Monday, November 24, 2008

Thư gởi em 05

Em,

Tôi vừa nhận thơ của em. Tôi đọc lại nhiều lần, nhiều đến độ gần như thuộc lòng.

" Thưa Thầy, người mà con hằng thương yêu và kính trọng là mẹ con, nói với con rằng: "Không còn trách nhiệm nuôi con nữa, và coi như không có đứa con như con...”

Thưa Thầy, tại sao người lớn cứ mãi khăng khăng với ý kiến của mình, không chịu tìm hiểu thế giới của tụi con mà lại tự cho rằng đang sẵn sàng lắng nghe, lắng nghe rồi bác bỏ, rồi đưa ra lý do không xác đáng bắt phải tin là như thế. Rồi lại bảo con không biết thương mẹ.

Thưa Thầy, giữa cái đúng và mẹ, con phải theo bên nào, con phải chọn hướng đi về phía nào, liệu mẹ con sẽ lấn át được cái đúng hay cái đúng sẽ dần dần làm mẹ con hiểu con ? Con không dám gọi những gì con quyết định là đúng đắn, nhưng con đường mẹ dẫn con đi là không đúng. Không phải là tất cả mọi việc, chỉ trong một việc thôi, nhưng con muốn chứng tỏ đâu là sự thật. Con không muốn làm đau lòng mẹ, vì con hiểu được tình thương của mẹ dành cho con như thế nào... mà hỡi ôi !..."

Hôm nọ, một em khác cũng đến với tôi lúc 9 giờ đêm. Em khóc và nói: "Từ sáng đến giờ ba em không nói chuyện với em. Sự việc bắt đầu bằng một chuyện không đâu. Hôm qua, khi hai cha con cùng xem một cuốn phim về tuổi trẻ, ba em đưa ra một nhận xét. Em nói: 'Con không quan tâm'. Thế là ba em bỏ đi vào phòng. Nửa giờ sau, ba em ra nói một giọng chua chát: ‘Từ này về sau, mày sẽ không bao giờ nghe được một lời dạy dỗ nào của tao nữa’!"

Và bao nhiêu lần khác, bao nhiêu em khác nữa... Khoảng cách giữa hai thế hệ là một vấn đề muôn thuở nhưng vẫn là một thảm kịch cho bao nhiêu người, và bây giờ là một bi kịch cho em. Tôi phải nói gì với em, em nhỉ ?

Trước tiên, tôi kể cho em câu chuyện mà Nietzsche đã viết trong cuốn 'Ainsi parlait Zarathoustra', với tựa đề: Les Trois Métamorphoses (Ba Lần Lột Xác ), để nói lên hành trình nội tâm của một con người trong cuộc đời. Trên hành trình đó, con người thông qua ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: Con lừa.

Những năm tháng đầu đời, họ là con lừa. Con lừa là nhân vật đón nhận tất cả mọi gánh nặng mà gia đình, xã hội, truyền thống... đặt trên lưng mình, rồi cam chịu mà không bao giờ thắc mắc những gánh nặng đó là gì. "Ngươi phải sống thế này, ngươi phải làm thế nọ..." và con lừa câm lặng vâng theo, lưng mang nặng mọi điều mà luân lý, giáo dục, hoặc tôn giáo đặt trên lưng mình.

Giai đoạn thứ hai: Sư tử

Con lừa đi vào sa mạc. Sa mạc có nghĩa là sự cô đơn và không còn phải chịu sự kiểm soát của một ai. Ở sa mạc, con lừa biến thành "sư tử". "Sư tử" vứt tất cả mọi giá trị mà người ta đặt trên lưng mình và đẫm nát đi cho hết. Mọi thứ gánh nặng đều trở nên một cản trở đối với tự do. "Không ai có quyền bắt tôi phải làm một điều gì cả, chỉ có tôi mới có quyền quyết định cho bản thân mình mà thôi."

Giai đoạn thứ ba: Bé thơ

Sau khi phá sạch mọi giá trị, "sư tử" sẽ biến thành "Bé thơ". Bé thơ là chấp nhận và quên đi. "Bé thơ" không thắc mắc gì nhiều, không chống đối ai, nhưng cũng không bị ai ràng buộc bắt ép. "Bé thơ" là một con người đạt đến đỉnh cao của tự do.

Hiện giờ, em đang đối diện với những xung đột giữa những điều mình nghĩ và những điều 'người lớn' nghĩ. Em đang ở giai đoạn sư tử. Vấn đề xảy ra giữa mẹ và em không phải xuất phát từ mẹ em hoặc từ bản thân em. Vấn đề xảy ra là do em đã thành sư tử mà mẹ em vẫn xem em là con lừa. Thế là thảm kịch !

Em phải chọn lựa hoặc sống tự do, nghĩa là sống theo điều mình nghĩ; hoặc sống trong tình thương, nghĩa là sống đúng theo ý của mẹ. Tự do và tình thương đều là hai nhu cầu không thể thiếu được của một con người. Cái khổ của em hiện tại là hình như em chỉ có thể chọn một trong hai mà thôi... Và thực tế là em đang bắt cá hai tay, nghĩa là vừa muốn được tự do, nhưng điều đó làm hỏng ít nhiều tình thương; đồng thời em cũng muốn sống trong tình thương, nhưng điều đó lại hạn chế ít nhiều tự do. Thành ra em chẳng thấy có được thứ nào trọn vẹn.

Không ai có thể giải quyết thay cho em xung đột này cả. Một con người muốn trưởng thành luôn phải thông qua giai đoạn này... Rồi đến một ngày em sẽ tìm ra sự hài hòa cho chính bản thân. Con người luôn chọn cho mình điều mà mình cần nhất. Em sẽ biết ở mức độ nào em sẽ giữ được cả tình thương lẫn tự do.

Thực ra, mẹ em cũng đang cần tình thương của em, và cũng cần cảm thấy mình tự do. Ðừng làm cho bà phải chọn lựa như em, nghĩa là chọn lựa hoặc chỉ có quyền quyết định đối với con gái mình (mà nó hậm hực nghe theo), hoặc chỉ có tình thương của nó (mà không còn được nó vâng lời ).

Bà cũng đang đau xót như em, và có thể còn hơn em nữa. Bởi vì thường thường thì mẹ thương con nhiều hơn là con thương mẹ. Mà như tôi đã nói trong thư trước, trong lãnh vực tình cảm, ai yêu thương nhiều hơn thì người ấy yếu hơn, và hệ quả là khi xung đột xảy ra, người này chịu một vết thương sâu hơn.

Em không thể nào 'dạy' mẹ em có cái nhìn 'đúng' như em, bằng chứng là em không thể nào có cái nhìn 'đúng' như mẹ. Vấn đề là em phải học cách nhìn với cái nhìn của mẹ, từ đó em sẽ hiểu vì sao có sự ngăn cách, bấy giờ em sẽ cùng với mẹ đi đến một giải pháp hữu hiệu.

Hãy tỏ ra hợp lý: điều em mong là mẹ em phải thay đổi để có cái nhìn giống như em, vì em nghĩ là em nhìn đúng. Thế thì vì sao em không nghĩ rằng mẹ em cũng muốn em phải thay đổi để có cái nhìn giống như bà, vì bà nghĩ rằng bà đúng?

Em không đổi được chính mình, thì sao em lại đòi hỏi mẹ em thay đổi? Người duy nhất mà em có thể thay đổi là bản thân em, em không thể thay đổi mẹ em đâu! Khách quan mà nhìn, thì người lớn khó thay đổi và có ít lý do để thay đổi hơn người trẻ. Em suy nghĩ xem vấn đề xung đột là ở đâu, rồi em thay đổi cách nhìn...

Nói thì dễ mà làm thì khó...

Nhưng
Hãy bắt đầu đi, rồi em thấy rằng mẹ em nhiều thiện chí và ít cố chấp hơn em tưởng, hay ít ra, bà không thiếu thiện chí và cũng không cố chấp hơn bản thân em đâu.
Hãy bắt đầu đi, con đường còn dài, và em sẽ tìm ra được giải pháp cho chính mình để bảo toàn tự do bản thân đồng thời giữ trọn vẹn tình thương của những người mình tha thiết. Hành trình sẽ cam go đấy: nhưng đó là con đường để cho em trưởng thành... Không ai có thể đi trên con đường ấy thay cho em...

Tôi thương em, nhưng tình thương nhiều khi bóp nghẹt hơn là giải phóng người mình thương. Nếu phải chọn lựa giữa thương ai và giải phóng họ, thì tôi mong cho họ được giải phóng. Nhưng về phần mẹ em, bà cần đến em cũng bằng em cần đến bà. Em mà vuột khỏi tầm tay của mẹ là bà sẽ hụt hẫng đấy. Chớ tạo cho mẹ em cảm giác là em đã rời khỏi tầm tay của mẹ, rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết nhanh hơn...

Em đang đi trong đường hầm. Hãy âm thầm bước đi: không có đường hầm nào là một đường hầm vô tận. Rồi em sẽ đi đến cuối đường hầm, rồi em sẽ thấy được ánh sáng.

Thày Trần Duy Nhiên

No comments: