Tôi đã được nghe bố nói về chức quan này là quan giảng bài cho vua...phẩm hàm của nó đứng sau Hàn lâm viện thị độc.
Tình cờ, đọc được bài viết sau nói khá rõ và chi tiết về các chưc quan văn trong Hàn lâm viện...chép vào đây cho mọi người cùng đọc nhé...Còn dĩ nhiên, ông nội của chúng ta là quan thực sự, chứ không phải hư hàm đâu nhé
Trong tập hồi ký Thượng tứ ngày xưa, nhớ nhớ...quên quên , đọc thấy có đọan Quế Chi Hồ Đăng Định viết:
“Cái thằng bạn thứ hai là thằng Rô, con bác Nghè Đãi, mở tiệm bán thuốc Bắc hiệu Phước Thọ Đường, bác gái mạ hắn thì chuyên cầm đồ thượng vàng hạ cám. Tôi cứ thắc mắc mấy chục năm ni mà chưa có dịp hỏi hắn. . . Là thường thường ai đậu Tiến sĩ mới được kêu là ông Nghè, rứa thì ba hắn đậu cái chi mà cũng cứ gọi là ông Nghè?. . . Cũng tương tự như vậy, trong xóm tôi, ngã đầu Hậu Bổ, cũng có bác Nghè Quế, thợ may, bạn của ba tôi, không biết có Tiến sĩ không???” (tr.43)
Tôi tin rằng dẫu Quế Chi có gặp lại người bạn cũ tên Rô mà nêu thắc mắc này thì cũng không mấy hy vọng có lời giải đáp, bởi chuyện nghe và thấy sờ sờ mà không đơn giản. Tôi có một ông anh rể, lấy bà chị con ông bác. Ông anh này đầu quân vào ngạch công chức Nam triều. Tôi nhớ khi anh bắt đầu sớm vác ô đi tối vác về thì mẹ tôi dặn từ nay phải gọi bằng anh Thừa – sau mới biết là gọi tắt của hai chữ Thừa phái, là hạng công chức Nam triều mới tuyển dụng, đang còn ở giai đọan tập sự công việc chành chánh. -- Vài năm sau, lại nghe mẹ tôi đổi kêu là anh Nghè, và bảo anh em chúng tôi cũng gọi như thế, vì “anh Thừa mới lên chức”. Trẻ con, biểu sao nghe vậy, cho đến khi đi học, nghe thầy giảng rằng người đỗ Tiến sĩ mới được gọi là ông Nghè, bèn nghĩ trong bụng: mình có ông anh rể oai thiệt. Lớn lên, mới biết có những ông Nghè không cần đỗ Tiến sĩ, và họ cũng không phải lọai Tiến sĩ giấy, như trong một bài thơ châm biếm của Nguyễn Khuyến:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai;
Cũng gọi ông Nghè có kém ai;
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ngòai vụ những ông Nghè như thế này, tôi còn thấy trong xã hội ta ngày trước, có những ông quan mà không phải quan. Chẳng hạn ông già vợ của bạn tôi thường được mọi người kêu là ông Hường K. Tôi đinh ninh chắc ông cụ hồi trước có làm quan, đến chức Hường (Hồng)lô Tự khanh nên mới được gọi như thế. Sau mới biết là ông cụ vốn là y tá thượng hạng hưu trí của ngạch Bảo hộ. Lại một ông khác, vốn là Phán sự Tòa Khâm sứ Huế, cũng là công chức thuộc ngạch Bảo hộ của Pháp, ban đầu được mọi người trong xóm kêu là ông Phán, nhưng một thời gian lâu sau, lại đổi gọi là ông Hường, dù ông vẫn còn làm việc cho Tòa Khâm và thường mặc Âu phục, chứ chẳng thấy khăn đóng áo dài, bài ngà, gì cả..
Xem ra, việc một người không học hành đỗ đạt gì cả nhưng vẫn được gọi là ông Nghè, hoặc không gia nhập quan trường nhưng vẫn được gọi ông Cửu, ông Bá, ông Hàn, và việc một công chức thuộc quyền quản lý của chính quyền Bảo hộ Pháp lại mang chức hàm của triều đình Huế, là một hiện tượng phổ biến trong xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Có ba con đường dẫn đến hiện tượng đó. Hoặc người đó được thưởng hư hàm, hoặc mua hư hàm, hay đối hàm.
Trong hai ông nghè mà Quế Chi nêu ra, tôi nghĩ ông Nghè Quế thuộc lọai được thưởng hư hàm, còn ông Nghè Đãi có thể thuộc lọai mua hư hàm. Hư hàm nghĩa là có chức, có danh nhưng không có thực quyền.
Ai đã có lần vào thăm bên trong lăng Khải Định, tức bên trong điện Khải Thành, chỗ thờ vua Khải Định, đều thấy trên nóc điện có một bức bích họa rồng mây rất đặc sắc. Đó là tác phẩm “Long vân khế hội”của nghệ nhân Phan Văn Tánh. Nhờ tác phẩm này, ông được thưởng hàm Cửu phẩm văn giai, và từ đó người ta gọi là ông Cửu Tánh. Đó là một hư hàm, chỉ để vinh danh, chứ ông Cửu Tánh không có dự trong quan trường.
Hễ một người dân nào đó có công lao đặc biệt, họ có thể được quan địa phương đề bạt để triều đình thưởng phẩm hàm, và đây là một lệ có từ lâu chứ không phải mới sau này. Tôi nghĩ rằng có thể bác Nghè Quế của Quế Chi, khi còn chế độ quân chủ ( trước 1945) là một thợ may khéo, từng may áo quần cho Hòang gia, và cấp trên hài lòng, nên được thưởng phẩm hàm. Đặc biệt, ông lại được thưởng hàm Hàn Lâm viện, chắc là Hàn lâm viện Đãi chiếu, trật tùng cửu phẩm (9/2), bậc thấp nhất trong quan trường. Hàm Hàn lâm vốn dành cho giới không văn hay để đỗ đạt thì cũng chữ tốt để được tuyển dụng vào làm thư ký để sao chép giấy tờ. Mà đã có hàm Hàn lâm thì được người ta rộng rãi gọi tâng lên là ông Nghè
Trong quan chế Nhà Nguyễn, có hàm Hàn Lâm Viện dành cho giới chữ nghĩa.
Thấp nhất là Hàn lâm viện Đãi chiếu, ở trật tùng cửu phẩm (9/2). Kế đến là Hàn lâm viện Cung phụng (9/1); Hàn lâm viện Điển bạ (8/2); Hàn lâm viện Điển tịch (8/1); Hàn lâm viện Kiểm thảo (7/2); Hàn lâm viện Biên tu (7/1); Hàn lâm viện Tu sọan (6/2); Hàn lâm viện Trước tác (6/1); Hàn Lâm viện Thị giảng (5/2), Hàn lâm viện Thừa chỉ (5/2); và cuối cùng, cao nhất là Hàn lâm viện Thị độc, ở trật chánh ngũ phẩm (5/1) , ngang hàng với Giám sát ngự sử và Đốc học các tỉnh, cao hơn Tri phủ một bậc.
Ban đầu, hàm Hàn Lâm Viện dùng trong việc bổ dụng những người xuất thân khoa bảng, hoặc những người có học, chữ tốt (thư thủ) được tuyển dụng làm thư ký. Chẳng hạn , đời Minh Mạng (1820-1841), đã bổ dụng người đỗ đầu Tiến sĩ làm Hàn lâm viện Tu sọan (6/2), người đỗ thứ ba làm Hàn lâm viện Biên tu (7/1), và cho người viết chữ tốt hạng Ưu làm Hàn lâm viện Cung phụng (9/1).
Nhưng từ đời Tự Đức trở về sau, nguyên tắc này trở thành lỏng lẻo, nhất là từ khi có việc tặng hư hàm cho những người có công quyên góp tiền bạc dùng vào quân phí hay chi phí xã hội.
Đầu tiên, lệ năm Tự Đức thứ 16 (1863) định rằng hễ ai có lòng từ thiện , quyên tiền hoặc lúa (qui ra tiền) cho nhà nước để giúp vào việc trợ cấp dân chúng trong lúc khẩn cấp vì thiên tai, dịch bệnh, thì sẽ được thưởng phẩm hàm. Qui định giá cả như sau:
Số tiền quyên góp | Phẩm hàm được thưởng |
1,000 quan | Tùng cửu phẩm Bá hộ (9/2) |
2,000 quan | Chánh cửu phẩm (9/1) |
3,000 quan | Tùng bát phẩm (8/2) |
4,000 quan | Chánh bát phẩm (8/1) |
5,000 quan | Tùng thất phẩm (7/2) |
6,000 quan | Chánh thất phẩm Thiên hộ(7/1) |
7,000 quan | Tùng lục phẩm Thông phán (6/2) |
8,000 quan | Chánh lục phẩm Chủ sự (6/1) |
Vậy nếu có người chỉ có khả năng quyên dưới 1,000 quan thì sao? Đây là giá biểu:
Số tiền quyên góp | Quyền lợi được hưởng |
900 quan | Miễn binh dịch, thuế thân và công ích trong 14 năm |
800 quan | Miễn các khỏan trên trong 13 năm |
700 quan | Miễn các khỏan trên trong 12 năm |
600 quan | Miễn các khỏan trên trong 11 năm |
500 quan | Miễn các khỏan trên trong 10 năm |
400 quan | Miễn các khỏan trên trong 8 năm |
300 quan | Miễn các khỏan trên trong 6 năm |
200 quan | Miễn các khỏan trên trong 4 năm |
100 quan | Miễn các khỏan trên trong 2 năm |
Thế nhưng hai năm sau, năm Tự Đức thứ 18 (1865) vì quá cần tiền – do thua trận Pháp và Tây Ban Nha, phải bồi thường chiến phí -- giá biểu thấy sụt xuống để quyên được nhiều hơn . Giá căn bản là 800 quan (thay vì 1,000), hễ cứ thêm 1,000 quan thì được lên một trật. Đã thế lại còn mở rộng ra, hễ người ủng hộ có chút học thức hay võ nghệ thì có thể dự một kỳ sát hạch tại Bộ Lại (cho quan văn) hoặc Bộ Binh (cho quan võ) và nếu đậu thì sẽ được bổ dụng làm quan. Chưa hết, vua còn cho các quan có lỗi, bị cách chức hay giáng cấp được dùng tiền để chuộc lỗi, nghĩa là phục hồi chức vụ cũ. Đúng là cảnh mua quan bán tước. Có lẽ việc mở cửa này đã bị tràn ngập những hệ lụy xấu xa nên qua năm sau, Tự Đức thứ 19 (1866) vua ra lệnh chấm dứt việc đóng tiền làm quan hoặc nạp tiền để khôi phục phẩm hàm. Chỉ duy trì việc thưởng hư hàm cho người quyên góp mà thôi, và chỉ quyên góp khi cần, khi có lệnh, chứ địa phương không được tùy tiện mở ra. Hư hàm nghĩa là có chức mà không có thực quyền.
Năm Thành Thái thứ 1 (1889) định rằng ai quyên một ngàn quan trở lên, nếu là dân thường thì cho tùng cửu phẩm bá hộ, còn ai đã có dự thi cử, nghĩa là có chữ nghĩa, thì cho tùng cửu phẩm văn giai (hàm Hàn lâm thuộc văn giai). Cứ quyên hơn 1,200 quan thì gia thêm một bậc. Đối với những người quyên dưới số 1,000 quan thì cứ 60 quan sẽ được miễn binh dịch, thuế thân và công ích một năm.
Tiếng nói rằng “quyên” nhưng thực sự là việc mua phẩm hàm để có chút địa vị trong xã hội, nhất là ở chốn hương thôn. Trong làng xã, dù giàu có bạc vạn mà không có một chút chức vị gì thì vẫn bị coi thường. Họ bị xếp vào lọai bạch đinh, nghĩa là chân trắng, phải gánh vác mọi nghĩa vụ trong làng, và khi ra chốn đình trung phải đóng vai hầu hạ, điếu đóm cho lớp chức sắc “ăn trên, ngồi trước”. Bởi vậy, người ta phải cố chạy cho được một chút phẩm hàm để trở thành ông nọ ông kia, chứ không phải là anh là thằng nữa. Những ông Cửu, ông Bá, ông Nghè , nếu không xuất thân bằng ngõ quan trường hay tưởng thưởng thì chính là hạng mua chức, mua hàm cả.
Đến cái việc đối hàm mới là độc đáo, mới thấy người Pháp khi đô hộ nước ta đã tỏ ra rất sành tâm lý dân Việt.
Đối hàm là nguyên tắc cho phép công chức thuộc ngạch Bảo hộ - nghĩa là công chức do chính quyền Bảo hộ quản trị, điều động và trả lương -- được xem là tương đương với phẩm hàm gì bên quan lại Nam triều để được vua Việt Nam ban cho phẩm hàm đó . Đứng về mặt quyền lợi, công chức ngạch Bảo hộ có lương bổng và phúc lợi cao hơn quan lại Nam triều rất nhiều, nhưng tại sao họ lại thích và cần đến cái phẩm hàm đầy vẻ phong kiến đó để làm gì?
Tôi đọc ở đâu đó có một “ông Tây” nói rằng trong đầu óc của mỗi người Việt Nam đều có một ông quan , nghĩa là hiếu danh. Dù làm việc cho Bảo hộ quyền lợi có cao hơn nhưng chức danh nghe không oai , không kêu, nếu không nói là có vẻ xa lạ với xóm làng sau lũy tre xanh. Ai có địa vị cũng muốn áo gấm về làng cả, mà làng xóm thì không quen, không trọng nễ ông Thông, ông Phán, ông Ký cho bằng quan Hường, quan Thị, quan Lang, do đó, quí vị công bộc ăn lương bảo hộ nhưng vẫn cần đến cái danh hảo mà vinh quang của triều đình. Biết được điều đó, nên để khích lệ tinh thần phục vụ của nhân viên, người Pháp thỏa thuận với Nam triều về biện pháp đối hàm như là một hình thức tưởng thưởng.
Lệ năm Thành Thái 19 (1907) định rằng những người Việt làm việc cho chính quyền Bảo hộ lúc đến tuổi về hưu, hoặc vì lý do gì đó muốn rời bỏ quan trường, có thể căn cứ vào mức lương bổng để cho phẩm hàm. Tiêu chuẩn đối hàm như sau:
Bảo hộ | Nam triều |
Tham biện hạng nhất | Chánh tứ phẩm (4/1) |
Tham biện hạng nhì | Tùng tứ phẩm (4/2) |
Phán sự , Ký lục hạng nhất | Tùng ngũ phẩm (5/2) |
Phán sự , Ký lục hạng nhì | Chánh lục phẩm (6/1) |
Thông sự , Ký sự hạng nhất | Tùng lục phẩm (6/2) |
Thông sự, Ký sự thí sai hạng nhất và nhì | Chánh cửu phẩm (9/1) |
Thông sự, Ký sự thí sai hạng ba và tư | Tùng cửu phẩm (9/2) |
Chánh tứ phẩm thì có thể được các hàm như Hồng (Hường) lô tự khanh, Lang trung, Thị độc học sĩ, từ đó có quan Hường, quan Thị, quan Lang.
Tùng tứ phẩm có thể được các hàm như Quang lộc tự thiếu khanh, Thị giảng học sĩ; Chánh ngũ phẩm thì có Hồng lô tự thiếu khanh, Hàn lâm viện Thị độc, Đốc học, Phó Quản đạo. Tùng ngũ có Hàn lâm viện Thị giảng, Tri phủ. Chánh lục phẩm có Đồng Tri phủ, Tri huyện. Đến như đẳng trật thấp nhất là tùng cửu phẩm cũng có hàm rất kêu là
Hàn lâm viện đãi chiếu để được gọi là ông Nghè.
Kèm theo cái bằng sắc [1] của triều đình còn có áo gấm bài ngà (nếu phẩm hàm cao), ra chốn đình trung trông vẫn oai hơn thầy ký hay ông Phán, ông Tham mặc đồ tây.
Việc đối hàm này, ban đầu chỉ giới hạn trong ngạch hành chánh khi nghỉ việc, nhưng sau mở rộng sang các ngành chuyên môn khác như công chánh, y tế, giáo dục, và vào bất cứ lúc nào đương sự bày tỏ nguyện vọng muốn được đối hàm. Bởi vậy một ông y tá hay một ông giáo về hưu, có thể có phẩm hàm đã đành, mà một ông Phán sự đang làm việc tại dinh Công sứ cũng có thể có phẩm hàm và bài ngà, nếu hợp lệ. Nam kỳ lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, không có chế độ đối hàm như ở Trung và Bắc kỳ, và mặc dầu đã thiết lập một hệ thống viên chức mới để giúp việc cai trị, họ vẫn chấp nhận cách gọi cũ, ít ra cũng trong thời gian đầu, như Tổng đốc ( Tổng đốc Phương, Tổng đốc Lộc), Phủ (Tôn Thọ Tường), Huyện (Huyện Của), vì biết dân Việt sính gọi như thế. Cụ Vương Hồng Sễn trong hồi ký Hơn nửa đời hư có kể chuyện ông Diệp Văn Cương, sau khi ra Huế giữ chức thông ngôn cho Tòa Khâm sứ Huế, có được phẩm hàm của triều đình, khi trở về Nam dạy học, vẫn thích học trò “bẩm quan” hơn là “thưa thầy”.
VÕ HƯƠNG-AN
[1] Quan cấp cao thì được vua ban sắc, cấp nhỏ như thất, cửu phẩm thị Bộ xét cấp bằng
No comments:
Post a Comment