Monday, November 24, 2008

Thư gởi em 06

Em,

Hôm qua, vừa bật blog lên thì lời báo đầu tiên là message của em. Em viết: “Đọc blast của thầy con thấy con cũng rơi vào tình trạng là vết thương lòng sâu quá. Tới giờ con cũng chẳng muốn quen bạn trai nữa, con sợ bị thương nữa, vì vết thương cũ vẫn còn đau. Giờ làm sao cho hết hả thầy???”

“Giờ làm sao cho hết?” Không biết đây là một lời than thở, hay là một câu hỏi mà em đang muốn tìm câu trả lời. Thực sự, trước một nỗi đau của một ai, tôi rất sợ phải nói, vì nói gì cũng bằng thừa. Không ai có thể đau giùm cho một người khác, dù là nỗi đau thể chất hay nỗi đau tinh thần, và từ đó, không ai có thể cảm nhận cái đau của người khác. Thêm vào đó, khi một người mang một vết thương lòng, thì cái đau nhức nhối ấy thường kéo theo nỗi khổ. Đây là một vấn đề muôn thuở mà bao nhiêu thế hệ từng bị dằn vặt: nỗi khổ của nhân loại và của từng người là một thực tế không thể nào tránh né được.

Tôi sẽ không nói với em làm sao cho hết đau, nhưng nói với em làm sao để đối diện với cái khổ!

Đức Phật nêu lên tám cái khổ của con người. Người ta khổ vì sinh ra và sống, vì già, vì bệnh, vì chết, khi yêu mà xa nhau, khi mong mà không được, khi ghét mà gần nhau, khi năm yếu tố con người phát huy quá mạnh. Nói theo ngôn ngữ Phật Giáo, ‘bát khổ’ là ‘sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm (ngũ uẩn) xí thạnh khổ.’

Trong ngôn ngữ Việt Nam, ít ra là có năm cái khổ khác: đau khổ, buồn khổ, nghèo khổ, đói khổ, cực khổ. Không biết tự bao giờ, người ta gắn năm yếu tố ‘đau, buồn, nghèo, đói, cực’ với ‘nỗi khổ’, để rồi dần dần con người xem ‘đau, buồn, nghèo, đói, cực’ là nguyên nhân chủ yếu của nỗi khổ, vì thế, muốn diệt khổ thì phải làm cho con người hết ‘đau, buồn, nghèo, đói, cực.’

Lối suy nghĩ này vô tình đã đem đến nhiều hệ quả phức tạp:

1. Người ta không thể nào diệt cho hết cái đau, cái buồn, cái nghèo, cái đói, cái cực, nên từ đó người ta kết luận rằng ‘cái khổ’ là điều không thể diệt được.

2. Nhưng còn nước còn tát: người ta đem hết sức mình để xóa bỏ cái ‘đau, buồn, nghèo, đói, cực’, để rồi khi giảm thiểu những người ‘đau khổ, buồn khổ, nghèo khổ, đói khổ, cực khổ’ nhân loại lại thấy xuất hiện những người ‘mạnh khổ, vui khổ, giàu khổ, no khổ, khoẻ khổ.’ Cứ đếm lại số người giàu tự tử thì biết rằng ‘giàu khổ’ không phải là điều bịa đặt. Cứ nhìn bao nhiêu người thất nghiệp trên thế gian, những người không có việc gì làm để mà ‘cực’, thì thấy rõ thế nào là ‘khoẻ khổ’. Và như thế, nỗi khổ vẫn còn nguyên.

3. Người ta quên rằng ‘đau, buồn, nghèo, đói, cực’ có thể là một điều cần thiết cho sự sống, vì đấy thường là hồi chuông báo động để cho cuộc sống được duy trì. Ví dụ: về mặt thể lý, cái đau của một bộ phận giúp người ta ý thức được sự bất ổn của bộ phận ấy để mà chạy chữa; nếu không có cái đau, hẳn bộ phận ấy sẽ chết, và kéo theo cái chết của cả một con người. Về mặt tinh thần, cái đau khi phải mất một người thân giúp ta ý thức được những mối liên hệ tinh thần giữa người với người, mà thiếu chúng thì con người trở thành gỗ đá, hay một động vật sống bằng bản năng.

4. Mặt khác, người ta không đế ý rằng có một lớp người ‘đau sướng, buồn sướng, nghèo sướng, đói sướng, cực sướng’; hay nói cách khác, có những người ‘đau, buồn, nghèo, đói, cực’ mà thấy rằng mình hạnh phúc. Điều này đã được Đức Giê-su nêu rõ từ 2000 năm trước, khi Ngài khẳng định: “Hạnh phúc cho anh em là những người nghèo khó, người đói khát, người buồn sầu (khóc lóc), người cực nhọc (xây dựng hòa bình), người đau đớn (bị bách hại).” Trong lịch sử giáo hội công giáo, thánh Phaolô bị ở tù vì phục vụ anh em Côlôxê. Những lời ông viết cho anh em cho thấy rằng ông là một người ‘đau sướng’: “Giờ đây, tôi vui sướng được chịu đau đớn vì anh em.” (gaudeo in passionibus pro vobis). Biết bao nhà tu hành - đặc biệt là những vị khất thực - sống rất bình an thư thái trong cái nghèo tự nguyện (nghèo cả tình lẫn tiền): đó là cũng một bằng chứng cho thấy rằng họ là những người ‘nghèo sướng”.

Như thế, nếu vết thương của em đến ngày hôm nay vẫn làm cho em khổ thì còn một cái gì bất ổn đó em à. Phải chăng sở dĩ vết thương em không chịu lành. ấy là vì em không muốn chấp nhận một sự kiện khách quan. Chúng ta luôn muốn thay đổi sự vật trong khi đó giải pháp chính là thay đổi thái độ kháng cự của mình khi đối diện với sự vật. Sự kiện chỉ là sự kiện, và chúng chỉ trở nên hữu ích khi nào em chấp nhận chúng đúng với thực chất. Nỗi khổ nảy sinh từ việc em chống cự với thực tế, khiến cho tiến trình cuộc sống bị ngăn trở. Em cần phải thức giấc, nghĩa là nhìn thấy sự việc đúng thực tại của nó. Hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật, thì em sẽ ‘ngộ’ ra!

Các môn đệ của một sư phụ phương đông hỏi ông: “Giác ngộ đã đem lại cho thầy điều gì?”. Ông trả lời: “Trước đây, thầy khổ vì suy yếu; hiện nay, thầy vẫn suy yếu, nhưng điều đó không phiền hà thầy nữa!” Khác biệt là ở chỗ ấy.

Nếu em cũng ‘ngộ’ ra như thế, thì em cũng có thể nói rằng “tôi đã rơi vào tình trạng là vết thương lòng sâu quá… và bây giờ vẫn còn đau, nhưng cái đau ấy không còn làm cho tôi khổ nữa! Và tôi tin rằng ngày mai vẫn còn ánh sáng mặt trời!”

Nỗi đau thì có thật, nhưng nỗi khổ chỉ xuất hiện khi em cưỡng lại nỗi đau: nó là hệ quả của việc em kháng cự lại cái đau và cái thực tế khiến cho mong muốn của em bị trở ngại. Nếu em chấp nhận nỗi đau, thì nỗi khổ sẽ biến đi. Nỗi đau thì có thật, nhưng không phải là một điều không thể chịu đựng. Điều không thể nào chịu đựng, ấy là thân xác ở một nơi và tinh thần lại ở trong quá khứ hay trong tương lai; điều không thể nào chịu đựng, ấy là cố gắng uốn nắn sự thật, mà sự thật thì không thể nào biến đổi được. Đấy chính là điều không thể nào chịu đựng nổi, vì đấy là một cuộc chiến vô ích, cũng vô ích như hệ quả của nó là nỗi khổ. Điều không thể chịu đựng ấy tình yêu của em với một người nào đó đã chết rồi, mà em cứ muốn cho nó còn sống! Hãy để tang mối tình ấy và chấp nhận rằng nó đã chết, không còn hiệu hữu nữa. Ta không thể nào chiến đấu chống lại một cái gì không hiện hữu; thật hoài công nếu ta tìm kiếm hạnh phúc nơi mà nó không có mặt hoặc ta xem là sự sống cái không phải là sự sống. Cần phải thức giấc! Và khi chúng ta thức tỉnh, nỗi khổ đã biến đi rồi.

Những điều tôi nói có vẻ là chuyện mông lung khó hiểu và khô khan. Nhưng em hãy đọc lại chầm chậm rồi em sẽ thấy rằng nỗi khổ lớn nhất của em, ấy là em tự làm khổ chính mình. Mong em mau tìm lại được bình an và tin tưởng rằng ngày mai luôn luôn là một ngày mới!

Thày Trần Duy Nhiên

---------------------

Ps: Tôi cũng muốn post tặng em một bài hát nói lên tiếng nói của một người trẻ từng bị ‘vỡ tim’ như em, nhưng không thể nào post bằng wma ở blog này được, em qua bên địa chỉ này để nghe bài : IF YOU EVER HAD A BROKEN HEART.

http://vnvista.com/duynhien

No comments: