Monday, November 24, 2008

Bài luận văn của con gái

Con gái hí hửng khoe với bố mẹ bài văn đạt điểm 8 - điểm cao nhất và duy nhất trong lớp học. Đó là bài văn nghị luận với đề tài "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"

Như bất kỳ một bài văn đạt điểm cao nào khác, đa phần là dài, bài của con dày đặc chữ trên 3 tờ giấy A4 2 mặt. Lời phê : "bài có ý tưởng phong phú..."

Trước tiên, bố mẹ rất vui mừng vì con đã học tốt, con gái ạ. Nhưng thú thật, mẹ không sao đọc hết nổi bài văn của con. Mẹ có cảm giác đây la một nghị quyết hay bài bình luận vốn dĩ nhan nhản trên các báo hàng ngày. Mà cũng phải thôi, với một đề tài quá thời sự, quá nóng, mà các con chưa thể cảm nhận hết với những chính kiến quan điểm cho riêng mình, thì làm sao các con có thể viết ra một bài văn có sức thuyết phục được ???

Đâu rồi la một bài văn hay ? Kỳ thi Đại Học vừa rồi, có một bài văn duy nhất đạt điểm 10. Khổ quá, mẹ đọc bài văn này cũng với một cảm giác nặng nề, cứng ngắc. Bài văn mà nhà văn Trần Mạnh Hảo cho rằng nếu ông ta chấm thì chỉ có điểm 4 ???

Thật tôi nghiệp cho thế hệ các con của mẹ. Các con hầu như được mớm lời, mớm ý để viết văn theo một chiều, để đi đúng lề phải, và bài văn được chấm theo một đáp án cho trước, một thang điểm nhất định thì làm sao các con có thể rung cảm và xúc động trước biết bao cái hay, cái đẹp của những gì chung quanh các con trong cuộc sống hàng ngày

Cuối năm lớp 6, mẹ đã say sưa đọc "Đỉnh gió hú", "Cuốn theo chiều gió", "Sissi, nữ hoàng Áo quốc"...và đến bây giờ mẹ cũng vẫn còn đọc lại chúng. Mỗi lần đọc, vào mỗi lứa tuổi, mẹ càng khám phá ra biết bao điều thú vị trong tâm lý của từng nhân vật. Các con đã bao giờ được thày cô hướng dẫn phân tích nhân vật, và tác phẩm trong các giờ học Văn chưa ? Mà khổ nỗi, ngay chuyện hướng dẫn phân tích ấy, cũng phải đúng chủ trương, giáo án của Bộ, của Sở...thì còn gì để bàn hay để nói nữa đây.

Còn các tác phẩm chọn lọc trong chương trình Văn...mấy khi các con được học tiểu thuyết tình cảm, lãng mạn của nhóm Tự lực văn đoàn : Khái Hưng với "Anh phải sống", "Hồn bướm mơ tiên"..., Nhất Linh với "Đoạn tuyệt", rồi Hoàng Đạo, Thạch Lam...May lắm là các con sẽ được học "Gió đầu mùa" của Thạch Lam vì tác giả này được xem là có lý lịch trong sạch nhất. Hầu như các con chỉ được chú trọng học các tác phẩm Văn học hiện thực phê phán như "Tắt đèn", "Sống mòn"..., cùng "Nhật ký trong tù", thơ Tố Hữu...mà thôi

Tại sao thế hệ các con tôi lại chịu nhiều thiệt thòi đến thế ? Từ Văn qua Sử, các con sẽ hiểu gì về lịch sử dân tộc đây ? Mấy hôm nay, mới có cuộc hội thảo để đánh gia lại một cách khách quan công và tôi của triều Nguyễn ? Tại sao việc này lại xảy ra muộn màng đến thế ? Ai sẽ chịu trách nhiệm trước tuổi trẻ dân tộc khi lịch sử quá nhiều sai sót. Và chúng ta có quyền gì để phê phán tổ tiên của chúng ta chứ ? Quyền gì để đánh giá giữa công và tội ? Sao đau lòng quá

Cuộc sống ngày hôm nay quá nhiều phức tạp, không còn nên thơ và ấm áp tình người như trước đây. Các con sẽ phải chứng kiến một cách sống thực dụng, đồng tiền chi phối tất cả. Trên tivi, phim VN nhan nhản những hạt sạn mà mỗi lần xem là một lần mẹ phải chửi rủa um sùm. Cũng may, là các con cũng đã nhận ra những gì bố mẹ phê phán, bố mẹ phân tích, những chi tiết vô lý của phim, và cùng đánh giá nhân vật này hay thế nào, dở ra sao, và chính những điều này, bố mẹ chỉ mong là sẽ giúp tụi con có cách nhìn theo nhiều chiều khác nhau mà thôi

Cuối cùng, mẹ chỉ muốn nói với con gái của mẹ rằng : điểm 8 của con, bố mẹ ghi nhận là sự nỗ lực, là sự cố gắng của con, là món quà con dành tặng bố mẹ. Nhưng bố mẹ muốn nhắc con rằng điểm 8 đó, còn nhiều sơ sót lắm, và để hoàn thiện thành một học sinh giỏi Văn có một điểm 8 thực sự, con cần cố gắng sống nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn, và hiểu cuộc sống nhiều hơn.

Vì Văn chính là người, con ạ

No comments: