Ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2000, hơn 200.000 người đã qui tụ về Rô-ma để dự ngày Thế Giới Các Gia Ðình lần thứ ba. Ngày Thế Giới Các Gia Ðình được tổ chức lần thứ nhất tại Rôma năm 1994, nhân năm thế giới dành cho Gia Ðình, lần thứ hai tại Rio de Janeiro, Brasil, năm 1997. Và lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Phi-luật-tân vào tháng Giêng năm 2003. Tuy nhiên lần họp mặt năm vừa qua mang một tính chất đặc biệt vì được cử hành trong bối cảnh Năm Thánh, một thời điểm lịch sử mở cửa cho Ngàn Năm thứ ba của kỷ nguyên Kitô Giáo.
Trên đường dẫn đến ngày hôm ấy, trong vòng sáu năm trước đó, Tòa Thánh đã công bố nhiều văn kiện để giúp dân Chúa suy nghĩ về gia đình.
Từ tông thư "Gởi Các Gia Ðình" cho đến chủ đề của ngày Năm Thánh Các Gia Ðình "Con cái, mùa xuân của gia đình và của xã hội", Giáo Hội đã từng bước đi vào mọi khía cạnh của đơn vị được xem là "tế bào sự sống của đại gia đình nhân loại khắp hoàn cầu".
Thư Gởi Các Gia Ðình
Ngày 2.2.1994, nhân "Năm Quốc Tế Gia Ðình", Ðức Thánh Cha gởi cho các gia đình một Tông Thư gióng lên tiếng nói của Giáo Hội, để nhấn mạnh rằng "mong muốn sâu xa của Giáo hội là đồng hành với con người trong hành trình trên mọi nẻo đường cuộc sống của trần gian". Và để thực hiện công cuộc đồng hành đó, Giáo Hội đặt hy vọng vào các Gia Ðình, vì "Gia đình là con đường của Giáo Hội".
Trong tông thư này, Giáo Hội "muốn nói lên xác tín ấy, và đồng thời loan báo con đường này, một con đường dẫn vào Nước Trời thông qua đời sống vợ chồng và gia đình (x Mt 7, 14). Cần làm cho "sự hiệp thông những con người" trong gia đình trở nên việc chuẩn bị "hiệp thông các thánh". Vì thế, Giáo Hội tuyên xưng và loan báo "tình yêu chịu đựng tất cả" (I Cr 13, 7), cùng với thánh Phao-lô coi nó như nhân đức "trọng đại nhất" (ICr 13, 13). Thánh Tông Ðồ không vẽ giới hạn cho ai cả. Yêu là ơn gọi của mọi người, ơn gọi của các đôi bạn, của các gia đình. Trong Giáo Hội mọi người được gọi đến mức hoàn hảo của thánh thiện (x Mt 5, 48)" (Thư gởi các Gia Ðình số 14).
Ngoài lời tuyên xưng căn bản ấy, tông thư nhận định rằng "thời đại chúng ta là thời đại khủng hoảng nghiêm trọng được biểu hiện trước tiên dưới dạng "khủng hoảng chân lý" thật sâu xa. Khủng hoảng chân lý, có nghĩa là khủng hoảng về các khái niệm. Các từ "yêu thương", "tự do", "trao ban vô vị lợi" và cả những từ "nhân vị", "quyền con người" có còn diễn tả đúng điều mà tự nhiên chúng chỉ nghĩa chăng?" (nt. số 13)
Và để đối diện với khủng hoảng đó, tông thư đề xuất một nền "văn minh tình thương": "Theo ánh sáng các bản văn Tân Ước và nhiều bản văn khác, có thể hiểu điều mà ta hiểu là "Văn minh tình thương" và hiểu tại sao gia đình được gắn một cách hữu cơ vào văn minh này.
Nếu "con đường của Giáo Hội", trước tiên là gia đình, thì phải nói thêm rằng "văn minh tình thương" cũng là "con đường của Giáo Hội" đang tiến bước trên thế giới và kêu gọi các gia đình và mọi định chế xã hội, quốc gia và quốc tế, đi vào con đường này, chính xác cho các gia đình và qua các gia đình. Quả vậy gia đình tùy thuộc, vì nhiều lý do, vào văn minh tình thương, trong đó gia đình gặp được lẽ sống của hiện hữu như là gia đình. Ðồng thời gia đình là trung tâm, là trái tim của văn minh tình thương." (nt. số 13)
Ðức Thánh Cha muốn dân Chúa, và mọi người thiện chí trên thế giới, đem văn minh tình thương để đối lại với cái mà ngài gọi là "nền văn hóa sự chết" của ngày hôm nay, do đó ngài nói nhiều đến sự sống con người, đặc biệt là sự sống của trẻ em kể từ ngày một em bé được tượng hình trong lòng mẹ.
Tin Mừng Sự Sống
Hiện nay, sự sống đang bị đe dọa trầm trọng, đặc biệt là đối với thai nhi. Trong lương tâm tập thể, việc giết chết thai nhi không còn là một "tội ác" mà trở thành một "quyền" đến độ Luật Pháp Nhà Nước đã công nhận quyền đó, và để thực thi "quyền" ấy, cả một đội ngũ y bác sĩ đóng góp công sức mình vào. Trước thực trạng đó, tông thư Gởi Các Gia Ðình được nối dài và nâng cao bằng thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" (Evangelium Vitae), được công bố ngày 25.3.1995.
Ðây là một tài liệu gây nhiều phản ứng ở các nước phương Tây, vì người ta cho rằng Giáo Hội đã xen vào công việc của chính quyền trần thế. Tuy nhiên, trong thông điệp, Giáo Hội không phê bình người nào hoặc chính phủ nào cả mà chỉ lên án cái não trạng muôn thuở của con người là "giết hại kẻ yếu hơn mình", và trong trường hợp hiện nay, kẻ yếu nhất là thai nhi, vì thai nhi là một trẻ thơ đang ở vào giai đoạn bất lực nhất để bảo vệ "quyền được sống" và "quyền trẻ em" của mình.
Lập trường Giáo Hội được nêu ra ngay trang đầu của thông điệp:
"Trong một trang mang tính thời sự đến bi đát, Công Ðồng Vatican II mạnh mẽ phản đối bao nhiêu hình thức tội ác và xâm phạm đối với sự sống con người. Ba mươi năm sau, tôi (Ðức Gio-an Phao-lô II) mang tâm tình của các nghị phụ để, một lần nữa, phản đối những tội ác ấy cũng mạnh mẽ như thế, nhân danh toàn thể Giáo Hội, và tôi tin rằng mình nói lên đúng tiếng nói đích thực của mọi lương tâm ngay thẳng: "Tất cả những gì đi ngược lại với sự sống, và mọi hình thức giết người, diệt chủng, phá thai, cái chết không đau (euthanasie) và thậm chí tự tử có chủ ý, cũng như những sự hành hạ, tra tấn thể xác hoặc tinh thần, những biện pháp làm áp lực tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người, như các điều kiện sống thiếu nhân bản, những cuộc cầm tù tùy tiện, án lưu đày, tình trạng nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, hoặc những điều kiện lao động hạ cấp biến người lao động thành những công cụ đơn thuần, mà không hề quan tâm đến nhân vị tự do và có trách nhiệm trong họ: mọi hành vi đó và những hành vi tương tự quả thật là ô nhục. Chúng làm cho các nền văn minh băng hoại, và đồng thời làm ô danh những người thực hiện còn hơn là người chịu đựng, và những hành vi đó xúc phạm trầm trọng đến danh dự của Ðấng Tạo Dựng" (Tin Mừng Sự Sống, số 1)
"Con Cái, Mùa Xuân Của Gia Ðình Và Xã Hội"
Giáo Hội tha thiết với nền văn minh tình thương và với quyền sống con người, mà muốn bảo vệ sự sống thì phải bảo vệ ngay nguồn sống. Chân lý này càng ngày càng được nêu rõ hơn trong quá trình hướng đến Năm Thánh 2000, vì thế, ngày 27.12.1998, trong sứ điệp giờ kinh Truyền Tin nhân ngày lễ Thánh Gia, Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã đưa ra đề tài suy tư cho ngày Năm Thánh các Gia Ðình: "Con cái, mùa xuân của gia đình và xã hội". Ðề tài này được Hội Ðồng Tòa Thánh triển khai thành 12 chủ đề suy niệm trong suốt năm vừa qua. Chỉ cần nhìn lại 12 chủ đề ấy, cũng thấy được ít nhiều các vấn đề chủ yếu của hiện trạng các gia đình trên khắp thế giới, ở phương tây cũng như ở phương đông, dù cho cách tiếp cận có khác nhau.
1. Sự sống là một ân huệ
"Nhưng có thật là một trẻ sơ sinh là một ân huệ đối với cha mẹ? Một ân huệ đối với xã hội?"
2. Con cái: dấu chỉ và kết quả của tình yêu vợ chồng
"Con cái không phải là của nợ, mà là ân huệ. Ân huệ cao cả nhất trong hôn nhân là một con người. Con cái không được xem là một của sở hữu" và do đó con cái có "quyền làm kết quả của hành động đặc trưng để trao đổi tình yêu giữa cha mẹ, và có quyền được tôn trọng như là một con người ngay khi tượng thai"
3. Phẩm giá cao cả của con cái
"Thiên Chúa muốn tạo dựng con người theo hình ảnh Người, là một con người. Con người ấy, mọi người, được Thiên Chúa tạo dựng vì chính họ... Kể cả những người sinh ra với bệnh hoạn hay khuyết tật"
4. Thiên chức làm cha làm mẹ, tham dự vào công trình tạo dựng
"Hôn nhân và tình yêu vợ chồng đều phải hướng về việc truyền sinh và giáo dục... Vợ chồng biết rằng họ là cộng tác viên trong tình yêu của Thiên Chúa Tạo Dựng"
5. Trách nhiệm trong việc truyền sinh và bảo vệ con cái
Khi hai vợ chồng trở nên "một xương một thịt", "họ sống giây phút trách nhiệm đặc biệt... vì vào lúc đó, họ có thể trở thành cha hoặc mẹ, vì đã bước vào tiến trình tạo sinh một con người mới sẽ phát triển trong cung lòng người nữ."
6. Quyền con cái
"Sự hiện hữu của một con người, từ nguyên thủy, đã ở trong chương trình của Thiên Chúa. Làm thế nào có thể tưởng tượng được rằng tiến trình xuất hiện sự sống lại bị bỏ mặc cho quyết định tùy tiện của con người?"
7. Con cái đối diện với "nền văn hóa sự chết"
"Chúng ta đang đối diện với một cơ cấu của tội lỗi, và trong nhiều trường hợp, cơ cấu ấy trở thành một "nền văn hóa của cái chết". Một cách nào đó, ta có thể nói đến một cuộc chiến giữa người mạnh (xã hội) đối với người yếu (trẻ em).
8. Tính chất nghiêm trọng của tội ác phá thai
"Việc chấp nhận phá thai trong quan niệm, trong phong tục và trong luật pháp là một khủng hoảng rất nguy hiểm đối với ý thức luân thường đạo lý."
9. Con cái mồ côi cha mẹ khi họ vẫn còn sống
"Việc ly dị tạo ra một sự mất trật tự trong gia đình cũng như trong xã hội... Con cái phải xa cha hoặc mẹ và buộc phải trở thành những đứa trẻ mồ côi, khi cha mẹ chúng vẫn còn sống."
10. Quyền con cái được yêu thương, đón nhận và giáo dục
"Quyền và bổn phận giáo dục của cha mẹ là một điều chủ yếu... tất cả những người khác tham gia vào tiến trình giáo dục chỉ có thể hành động nhân danh cha mẹ, và cùng với sự đồng ý của họ."
11. Giáo dục giới tính cho con cái: sự thật và ý nghĩa
"Giáo dục yêu thương qua việc trao ban bản thân phải là nền tảng để cho cha mẹ đem đến cho con cái một kiến thức về giới tính rõ ràng và tế nhị."
12. Quyền con cái được giáo dục đức tin
"Cha mẹ, do thiên chức giáo dục của mình, qua chứng từ đời sống của họ, phải là những sứ giả đầu tiên để loan báo Tin Mừng cho con cái mình".
Trong số mười hai chủ đề trên, trong bối cảnh thực tế Việt Nam hiện nay, có những điểm thật là hiển nhiên, nhưng cũng có những điểm gây bàn cãi. Dù sao đi nữa, đó cũng là những khẳng định bất di bất dịch trong truyền thống Giáo Hội công giáo, mà Ðức Thánh Cha nhắc nhở lại cho các gia đình.
Thư Gởi Những Người Cao Niên
Trong khi hướng về gia đình, Ðức Thánh Cha cũng không quên một thành phần khác mà xã hội phương Tây (và các xã hội phương đông đang có khuynh hướng) xem là thừa: đó là giới cao niên. Ngày 1.10.1999, Ðức Gio-an Phao-lô II công bố bức "Tông Thư gởi người Cao Niên". Ngài nhắc lại:
"Trong quá khứ, người ta rất mực kính trọng những người cao niên... Còn ngày nay thì sao? Nếu ta dừng lại giây lát để phân tích trình trạng hiện nay, ta thấy rằng một số dân tộc xem tuổi già là đáng kính và có giá trị, nhưng một số khác thì ít tôn trọng do cái não trạng xem trọng lợi ích trước mắt và năng suất lao động của con người. Thái độ ấy đã khiến xem thường người có tuổi, và chính những người cao niên cũng tự hỏi rằng cuộc sống của họ còn có ích chăng." (Thư gởi người Cao Niên. số 9).
"Phải cấp bách đặt mình lại trong một viễn cảnh đúng đắn, ấy là xem cuộc sống trong tổng thể... Những người cao niên giúp chấp nhận mọi biến cố trên trần thế một cách hiền triết hơn, vì những thăng trầm trong cuộc đời đã cho họ nhiều kinh nghiệm và sự chín chắn. Họ là những người canh giữ ký ức tập thể, và vì lý do đó, họ là những người có khả năng nói lên các giá trị và lý tưởng chung giúp cho cuộc sống hài hòa trong xã hội. Loại trừ họ, nhân danh sự đổi mới không cần đến ký ức, có nghĩa là từ chối cái quá khứ mà hiện tại đang cắm rễ. Những người cao niên, nhờ có kinh nghiệm và chín chắn, có thể đề ra cho người trẻ những lời khuyên dạy quí giá" (nt . số 10)
Nhưng có lẽ những ưu tư của Ðức Thánh Cha rõ nét nhất trong bài giảng của ngài, Chúa Nhật 17.9.2000, nhân Ngày Năm Thánh của Người Cao Niên.
"Anh chị em bạn hữu cao niên thân mến! Trong một thế giới như hiện nay, ở đấy sức mạnh và quyền lực thường được đưa lên hàng huyền thoại, anh chị em có nhiệm vụ làm chứng cho những giá trị vượt ngoài cái vỏ bên ngoài, và những giá trị ấy vẫn tồn tại mãi, vì chúng được ghi trong tâm khảm của mỗi một con người và được bảo đảm bằng Lời Chúa.
Với tư cách là người cao niên, anh chị em có một sự đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của một "nền văn hóa sự sống" đích thực, bằng cách làm chứng rằng mọi giây phút cuộc sống đều là ân sủng của Thiên Chúa và mọi giai đoạn cuộc đời đều có những sự phong phú mà mình có thể đóng góp cho mọi người." (Bài giảng trong Thánh Lễ ngày 17.9.2000. số 5)
Con Ðường Vẫn Còn Trước Mặt
Ngày Thế Giới Gia Ðình đã được chuẩn bị trong vòng sáu năm. Trong sáu năm, bao nhiêu giấy mực đã tốn hao, bao nhiêu tổ chức được dựng lên, bao nhiêu công việc được tiến hành, và khi bước vào thiên niên kỷ mới, thực trạng các gia đình cũng không có vẻ gì đi lên và con đường vẫn còn trước mặt. Tại sao vậy? Có lẽ vì công cuộc "toàn cầu hóa" đã khắc sâu khái niệm kinh tế và lợi nhuận vào tâm khảm của con người ở khắp mọi nơi. Người ta đều qui về bản thân mình mọi sự để biến nền văn mình hiện đại thành một "nền văn minh sự chết" thay vì xây dựng điều mà mỗi con người đều tha thiết mong chờ, đó là "nền văn mình tình thương".
Cũng vì thế mà Giáo Hội, trong thời gian vừa qua, dù không coi nhẹ người chồng hay người vợ trong gia đình, vẫn muốn xem họ là người cha hay người mẹ để "đồng công tác tạo" một nền "văn hóa của sự sống". Các giáo huấn Toà Thánh hướng nhiều về trẻ em và người già, Alpha và Ômêga của sự sống con người, bởi vì khi con người nhìn về cội nguồn và cùng đích của cuộc sống, họ sẽ nhận ra ý nghĩa của tình yêu, hôn nhân, gia đình đối với sự sống của từng người và đối với sự sống của cả nhân loại.
Ðiều mà Giáo Hội ít nhắc đến, không như nhiều người mong đợi, ấy là hạnh phúc trong gia đình. Thực ra điều đó không cần thiết. Trong hai ngàn năm qua, người ta tìm kiếm hạnh phúc bằng đủ mọi cách, và một trong những cách chủ yếu là làm cho mỗi người thoả mãn tối đa cái ích kỷ của mình. Ðể rồi ngày hôm nay, trước phồn vinh vật chất, con người khám phá rằng hạnh phúc đã bị phá sản. Dù không nói đến hạnh phúc, Giáo Hội đã chỉ ra con đường đi đến hạnh phúc đích thực: sống vì người khác ngay từ trong gia đình mình.
Với đường hướng này, người Việt Nam cảm thấy rằng lời nhắc nhở của Giáo Hội rất gần với truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Gia đình Việt Nam hiện nay vẫn là nơi hạnh phúc vì cha mẹ thường sống vì con cái trong niềm kính trọng những người cao niên.
Tôi vừa nói một câu vì quán tính. Trên thực tế, gia đình Việt Nam vẫn còn mang trọn vẹn những giá trị truyền thống dân tộc chăng?
Trong một buổi nói chuyện với sáu sinh viên Luật (từ năm 3 đến năm 5), các em đề cập đến vấn đề sống chung ngoài hôn nhân (concubinage) hiện rất phổ biến ở các nước phương tây. Các em có vẻ xem đấy là một giải pháp an toàn cho hạnh phúc của mình. Muốn chứng minh giá trị của gia đình, tôi hỏi: "Các em hãy nhìn về cha mẹ mình mà nói xem, các em có hạnh phúc trong môi trường gia đình không?" Câu trả lời rơi xuống như một gáo nước lạnh. Chỉ một trong sáu em nói là có, còn năm em im lặng. Tôi ngỡ ngàng. Sáu em này là những sinh viên rất nghiêm túc, học hành có kết quả khả quan. Tôi không thể ngờ rằng gia đình của các em có vấn đề. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi đặt câu hỏi cho từng em: "Thế em muốn cha mẹ mình không sống với nhau nữa à?". Bốn em trả lời vâng. Tôi hụt hẫng. Phải chăng tôi cũng hài lòng về gia đình Việt Nam nói chung và gia đình mình nói riêng, trong khi đó, ở ngoài đường, con cái mình cảm thấy gia đình không còn là cái nôi của tình thương và hạnh phúc?
Và vì thế tôi muốn kết thúc bài này bằng cách dâng lên Ðức Mẹ lời cầu nguyện mà Ðức Thánh Cha đã đề nghị trong Thông Ðiệp "Tin Mừng Sự Sống" của Ngài:
Lạy Mẹ Ma-ri-a, là hừng đông của thế giới mới, là Mẹ những người sống,
Chúng con dâng lên Mẹ cuộc sống này.
Lạy Mẹ, xin hãy nhìn xem
hằng hà sa số những trẻ em mà người ta không cho phép ra đời,
những người nghèo sống cuộc sống khó khăn,
những người nam người nữ nạn nhân của bạo lực phi nhân,
những người già nua và bệnh hoạn, bị giết chết bởi sự dửng dưng hay lòng thương xót giả tạo.
Xin cho những người tin vào Con Mẹ biết loan báo cho nhân loại ngày nay,
một cách xác tín và yêu thương, Tin Mừng của Sự Sống.
Xin ban cho họ ơn biết đón nhận Tin Mừng này như một ân ban luôn luôn mới mẻ.
Xin ban cho họ niềm vui tôn vinh Tin Mừng này, với lòng biết ơn, suốt đời họ.
Và xin ban cho họ lòng can đảm làm chứng cho Tin Mừng này,
một cách kiên trì tích cực, hầu xây dựng, cùng với mọi người thiện chí,
nền văn minh của sự thật và tình thương,
để ca ngợi vinh quang Chúa, là Ðấng Tạo Dựng yêu mến sự sống.
Trần Duy Nhiên
(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 30, năm 2001)