Monday, November 24, 2008

Thư gởi em 09

Em.

Hôm qua gặp em giữa nhóm sinh viên cũ, thì điện thoại em rung. Em cầm ra trả lời với vẻ ngại ngùng: điện thoại em thuộc thế hệ cũ với giá không hơn 2 triệu bạc, trong khi đó, một người bạn vô tình để trên bàn chiếc điện thoại của mình, loại mà các chuyên viên IT thường dùng hiện nay, với giá không dưới 10 triệu đồng.

Dáng vẻ ngại ngần mang ít nhiều xấu hổ của em làm tôi suy nghĩ. Em có cảm tưởng rằng giá trị của mình thấp hơn ngưòi bạn kia. Không phải đâu em! Thế giới ngày nay đã gieo một lối nhìn sai lệch về giá trị con người, và từ đó kéo theo những khái niệm luân lý sai lệch, dẫn đến tình trạng đạo đức suy đồi!

Em có nguy cơ phản ứng: “lại lên lớp về vấn đề đạo đức nữa đây! Mấy ông già rõ chán!” Không! Tôi không nói với em về đạo đức đâu! Tôi nói với em về tự do của em, và về con đường bình an và hạnh phúc của em. Bất chấp em quan niệm hạnh phúc như thế nào, thì hạnh phúc ấy cũng phải đặt trên nền tảng là tự do. Một con người không có tự do chắc chắn là một con người bất hạnh. Có điều nhiều khi mình bị cầm tù mà mình không biết!

Em thấy chăng, thế giới ngày nay đã đặt tiền bạc lên ngai thần tượng, và mọi vấn đề đều được giải quyết theo cái nhìn kinh tế. Vì muốn làm giàu nên những nhà tư bản tìm đủ mọi cách để biến con người thành sinh vật tiêu thụ. (Em có biết rằng hiện nay, khi mua một sản phẩm 'nổi tiếng' thì em phải trả thêm 30% giá trị món hàng để bù lại số tiền họ quảng cáo cho 'giá trị' món hàng đồng thời tạo nhu cầu nơi em đối với món hàng đó?) Giá trị của một con người được đánh giá bằng khả năng mua sắm của họ! Hai chiếc áo với vẻ đẹp và chất lượng không khác biệt bao nhiêu, người ta cho em cái cảm tưởng rằng mình sẽ giá trị gấp 10 nếu mình mặc chiếc áo giá 300000 thay vì chiếc 30000. Cùng một món ăn nếu vào một quán phải trả với giá 50000đ thì ngỡ rằng giá trị của mình gấp 5 lần so với một quán mà mình trả 10000đ. Từ đó, dần dần mọi ngưởi quên giá trị của bản thân mà đồng hóa mình với những gì mình có. Vì thế, khi ai làm trầy chiếc xe @ của một người, thì người ấy cảm thấy đau đớn như da thịt của chính mình bị xé rách.

Xã hội hôm nay đã mặc nhiên đánh giá con người theo bảng thang giá trị đó, vì thế người ta chỉ biết làm sao để có được nhiều tiền, bất chấp mọi giá trị luân lý. Em đã thấy xuất hiện nhan nhản những người bóc lột, ăn cướp, lừa đảo để có tiền... rồi dương dương tự đắc xem mình là chuẩn mực cho con người thời đại.

Hôm nay, tôi mong em trả lại sự vật về đúng với vị trí của nó. Quần áo là để mặc, lương thực là để ăn, phương tiện là để sử dụng. Những thứ ấy không thêm bớt gì cho giá trị của em cả. Em đừng để mình bị cầm tù vào cái định kiến mà thế giới tiêu thụ đã gieo thành công vào xã hội chúng ta! Tôi kể em nghe câu chuyện của một người biết rằng giá trị mình không phải ở những gì mình có nhưng ở phẩm chất của mình, đó là nhà hiền triết Diogène, sống vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên.

Ông không bao giờ đặt giá trị của mình vào của cải. Là một triết gia nổi tiếng, ông có thể để cho môn sinh mình cung cấp mọi nhu cầu vật chất, nhưng ông chọn ở trong một thùng rượu và tài sản chỉ vỏn vẹn là một cái tô để ăn uống. Thế nhưng một hôm, ông thấy một em bé bụm hai tay uống nước từ nguồn suối, ông bảo rằng: “Em bé này cho mình thấy rằng mình còn cái dư thừa”, thế là ông về đập vỡ cái tô của mình.

Một lần kia, đại đế Alexandre đến Corintô thăm ông. Lúc bấy giờ ông đang nằm gần như trần truồng để phơi nắng ngoài trời. Đại đế nói: “Ta là Đại đế Alexandre! Ngươi muốn xin gì, ta sẽ ban cho”. Ông đáp: “Xin ngài tránh bóng ngài ra khỏi mặt trời của tôi”. Vâng! Giá trị của ông, không phải là tiền của chức tước, nhưng là con người đích thực của mình. Thay vì nổi cơn thịnh nộ, Alexandre cảm phục tư cách của Diogène nên ông đã nói với tùy tùng: “Nếu ta không phải là Alexandre Đại Đế, thì ta đã làm Diogène”.

Không! Tôi không bảo em phải đi đến cùng như Diogène! Tôi cũng không bảo em sống như người lập dị trong xã hội chúng ta. Tôi không muốn em giống như cộng đồng Amish hiện nay tại Mỹ: họ từ chối mọi phương tiện hiện đại do kỹ thuật đem đến, như máy móc, đèn điện, điện thoại, truyền hình, vi tính… Tôi biết rằng một người rất khó được chấp nhận trong xã hội này, nếu không có một ‘bề ngoài’ đúng mức. Bản thân tôi đã có một kinh nghiệm chua chát vì từng ngu ngơ xem thường vấn đề này. Cách đây 20 năm, khi mới về Saigon dạy trong một trung tâm ngoại ngữ, tôi mặc bộ đồ cũ của thập niên 60 và mang đôi dép cao su (dép lào) để lên lớp. Hai tuần sau, giám đốc trung tâm mời tôi lên yêu cầu nghỉ dạy, vì học viên phản ảnh rằng tôi… dạy dở! Học được bài học đau đớn đó, sau này lên lớp, tôi ăn mặc tương đối giống như các đồng nghiệp mình (nhưng không bao giờ mặc đồ đắt tiền!) và kể từ đấy không còn nghe một học trò nào ‘chê’ tôi là dạy dở!

Vì vậy, tôi không bao giờ khuyên em trở thành một người lạc điệu! Hãy đẹp, hãy xinh, hãy tươm tất ở mức cao nhất có thể. Hãy sử dụng mọi phương tiện hiện đại để cập nhật nếp sống của mình. Hãy vui chơi những chỗ hợp thời đại, dù phải tốn phí cao. Đừng sống như người thế kỷ thứ 17 trong môi trường thế kỷ 21. Thế nhưng, điều tôi mong nơi em là đừng bao giờ để cho những phương tiện em dùng ảnh hưởng đến giá trị con người thật của em. Giá trị của em không phải là chiếc xe đắt giá, chiếc điện thoại hiện đại, bộ quần áo hợp thời trang mua trong một cửa hiệu hạng sang; giá trị của em là những phẩm chất trong trí óc và con tim của em.

Nếu em tự nhìn đúng với giá trị của mình, thì em sẽ tự do. Em không sợ ai ‘xem thường’ mình vì chiếc xe, bộ đồ, đồng hồ hay điện thoại mình dùng. Và từ đó, em không bị mặc cảm là mình thua sút các bạn vì mình ‘ít tiền’ hơn họ. Ngày nào em còn mang mặc cảm đó, ngày ấy em còn phải sống trong gian dối, giấu giếm, và luôn luôn đeo mặt nạ với người và với chính mình. Em hãy buông chiếc mặt nạ mà những kẻ tư bản đã làm đủ mọi cách để khiến em mang vào. Buông mặt nạ ra, em sẽ thấy rằng giá trị mình không bị sứt mẻ mảy may, trái lại mình thanh thản hơn bao giờ cả. Buông mặt nạ ra, em không phải chạy theo tiền bạc để ‘mua danh’ mà vẫn luôn luôn có đủ để chi tiêu cho mọi nhu cầu cuộc sống; bởi vì đúng như câu nói mà nhiều người gán cho Lão Tử: “Tri túc chi túc hà thời túc” (biết đủ thì đủ và lúc nào cũng đủ).

Và để kết bức thư khá dài này tôi muốn nhắc lại với em câu chuyện mà hẳn em đã biết rồi. Một nhà diễn thuyết nọ có lần đưa ra trước cử tọa tờ 20 Mỹ kim. Ông hỏi 200 thính giả đang ở trong phòng: “Ai muốn nhận tờ $20 này?” Một số bàn tay đưa lên. Ông bảo: “Tôi sẽ tặng cho một người trong các bạn, nhưng trước hết, để tôi làm như thế này đã.” Ông vò tờ $20 cho nhăn nheo rồi hỏi: “Ai còn muốn nhận tờ bạc này?” Vẫn có những bàn tay đưa lên. “Thôi được, tôi làm thêm thế này nhé.” Ông vứt tờ giấy $20 xuống đất, lấy giày đạp dẫm lên và chà đi chà lại. Sau đó ông nhặt tờ giấy bạc nhăn nhúm và vấy bẩn lên rồi hỏi: “Bây giờ, có ai còn muốn nhận tờ bạc này không?” Vẫn còn có những bàn tay đưa lên.

Em à, từ câu chuyện này có lẽ em cũng rút ra được một bài học đáng giá. Cái bên ngoài của tờ bạc ấy có thế nào đi nữa, thì giá trị của nó vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế, em hãy tạo ra cho mình một giá trị bằng cách trau dồi kiến thức, phát huy khả năng, và rèn luyện những phẩm chất nhân bản của mình như lòng trung thực, can đảm và yêu thương vô vị lợi. Được như thế, em sẽ không sợ và cũng không bị ảnh hưởng bởi những người đang gieo vào đầu óc em một giá trị giả tạo, để biến em thành một người phục vụ cho quyền lợi tài chánh của họ. Đừng mắc mưu những người bắt em sống theo giá trị của họ rồi trở thành nô lệ cho những giá trị ảo đến độ đánh mất chính mình, nghe em!

Thày Trần Duy Nhiên

No comments: