Khi Mẹ và các anh em Chúa Giê-su đến tìm Ngài, một phụ nữ lên tiếng: "Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú" (Mt 12, 46 - 50). Ý của người phụ nữ đó là muốn ca ngợi Mẹ Ngài: Ðược làm Mẹ Ngài là một hạnh phúc tuyệt vời, một vinh dự lớn lao, vì được làm mẹ của một vị tiên tri, một Ðấng Cứu Thế: một con người vĩ đại và lý tưởng.
Ðọc đoạn Tin Mừng này chắc hẳn có nhiều người mẹ đã nghĩ: Phải chi mình sinh được một người con làm vĩ nhân: phải chi những đứa con của mình biết sống đạo hạnh, cao thượng theo gương Ðức Giê-su. Chắc chắn người mẹ nào cũng mong ước con mình nên người xứng đáng, hữu ích cho gia đình, xã hội và quê hương. Ðó là những mong ước rất chính đáng.
Trong số những phụ nữ có con, Ðức Ma-ri-a là người diễm phúc nhất. Nhưng không phải Ngài được diễm phúc đó một cách ngẫu nhiên, không có công lênh gì. Cuộc sống và chí hướng của Ngài cho thấy Ngài xứng đáng được vinh dự đó. Nói chung, người mẹ nào cũng muốn có con tài giỏi, đức hạnh hơn người. Nhưng vấn đề là chính người mẹ có xứng đáng có những người con như lòng mình mong ước không? Mình có xứng đáng với chính đứa con mình sinh ra không? Mình có sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, sống một cuộc đời đẹp lòng Thiên Chúa để xứng đáng với một người con thánh thiện tốt đẹp mà Thiên Chúa có thể ban cho mình không?
Cái gì cũng có cái giá của nó. Ðược làm Mẹ Ðức Ki Tô, Ðức Ma-ri-a cũng phải là một người như thế nào đó tương xứng với diễm phúc đó. Cái giá Ngài trả cho vinh dự đó chắc hẳn rất nhiều người mẹ không dám chấp nhận. Ðôi khi đành chấp nhận có những đứa con tầm thường hơn là phải chấp nhận những hy sinh cao cả để có được những người con cao cả!
Ðức Giê-su nói: "Những kẻ làm theo Thánh Ý Cha Ta trên trời mới là Mẹ và là anh chị em Ta" (Mt 12, 50). Như thế, xem ra Ngài đã coi nhẹ cái vinh dự làm nhân vật này hay nhân vật kia, cho dẫu là làm Mẹ Ðấng Cứu Thế đi nữa. Ðiều Ngài đặt nặng là "làm theo Thánh Ý Cha trên trời". Chỉ có Thánh Ý Thiên Chúa mới là chuyện quan trọng, còn tất cả mọi sự khác - dù là hạnh phúc, vinh dự hay chính mạng sống của mình đi nữa - đều không đáng phải quan tâm cho bằng Thánh Ý Thiên Chúa. Nhưng chính vì Ngài coi mình không là gì cả mà Ngài trở thành vĩ đại.
Chính vì Ngài sẵn sàng tự hạ nên Ngài được tôn vinh (Pl. 2, 6 - 11). Với tinh thần như thế, chắc chắn Ngài không đặt nặng cái vinh quang của một Ðấng Cứu Thế mà muôn đời phải tôn thờ, một vị Tôn Sư mà muôn thế hệ phải vâng nghe. Ðiều duy nhất mà Ngài quyết tâm thực hiện và quan tâm suốt cả cuộc đời là làm sao sống cho đúng Thánh Ý Thiên Chúa Cha, làm tất cả những gì Thiên Chúa Cha muốn Ngài làm. Không phải là Ngài vô cảm trước những vinh quang trần thế, không phải là của cải vật chất không quyến rũ Ngài, không phải là Ngài không hề bị lôi cuốn vào con đường hưởng thụ của thế gian. Ngài cũng bị cám dỗ (Mt 4, 1-11), cũng phải chiến đấu với chúng ta ở chỗ không bao giờ thất bại trong những cuộc chiến đấu. Lý do là Ngài yêu mến Thiên Chúa tha thiết hơn chúng ta, sự lựa chọn căn bản của Ngài - là lấy Thánh Ý Thiên Chúa làm lẽ sống - dứt khoát và mạnh mẽ hơn sự chọn lựa của chúng ta.
Sự chọn lựa căn bản của Ngài là dứt khoát đứng về phía Thiên Chúa chứ không về phía bản ngã của Ngài, về phía Thánh Ý Thiên Chúa chứa không về phía ý riêng của Ngài. Ngài đã dứt khoát một lần thay cho tất cả "sát tế" cái "tôi đáng yêu" của Ngài cùng với ý riêng của Ngài như một của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa Cha. Và Ngài cũng lập lại sự "sát tế" đó trong từng giây phút cuộc đời Ngài. Sự lựa chọn căn bản đó khiến Ngài nói: "Ta đến không phải để làm theo ý Ta mà theo ý Ðấng đã sai Ta" (Ga 6, 38), "Ta không tìm ý riêng Ta mà tìm ý Ðấng đã sai Ta. Ta không tự ý mình làm một điều gì" (Ga 5, 30). Không phải Ngài nói không có ý riêng, và không phải ý riêng của Ngài lúc nào cũng phù hợp với ý của Thiên Chúa. Nhưng lập trường của Ngài lúc nào cũng là: "Xin đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha" (Lc 22, 42).
Ðức Giê-su thế nào thì Mẹ Ngài cũng như vậy. Suốt đời, lúc nào Ðức Ma-ri-a cũng đặt ý Chúa lên hàng đầu, Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả cho Thánh Ý Thiên Chúa. Vì thế, Ngài đã thành tựu được mọi sự tốt đẹp, đã trải qua mọi thử thách ghê gớm một cách chiến thắng. Nếu không đặt ý Chúa lên hàng đầu làm sao Ngài có thể im lặng đứng nhìn con quằn quại trên Thánh Giá đầy đau thương nhục nhã, mà không vật vã khóc lóc thảm thiết như những bà mẹ khác? (Ga 19, 25). Ðâu phải Ngài không thương con bằng những bà mẹ khác! Ngài có thái độ can đảm như thế chỉ vì Ngài biết thuận theo thánh Ý Thiên Chúa. Chắc chắn lúc đó Ngài lập lại tiếng "xin vâng" như hồi được Thiên Sứ truyền tin (Lc 1, 38), và như thói quen của Ngài trong suốt cuộc đời. Có thể nói toàn bộ cuộc đời Ngài được dệt bằng những tiếng "xin vâng" như thế!
Xét về bản tính con người, chắc chắn Ðức Giê-su cũng chịu ảnh hưởng Ðức Ma-ri-a rất nhiều. Ðức Giê-su đã sống thật thánh thiện sống hoàn toàn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa một phần nào đó là nhờ gương sáng và sự dạy dỗ của Ðức Ma-ri-a và Thánh Giu-se. Nếu Ðức Giê-su đã nói: "Cứ xem trái thì biết cây..." (Mt 7, 16 - 18), ta có thể hiểu được con người của Ðức Ma-ri-a khi ta biết được con người của Ðức Giê-su. Nếu câu tục ngữ Việt Nam "Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ" mà đúng, thì nó càng đúng trong tương quan của Ðức Giê-su và Mẹ Ngài.
Ðức Ma-ri-a lúc nào cũng mong con mình biết luôn luôn tuân theo ý Thiên Chúa, sẵn sàng hy sinh ý riêng để làm theo ý Thiên Chúa. Ngài chỉ mong con mình làm điều đó, mà chính Ngài đã làm gương về điều đó một cách trọn hảo. Ðức Giê-su đã noi gương Mẹ mình và trở nên một người hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa (Mt 3, 17; 17, 5). Và Ðức Giê-su đã nhận ra rằng cái diễm phúc to lớn của Mẹ mình không hệ tại được làm Mẹ Ðấng Cứu Thế hay Mẹ của vị Thiên Chúa Nhập Thể, mà hệ tại việc Ngài hoàn toàn làm theo Thánh Ý Thiên Chúa. Ngài đã nhìn vào nguyên nhân sâu kín chứ không nhìn vào hậu quả trước mắt. Nếu Mẹ Ngài không biết tuân hành ý Thiên Chúa thì làm sao xứng đáng với diễm phúc ấy?
Ðó là một bài học thật qúy giá cho mọi người mẹ. Nếu ta mong muốn con cái mình trở nên người tốt, thánh thiện, biết tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa, thì chính ta phải thực hiện điều đó trước đã. Chính ta phải làm gương trước rồi dạy con làm theo gương đó. Muốn con mình sống thế nào thì ta hãy sống như thế trước đã, và rồi ta sẽ thấy "mẹ nào con nấy". Lúc đó diễm phúc của ta là ở chỗ làm theo Thánh Ý Chúa chứ không phải ở chỗ con ta trở thành thế này hay thế kia. Nếu ta đã làm đúng theo ý Thiên Chúa, ta đừng sợ con mình sẽ hư hỏng, hay không được như ta ước nguyện. Gương Thánh Monica và Augustino khuyến khích những người mẹ hiện đang có những đứa con hư hỏng hãy kiên trì tin vào Chúa, vào hiệu lực của lời cầu nguyện.
Tóm lại, hãy lo thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa trước đã, hãy trở nên một người mẹ xứng đáng trước đã, còn mọi sự khác hãy phó thác cho Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho sau (x. Mt 6, 33).
Giáo sư Nguyễn Chính Kết
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 35, năm 2001)
No comments:
Post a Comment