Ngày nọ, Bảo Khanh hỏi mẹ : "Trong lịch sử có nói sơ về cải cách ruộng đất...mẹ kể cho con nghe kỹ hơn, được không ?".
Ôi, con gái tôi! Nó thừa hưởng cái gien của ông ngoại, của mẹ nó đây mà. Nó yêu lịch sử lạ lùng, chính vì thế, tôi không bao giờ muốn con gái tôi hiểu một cách sai lệch về lịch sử. Sử thì phải chân thật, phải đúng. Cái gì còn nghi vấn, là nghi vấn, cái gì rõ như ban ngày, thi phải hiện ra...Rồi con cũng sẽ khổ như mẹ thôi, nếu con vương vấn cái nghiệp này
Hy vọng sự vô tư của con sẽ giúp con đỡ cơ cực như cuộc đời mẹ, cuộc đời của ông ngoại
Sau vài ba cuộc tìm kiếm trên Google về cải cách ruộng đất, và vụ án Nhân văn giai phẩm, tôi không sao cầm được nước mắt...Có cái gì khủng khiếp, tê tái, cay đắng hơn nhiều so với những gì tôi đã được nghe, được kể. Những số phận của bà Cát hanh Long,, của gia đình vợ Hữu Loan, của Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang lần lượt tái hiện rõ nét, làm tê dại đến từng hơi thở, từng mạch máu trong tôi
Tôi nhớ về gia đình, dòng họ của mình ngày đó. Vâng, dòng họ tôi ngày ấy, chắc cũng chịu đựng bao khiếp hãi như thế này đây.
Bố kể : "Ông nội không chịu di cư vào Nam, nên bác Thụ phải ở lại. Bác viết thư cho bố : Cực khổ gì anh cũng chịu được hết. Nhưng anh luôn để sẵn một liều thuốc độc trong nhà. Nếu ngày nào thằng Hùng, thằng Dũng con anh nó đưa anh ra đấu tố, thì anh sẽ tự tử ngay thôi"
Có lẽ chỉ có phúc đức tổ tiên, và nhờ ơn trên gia đình bên nội của tôi mới qua được cơn khủng hoảng ấy. Ông bà nội là nhà buôn gạo sỉ lớn nhất Hà Nội mà
Nạn đói xảy ra, người dân nổi loạn cướp bóc khắp nơi. Kho gạo của ông bà không ngoài tầm ngắm của bọn họ. Mấy tên siĩquan Nhật báo tin cho ông và hỏi ông có cần tụi nó bảo vệ kho gạo không ? Nhưng ông từ chối, và ra lệnh cho gia nhân mở kho gạo ra cho mọi người vào lấy tự do, thoải mái
Ngày miền Bắc giải phóng, nhà không còn buôn gạo nữa, nhưng một nửa số đã di cư...Chắc chắn việc này sẽ gây khó khăn cho những người ở lại không ít. Vì thế, tôi không còn ngạc nhiên khi họ nói : "Mấy ông, mấy bà di cư vào Nam, được hưởng sung sướng, bỏ mặc cho bọn tôi ở lại giữ nhà, hứng chịu bao nhiêu điều cay cực..."
Và bỗng nhiên, tôi cũng không còn ý nghĩ bực bội nào về những điều họ nói về sở hữu căn nhà 8 Đông Thái nữa.
Kể ra, ngẫm nghĩ lại cũng đúng...Đúng ở đây, không phải đúng chuyện họ kể công giữ nhà. Mà đúng là đúng chuyện họ phải chịu đựng sự đối xử khắc nghiệt, sự kỳ thị lý lịch của chế độ mới
Bác Bé lấy chồng, một cán bộ Đảng viên, để tạo ra một lý lịch trong sạch hơn. Bác kể chuyện ngày đấu tố...Ngày ấy chắc hãi hùng lắm. Mình phải đi lạy từng thằng gia nhân, đày tớ làm công trong nhà khi trước. Ông bà là người nhân đức, nên cũng chẳng gây thù oán với ai. Tuy vậy, chẳng ai học được chữ ngờ đâu
Cũng may là...những người làm công cho mình cũng hiền. Tài sản của ông bà lúc ấy cũng chẳng còn gì, ông đã không còn bán gạo nữa từ ngày bà mất. Sạp vải của bác Bé ở chợ Đồng Xuân đóng cửa rồi.
Cũng may là không khí buổi đấu tố ấy cũng hiền, các quần chúng khác không lên cơn kích động...
Gia đình tôi bên nội tôi đã thoát chết như thế.
Tôi nhớ lại thời kỳ đầu miền Nam mới giải phóng. Không đến nỗi nhiều thảm hoạ như miền Bắc, nhưng cũng biết bao gia đình bị tịch biên tài sản qua đợt cải tạo tư sản mại bản, biết bao người bỏ đất nước ra đi...Để rồi hôm nay, nhìn lại, chúng tôi đơn độc không còn họ hàng nội, ngoại bên cạnh sum vầy, đùm bọc lẫn nhau
Rồi đây, tôi hy vọng sẽ có ngày trở lại Hà Nội, thăm lại căn nhà 8 Đông Thái, không phải để đòi lại nhà, mà chỉ là thắp nén nhang cho ông bà, tổ tiên. Tôi sẽ đặt hình của bố lên bàn thờ của họ tộc để bố được gần ông, bà, các bác...
Mọi oán hận, xin được cởi bỏ, tháo gỡ, và trong tâm tình đó, tôi nghĩ chuyện căn nhà sẽ được giải quyết rõ ràng, có lý, có tình...trong thương yêu và tha thứ
Mối hận của vua Gia Long với nhà Tây Sơn: Tấn bi kịch lịch sử
-
*Vua Gia Long vốn không phải là con người hiếu sát. Ngay cả việc đối với
họ Trịnh, hai bên đánh nhau ròng rã 45 năm trời, vậy mà khi đã lấy được
nước (180...
10 years ago
No comments:
Post a Comment