Monday, November 24, 2008

Thư gửi em 04

Em,

Từ nửa vòng trái đất em gọi về cho tôi: “Con chán, chán, chán. Con thấy mọi sự đi vào bế tắc”. Tôi chỉ biết nói với em: “Thầy nghe đây”. Suốt 15 phút đồng hổ, tôi điểm từng hồi: ‘thầy đang nghe’ để em biết rằng tôi vẫn im lặng lắng nghe em, chỉ thế thôi, mà không nói xen một lời nào cả.

Giọng vươn nước mắt em nói với tôi nhiều điều, nhưng tựu trung là khoảng cách giữa em và chồng dường như bắt đầu nới rộng mà em không biết phải làm sao để níu kéo. Điều đau lòng, không phải vì lỗi chồng em, mà cũng không phải vì em. Chỉ vì khoảng cách của cá tính giữa hai người, và oái ăm thay, chính cái cá tính độc đáo đó đã khiến cho hai người yêu thương nhau và nên vợ nên chồng!

Tôi không còn nhớ từng lời em nói nhưng có thể đúc kết như thế này: “Anh ấy hiền đến độ nhu nhược. Từ ngày lấy nhau đến giờ, con phải quyết định mọi sự và chịu lấy một mình trách nhiệm, anh chỉ đồng ý mà không thể nào chia sẻ với con những căng thẳng của các vấn đề cuộc sống! Xét cho cùng, con không thể nào trách anh ấy được, vì tất cả những gì xảy ra đều là hệ quả của những quyết định của con, và chính con muốn như thế. Nhưng thầy ơi! Con mong chồng con cứng rắn hơn, quả quyết hơn, tích cực hơn, chứ không phải chỉ là một người chiều vợ thuần túy và đứng bên lề mọi tình huống xảy ra trong gia đình. Thế nhưng, mỗi lần chúng con lớn tiếng với nhau, thì con mang mặc cảm có lỗi đối với anh ấy, vì xét cho cùng, mọi khó khăn xảy ra là do những quyết định của con. Mặc dù anh chưa bao giờ nói, nhưng con có cảm giác rằng anh có quyền nói: “Thì chính em muốn thế mà, bây giờ phải ráng chịu hậu quả chứ!”. Con đang ở trong thế bế tắc! Đối với mọi người chung quanh, con luôn đánh bóng anh, nhưng về đối diện với nhau, con thấy lòng kính trọng đối với anh bị vơi đi từng ngày: con chưa dám nghĩ tới, nhưng con sợ rằng một ngày nào đó con sẽ thấy mình bất hạnh vì chồng con là một cọng bún mà con không còn có thể trông cậy vào bất cứ việc gì nữa! Mà chúng con mới lấy nhau chưa được ba năm!”.

Vấn đề ‘lệch pha’ giữa vợ chồng là một vấn đề tất yếu trong quá trình đời sống hôn nhân, nhưng vấn đề của em ở đây vừa độc nhất vừa phổ quát trong thời đại chúng ta, đối với khắp nơi trên thế giới, và nhất là đối với những gia đình người Việt Nam, ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Cách đây không lâu, một em ở Mỹ gửi cho tôi một thắc mắc: Em có biết một người chồng kỹ sư người Tàu làm việc tại MIT (1) (đối với em, ông là người có đủ học thức để hiểu biết cách cư xử vợ chồng) đã đánh vợ trong lúc nóng giận đến nỗi phải ra tòa về chuyện bạo lực trong gia đình. Người vợ không biết nói tiếng Anh rành (chỉ nói tiếng Tàu), dáng dấp hơi quê mùa một chút. Chị ta từ chối việc truy tố chồng và xin bãi bỏ phiên tòa. Họ đã lấy nhau hơn 18 năm. Có phải trong trường hợp này người vợ yếu đuối và phụ thuộc vào chồng nên không thể đủ sức sống một mình? Hay là chị ấy rất yêu chồng nên có thể bỏ qua tất cả? Nếu chị ấy có đủ khả năng sống một mình thì chị ấy có nên ra đi không? Thầy nghĩ sao?

Em thấy không, đấy cũng là vấn đề lệch pha, nhưng là một sự lệch pha đối nghịch với tình trạng của em. Người chồng ấy chẳng những không mềm yếu, mà quá mạnh, mạnh đến độ trở thành vũ phu và hành hung vợ mình. Khỏi cần phải nói, một cô Mỹ hay cô Pháp gặp trường hợp này thì không cần đợi một giây nào để xin ly dị, và nếu ngại khó khăn về kinh tế thì luật sư cô sẽ chỉ vẽ cách bắt ông chồng ‘đền tội’ cho đến mãn đời với một số tiền trợ cấp ổn thỏa! Thế nhưng vấn đề của người đàn bà Á Đông này là ở đâu? Bà đã bị mất rất nhiều, nhưng từ thâm sâu, bà vẫn mong có một ông chồng quyết đoán đến độ bạo lực hơn là một ông chồng mềm yếu. Và vấn đề của em hôm nay cũng là vấn đề đó: một người chồng nhu nhược không bao giờ bị ra tòa, nhưng trái lại, gia đình em có còn thực sự là một gia đình không?

Chúng ta sống một thời đại mà vấn đề ‘nam nữ bình quyền’ trở thành một điều hiển nhiên, nếu không phải là một điều bắt buộc. Quả là bất công khi cho rằng người nữ ‘có giá trị’ thấp hơn người nam, và trong xã hội, người nữ chỉ lên đến một mức độ nào đó mà thôi, chứ không thể ngang hàng với đàn ông được. Trong mấy thập niên qua, người nữ đã chứng tỏ rằng bất cứ việc gì người nam làm được thì người nữ cũng làm được, từ việc làm phu khuân vác cho đến giữ cương vị một tổng thống. Tuy nhiên, dưới danh nghĩa nam nữ bình quyền, người ta vô tình truất quyền của họ được có nữ tính, nghĩa là sống với tâm lý của một người nữ. Nhân danh bình đẳng, người nữ phải ăn nói như người nam, lý luận như người nam, thậm chí uống rượu, hút thuốc và kể cả ‘nói tục’ trước công chúng như người nam, và như thế người ta (vô tình hay cố ý) quên đi một khía cạnh khác của người nữ là cần sống đúng với chân tính của mình. Từ thâm sâu, người vợ luôn ao ước được chồng che chở và người chồng chỉ hạnh phúc khi thấy mình là chỗ dựa cho vợ.

Đó là lý do mà hiện nay ở Âu Mỹ, ngườì nam rất tự hào đi chợ, đổ rác, cõng con đi chơi: những việc ấy cần sức mạnh của người nam! Khi con còn bé thì người chồng thức đêm làm sữa cho con bú, vì thể chất của chồng mạnh hơn vợ! Và cũng vì thế mà nhiều gia đình đổ vỡ khi người vợ lãnh lương hay có chức vị cao hơn người chồng. Đổ vỡ không phải vì vợ có thu nhập hay chức vụ cao nên xem thường chồng hoặc vì người chồng ganh tức với vợ, nhưng đổ vỡ vì người vợ không còn cảm thấy chồng là chỗ dựa của mình nên bị hụt hẫng, ngược lại người chồng thấy mình không còn là chỗ dựa cho vợ nên mất cả tự tin.

Trên thực tế, chúng ta đang sống trong một thời đại và một xã hội mà quyền bình đẳng phái tính (equality of sex) đang xâm phạm quyền bình đẳng giới (equality of gender). Người nữ và người nam phải bình quyền trên mọi vấn đề xã hội, nhưng cũng phải để cho người nữ và người nam có quyền sống đúng với xu hướng tâm lý của mình, nghĩa là người nữ có quyền tựa vào người nam và người nam có quyền che chở cho người nữ. Nếu vì bình đẳng phái tính mà làm mất đi quyền bình đẳng giới thì hạnh phúc hôn nhân sẽ bị đe dọa. Và đây là vấn đề mà em đang gặp và bao nhiêu gia đình trẻ khác cũng gặp, và hình như chưa thể tìm ra được lối thoát!

Nhưng không phải vì thế mà chọn giải pháp ly dị. Thực ra, đối với đại đa số phụ nữ Việt Nam, cho đến thế kỷ thứ 21 này, ly dị vẫn là một vết thương mà trọn đời không thể nào lành được. Vì thế, phải làm đủ mọi cách để giữ vững gia đình: ít ra là vì con! Nhưng tôi nghĩ, mọi sự trong gia đình em, dù bế tắc, cũng chưa đến nỗi bi đát… Chỉ là một trở ngại trên đường hạnh phúc, và trở ngại là để vượt qua!

Ông cha ta nói: nồi nào úp vung đó! Chính vì em có cá tính mạnh và chồng em có cá tính yếu thì hai người mới bổ túc cho nhau. Em nhớ lại xem, từ ngày em còn là sinh viên, anh ấy chiều chuộng và bất chấp mọi sự để làm cho em vừa ý, dù ý muốn của em đôi khi không hợp với ý anh. Ngay cả việc lấy nhau ngay sau khi ra trường, cũng là do em muốn, chứ anh ấy chưa thấy gì là vội! Rồi đứa con đầu lòng, trong những ngày em chưa kịp tìm ra một việc làm vừa ý, thì cũng là vì chiều em chứ thực sự anh ấy chưa chuẩn bị kịp tâm lý để đón nhận một đứa con. Do đó từ việc sắp xếp gia đình, cũng như chăm sóc con cái, anh ấy vẫn theo quyền ‘chỉ đạo’ của em, chứ không hề có một sáng kiến nào cả! Và em cảm thấy mình đơn độc và ngộp thở. Nhưng nghĩ lại mà xem: tất cả những gì anh ấy làm theo ý em, chỉ là vì yêu em. Em hãy nhớ điều này: trong tình yêu, người nào yêu nhiều hơn, thì người đó yếu hơn! Và như thế dưới cái yếu mềm của anh có thể cất dấu một sức mạnh của tình yêu mà ít người chồng nào có được!

Và đó là điều tôi muốn nói, và tôi lặp lại: anh ấy yêu em! Sau 3 năm, anh ấy vẫn yêu em! Một tình yêu có thể là mềm yếu, nhưng là một tình yêu trung thành, và đó là cái cốt lõi em cần phải nhớ đến. Trong thế giới hôm nay, tình yêu là một cái gì được nhắc đến đinh tai, nhưng cũng là cái gì mỏng manh lắm. Từ những năm 60, thập niên mà người nữ Pháp công khai khẳng định quyền bình đẳng của mình, thì Sylvie Vartan đã hát lên lời tuyên bố lạnh lùng được bao nhiêu người trẻ lặp lại: “Je suis d’accord pour tout ce que tu voudras… ça peut durer peut être un mois ou deux” (Em đồng ý đối với tất cả những gì anh muốn… điều đó - tình yêu - có thể kéo dài một hai tháng!). Tình yêu vợ chồng không phải là tình yêu một hai tháng. Anh ấy yêu em, em yêu anh ấy, và cả hai cùng yêu con! Đó là điều chính yếu! Tất cả những thứ khác đều là phụ thuộc. Và khi yêu nhau, thì ta sẽ có sáng kiến. Anh ấy là cái vung, em là cái nồi. Vung và nồi mỗi ngày điều chỉnh lấy mình, và với tình yêu, hai bên sẽ điều chình cho vừa nhau. Có thể rồi anh ấy sẽ có cá tình mạnh hơn, nhờ sự quả quyết của em. Có thể rồi em bỏ đi một phần cá tính của mình vì sự hiền dịu của anh… Nhưng dù sao thì thế nào cũng tìm được giải pháp.

Và như một lần tôi viết cho một sinh viên của mình trước ngày thành hôn: Đừng bao giờ lơ đễnh để quên đi điều này: trên trần gian, mọi thứ đều hao mòn, đều cũ đi, đều lão hóa, và không có gì cũ đi hay lão hóa nhanh cho bằng tình yêu và hạnh phúc, nếu ta không tân trang.

(1) MIT: Massachusetts Institute of Technology, một trong hai trường nổi danh nhất của tiều bang Massachusetts và của cả Hoa Kỳ. Trường kia là Harvard. MIT chuyên về Khoa Học Tự Nhiên (nhất là Tin Học), Harvard chuyên về Khoa học xã hội (nhất là kinh tế chính trị).

No comments: