Monday, September 29, 2008

Bệnh viện tại gia

Khoảng thời gian này, cách đây 2 năm, nhà mình như một cái phòng trong BV...Mặc dù giỗ mẹ đã qua từ tuần trước, nhưng vì năm 2006 là năm nhuận, nên tính theo ngày dương lịch, thì mẹ mất vào ngày 06/10/2006

Thế nên, những ngày cuối tháng 09, tình hình của mẹ đã tồi tệ lắm. Dịch truyền cắm suốt 24/24, lúc này gần như các mạch máu ở tay chân xơ cứng hết, không thể truyền được nữa. Mỗi ngày, mẹ truyền khoảng 6 chai vừa Glucoz, vừa muối, vừa Lactat Ringer, thêm một chai mỡ nhỏ xíu màu trắng, và huyết thanh vàng...

Thuốc của mẹ nhiều lắm, kháng sinh liều cao, Morphin, thuốc giảm đau...Kháng sinh để chống nhiễm trùng, vì mẹ hay bị sốt cao, khò khè, chắc do nằm nhiều, dễ viêm phổi, và thêm vào đó, vùng lở loét, hoại tử ngày càng ăn sâu vào xương, sinh mủ quá nhiều

Hồ sơ bệnh án của mẹ ở khoa Ngoại BV Trưng Vương, mỗi buổi trưa , anh Hân đều vào khoa lãnh thuốc và dịch truyền về...Tất cả những dịch vụ Y tế cần thiết dành cho mẹ đều được thực hiện tại nhà

Hằng ngày, tôi rơ miệng cho mẹ bằng dung dịch Borat, giống như em bé, để tránh nấm Candidas xâm lấn từ miệng, lan qua vòm hầu, xuống thực quản. Dịch truyền gần như được theo dõi 24/24 để xử trí kịp thời khi vỡ mạch hay hết thuốc...

Lúc nào trong phòng cũng co 2 bình Oxy : một nhỏ, một lờn. Bình nhỏ thì đắt, nhưng được cái giao tận nhà, nếu hết Oxy giữa đêm cũng không ngại. Còn bình lớn thì mình phải tự chuyên chở và khiêng lên phòng...

Nhà cũng có máy hút đàm, Phát cho mượn, vì mẹ nằm nhiều dịch tiết nhiều, nên hay khò khè, khó thở.
Ngộp quá, thì phải dút ống thở vào mũi của mẹ ngay lập tức

...Mẹ bị liệt chân từ đầu tháng 06, tiếp đó là liệt nửa thân dưới, không còn tự đi tiêu, đi tiểu được nữa. Đặt ống dẫn tiểu, do Út đảm nhận, cách vài ngày, lại thay ống, còn khi nào bịch tiểu đầy thì đổ đi.

Mẹ cũng không tự đi cầu được, nên mỗi ngày, tôi phải dùng tay, móc phân ra ngoài cho mẹ

Một ngày kia, 2 bên bẹn của mẹ, kiến đốt sưng hết nhưng mẹ không biết đau để kêu chúng tôi nữa. Đó chính là lúc mẹ bắt đầu bị loét, hoại tử, nước vàng chảy ra, nên kiến bu lại.

Từ ngày đó, mỗi chiều tôi kiêm thêm công việc lau rửa vết thương, thay băng cho mẹ

Thuốc sát trùng cho mẹ gồm Betadine, xanh Methylene, savon diệt khuẩn. Gạc, gòn, Út hấp từ khoa đem về.

Những phần việc còn lại như tắm rửa cho mẹ, cho mẹ ăn, uống nước, xoay trở người, xoa bóp tay chân, cho mẹ vận động...canh dịch truyền ban đêm, được chị Hai và Hường thay nhau phụ giúp chúng tôi

CN là ngày mẹ bị hành nhiều nhất, vì có Út ở nhà, thôi thì đủ việc, gội đầu cho mẹ, tắm cho mẹ, sát trùng chỗ nằm của mẹ...

Mỗi lần di chuyển mẹ từ tấm nệm nước này sang tấm nệm nước khác để giặt, hay thay đồ cho mẹ, la mẹ đau lắm, mẹ cứ la mắng , xua đuổi tôi và Út đi chỗ khác...Mẹ sợ chúng tôi lắm nhưng không dám phản đối, vì mẹ còn sức lực nào nữa đâu, mẹ chỉ dám la thôi

Khoảng một tuần trước khi mẹ mất, Hạnh phải mời BS Khôi lại mở đường truyền tại TM cảnh trên, vì đã hết truyền được ở tay chân rồi. Trước đó, hôm thì nhờ Phát, hôm thì nhờ má Dung, tìm chỗ truyền, nhưng đều thất bại, chỉ một chút thôi là mạch vỡ ...

Không truyền đủ số chai dịch được phân chia mỗi ngày, chúng tôi quyết định nuôi thêm bằng đường ống cho mẹ , đặt ống thông cũng rất khổ, mà duy trì ống thông còn khổ hơn...

Mẹ khó chịu, nên chỉ cần chúng tôi lơ là một chút là mẹ rút ống ra. Đến nước này, chúng tôi phải trói tay mẹ lại. Thật thương tâm, nhưng không làm sao khác hơn được.

Có lẽ vì mẹ lâu ngày không ăn , và mẹ cũng bị liệt ruột nữa, nên mẹ bị tiêu chảy. Ôi, cái đêm ấy, sao mà cực lòng đến thế, mẹ đau nhiều lắm rồi, xoay người mẹ một chút thôi là mẹ đau. Mà tiêu chảy thì cứ tuôn ra như nước, vừa phải thay đồ, lau nệm, chùi rửa cho mẹ, sát trùng lại cái ổ loét hoại tử nữa. Vừa lau xong, quay đi, quay lại đã thấy ngay bãi khác...

Đường truyền bằng TM cảnh cũng bị phù nề, hết chỗ rồi, không thể truyền trên đầu được, Út đành nhờ BS Hải lại bộc lộ TM...Mạch của mẹ xep lắm, rạch ra không còn một giọt máu, chỉ toàn nước với nước. BS Hải nói với tôi và Út : "Mẹ chắc chỉ được 2, 3 ngày nữa thôi"...Tối đó là tối thứ 2

Những ngày tiếp theo, mẹ yếu lắm, gần như mê man suốt, không còn tỉnh nữa. Tôi nhớ có lần, tôi rơ miệng cho mẹ, mẹ mở mắt nhìn tôi và nói : "Chị đừng làm em đau, em mới há mồm ra"... Nhìn mẹ ngây ngây dại dại, tôi ứa nước mắt gật dầu dỗ dành ...Vậy mà tôi vừa đưa tay vào, mẹ liền ngậm miệng lại, cắn tôi đau lắm.

Sang ngày thứ 5, nghĩa là 3 ngày sau, mẹ mê man và khó chịu nhiều, phải úp Mask cho mẹ, và Oxy mở liên tục.

3 giờ chiều, Hạnh lo lắng, đòi đưa mẹ nhập viện...Hạnh bảo phải quyết định liền, nếu không, sẽ không kịp

Tôi nhìn mẹ...đứng trên phương diện là Bác sĩ, thì còn nước, còn tát...với người ngoài, mình còn làm vậy, huống chi là mẹ...Nhưng là một người con, tôi không đành lòng đưa mẹ đi. Liệu mẹ có đến được BV không ? Hay chỉ vừa khiêng mẹ xuống cầu thang là mẹ tắt thở ???

Nếu vào BV, chắc chắn, mẹ sẽ nhập cấp cứu, chúng tôi sẽ không được ở gần mẹ, mà chỉ đứng vòng ngoài cho đến khi nào BV gọi vào để đưa mẹ về ...Và điều cuối cùng, cũng chỉ là mẹ ra đi, không còn cách nào khác, không có kết quả khác, vậy thì tại sao, không để mẹ được yên ổn ở nhà, có con cháu quây quần trong những giây phút cuối...Nghĩ lại, tôi cảm thấy mừng vì ít nhất lúc đó, mình đã có quyết định sáng suốt

Hạnh mua thuốc gĩan khí quản về tiêm cho mẹ, mẹ có vẻ dễ chịu hơn. Sáng hôm sau, thứ 6 Trung Thu...Chị N và Hạnh chào mẹ đi làm. Mẹ đặc biệt tươi tỉnh, cười, vẫy tay tạm biệt các con . Thấy môi mẹ mấp máy, tôi ghé sát tai để xem mẹ nói gì, nhưng mẹ không còn hơi nữa.

Tiếng mẹ nhẹ như hơi thoảng, dường như vọng từ cõi xa xăm nào đó

10 giờ sáng, BS Tần ghé lại thăm. BS còn ngạc nhiên khi gặp mẹ, mẹ không có vẻ gì là sắp đi cả. BS hỏi "Bác còn nhớ con không ?". Mẹ cười, gật đầu chào, nhưng không thể nói thành tiếng nữa

11 giờ, Sao Mai lên thăm bà ngoại. Bà gặp SM xong, nhắm mắt ngủ. Mọi việc có vẻ rất bình thường. Anh Hân đón Duy và ghé BV lãnh thuốc như mọi ngày...Tôi đang ngôi chơi với bé Nhí, con gái xin tối nay được đi rước đèn. Đúng lúc đó, SM gọi tôi : "Dì D ơi, bà ngoại tự nhiên nấc lên một cái rồi nằm im luôn.."

Linh tính báo cho tôi biết có chuyện không hay rồi. tôi chạy nhanh vào. Gương mặt mẹ trắng bệch, mẹ im lìm bất động. Tôi hất tung cái chăn mẹ đang đắp, hơi thở của mẹ rất yếu ...Đo huyết áp, 9/5 rồi 6/4, rồi không đo được nữa...Mạch dường như đã ngừng đập

Tôi hốt hoảng gọi Hạnh, Hạnh an ủi tôi nói sẽ về ngay. Tôi gọi điện cho chị N, rồi anh Hân...SM lại nói : " Bà ngoại nấc thêm cái nữa, và sùi bọt mép rồi dì D ơi"...Tôi như người mất hồn, tay chân run bắn lên, ... tôi không còn biết phải làm gì nữa....

Đúng lúc đó, anh Hân về, anh ấy đặt tấm gương lên mũi của mẹ và nói : "Mẹ tắt thở rồi"

...Những ngày sau đo, tôi bắt đầu dọn dẹp cái BV trong phòng ngủ của mẹ và Út. Trả lại 2 bình Oxy, chùi rửa mấy tấm nệm nước, đóng gói từng bao thuốc, dây truyền dịch, gạc, gòn..., thanh toán viện phí cho mẹ tại BV Trưng Vương ...kết thúc tất cả những gì liên quan đến căn bệnh của mẹ suốt 2 năm ròng rã

Tôi không còn bận rộn nữa, cũng không còn bị mẹ la mắng, xua đuổi nữa, nhưng tôi hụt hẫng, trơ trọi, lạc lõng thực sự.
Căn phòng đó, không có mẹ, không có Út, không có chị Hai, không có Hường...
Nhà bớt đi 4 người, đìu hiu, vắng vẻ ..và kể từ đó, Hạnh cũng không muốn về nhà cùng tôi nữa

Niềm an ủi duy nhất của tôi là : Tôi đã được hầu hạ, chăm sóc mẹ đến tận giây phút cuối cùng...

Căn nhà 8 Đông Thái Hà Nội

Nhiều người không biết phố Đông Thái ở đâu, mặc dù đây chính là khu vực phố cổ Hà Nội. Xin được trích dẫn vị trí phố Đông Thái theo trang Web : http://www.hanoi.gov.vn

Chỗ này là bờ nam của sông Tô Lịch, đất thuộc giáp Đông Thái phường Hà Khẩu (tổng Hữu Túc), đối diện với bên kia sông cũ là giáp Giang Nguyên thôn Hương Nghĩa (tổng Tả Túc). Di tích còn đình Đông Thái ở số 6 trong phố. Ngõ Đông Thái còn có tên là ngõ Hàng Trứng (khác với phố Hàng Trứng ở đầu phố Hàng Mẵm), dài chưa đến bảy mươi mét, đi chéo từ đầu góc đông nam Chợ Gạo xuống đầu phố Mã Mây. Đông Thái là một phố nhỏ, mặt đường hẹp, nhưng hai bên mặt phố toàn là những nhà gác hai tầng cao, làm sát liền nhau. Phố này hầu hết là nhà riêng của người Hoa kiều giàu có buôn bán gạo ở mấy phố quanh Chợ Gạo.

Hà Nội - 20 năm trước - sau một quyết định khá đột ngột và bát ngờ của bố, tôi và Út Hạnh đã có 1 chuyến đi xuyên Việt đầy thú vị...

Tôi đã đặt chân vào căn nhà này, căn nhà mà bố đã có biết bao kỷ niệm cùng ông bà, các bác...Nhưng cũng chính căn nhà này đã làm cho bố đau đớn, ray rứt không yên trong những phút giây cuối cùng của cuộc đời.

Một căn nhà giữa lòng phố cổ với diện tích khoảng 150m2, 3 tầng, nhưng mục nát, tan hoang lắm. Phía sân sau đã bị sụp đổ hoàn toàn do B52 ném phá miền Bắc vào những năm 1972. Chiếc cầu thang gỗ, ọp ẹp, rung rinh như răng bà già...Chắc hẳn, nếu được sống tại đây, bạn cũng không thấy sung sướng gì vì điều kiện sống quá thấp. Tầng dưới cùng ẩm thấp, tối tăm, vì cửa lúc nào cũng đóng kín mít. Đó là 20 năm trước..

Lầu 1 là nơi sinh sống của gia đình bác Bé, tại đây có chiếc tủ gỗ cổ, mà bố thường hay nhắc đến....Mỗi tối, ngăn tủ có rấ tnhiều tiền do ông bà nội bán gạo sỉ. Tiền lớn, được cất riêng, còn tiền vừa vừa, nhét vào bao tải, tiền xu, thì ở ngăn tủ này...Bố và bác Bé hay lấy tiền ra xài vặt..
Lầu trên cùng, có tủ thờ lớn cùng bài vị của tất cả tổ tiên, bố bảo chúng tôi ra đó, nhớ lên thắp nhang thay cho bố chào tất cả các cụ, ông bà. Tội bố quá, lòng bố lúc nào cũng tha thiết hướng về cội nguồn, nhưng bố không muốn ra Hà Nội, vì bố sợ không còn nhìn thấy khung cảnh xưa, cùng những kỷ niệm ngày nào. Tôi dứng trên sân thượng, nhìn ra cầu Long Biên, bác Bé nói ngày xưa, mỗi lần nhà có giỗ, đến khi ngồi vào mâm, không thấy bố, là biết chắc tìm bố ở đây, và ..."phải đi nấu ngay món ăn "cậu" thích, vì "cậu" hờn đấy, "cậu không thấy trên bàn ...nhưng tính "cậu" là thế, không bao giờ nói đâu, chỉ bắt người khác tự suy đoán mà thôi"...

Giữa bố và bác có biết bao kỷ niệm...Vì đâu mà nên nỗi ...cuối đời, chị em lại giận hờn nhau ? Vì tranh chấp căn nhà sao ??? Bố cả đời không hề tham lam, giành giật với ai, lúc nào cũng nhận sự thiệt thòi về mình...Vậy mà...

Tại đây, phóng tầm mắt qua căn nhà đối diện, số 3 Đông Thái, căn nhà mà bố cùng các bác, ông bà sinh sống trước khi dọn qua bên này. Căn nhà đang được rao bán trên mạng với giá 1,1 tỷ cho 14m2 diện tích. Quả là một cái giá khiến mọi người mơ ước

Photobucket

Tôi đọc lại bản tường trình của bố về căn nhà còn lưu giữ trong máy tính của mình...Khoảng nửa tháng trước khi bố mất, bố gọi tôi lại bảo : "Dung này, bố muốn con thu xếp đi Hà Nội, con đi với chị Mai, con bác Quảng. con hãy viết một bản tường trình, và ra ngoài ấy, tìm hiểu xem, văn phòng luật sư nào có thể hướng dẫn cho mình về việc thừa kế căn nhà...". Tôi vâng lời cho bố yên tâm, cả bố, bác Quảng đều đang hấp hối, ngoài kia, bác Bé cũng già cả, bệnh hoạn...lẽ nào, lại để các vị phải thưa kiện nhau ra toà, chỉ vì căn nhà ư ??? Đau lòng quá đi thôi

Bản tường trình của bố ghi :

Photobucket


Chắc bố lẫn, bố từng nói với tôi căn nhà có bề ngang 6m, bề dài 30m, nở hậu 8m, và bức tường mội bên có vách dày 0.5m. Hồi "tiêu thổ kháng chiến", chính quyền bắt dân phải đập nhà cửa để địch không có chỗ ẩn nấp, nhưng không sao đập nổi căn nhà này vì tường dày và chắc quá

Photobucket

Ngày cuối cùng...giữa lúc mê và tỉnh, bố vẫn mơ về nhà, mơ về tuổi thơ...và tôi đã đọc cho bố nghe cuốn "Một cuộc đời". Bố vẫn nhắc tôi về căn nhà...
Vì căn nhà, mà bố và bác Bé đã không còn liên lạc với nhau, và những người con của bác đã xấc xược, hỗn láo cùng người cậu ruột của mình. Bố đau đớn vì chị Loan cho rằng khi bôốvào Nam, ông bà nội đã từ bố. Bố nhắc nhiều đến tờ giấy khai sinh chứng minh bố là con ông bà. Bố nói rằng bà nội qua đời trên tay bố, còn ông nội trước khi nhắm mắt đã gọi "Hoà ơi!", chính bác Bé kể cho bố nghe như thế, trong ngày hoà bình lập lại...

Vậy là, chỉ vì lòng tham, mọi người đã xúc phạm đến bố, đến tình cảm thiêng liêng giữa bố và ông bà. Tôi an ủi bố, va hứa với bố, sẽ có ngày...tôi tìm ra đáp số của ngôi nhà.

Bác Quảng mất sau bố 1 tháng, còn 3 năm sau ngày bố mất, bác Bé cũng qua đời. Tôi chẳng còn quan tâm đến chuyện căn nhà này nữa. Chúng tôi bận rộn với những lo toan, những vất vả đời thường. Bỗng có 1 ngày, tôi nhận được nguồn tin sở dĩ căn nhà trên đã không giải quyết được, mặc dù những người ngoài HN đã có rất nhiều lần muốn bán, vì chủ sở hữu căn nhà trên chính là bố.

Nếu quả thật là có điều này, con phải tìm ra, bố ơi! Chẳng để làm gì, chỉ để bố được an ủi, là ông bà nội luôn hướng về bố, bố là đứa con ông bà nội thương nhiều nhất

Nếu quả thật là có điều này...thì tất cả những người mang họ Trần không xứng đáng là con cháu của ông bà, của bố, nếu họ cố tình giầu giếm sự thật

Nếu quả thật là có điều này, con xin bố mẹ phù hộ cho con, hướng dẫn đường đi cho con, con sẽ làm tất cả để trả lại căn nhà cho bố, để bố có mặt trên bàn thờ bài vị tổ tiên trong dòng họ

Và trên tất cả...con mong sao cho tình người, tình thân tộc hãy thức tỉnh những con cháu dòng họ Trần, để cho một ngày nào đó "bí bầu thương nhau!", bố ơi!

Một cuộc đời - Hồi ký của bố

Thời điểm này, cách đây 5 năm, tôi bắt tay vào làm cuốn "Một cuộc đời" cho bố. Từ lúc bắt đầu có suy nghĩ, tôi đã được nghe bố kể rất nhiều chuyện hay về cuộc đời của ông bà, các bác, bố mẹ..., về thời cuộc, về đất nước.
Những câu chuyện của bố tái hiện lên nhiều điều trong lịch sử, mà chắc chắn không có cuốn sách nào ghi lại. Tôi xót xa khi nghĩ rằng sẽ có ngày ...mọi chuyện được quên đi trong im lặng, theo thời gian, nhất là khi bố không còn nữa

Nghĩ đến cuộc đời của bố, tôi thương lắm. Cuộc đời của bố có nhiều mặt mâu thuẫn, giằng xé giữa 2 thái cực, giữa những đối kháng, và bố vượt lên tất cả để sống chính trực như một người quân tử, không một thế lực, địa vị, tiền bạc nào có thể mua chuộc được

Cuộc đời của bố chính là cuộc đấu tranh nội tâm không ngừng nghỉ suốt cả một kiếp người

Tôi năn nỉ bố viết để tôi biên soạn lại. Tôi muốn lưu giữ tất cả hình ảnh của bố, của mẹ, của gia đình chị em chúng tôi để sau này, các con tôi nó phải hiểu cha ông của chúng đã sống thế nào, và chúng biết tự hào về truyền thống gia đình mà chúng đã có


Hosted by RockYouPhotos.com

Bố viết "Một cuộc đời" thật hay và hấp dẫn. Dường như bố cũng linh cảm điều gì, và tâm huyết với đề nghị của tôi, nên bố đã viết không biết mệt mỏi đến kiệt sức tay run...thở dốc. Như con tằm rút ruột nhả tơ...Bố viết cho tôi được 4 bài, về các đề tài :

1. Lời người sắp ra đi :


Photobucket

Photobucket

..." Gọi là sắp ra đi , nhưng chắc cũng còn lâu lắm, tuỳ tình trạng ách tắc giao thông và tuỳ theo các cò xe dù, mình tính lên xe đi Thiên Đàng, nhưng nó lại kéo mình lên xe địa ngục..."
Bố mở đầu tự sự của mình như thế, tôi đặc biệt yêu thích lối hành văn rõ ràng, gọn gàng nhưng súc tích, nhiều ý. Bố viết văn vào những thập niên 1960, với bút danh Bình Hữu. Tôi hỏi bố ý nghĩa thì bố nói "Bình Hữu" là bạn của Bình, là Hoà. Trong 4 chị em chúng tôi, chỉ có chị Nguyên là bố đặt tên. Bố cũng nói Thanh Nguyên là khởi đầu, khởi đầu của thế hệ mới, của hy vọng mới...trong gia đình nhỏ của mình
Bố thích cái gì làm cũng phải có mục đích và ý nghĩa kể cả đặt tên hay viết văn cũng vậy...

2. Cụ Lang :

Bài này bố nói về các vị tổ tiên trong dòng họ bên ông nội, bắt đầu từ cụ Lang. Quê nội chúng tôi ở Thái Bình, nhưng chúng tôi chưa bao giờ về thăm làng quê, họ tộc cả. Tuổi trẻ của chúng tôi lớn lên khi đất nước chia cắt, đến khi hoà bình rồi...thì nghèo quá, bố mẹ phải lo toan với bao nhiêu việc, đến năm 1988, bố mẹ mới có thể thu xếp cho tôi và Út Hạnh ra thăm một vòng các bác ngoài Hà Nội

Photobucket

Chính vì thế, bài viết của bố rất cần thiết cho lũ chúng tôi hình dung ra cội nguồn của mình bắt đầu từ đâu, va tôi mong ước một ngày nào đó, về thăm tận Thái Bình, nơi bố sinh ra nữa

3. Đôi điều về họ ngoại :

Họ ngoại - nghĩa là bên họ của bà nội...


Photobucket

4. Cuộc đời tình ái của tôi

Bố viết phần này cho vui thôi, chứ ...càng lúc, tình yêu càng khác xa với thời của bố mẹ. ..Tình yêu thời bấy giờ của bố mẹ, nó chỉ nhẹ nhàng, thoang thoảng, và chú trọng phần nề nếp, gia giáo. "Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy". Phần này, lũ chúng tôi chỉ quan tâm đến việc bố mẹ đến với nhau cách nào, và quen nhau ra sao mà thôi


Photobucket

Bố còn cẩn thận vẽ lại cho tôi sơ đồ phả hệ dòng họ Trần, để minh hoạ cho chúng tôi hiểu dễ dàng hơn về các chi, các tộc trong họ 2 bên nội, ngoại

Giá mà tôi nghĩ ra việc này để thực hiện sớm hơn, vào lúc sức khoẻ của bố tốt hơn, thì có lẽ cuốn sách này còn hấp dẫn nữa. Nhưng có mấy ai thuộc được bài học "Giá mà..." để rút kinh nghiệm cho những lần sau đâu, nên cuộc đời chúng ta vẫn cứ lặp lại mãi điệp khúc "Giá mà..."

> Một cuộc đời vừa hoàn thành xong vào dịp SN thứ 82 , và ...cũng là SN cuối cùng của bố, để rồi chỉ mấy tháng sau, bố đã vĩnh viện đi xa , tôi không bao giờ được nghe bố nói, bố kể thêm gì nữa, nên cuốn "Một cuộc đời" xem như kết thúc, không còn gì bổ sung

Một cuộc đời - chính là tài sản vô hình, mà bố đã để lại cho chúng tôi, và tôi hãnh diện mình là người có quyền thừa kế lớn nhất. Cám ơn bố.

Tiếng Cú Kêu - Le Cri du Hibou

Photobucket

Cầm tập bản thảo của bố, cứ thấy lòng se lại...Mình muốn phát hành truyện dịch của bố quá. Hôm qua, quyết định sẽ in truyện, kệ, 100 hay 200 cuốn, khoảng chục triệu đổ lại...xem như mất một cái xe...

Cũng tiếc, nhưng cứ nghĩ đến trong tủ sách của mình có quyển truyện của bố, là mình ấm lòng lại...

Photobucket


Mình nhớ mãi, khoảng năm 1989, bố cặm cụi dịch cuốn truyện này, mỗi lần dịch xong, bố hí hửng khoe mình, lúc ấy, mình đã chẳng nỡ cắt đứt niềm vui của bố, nên nói bố là : "bố cứ dịch đi, con sẽ in cho bố." Bố băn khoăn hỏi : "Liệu có ai mua không nhỉ ?" Mình lại an ủi bố rằng : "Truyện hay mà bố, vả lại đã có ai dịch đâu, bố yên tâm, không sao đâu"

Thế rồi, bố đã dịch xong, bố nâng niu lắm...Thuở ấy làm gì có máy vi tính để làm việc. Bố căm cụi viết tay, mới hay sức làm việc của một ông già gần 70 tuổi ghê thật, gần 200 trang A4. Bố nắn nót làm trang bìa cuốn truyện và trịnh trọng ghi : "Dịch giả : Trần Xuân Hoà"

Photobucket

Mình đã chạy khắp nới hỏi thể thứ cphát hành, nhưng thuở ấy khó lắm, và mình cũng không có tiền...để có thể bỏ ra ít nhiều làm bố vui lòng...

Photobucket

Tập bản thảo này đã tồn tại 20 năm, hôm nay, giấy dã ngả màu vàng. Nét chữ rắn rỏi của bố vẫn còn đây, nhưng bố đã không còn...Con nhớ bố lắm, bố ơi!

Con sẽ in cuốn truyện này cho bố, dù bất cứ giá nào...Nếu phải đánh đổi chục triệu để chỉ có một cuốn truyện, để lời văn của bố còn ở mãi bên con, con rất sẵn lòng. Con không thể để tập bản thảo này mục nát đi, bố ơi...

Giấc mơ 20 năm

Đối với tôi, chuyến về VN 1 tháng vừa qua của cô V đúng là một giấc mơ mà tôi không thể ngờ đến....Đón cô về nhà, chỉ vài tiếng sau, khoảng cách 20 năm đã bị xoá hẳn, tôi chỉ còn thấy vẫn là cô V của tôi ngày xưa, nhưng cô bây giờ co phần rắn rỏi hơn, dứt khoát hơn trong suy nghĩ, trong hành động. Có lẽ vì ở Hoà Lan, cô luôn phải tự mình quyết định, lo liệu hết mọi việc từ bé đến lớn, từ dễ đến khó

Photobucket


Photobucket

Những gi khiến tôi băn khoăn, lo lắng bao nhiêu, dần dần đã không còn nữa. Cô hoà nhập dễ dàng, nhanh chóng với cuộc sống của gia đình tôi, với cái xô bồ náo nhiệt của bọn trẻ con, với không khí nóng bức, chật chội của SG, với cả khẩu vị, giờ giấc sinh hoạt trong gia đình nữa...

Tuần lễ đầu tiên trôi qua nhanh chóng, điều khiến tôi vui mừng nhất là vợ chồng tôi đã kịp làm cho cô một cặp hàm khung để cô ăn nhai được dễ dàng, và điều trị cho cô một số vết loét ở nướu, ở miệng

Đầu tuần thứ 2, gia đình tôi, gia đình chị N và Út Hạnh cùng đi chơi vài ngày với cô trên núi đồi Đà Lạt. Có lẽ tôi sẽ khó quên chuyến đi này lắm. Đó là chuyến đi chơi đầu tiên xum họp gia đình, có mặt gần như đầy đủ tất cả mọi người. Chuyến đi đã đem lại sự gần gũi giữa cô cùng các con cháu, tình thân ái giữa các anh chị em với nhau...

Và có lẽ còn luyến tiếc dư âm của những giây phút thả lỏng hết công việc, xum họp bên cô, nên chị N đã tổ chức thêm cuộc du lịch biển tiếp theo tại Mũi Né...Tiếc là vợ chồng tôi không tham dự được

Thấm thoát đã 3 tuần...Cô sắp về Hoà Lan, thế mà cô chưa đi được một vòng Sài Gòn để biết rằng 20 năm qua, đã thay đổi nhiều đến thế nào. Chúng tôi quyết định chọn din Độc Lập là điểm tham quan lý tưởng nhất ở SG

Photobucket

Vài hình ảnh chụp chung với cô tại dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất)

Photobucket


Photobucket

Chụp tại căn phòng đẹp nhất dinh Độc Lập

Photobucket

Cô cháu chụp tại khuôn viên nơi sinh hoạt của gia đình Tổng Thống

Photobucket

Cùng ngồi nghỉ mệt nơi sân thượng tầng trên cùng

Photobucket

Rời khỏi dinh Độc Lập, cô đã mệt lắm, nhưng chúng tôi vẫn cố nài nỉ cô xuống xe chụp thêm vài tấm tại Nhà Thờ Đức Bà và khuôn viên Bưu Điện TP. Tiếc là mấy tấm chụp hư hết, chỉ còn duy nhất một tấm này thôi/

Photobucket

Cuối cùng, giấc mơ nào cũng phải tan, cô V trở về Hoà Lan, trả lại cho chúng tôi về thực tại của cuộc sống thường nhật, cuộc sống mà chúng tôi đã bị mất mát thật nhiều từ khi bố mẹ chết đi.

Tôi nhận ra một điều rất thật - đó là dù bạn có lớn tuổi, dù bạn có gia đình, nhưng khi còn bố mẹ, bạn vẫn thấy mình được chở che, an ủi. "Xảy cha còn chú, xảy vú bú dì", cô V là hình ảnh của mẹ, và những phút giây gần bên cô, chúng tôi cảm nhận được tình cảm thiêng liêng cô đã bù đắp cho chúng tôi sự thiếu thốn đó

Tôi hằng cầu nguyện...cô mau trở về VN xum họp cùng con cháu, để giác mơ ...20 năm không còn là giấc mơ nữa

Mẹ ơi ! Mẹ đẹp quá

Mẹ ơi ! Mẹ đẹp quá, những tấm hình đen trắng tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng toát lên tất cả vẻ đẹp tươi vui, sinh động, mặn mà...của một cô thiếu nữ

Photobucket

Con nhìn hoài mà không thấy chán, mẹ ơi...Chẳng phải "Mẹ hát, con khen hay" đâu, mẹ đẹp thật mà...

Photobucket

Hồi ấy, không có hình màu, nên cái hình này...ai tô lên làm xấu đi mẹ của con mất rồi ???

Photobucket

Đến lúc Mẹ làm cô dâu, rạng ngời hạnh phúc, nhìn mẹ già dặn hơn, nhưng...vẫn đẹp. Mẹ đẹp quá, mẹ ơi !!!

Photobucket

Người ta bảo : "Vợ đẹp là vợ người ta"...Thế nhưng, mẹ đã là một người vợ trọn đời thuỷ chung, và ba mẹ đã cho nhau hạnh phúc ...trong 45 năm mặn nồng nghĩa vợ tình chồng

Photobucket

Thiệp cưới của ba mẹ là kỷ vật quý giá nhất con còn lưu giữ lại được, vì nó chính là khởi nguồn của sự ra đời 4 đứa chúng con : Nguyên, Dung, Hiệp, Hạnh. Toàn bộ đồ vật trong tấm hình này gần 50 năm vẫn còn trong ngôi nhà con, con sống cùng nó và luôn cảm nhận được có hơi ấm của ba mẹ cạnh bên...

Photobucket

Mẹ bây giờ...đã là người đàn bà một con "trông mòn con mắt"...

Photobucket

Một năm sau...mẹ với 2 chị em chúng con. Mẹ vẫn đẹp, trẻ trung, hình như nét đẹp của mẹ không suy giảm chút nào

Photobucket

10 năm sau đám cưới, mẹ đã là người phụ nữ với gánh nặng gia đình, mẹ của 4 đứa con.

Photobucket

Rồi tụi con lớn khôn, mẹ ngày càng tiều tuỵ, hao gầy, nhưng với con, me lúc nào cũng đẹp...

Photobucket

Mẹ ơi, mẹ biết không, mẹ không còn nữa, nhưng cả tấm hình trên bàn thờ của mẹ, con vẫn nhìn hàng ngày mà không biết chán, mẹ tươi tắn quá, nụ cưới của mẹ âu yếm, hiền dịu quá và mẹ đã an ủi con thật nhiều. Con yêu mẹ lắm, mẹ ơi !!!

Dọc đường gió bụi

Ngày xưa ơi ! Đã xa rồi còn đâu. Nhớ ngày đó, được đi du lịch một chuyến SaiGon - Hà Nội là hãnh diện và háo hức lắm. Tuổi trẻ mà, ngại gì gian khó...Ta cứ làm "Ta balo" đi du lịch thôi

Tôi và Út Hạnh vừa đặt chân đến Hà Nội 1 ngày thì nghe tin giá vé máy bay tăng lên gấp 4 lần, hình như từ 25.000 đ thành 90.000đ. Bác Bé an ủi bảo cứ yên tâm chơi đi, từ từ về rối tính sau

Mẹ đánh điện tín ra nói với Bác cho 2 đứa mượn tiền và mua vé máy bay về. Nhưng chúng tôi không chịu, năn nỉ xin bác cho đi xe đò. Bố mẹ và bác không yên tâm lắm, nhưng thấy 2 đứa cương quyết quá, vả lại như vậy đỡ tốn kém hẳn, nên cuối cùng bố mẹ và bác cũng xiêu lòng

Vậy là chúng tôi đã có một cuộc hành trình xuyên Việt nhớ đời. Tiếc là thuở ấy chưa có phương tiện chụp ảnh, nên không ghi lại được nhiều ảnh đẹp, nhưng dù sao, cũng còn may là có máy ảnh của 2 người bạn đồng hành là Hoàng và Phương .

Thời đó, đi xe đò là cả một hành trình gian nan. Xe cộ hiếm, toàn phải đi xe khách dạng "chuồng gà" nhưng thời đó là thế, lúc nào được đi xe Hải Âu là cực kỳ may mắn như vớ được vàng.

Đi xe đã chật mà đường lại sóc, may mắn là lúc đó không bị bắn tốc độ như bây giờ, lái xe lúc đó như những hung thần, xe oằn mình gầm rú mỗi khi lên dốc và run lên như cầy sấy mỗi khi xuống dốc, nhưng lúc đó làm gì có sự lựa chọn nào khác đâu, với lại thế còn may chán, còn hơn đi xe tải hay xe "chuồng gà"

Đi từ Hà Nội vào đến sông Gianh - phà Gianh là nửa đêm, giai đoạn chờ phà là một cực hình, may mắn cho tài xế nào "bắn" nhanh dùng "đạn" nặng thì chỉ phải chờ ít thời gian, còn không vội thì cứ trải tạm cái áo mưa dưới gầm xe mà làm vài giấc con con chờ đến lượt qua phà, thỉnh thoảng lại bị phá đám bởi những con xe dùng vũ khí hạng nặng gầm rú lao lên qua phà trước. Thức đêm cùng phà Gianh cực thú vị với những con người chẳng đi đâu mà vội như chúng tôi.

Sáng thức dậy thấy quanh mình ngổn ngang bãi chiến trường, tàn dư khốc liệt của đêm để lại từ cánh lái xe và khách hành.

Rồi đèo Ngang gánh nặng hai vai, một vai Hà Tĩnh một vai Quảng Bình. Lúc đó chẳng cảm nhận được thế nào là: "Bước tới đèo Ngang bóng xế tà gì cả". Qua đèo Ngang lúc nửa đêm chẳng nhớ gì, chỉ nhớ có cái quán cơm Ngọc Mười có mấy cô em tung tăng chạy ra chạy vô chào đón các bác tài đường xa, xoắt xuýt như thể người nhà.

Xe vào Huế vào giữa trưa, nhưng từ lúc ấy, chiếc xe bắt đầu trở chứng...Nó ì ạch bò lên đèo Cầu Hai, đến đèo Đá Bạc thì bác tài buộc phải ngừng lại để sửa chữa...Không hiểu sao, tôi bị sốt cao, và không thể chịu nổi, nằm lăn ra giữa đường ngủ luôn

Photobucket

6 giờ chiều, xe vào Lăng Cô, những điểm tuyệt đẹp thế này mà chúng tôi không thể ngắm nhìn, vì trời bắt đầu tối, tiếc thật. Rời Lăng Cô, xe bò lên đèo Hải Vân. 8 giờ tối, xe tiếp tục bị hư. Tôi, Hạnh, Hoàng, Phương rời xe, thả bộ lên đèo, ngắm cảnh, nhưng cũng chỉ được 1 lúc, cơn sốt lại hành hạ tôi,tôi đành về nằm chèo queo trong xe, không đếm xỉa gì đến chung quanh nữa

Một số hình ảnh về Hải Vân - (không phải hình chúng tôi chụp đâu nhé)









Hải Vân Quan



Mãi đến 6 giờ sáng, chúng tôi mới vào Đà Nẵng. Đúng ra, nếu đến sớm hơn thì chúng tôi đã có thể chuyển xe liền vào SG. Nhưng nhờ vậy, chúng tôi đã có thời gian nghỉ ngơi và tham quan Đà Nẵng một vòng...

Photobucket

Dưới sự hướng dẫn nghiệp dư của Phương, chúng tôi tham quan Viện Bảo Tàng Chàm

Photobucket

Trong khuôn viênViện Bảo Tàng :

Photobucket

Tạm biệt Đà Nẵng sau 12 tiếng rong chơi, chúng tôi lên xe về. Từ Đà nẵng, đường xá tốt hơn, đèn đường sáng rực, xe êm hơn, mọi tiện nghi đều hơn hẳn chặng đường đau khổ lúc trước. Chúng tôi chỉ còn ngồi yên trên xe, xả hơi, và thiếp vào những giấc ngủ bù lại những ngày đã qua cho đến khi xe về SG

Tuy nhiên, cung đường đày ải từ HN đến Đà Nẵng, đã để lại cho chúng tôi quá nhiều kỷ niệm, những kỷ niệm của tuổi trẻ đầy sung mãn và thích khám phá mọi thứ...

Và chuyến xe xuyên Việt 4 ngày 4 đêm ấy đối với chúng tôi thực sự thú vị hơn rất nhiều nếu bạn thay thế nó bằng việc ngồi trên máy bay trong 3 giờ đồng hồ

Kỷ niệm với dòng sông Gianh

... Sông Gianh là một con sông chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017 m thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Trạch để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.

Photobucket

" Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ

Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam,

Đây dòng sông, dòng máu Việt còn loang,

Đây cổ độ, xương tàn xưa chất đống

Sông còn đây hận phân chia nòi giống

Và còn đây, niềm cốt nhục tương tàn

Ai biết rằng sau sông Gianh chia cắt, lại có sông Bến Hải

Rồi sau Bến Hải thống nhất, thì cả nước tiếp tục lầm than..."

(Thơ Đằng Phương)

Ôi những con sông buồn trong lịch sử dân tộc, vẫn còn đây khi dòng nước vẫn không thể cuốn đi những nỗi buồn trong lòng người dân Việt. Nhìn dòng nước chảy mà lại hình dung ra cảnh chia lìa nồi da xáo thịt thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tai ách đổ lên đầu người dân, lại ngậm ngùi vì sự phân rẽ bằng một dòng sông oan nghiệt.

Sông mênh mông là nước, buồn ở đâu cũng cuồn cuộn chảy về...Miền Trung có nhiều con sông hẹp, không mênh mông như sông Cửu Long nhưng nước trong văn vắt, có lẽ vì thế mà đất đai, ruộng đồng không màu mỡ, phì nhiêu

Tôi bắt gặp những bà mẹ miền Trung nghèo khổ, áo vá vai, trên đôi vai gầy khẳng khiu gánh lỏng chỏng mấy món quà nhà quê trông rất tội. Một bữa cơm nhà quê bất chợt ghé mắt nhìn, chỉ là bát muối vừng, đĩa rau lang luộc và bát nước mắm mặn giầm ớt đỏ cay xé, mấy đứa trẻ con quần áo bẩn thỉu vây xung quanh nồi cơm gạo hẩm chìa bát ra chờ đợi, những đôi mắt trẻ thơ tội tình trên một quê hương khốn khổ. Bây giờ ở những vùng quê miền Nam, Trung, Bắc có còn những đứa bé như thế không nhỉ?

Những con sông ở quê hương nào có tội tình gì như người dân VN nào có tội tình gì, dòng nước cứ êm đềm chảy theo năm tháng, lại nghe như trong tiếng sóng bao lời thở than của những oan hồn dân Việt. Nỗi ám ảnh đó đã in sâu vào tâm khảm, để đến nỗi khi qua sông Bến Hải, hay sông Gianh, lại nghe như dòng nước chuyên chở mối tương tàn cốt nhục, để nỗi buồn cứ phảng phất mãi đến nghìn sau.


Photobucket

...Chúng tôi đến bến phà Gianh vào 11 giờ đêm, bến phà đã đóng cửa. Phải chờ 5 giờ sáng, phà hoạt động trở lại, khí ấy mới có thể qua sông đề tiếp tục cuộc hành trình....
Xe dừng lại. Các quán xá 2 bên đường vẫn còn mở cửa bán hàng cho khách bộ hành. Một vài người vào quán, ăn vội những bữa cơm để tranh thủ cái bàn, cái ghế nghỉ ngơi

.Chúng tôi, 4 đứa : tôi, Út Hạnh, Hoàng và Phương chia nhau 2 tấm áo mưa, trải ra đường ngả lưng. Cơm nắm bác Bé chuẩn bị cho chúng tôi bị thiu, 2 bạn nam Phương, Hoàng trổ tài ngoại giao đi tìm nước sôi để nấu mì, nhưng không có. Thế là các anh nhường cho tôi và Hạnh mấy cái hột gà luộc của các anh, còn cơm nắm và nhai khan gói mì tôm, mấy anh lãnh phần

Màn đêm chỉ có vài ngọn đèn đường leo lét.. Thỉnh thoảng, vài ba chiếc xe tiếp tục đổ bến, quét những vệt đèn pha, làm cả bọn hốt hoảng ngồi dậy, chỉ sợ lỡ xe không thấy, hay thắng không kịp...Đêm ấy, chúng tôi mới cảm nhận được đúng nghĩa các từ : "Màn trời, chiếu đất" nghe rất quen thuộc từ bấy đến giờ

Rồi đêm cũng qua. Bình minh trên sông Gianh, đẹp không sao chịu nổi

Photobucket

Phà sang sông vào buổi sáng, trời còn mờ hơi sương, mặt nước như một miếng bông cỏ nõn nà phô mình dưới nắng mai. Phà thưa người, đứng tựa vào lan can chiếc phà để hít vào buồng phổi cái mát mẻ của dòng sông mênh mông gió sớm, chiếc phà lao chao tạo cảm giác bồng bềnh cho một chuyến đi xa.

Buổi sớm qua phà, tâm hồn thênh thang như dòng nước cuốn. . .


Photobucket

Bến phà sông Gianh hiện nay đã không còn hoạt động. Cầu Gianh khánh thành năm 1999, "nhịp cầu nối những bờ vui", nhưng nhịp cầu cũng không còn cho ta cảm giác qua những chuyến phà lắc lư, chao đảo trên sông, và sẽ rất tiếc cho những ai...chưa từng được một lần qua phà trên những con sông quê hương

Photobucket

Cầu Gianh - khánh thành năm 1999