Monday, November 24, 2008

Thư gởi em 02

Em,

Em chạy ù vào bực dọc cằn nhằn với tôi: “Con nhỏ vô duyên! Đừng hòng con nhìn mặt nó nữa’! Không hiểu chuyện gì, tôi hỏi em vì sao mà tức giận đến thế. Em kể: “Con thấy nó dán hai miếng Salonpas trên màng tang, con hỏi: ‘đau đầu hả?’, nó nói: ‘bộ không thấy sao còn hỏi?' - Đồ vô duyên!”

Câu chuyện chỉ có thế! Và em sẵn sàng tuyệt giao với một người bạn. Xét cho cùng người bạn ấy trả lời một câu quá hợp lý! Em đã biết rõ là khi nhức đầu người ta mới dán Salonpas mà! Nhưng em lại giận vì câu trả lời hiển nhiên đó! Chắc em cũng không thể lý giải vì sao em giận, phải không?

Đơn giản là vì thế này: câu hỏi của em không hề là một câu tìm kiếm thông tin, mà chỉ là một câu tỏ bày mối quan tâm với bạn. Em không thể nói: ‘tôi thấy bạn nhức đầu, tôi ái ngại quá, vì tôi quí bạn!’. Nói như thế thì ‘cải lương quá’, nhưng câu hỏi của em là để biểu lộ tình cảm đó. Ngược lại, đối với em, câu nói ‘không thấy sao!’ của bạn thì đồng nghĩa với: ‘mặc xác tôi, tôi không cần bạn quan tâm!’ Em bị xúc phạm vì người bạn ‘sổ toẹt' vào lòng trắc ẩn của em.

Tôi thông cảm cho sự giận dữ của em nên ngay lúc ấy tôi cũng không biết nói gì. Giờ đây nhớ lại, tôi tự hỏi có bao giờ em và tôi đã xúc phạm người khác vì không hiểu tấm lòng bên dưới lời nói của họ không? Em thử nhìn lại cách mình lắng nghe người khác. Đôi khi dưới những lời khơi khơi lại là cả một tâm tình. Chỉ để ý đến lời nói mà bỏ mất tấm lòng là một phí phạm rất lớn trong cuộc đời đấy em. Đó là chưa kể mỗi người, mỗi môi trường có một ngôn ngữ đặc biệt, mà nếu không ‘vượt qua’ thì mình sẽ đánh mất mối tương giao tốt đẹp với một con người: dưới những lời nói sần sùi thường ẩn giấu một con tim nhạy cảm.

Có lần trong lớp học, thấy một em viết vào vở một lỗi pháp văn sơ đẳng (Khóa Luật 25 còn nhớ: đó là Phan Tr.), tôi nhìn em với cái nhìn bất bình. Thế nhưng em ngước lên với cặp mắt ‘nai tơ’ mà hỏi: “Thày làm gì mà nhìn em ĐẮM ĐUỐI (!) như vậy?”. Tôi suýt mắng em vì cảm thấy mình bị xúc phạm, nhất là khi cả lớp cười ồ!... Mãi sau này tôi mới biết đó là ‘ngôn ngữ sinh viên’ mà họ thường dùng để nói với một người mình quí mến, khi người đó nhìn mình với cái nhìn phàn nàn. Câu nói ‘vô lễ’ kia của em lại tiềm ẩn một ‘lời tỏ tình’ gián tiếp.

Lần khác, tôi nhận một message yahoo của một em mới quen và đọc những dòng chữ làm tôi khó chịu: ‘bùn wé! bùn mún chít! thầy làm jì zậy! nói chiện zí m xí! kekeke!’. Phản xạ đầu tiên của tôi là không trả lời! Suốt đời dạy học, thấy một em viết sai chính tả những từ cơ bản là tôi đã khó chịu, huống hồ gặp những dòng chữ ‘cố ý sai chính tả’! Tuy nhiên, sau vài giây do dự, tôi cũng gõ: hello em!. Thế là qua những câu viết với lối chính tả ‘rừng rú’ đó, tôi cảm nhận được một tấm lòng nhạy cảm, không phải buồn mây khóc gió cho cuộc đời ‘nên thơ’, nhưng buồn vì ray rứt trước nỗi đau của những thai nhị bị mẹ mình giết chết. ‘m bùn mún chít djì wé nhìu thai nhi fải chít! huhu!’ Sau này tôi mới biết rằng đó là ngôn ngữ người trẻ thường dùng, không phải để tiết kiệm thời gian gõ phím, mà để khỏi phải bộc lộ trái tim ‘con người’ mà thế giới này không còn cho phép mình bộc lộ!

Từng nghĩ oan cho các em, tôi lại nghĩ đến bản thân mình. Sau khi báo đăng tập ‘Cho Em!’ (1), tôi nhận được thư của một ông bạn đàn anh, linh mục Ngô Phúc Hậu, tác giả cuốn ‘Viết Cho Em’. Thư chỉ có vỏn vẹn một câu: ‘Cho Em’ đầy đủ, ngắn gọn, rõ ràng, bổ ích như một … toa thuốc tây! Bổ thì bổ thật đấy, nhưng ‘Em’ không thích uống đâu! Thì ra như thế! Ngôn ngữ của mình, dù cố gắng cách mấy, cũng không còn thích hợp với đôi tai của giới trẻ bây giờ!

Vì vậy, thư gửi cho em hôm nay cũng là một lời xin lỗi. Xin lỗi vì không còn nói được ngôn ngữ của em. Xin lỗi vì không còn khả năng hiểu được ngôn ngữ của em. Tôi chỉ có một ngôn ngữ duy nhất, ngôn ngữ của tình thương: tôi yêu thương em chân thành.

Và nếu em đủ kiên nhẫn để lắng nghe những lời ‘lẩn thẩn’ của một ông già như tôi mà không ‘bấm nút off’, thì chắc chắn em sẽ hiểu rằng dưới câu nói “bộ không thấy sao còn hỏi?’ của bạn em hẳn chứa chấp một nỗi đau rất lớn đến độ mọi lời thông cảm của bất cứ ai cũng trở thành một hành vi xúc phạm. Như thế, thay vì em ‘không nhìn mặt’ thì biết đâu em sẽ lại đến với bạn ấy một cách nhẹ nhàng hơn, để rồi khám phá nơi bạn mình một tấm lòng vàng mà ai đó đã vô tình gây ra một vết thương đau nhói!

Em à, những gai nhọn của trái sầu riêng bao phủ một lòng vàng thơm ngọt. Đừng bị xước tay vì một cây gai mà vứt đi cả một trái sầu riêng, nhe em!

(1) Nếu muốn đọc tập "Cho Em", thì có thể click tại đây.

Thày Trần Duy Nhiên

No comments: