của bố mẹ! Sao con lại hỏi ngớ ngẩn thế? Tại sao con hỏi những chuyện kỳ cục vậy?... Thái độ xua đuổi có tác dụng làm đứa bé nản chí và óc tò mò có thể bị mai một.

3. Qui tắc: Không ngại nhìn nhận cái mình không biết

Có những người làm cha mẹ muốn tạo hình ảnh tốt đẹp về mình trước mắt con cái bằng cách cố ý làm cho chúng nghĩ rằng cái gì mình cũng biết và cái gì mình cũng làm được. Thái độ này đưa tới những hậu quả tai hại:

a/ Khi lớn lên, chúng sẽ gặp khó khăn khi muốn loại bỏ những điều chúng đã học ở nhà lúc chúng đón nhận từ người khác những kiến thức, những nguyên lý xác đáng hơn.

b/ Con cái không nhỏ mãi để luôn luôn tin tưởng điều cha mẹ nói; chúng phát triển và kiến thức chúng thâu lượm ở Học đường hay ở sách báo sẽ dần dần làm chúng mất đi phần nào sự kính trọng khi thấy rõ cha mẹ nói sai, làm sai. Ðã là người, chúng ta không đủ khả năng và thì giờ biết mọi chuyện. Do đó, khi đứng trước những câu hỏi vượt khỏi tầm hiểu biết của mình, thái độ hợp lý nhất là nên trả lời: bố (hay mẹ) không biết. Không phải ai cũng có khả năng trả lời thỏa đáng những câu hỏi: "Tại sao tuyết trắng trong khi lá cây xanh còn hòn than lại đen?" "Tại sao ban đêm trời tối?" "Cá sống dưới nước làm sao thở được?" v.v... Trong những trường hợp tương tợ, ta nên hướng dẫn con cái tìm câu trả lời thích đáng nơi sách vở hay nhờ người có kiến thức hơn mình.

4. Qui tắc: Hãy để con cái nhiều thì giờ rảnh rỗi

Giáo dục con cái không có nghĩa luôn luôn kè kè bên con để đóng vai trò ông thầy, cô giáo, người giám thị. Không ai chối cãi sự kiện: tâm lý và đặc biệt trí tuệ của trẻ con phát triển tốt đẹp khi chúng sống trong những môi trường phong phú và có tính cách kích thích. Ngoài quan hệ thầy trò giữa cha mẹ và con cái, còn có nhiều quan hệ, nhiều hoàn cảnh trong đó trẻ con tự chúng thâu lượm được nhiều sự hiểu biết. Chúng có thể học hỏi khi có đồ chơi trong tay, cũng như khi ngắm nghía một cành hoa, một bầy cá lia thia trong bể nuôi, và ngay cả khi chúng gây gỗ với trẻ lối xóm vv... Theo ý kiến một nhà giáo dục, trong một ngày, chúng ta Không Nên Dành Quá Một Tiếng Rưỡi để dạy con; và nên để chúng có "tự do suy nghĩ , đùa giỡn, tự do sống tuổi trẻ con của chúng".

5. Qui tắc: Giúp con cái có một quan niệm tích cực và trung thực về bản thân

Vì nếu mang một quan niệm tiêu cực - nghĩa là mang ý nghĩ mình kém cỏi về nhiều phương diện - trẻ con sẽ trở nên nhút nhát, không mạnh dạn có sáng kiến và cũng không mạnh dạn bày tỏ ý nghĩ của chúng. Ðó là những khuyết điểm dễ đưa tới sự thất bại trong sự học cũng như trong sự giao tiếp. Vì vậy, cha mẹ nên làm cho con cái có một quan niệm đúng đắn và tích cực về bản thân chúng và về cuộc sống. Nói cụ thể hơn, cha mẹ cần tạo cho con cái ý nghĩ là chúng thông minh, chúng có khả năng hơn hoặc bằng người. Ðừng bao giờ sơ ý phê bình chúng đần độn cũng như đừng bao giờ đem so sánh chúng với những đứa trẻ khác.

6. Qui tắc: Giúp con cái ý thức về người khác

Khuynh hướng tự nhiên của hầu hết trẻ con là: chỉ nghĩ đến mình khi bị một ý muốn thôi thúc. Lúc thèm ăn, chúng đòi ăn và không cần biết thứ thức ăn đó dành cho ai; khi muốn nói chúng bật miệng nói. Khuynh hướng đó nếu không được kềm chế sớm, chúng thành những đứa bé, những thiếu niên ích kỷ, thiếu tính kiên nhẫn và thiếu lễ độ. Có người cho rằng: nên để trẻ con phát triển tự nhiên; không nên bắt chúng vào khuôn phép (phải giữ lễ độ đối với mọi người, chẳng hạn); theo họ, làm như vậy là vô tình tạo ra những con người giả dối. Chúng ta đồng ý là lễ phép cũng như tính kiên nhẫn không phải là những đức hạnh, và tính bộc phát có nhiều mặt tốt.

Tuy nhiên, Lễ Phép, Kiên Nhẫn Là Bước Ðầu Của Ðời Sống Ðạo Ðức. Vì lễ phép đòi hỏi trẻ con phải có sự tự chủ và ý thức về người khác: chúng không thể coi sự hiện diện của người khác như không có, hoặc người khác chỉ là phương tiện hiện diện để phục vụ chúng. Chúng ta nên tập cho con cái biết đi thưa về trình và, khi nhờ ai điều gì thì biết lựa lời, biết nói "cảm ơn" khi nhận vật gì từ bất cứ người nào. Tốt đẹp hơn nữa, nên tạo cho chúng ý nghĩ tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau (vì đều là con của Chúa), và biết nghĩ tới những kẻ thiếu may mắn trong đời. Ý thức về người khác là điều kiện thiết yếu của đời sống xã hội và cũng là yếu tố của thành công cũng như của đạo đức.

7. Qui tắc: Giúp con cái phát triển về cả hai phương diện thể xác và tinh thần.

Tuổi thơ ấu và tuổi thiếu niên là khoảng thời gian quí báu để con cái thâu lượm kiến thức đồng thời tạo cho chúng những thói quen hữu ích. Ngoài việc cho con học bơi, chơi thể thao, biết chịu khó đi bộ, đi xe đạp... cha mẹ cũng nên cho con cái học ngoại ngữ, nuôi dưỡng óc tò mò, tinh thần hiếu học của chúng, và làm sao tạo cho chúng biết quí trọng sự học hơn mọi giá trị vật chất.

Vì giáo dục là một việc trọng đại và vô cùng phức tạp cho nên những qui tắc chúng tôi trình bày trên đây không thể bao quát hết mọi khía cạnh. Tuy vậy, chúng tôi thiển nghĩ đó là những qui tắc quan trọng và khẩn thiết nhất đối với những vị có ý thức trách nhiệm trong vai trò làm cha làm mẹ.

Tôn Nữ Bồ Câu. Lấy từ báo PVLC (Nhật-bản) số tháng 7.2001

(Trích dẫn từ Ephata số 30, năm 2001)

No comments: