Monday, November 24, 2008

Thư gởi em 08

Em,

Có một trò chơi, hay một câu đố, mà hẳn em đã nghe ít nhất một lần trong đời! Người quản trò trình ra một tờ giấy trắng với một chấm đen và hỏi xem cử tọa nhìn thấy gì… Thường thường, nếu chưa bao giờ gặp trò chơi này, thì người được hỏi sẽ trả lời: một cái chấm đen! Và nếu cặn kẽ hơn, thì người ấy sẽ trả lời: một chấm đen trên một tờ giấy trắng.

Trò chơi này nhằm nói lên rằng trong một người, hay trong một biến cố, thì phần đen (phần xấu - phần khuyết điểm) rất nhỏ, nhưng ai cũng thấy ngay; còn phần trắng (phần tốt - phần ưu điểm) chiếm hầu hết diện tích thì mình cho là đương nhiên nên không buồn để ý. Nếu không quên mất hẳn ưu điểm (chỉ thấy chấm đen) thì khuyết điểm vẫn là điểm đập vào mắt mình trước hết, và ta xem đó là điều chính yếu: chấm đen trên tờ giấy trắng…

Khi tiếp cận với một ai, phản xạ tự nhiên của chúng ta là nhìn vào hạn chế của người khác: từ trước đến nay, khi đưa ra trò chơi này, chưa bao giờ tôi nghe ai nói: "Một tờ giấy trắng (chính) có một chấm đen (phụ)", mà chỉ nghe: "Một chấm đen (chính) trên một tờ giấy trắng (phụ)". Từ đó rút ra bài học là nên nhìn mọi thứ với cái nhìn tích cực.

Trò chơi này em đã biết… và cũng đã rút ra bài học. Nhưng điều tôi muốn viết gửi em hôm nay, ấy là khi chúng ta có một cái nhìn mà mình cho rằng đúng trước một vấn đề, thì từ đó về sau chúng ta chỉ nhìn qua lăng kính đó mà không bao giờ đặt lại vấn đề để thử tìm một cái nhìn mới… Ngày qua ngày, chúng ta tự tạo cho mình một số quan niệm về xã hội, về con người, về cuộc sống, về hạnh phúc, và chúng ta yên ổn đi theo đến độ nhàm chán mà không bao giờ nghĩ rằng cuộc đời thay đổi từng giây từng phút, và bản thân của mình cũng vậy.

Nếu chúng ta có cái nhìn trẻ thơ - nghĩa là lúc nào cũng xem những người mình gặp, những cảnh mình nhìn, những công việc mình làm đều là lần đầu tiên xảy ra trong đờì - thì chúng ta sẽ nhạy cảm và mỗi ngày thấy được một cái gì đáng giá, nhất là thấy rằng mỗi ngày sống là một ngày mới trong hành trình phát hiện ý nghĩa cuộc đời… thế nên dù ta tìm thấy điều gì - dù tốt, dù xấu, dù hay, dù dở - thì từng ngày sẽ đem lại cho chúng ta một niềm vui mới, một hạnh phúc mới!

Tôi trở lại với cái chấm đen trên tờ giấy trắng. Nếu chúng ta không suy nghĩ theo giải đáp có sẵn mà thử tìm một ý nghĩa mới, thì chúng ta có thể phát hiện điều gì? Tôi nêu lên đây điều tôi phát hiện khi nhìn lại trò chơi cũ rích này:

Trong mỗi một con người có một điểm đen! Điểm đen ấy thường được xem là tật xấu, nhưng điểm đen cũng có thể là một vết thương mà mình không muốn cho ai nhìn thấy. Ai ai cũng mang trong mình một vết thương được giấu kín. Tật xấu thì hiện ra lồ lộ, nhưng vết thương lại được ta giấu kín để không ai thấy được mà ‘xem thường’ mình, nếu không phải là tập trung vào vết thương đó mà xoáy!

Sau khi tiêm chủng trên cánh tay, bác sĩ muốn dán một băng keo trên vết chích cho cậu bé. Cậu yêu cầu: “bác hãy dán trên cánh tay bên kia".

Bác sĩ hỏi: "Ủa, sao vậy? Băng keo này sẽ cho mọi người biết nơi cháu bị tiêm và sẽ không chạm vào tay đau của cháu."

Cậu bé van nài: "Xin bác làm ơn dán qua tay bên kia đi. Bác không biết mấy đứa bạn học của cháu đâu! Chúng sẽ dí vào nơi có băng keo mà vỗ!”

Cậu không muốn cho người ta thấy điểm yếu của mình. Cậu sợ để cho người khác biết nơi mình dễ bị tổn thương vì e rằng người ta sẽ làm cho cậu đau đớn hơn hiện trạng của mình.

Trên con đường đời cam go này, điều đáng sợ nhất là để cho người khác thấy điểm yếu của mình, vì dường như số người băng bó vết thương cho mình thì rất ít, mà số người ‘cười trên đau khổ’ của kẻ khác thì đầy dẫy khắp nơi. Chẳng thế mà có người đã khuyên: “Đừng bao giờ nói ra những vấn đề của bạn. 20% người nghe thì chẳng quan tâm, còn 80% thì hớn hở vui mừng vì bạn gặp phải vấn đề đó”.

Đó là lý do mà khi tiếp cận con người, em hãy cố gắng phát hiện vết thương ấy, để khỏi vô tình làm cho họ đau hơn. Nếu biết được mỗi một người đều mang một chấm đen riêng, thì ta mới biết nơi nào mà đem ngọn nến của mình để chiếu rọi. Ngọn nến của mình ánh sáng lờ mờ lắm, nếu không chiếu vào đúng nơi tối đen thì ngọn nến ấy chẳng có ai cần đến.

Susan Muto, trong cuốn BLESSINGS THAT MAKE US BE (Crossroad book, 1982), thuật lại câu chuyện của một vị đại vương muốn tìm một tể tướng giúp mình cai trị đất nước. Cuối cùng đức vua tìm được một người thích hợp; ngài đưa ông ra bao lơn của cung điện, ở đấy họ có thể nhìn thấy toàn cảnh giang sơn.

Vị quan cận thần hỏi nhà vua: "Tâu bệ hạ, thần cần phải nhớ điều gì trước tiên, khi thực hiện thánh chỉ của bệ hạ?"

Đức vua trả lời: "Khanh à, chỉ có một đường lối phải theo thôi: hãy xem thần dân là những người đang mang thương tích"

Khám phá nơi mà người khác bị tổn thương, em sẽ biết làm thể nào để thông cảm họ. Lòng thông cảm ấy, trước tiên, sẽ làm cho em nhẹ nhàng đón nhận những bất công, những nỗi khổ mà người khác gây ra cho em:

99% trường hợp mà em bị người ta xúc phạm - thể chất hay tinh thần - ấy là vì họ tự vệ khỏi nỗi đau của mình chứ không phải nhằm gây đau đớn cho em. Cái khổ nhất của chúng ta không phải là vết thương người khác gây ra cho mình, cái khổ nhất ấy là nghĩ rằng người ấy ‘ghét bỏ, căm thù’ mình, và mình là một người bị ‘hạ nhục’!

Một người bạn lên cơn sốt rét quơ tay múa chân đập vào mặt mình đến sưng vù, mình không bao giờ thấy khổ; nhưng cũng người bạn ấy tát nhẹ vào mặt mình trong một sự bất hòa nào đó, mình sẽ gặm nhắm nỗi khổ từ ngày này qua ngày kia… và nhiều khi còn dành bao nhiêu thì giờ suy nghĩ cách trả đũa để lấy lại ‘danh dự’. Nỗi đau của hai cái tát như nhau, nhưng một cái không làm mình ‘tẩy chay’ và không xót xa, một cái thì làm mình khổ tâm và ghét bỏ một con người.

Thực ra, nếu em hiểu rằng ở trường hợp thứ hai, người bạn cũng giải quyết nỗi đau của chính mình là chủ yếu, chứ mục tiêu không phải là tổn thương em, thì thay vì em căm phẫn, em sẽ đón nhận cái đau, mà không bao giờ thấy khổ, và từ đó không có cái nhìn đen tối trước một tình huống mà mình bị ‘uất ức’ hay ‘ruồng bỏ’.

Cái tát thể lý xuất phát từ vết thương thế lý thì dễ dàng nhìn thấy, nhưng cái tát tinh thần xuất phát vết thương tinh thần thi mình ít khi để ý, và từ đó mình không còn kiên nhẫn để phát hiện vết thương nơi người khác. Thấy được vết thương, em sẽ dễ dàng tha thứ! Mà cũng chẳng cần tha thứ nữa, vì tha thứ có nghĩa là khẳng định rằng người kia có lỗi với mình, nhưng người bạn bị lên cơn sốt rét cấp tính kia, dù đập vào mặt em, thì có lỗi gì đâu mà cần em tha thứ!

Em à, khi em tiếp cận cuộc đời như thế người ta sẽ cho rằng em là ‘người cõi trên’, và sẽ bị cuộc đời lường gạt. Không đâu em à! Chính vì ai ai cũng có một vết thương, nên khi đến với nhau, người ta luôn chìa ra những vũ khí tự vệ…

Nếu em hạ vũ khí mình trước, người kia sẽ thở phào và tiến đến trong tinh thần cởi mở với em. Cái bắt tay của tây phương khởi sự bằng tinh thần cởi mở đó! “Tôi đưa tay ra cho anh thấy rằng tay tôi không cầm vũ khí, vậy anh cũng đưa ra bàn tay không tự vệ để nắm lấy tay tôi!”

Không em à! Tôi không ngu ngơ đến độ nói rằng mọi người đều tốt cả! Có những người chỉ tìm cách giết hại kẻ khác, trấn áp kẻ khác, bóc lột kẻ khác vì bản chất xấu xa… nhưng em nhìn lại mà xem, số người ấy rất ít so với những người giết hại nhau nhân danh những gì cao đẹp nhất mà mình thiết tha.

Vâng, thấy thương tích trong lòng người ta sẽ dễ dàng có cái nhìn thông cảm. Hơn thế nữa, khi có cái nhìn thông cảm thì em hiểu rằng người kia (là vợ chồng, bạn hữu, đồng nghiệp, đối tác, đối phương) cần chúng ta đừng xoáy vào vết thương của họ, và sâu xa hơn, nếu ta có thể xoa dịu phần nào vết thương mà họ giấu kín, thì họ sẽ bộc lộ toàn bộ tờ giấy trắng tinh tuyền của con người mình.

Không có người bạn nào sống chết với mình cho bằng một người mà mọi người xa lánh nhưng mình đã tìm được con đường đi đến trái tim. Thời sinh viên, bản thân tôi được một người bạn đối xử với tấm lòng vàng và nuôi ăn nuôi ở suốt một năm ròng bằng số tiền ít ỏi mà cha mẹ anh gửi hàng tháng cho anh: thế mà anh lại là người bị bạn hữu xa lánh vì nổi tiếng là keo kiệt và phách lối!

Kể dài dòng với em, cũng chỉ muốn nói rằng ‘đối phương’ của mình, từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, đều hành xử để che dấu vết thương mình. Từ đó em sẽ thoải mái mà đến với họ một cách thanh thản hơn, thông cảm hơn, và nụ cười mới nở được trên môi em khi đối diện với tha nhân, khi đối diện với cuộc đời! Nụ cười ư? Lại là một điều quá quen thuộc nhưng cũng vẫn còn quá mới mẻ … Nhưng thư cho em hôm nay quá dài rồi, chắc em đã thấy mệt! Nụ cuời ấy, chúng ta sẽ nói với nhau vào ngày mai, em nhé!

Và bây giờ chúc em một tuần mới với đầy niềm vui, và đối với người em gặp đầu tiên làm em phiền lòng, hãy nhớ rằng không phải họ ‘thù hằn’ gì em, mà chỉ vì họ phản ứng tự vệ do một vết thương giấu kỹ đến độ bản thân họ cũng không hề biết!

Em sẽ nhìn mọi biến cố, mọi sự vật, mọi con người cũ với cái nhìn đổi mới hàng ngày, để thấy rằng mỗi cuộc gặp gỡ đều là cơ hội cho em bắt nhịp cầu nối kết giữa hai tâm hồn! Em nhớ nhé, dù cho thực tế có phũ phàng thế nào, dù ‘đối phương’ có tệ như thế nào, thì xét cho cùng, con người đáng thương hơn là đáng trách.

Thày Trần Duy Nhiên

No comments: