Monday, September 22, 2008

Kỷ niệm chiều mưa

Photobucket

Từ khi thực hiện Blog, entry tôi định viết đầu tiên là về cô Thịnh. Nhưng hình như tình cảm của tôi dành cho cô quá nhiều, đến nỗi tôi không thể dùng lời bày tỏ hết nỗi niềm của mình, nên cứ viết ...rồi lại xoá...Và viết, để rồi...chẳng bao giờ hoàn thành

Chiều nay, trời mưa rất to, trắng xoá hết cả khung trời trước mặt. Bên kia đường, có một người phụ nữ trú mưa, và tôi ngồi đây, phóng tầm mắt về nơi ấy, chợt nghe kỷ niệm ùa về, vỡ vụn trong tôi...

Trời khóc, và tôi cũng đang khóc...Tôi dường như thấy thấp thoáng hình bóng cô Thịnh trú mưa trong một buổi chiều đạp xe lên thăm tôi tại ký túc xá Võ Văn Tần

...Ngày ấy, tôi trúng tuyển vào trường Đại Học Bách Khoa với số điểm 28, chỉ kém thủ khoa 0.5 điểm và nhờ vậy, tôi được chọn đi du học Liên Xô. Chúng tôi phải tập trung vào Ký túc xá Võ Văn Tần để học tiếng Nga trong vòng một năm.

Nhà nghèo, lấy đâu ra 13Kg gạo nộp đầu năm học, bố cứ cằn nhằn mãi...Thuở ấy, gạo mắc lắm, tiêu chuẩn hàng tháng mỗi đầu người chỉ có vài Kg, còn lại toàn bo bo, bột mì, khoai...Tôi lủi thủi cầm hồ sơ đi nộp mà nước mắt cứ lưng tròng.

Cô Thịnh đợi tôi ở đầu cầu thang từ lúc nào, cô đưa tôi đến trường nhập học và kìa, trên xe đạp của cô là một bịch gạo dành sẵn cho tôi. Tôi không sao quên được buổi chiều hôm ấy...

Bình Minh cất tiếng hát trong veo bài Back to Souriento : "Về đây khi mái tóc còn xanh xanh...", cô Thịnh và tôi ngồi ở mép giuờng quan sát các bạn dọn dẹp đồ dùng. Đối diện tôi là cô nàng Mai Hồng Quỳ, thuở ấy, đối với tôi la một cô nhóc - hiện tại là Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM - vì Quỳ nhỏ nhất khoá học, chỉ vừa tròn 16 tuổi thôi. Nhưng Quỳ lại tỏ ra hồn nhiên, dạn dĩ không rụt rè như tôi...

Cô Thịnh lặng lẽ ôm tôi, hình như cô có vẻ tôi nghiệp cho cái vẻ nghèo nàn của tôi trước các bạn mới khá giả, sung túc. Từ đó, cứ mỗi chiều thứ bảy về nhà, tôi lại được cô dành sẵn khi thì cái quần tây, cô mua lại từ các chị Liên, Châu...khi thì bộ đồ mặc nhà, cô sửa lại từ đồ cũ của cô, có lúc lại là cái khăn tay, cô cặm cụi thêu tên tôi trên đó...và cũng có khi là hộp thịt kho hay tôm khô rim, cô sửa soạn cho tôi có thêm đồ ăn vào trường.

Nói sao cho hết sự chăm sóc và tình thương cô dành cho tôi ??? Cứ cách vài buổi chiều, cô lại đạp xe đi thăm tôi, dắt tôi đi chơi, ăn chè, vậy mà có lúc tôi ham chơi cùng các bạn, để cô đợi mãi ở trường và lủi thủi một mình đi về.

Cho đến ngày cô rời VN, cũng là ngày cuối cùng bên cạnh cô để rồi tôi không bao giờ còn gặp lại cô nữa. Cô bảo tôi hứa với cô sẽ qua sau với cô, nhưng lời hứa ấy, tôi đã không thực hiện được.

Vì lời hứa ấy, tôi đã có một bước ngoặt khác, một ngã rẽ khác của cuộc đời

....Đồng Phú, một buổi sáng nọ, có đoàn tù vượt biên mới nhập trại. Nghe nói trong đoàn có con gái của Nhã Ca và Trần Dạ Từ - Lê Thị Sớm Mai. Tôi vốn ghét quan tâm đến những người nổi tiếng, nhưng ...Na đã được phân về đội của tôi.

Tôi đang ngồi rửa chén ngoài sàn nước, và cảm thấy hình như có ai đang nhìn mình. Ngước lên, tôi bỗng giật mình, ánh nhìn của Na...sao mà thân quen thế.


Photobucket



Na không hoàn toàn giống cô Thịnh, nhưng khá giống ở nhiều điểm, cả tính cách nữa. Tôi thân với Na từ đấy...nhưng chỉ được 6 năm, Na cũng bỏ lại tôi ở VN để nhập cư Thuỵ Điển.

Và hơn 20 năm nay, cứ mỗi chiều mưa, tôi lại cảm thấy mình ...đang muốn khóc

Những người phi thường quanh tôi

Đây không phải là vĩ nhân, cũng không phải anh hùng. Tất cả chỉ là những người có cuộc sống bình dị, đơn sơ, nhưng với riêng tôi, họ là những người phi thường nhất

Photobucket

1. Cô Thịnh :

Cô Thịnh luôn là tấm gương sống đẹp cho tất cả lũ cháu chúng tôi. Cô là em út của mẹ, nhưng chúng tôi không gọi là dì, vì bố đã nhận các cô em vợ là em gái ngay khi lấy mẹ rồi

Cô hy sinh hạnh phúc riêng của mình, sống độc thân và hết lòng vì mọi người thân yêu. Trước giải phóng, cô làm việc ở Ngân Hàng, nên lương của cô khá cao. Cô sống với ông ngoại và các cô Điền, Vinh, trong đó, cô Điền của tôi mắc bệnh tâm thần do chấn thương vùng đầu khi bị tai nạn xe cộ.

Không chỉ nuôi ông ngoại và lo lắng cho cô Điền, cô còn quan tâm chăm sóc lũ cháu chúng tôi từng ly từng tý, và phụ với mẹ nuôi chúng tôi ăn học. Bố là công chức, đồng lương có giới hạn. Mẹ ở nhà khi 4 đứa còn nhỏ, nên đời sống gia đình tôi khá chật vật. Nhờ ở gần nhà ông bà, nên là ngày nào cũng vậy, sáng chúng tôi được thêm một bữa khi thì bánh mì sandwich, khi thì yaourt, tàu hủ...chiều đến lại chè, bánh kẹo đủ loại.

Tôi ngưỡng mộ cô Thịnh vô cùng, cô chẳng bao giờ cáu gắt trong khi chúng tôi vòi vĩnh cô đủ điều...Lúc nào cô cũng dịu dàng, bảo ban các cháu, cái gì cô cũng biết, cái gì cô cũng làm được, từ nấu ăn, làm bánh, may cắt, đến cả đọc những tác phẩm văn chương bằng tiếng Anh nguyên tác.

2. Cô Vinh :

Cô Vinh là chị cô Thịnh và em cô Điền. Cũng giống như cô Thịnh, cô Vinh sống độc thân, và cùng cô Thịnh lo cho ông và cô Điền. Khi chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi chỉ thích quấn quýt với cô Thịnh, đôi khi quên cả sự hiện diện của cô Vinh. Chúng tôi đâu hiểu được, mặc dù tính cách cô Vinh khác cô Thịnh, nhưng tấm lòng của cô cũng bao la, nhân ái không kém gì cô Thịnh. Cô chấp nhận tất cả mọi sự hiểu lầm, tai tiếng, sống tằn tiện, dành dụm từng đồng, nhưng nhờ vậy, cô đã giúp đỡ được rất nhiều cho gia đình khi khốn khó.

Sau giải phóng, tiền bạc mất hết, các cô không thể sống nổi với đồng lương ít ỏi và còn nuôi thêm cô Điền và ông nữa. Nhìn cuộc sống nheo nhóc quá, lại thêm cô Điền trở bệnh nặng hơn, các cô quyết định đưa cô Điền đi nước ngoài cho ông được yên ổn tuổi già

Vậy là cô Thịnh hy sinh đưa cô Điền đi vượt biên với hy vọng cô Điền sẽ được chạy chữa tốt hơn, đồng thời, cô T cũng kiếm thêm được tiền gửi về lo cho ông và cả gia đình tôi nữa. Cô V ở lại cùng ông. Cuộc chia ly khí ây đã đưa ông ngoại đến chỗ suy sụp tinh thần và trở nên lặng lẽ, nên chỉ 3 năm sau, ông qua đời

3. Cô Điền :

Cô bị tâm thần sau một chấn thương vùng đầu do tai nạn, nhưng lúc đầu, cô chỉ bị nhẹ thôi. Đôi ba tháng, cô lên cơn một lần, chỉ là nói lảm nhảm, nói suốt ngày, suốt đêm, còn khi bình thường, cô rất thương chúng tôi. Cô nấu ăn, may đồ, giặt đồ, và không chỉ cho ông, mà là cho cả lũ nhóc chúng tôi nữa. Các cô thương mẹ và chúng tôi, nên làm được bất cứ việc gì dù nhỏ nhất các cô không ngần ngại giúp
Càng về sau, cô càng bệnh nặng, và năm 1980, cô sang Hoà Lan định cư với bệnh tật liên miên đủ thứ, chừng như cô gánh hết mọi tai nạn, tật bệnh cho tất cả mọi người

Các cô cho chúng tôi hiểu nhiều về tình gia đình, tình chị em thương yêu, bảo bọc nhau. Ông mất xong một ít lâu, cô Thịnh phát hiện bị ung thư. Cô biết mình không còn sống bao lâu nữa, nên đã cố gằng lo liệu cho cô V qua Hoà Lan, vì khi ấy, cô V cũng chỉ còn lại thui thủi một mình...Tháng 05/1987, cô V rời VN

Photobucket

Thế là cô V vừa xong trách nhiệm với ông, đã tiếp tục nhiệm vụ khác. Cô đã ở bên cô Thịnh, an ủi cô Thịnh và chăm sóc cô Điền. Cô V ơi, cả cuộc đời của cô đầy hy sinh, có lúc tụi cháu không thể nghĩ được là cô tuyệt vời đến vậy. Tấm lòng cô vị tha quá, không một lời oán trách, than thân.

Cô Thịnh qua đời trong vòng tay của cô V, tình thương của cô V và mãn nguyện rằng cô Điền đã có người chăm sóc.

Photobucket

Cáo phó của cô bằng tiếng Hoà Lan :

Photobucket


Photobucket

18 năm sau, cô Điền qua đời, kết thúc chuỗi ngày đau khổ bệnh tật của mình, cô V cũng trút bỏ hết gánh nặng trách nhiệm trên vai. Nhưng bây giờ, nhìn lại, cô đã đến tuổi được quây quần bên con cháu, và được các cháu chăm sóc, hầu hạ...

Vậy mà...cô ơi ! Cô vẫn sống thui thủi cô đơn một mình, cháu ước ao sao mọi thủ tục giấy tờ hồi hương được thuận lợi, để cô về VN an hưởng tuổi già.

Bây giờ chỉ còn lại mình cô, một người phi thường với cách sống và những trải nghiệm rất đời thường

Quà Tết 1975 cho bố mẹ

Tết 1975 là một cái Tết sung túc nhất của gia đình. Đã 3 năm (từ 1972), mẹ xin vào làm ở BGI (bây giờ là Công ty Rượu Bia miền Nam), phụ thêm bố lo ổn định kinh tế gia đình. Đầu lương của mẹ, bố mẹ dành ra mua Công Khố Phiếu, không dám tiêu xài gì hoang phí cả

Bố mẹ dự tính sang năm sau, bố sẽ xin về hưu non, lương hưu của bố, cộng thêm tiền lời từ Công khố Phiếu đủ để mẹ có thể nghỉ việc ở nhà, chăm sóc con cái, còn bố sẽ vào làm BGI thay cho mẹ

Bố mẹ lo xa, sắp đặt hết mọi chuyện , chúng tôi cũng theo đó, dành dụm tiền trong năm phụ với bố mẹ mua Công Khố Phiếu.

Tiền ông, các cô, bố mẹ cho mua sách vở, xài vặt, chúng tôi bỏ heo, từ tiền lẻ đổi thành tờ 500 đ (tờ bạc có mệnh giá lớn nhất thuở bấy giờ). Trước 1975, các tờ giấy bạc thường in hình Đức Thánh Trần Hưng Đạo

Tết đến, chúng tôi muốn dành cho bố mẹ một sự bất ngờ. Chúng tôi sắp lớp các tờ giấy bạc 500 đ, ghim đính trên nền bìa cứng và đặt vào hộp giấy than, tôi còn nhớ được khoảng 15.000đ vì sau đó, bố mẹ mua công khố phiếu đứng tên chị em chúng tôi với số tiền này

Đó là món quà Tết đầu tiên có giá trị nhất, chúng tôi dành tặng bố mẹ trong mùa xuân cuối cùng còn đầy đủ đại gia đình xum họp. Không ai có thể ngờ rằng chỉ sau Tết một, hai tháng gia đình chúng tôi mất hết tất cả...Dân tộc VN bước vào một sự biến chuyển đau thương của chia ly, của mất mát.

Nhìn hình chụp lại tờ bạc này, tâm trạng thật khó tả vô cùng...

Thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám

Khuê Văn Các - Kiến trúc tiêu biểu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Khuê Văn Các - Kiến trúc tiêu biểu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Theo Wikipedia :

Quốc tử giám đầu tiên được lập vào năm 1076 tại kinh thành Thăng Long vào thời vua Lý Nhân Tông. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các hoàng tộc, quý tộc và quan lại. Từ năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử giám và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc. Đến đời nhà Nguyễn, quốc tử giám được lập tại Huế. Đứng đầu Quốc tử giám là các chức quan: Tế tửu (tương đương Hiệu trưởng Đại học), Tư nghiệp (tương đương với Hiệu phó)

Tôi sẽ không tả thêm về Văn Miếu, vì các sách sử đều có nhắc, chỉ cần gõ vào Google, bạn sẽ có biết bao là thông tin cần thiết.

...Bố dặn chúng tôi trước khi ra Hà Nội là phải đi thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Bố nói đây được xem như trường Đại Học đầu tiên của nước ta...

Một buổi chiều, chúng tôi năn nỉ bác Bé cho đi chơi Văn Miếu. Bác bảo Văn miếu bây giờ chẳng ai đến, chỉ có mấy đứa chăn trâu nó dắt trâu vào mà thôi. Bác sợ không an toàn cho chúng tôi vì thuở ấy Văn miếu còn hoang sơ lắm, chưa được trùng tu, tôn tạo thành di sản văn hoá. Tuy vậy, bác vẫn cho chị Loan đi với chúng tôi sau khi chúng tôi năn nỉ hết lời

Photobucket

Khuê Văn Các, nhìn từ bên trong hồ Thiên Quang ra
Khuê Văn Các, nhìn từ bên trong hồ Thiên Quang ra

Văn Miếu đã không làm tôi thất vọng. Càng vắng vẻ, càng không co khách tham quan, bạn càng có cảm giác đứng giữa lòng sông núi nghe hồn đất nước. Tiếc là hôm ấy, trời tối quá, nên hình chụp hư gần hết, tôi chỉ còn tấm hình chụp với Út Hạnh ngồi trên bờ hồ Thiên Quang, đúng góc độ với bức ảnh màu sắc nét bên dưới

Hà Nội quả là vùng đất thiêng, ở đây, bạn luôn cảm thấy niềm tự hào dân tộc khi đi qua từng khu phố, từng con đường. Nếu bạn có dịp nghe những ông già, bà lão nói về Hà Nội, bạn sẽ thấy Hà Nội đẹp lắm, dù quanh bạn chỉ là những hoang tàn, đổ nát....

Đã 20 năm rồi, tôi hằng ao ước thăm lại Hà Nội thêm lần nữa, Hà Nội bây giờ có thể đẹp hơn xưa, hiện đại hơn xưa rất nhiều. Nhưng tôi chỉ mong Hà Nội vẫn là Hà Nội của tôi trong tâm tưởng, ký ức ngày nào...

Công việc của mẹ - Điện thoại viên

Mẹ làm công việc này từ ngày đầu bước chân vào BGI. Thuở ấy, Tổng Giám Đốc BGI là bạn thân của bác Khải, và bác đã xin cho mẹ về đây.

Mẹ đã từng là Nhân viên của hãng Reverson Singer của Mỹ những năm 1959 -1960, nên mẹ biết nói tiếng Anh, tiếng Hoa và sơ sơ tiếng Pháp (con của ông ngoại mà). Sau khi sinh chị N , mẹ ở nhà nuôi con nên vốn Sinh ngữ cũng bay đi vèo vèo theo thời gian khôn lớn của 4 đứa

Vào BGI, thời gian đầu, bố phải kèm lại tiếng Pháp cho mẹ. Mẹ tài thật, cuối cùng mẹ cũng vượt qua được, đảm đương tốt việc trực điện thoại, nhận lệnh các vị Giám Đốc, báo cáo công việc...Mẹ còn khá đẹp mặn mà, mặc áo dài, tóc bới cao thật sang trọng, quyến rũ...nên có nhiều ông ngưỡng mộ, Lâu lâu, bố tức quá phát ghen, nhưng có hề gì, vì lúc nào bố cũng đưa đón mẹ đi làm hàng ngày

Giải Phóng...BGI trở thành Nhà Máy Bia Saigon, Công việc của mẹ vẫn là trực tổng đài, nhưng lúc này, mẹ đạp xe lọc cọc, áo ngắn xuềnh xoàng, tiều tuỵ, hốc hác. Lúc nào mẹ cũng chỉ có lon Guigoz cơm nguội mang theo, nếu có cái gì ngon, mẹ đều dành lại làm quà cho các con

Hạnh và Hiệp học trường Hùng Vương, nên thường ghé chỗ mẹ làm việc, tranh thủ nghỉ trưa hay uống nước trong sự thương yêu, chăm sóc của mẹ

Rồi một ngày kia, sau cuộc vượt biên bất thành, tôi bị đi lao động cải tạo gần một năm rưỡi

...Trực tổng đài nên mẹ cũng thường xuyên nhận giùm thư Bưu Điện chuyển đến cho các nhân viên công ty ghé lại lấy. Mẹ cầm trên tay cái phong bì được gửi đi từ trại giam Đồng Phú - chỗ tôi đang ở.

Anh Lộc - phụ trách phòng Tổng hợp của trại là tác giả bức thư mẹ đang giữ. Lòng mẹ thương con khiến mẹ đem thư này lại gặp tận tay người bố.

Bạn sẽ thắc mắc làm ở phòng Tổng Hợp của một trại giam thì có lợi gì ?

Nếu được làm trên này, bạn sẽ không phải đi hiện trường, từ giã với cây cuốc, cái liềm. Bạn sẽ được ngồi trong mát, nắng mưa không với tới bạn được. Bạn sẽ được đi làm trễ hơn (khoảng 7 giờ sáng) trong khi những người khác phải đi từ 5 giờ sáng. Bạn sẽ làm gần hơn, ngay tại trại, trong khi mọi người phải đi xa cả chục cây số.
Trên hết, bạn là người duy nhất được miễn tất cả các công việc bình thường của trại viên, bạn muốn đi đâu cũng được , không phải báo cáo với đội trưởng, không bó buộc giờ giấc, không phải trực đêm, không phải dọn vệ sinh và đi kiếm củi cho bếp ăn tập thể

Làm Tổng Hơp, chỉ có 1, 2 người được làm trên tổng số gần 2000 trại viên, nên không phải ai muốn xin cũng được chấp nhận

Mẹ đã vì tôi, không ngần ngại kết thân với gia đình anh Lộc, nhưng tôi bướng bỉnh không nhận sự giúp đỡ này. Anh Lộc gọi tôi lên gặp anh từ tháng 11/1981. Tôi từ chối gặp.

Tôi ghét bị đóng khung trong một căn phòng làm việc chỉ có tôi và mấy ông cán bộ. Tôi thích được tự do cùng các bạn, tung tăng ngoài hiện trường với không khí thoáng mát. Những buổi gặt lúa ở lại trưa trên những cánh đồng hay những ngày lội bàu nước ngập đến cổ, không làm tôi nao núng, mặc dù cũng sợ lắm. Tôi chỉ thích được gần gũi mọi người, những người cùng cảnh ngộ với mình

Anh Lộc có vẻ ngạc nhiên vì thái độ đó của tôi, nên từ đó, anh tôn trọng, cố gắng tìm hiểu tôi hơn và cuối cùng, bằng sự chân thành của chính anh, anh đã thuyết phục được tôi. Tôi đồng ý làm việc dưới quyền của anh

Ngày đó, đã xa rồi...Bây giờ, mẹ đã không còn, và tôi cũng không còn giữ sự liên lạc với anh Lộc, nhưng tấm lòng của người mẹ thì...chính tôi, tôi còn phải học hỏi ở mẹ rất nhiều

Khi xưa đôi ta bé, ta chơi...

Khi xưa, đôi ta bé, ta chơi...Ừ, tấm hình khiến ký ức quay ngược lại hơn 40 năm về trước, trong căn nhà nhỏ Bà Lê Chân - Tân Định


Photobucket

Căn nhà đó, có một cái gác gỗ, cùng chiếc cầu thang ọp ẹp nhưng luôn là thú vui cho 2 con nhóc leo trèo, mặc cho người lớn lo sợ chúng có thể bị té gãy tay, gãy chân như không. Thế rồi có 1 ngày, 2 đứa nhỏ ấy xanh máu mặt, khi có một cánh tay đen thui chụp lấy tụi nhỏ, đang khi chúng trèo lên...

Người lớn bảo : "Ông ba bị đấy, tụi con đừng leo lên nữa, không có là ông ta bắt đi ngay..."Từ đó, 2 đứa nhóc, mỗi lần đi ngang qua cầu thang cứ lấm lét nhìn, nhưng...ông ba bị chẳng bao giờ hiện ra nữa. Tụi nhỏ đã trở nên ngoan hơn rồi thì phải ?

...Mẹ sinh năm một, 2 chị em chúng mình. Ba chuyển về dưới Hóc Môn, nên mẹ gửi em lại nhà ông bà ngoại. Từ đó, mỗi lần có dịp, mẹ đưa chị lên chơi, là em sung sướng lắm, có bạn mà. Em nhớ mãi căn gác lúc nào cũng sực mùi hoa ngâu, và chúng mình hay đổ nước đầy tràn căn gác, rồi hì hà hì hục lau nhà. Có biết đâu, ở bên dưới, người lớn đang khốn khổ vì nước từ trên nhỏ xuống dưới đầy đầu...

Ông bà, các cô cưng chiều chúng mình lắm. Tối tối chị em mình ngủ với bà, và bà không bao giờ quên quấn quanh bụng mỗi đưa một chiếc khăn, sợ chúng mình lạnh bụng, tiêu chảy...Rồi sáng sớm, ông vào tận giường cõng cả 2 chị em đi đánh răng rửa mặt. Sợ nhất là ông quấn góc khắn và ngoáy lỗ mũi mỗi đứa, nhột kinh khủng luôn.

Chẳng hiểu sao, em có thể nhớ được những ngày tháng đó, dù khi ấy chỉ mới 2, 3 tuổi ? Em nhớ ông, hay bế em vào lòng, dạy chị Năm - người giúp việc - học chữ..Em nhớ...ông và bác Khải, hay cô Thịnh có những người bạn Pháp, Mỹ lại nhà chơi, và mấy con nhóc lại được đưa ra giới thiệu với mấy câu học tủ : "Bonjour...", cùng bài hát "Frère Jacque"

Tuổi thơ nào cũng êm đềm, hạnh phúc. Thương thật nhiều kỷ niệm của những ...ngày thơ, tình thơ

Nuôi gà

Giải phóng xong, bà con thành phố đua nhau nuôi gà, nuôi heo, nuôi cả trên sân thương vốn dĩ trước đây chỉ toàn bồn hoa, cây cảnh để thưởng ngoạn...

Nhưng nhà tôi không có ý định nuôi gà vì kinh tế đâu. Mọi khởi đầu tình cờ, thật tình cờ

Mẹ mua về một chục hột gà, tối quá, thấy rẻ thì mua, không biết là trứng gà đang ấp dở. Vậy là người bán trứng chắc hẳn cũng kẹt tiền quá, nên đành làm vậy thôi

Tôi còn nhớ...đêm ấy, tôi bị cơn suyễn hành hạ, mẹ không ngủ được, và tự nhiên nghe có tiểng mổ khe khẽ từ rổ trứng. Mẹ liền cầm từng quả lên ngắm nghía, cuối cùng, mẹ chọn riêng ra được 2 quả . Mẹ đặt vào cái rổ khác, lót giấy báo, và cắm thêm cái đèn đêm để sưởi ấm cho trứng sắp nở thành các chú gà con. Tiếng mổ càng lúc càng rõ, mẹ lúc này giống hệt một bà mụ đỡ đẻ, ngồi canh từng chút, và dùng tay bóc phụ thêm để các chú gà có thể chui ra khỏi vỏ được dễ dàng hơn

Thế mà, cũng chỉ được 1 chú, chú kia chết ngay sau khi ra khỏi vì vỏ trứng dính chặt vào thân quá, nên bị xước thịt, chảy máu

Lũ nhóc chúng tôi lần đầu tiên tận mắt, tận tay quan sát chú gà con tội nghiệp, vì từ nhỏ đến lớn, ở thành phố, chỉ biết hình dáng con gà qua sách vở, tivi mà thôi. Chúng tôi thích lắm, nên sau đó, cô Thịnh mua tiếp cho mỗi đứa một con gà, với màu lông khác nhau. Út Hạnh được con gà cưng bé nhất vừa nở được mấy ngày

Từ đó, chúng tôi bắt đầu sự nghiệp nuôi gà. Nhưng chúng tôi nuôi gà như chơi búp bê, chúng tôi tưởng tượng đủ thứ. Tôi với Hiệp thiết kế cái chuồng gà gồm đủ các phòng ăn, phòng ngủ cho riêng mỗi con gà... Cô T và bố mẹ nhìn thấy vừa bực, vừa tức cười.

Tôi và Hiệp lấy gỗ từ trên gác, mượn cưa bên nhà bác 16, cưa lung tung mớ gỗ, lần đầu cầm cưa, nên chẳng làm sao điều khiển được, mình muốn cưa thế này, nó lại thế khác

Chúng tôi đóng cái chuồng gà méo mó chẳng ra hồn gì cả. Bố đi làm về, tức quá, đã mệt, còn phải sửa lại những gì chúng tôi đã tạo ra bừa bãi...Nhưng bố chẳng la chúng tôi câu nào

Chúng tôi có thể ôm ấp từng con gà - nhất là lúc chúng còn bé - không biết dơ là gì. Con gà nào bịnh, chết là chúng tôi khóc suốt, cô T thấy vậy, lại mua đền ngay cho con gà khác

Cứ thế, chẳng bao lâu, chúng tôi quen dần, và biết nuôi gà "chuyên nghiệp" hơn. Chúng tôi cũng biết phơi hèm để làm thức ăn cho gà, biết cách phòng bệnh cho gà, giữ vệ sinh chuồng trại cho nhà không bị hôi vì nhà tôi khá chật

Gà lớn, rồi đẻ trứng đều đặn, cũng là cách chúng tôi phụ bố mẹ được thêm chút thức ăn khi cuộc sống khó khăn...

HonDa ơi !

....Honda ơi ! Đã xa rồi tuổi thơ...

Photobucket

Chiếc Honda Dame của cô V đã gắn bó cùng tôi những ngày tháng đầu tiên của cấp 2 trường Sương Nguyệt Anh.

Hồi ấy, thời gian biểu của bố dầy đặc những chuyến đưa đón vợ con đến trường và đi làm. Với chiếc PC, sáng sớm, bố chở mẹ đi làm BGI, còn chị N đến trường SNA. Bố quay về đưa Hiệp và Hạnh đi học ở trường Trần Quý Cáp rồi ghé qua Nha Công Vụ làm luôn đến 11 giờ trưa.

Lượt vế tương tự lượt đưa, và buổi chiều bố tiếp tục đưa mẹ đi làm, xong bố về trông 2 đứa trẻ con là Hiệp và Hạnh.

Năm chị N học lớp 6, tôi lủi thủi đi ra ngôi trường đầu hẻm học tạm để lấy chứng chỉ tiểu học, nên không có vấn đề gì. Tôi tự đi học, tự về nhà.

Nhưng khi tôi lên lớp 6 và chị N lớp 7 thì vấn đề trở nên khó khăn hơn. Bố không thể kham nổi việc đưa đón tôi nữa. Cách giải quyết được đưa ra là tôi đi xe buýt đến Chợ Cá Nguyễn Tri Phương, sau đó đi bộ đến trường SNA trên đường Hoà Hảo, xa khoảng gần 2Km

Các cô thương quá, nên lại gánh vai thu xếp giúp gia đình tôi. Cô V mua được chiếc xe HonDa Dame và từ đó, cô tình nguyện đưa tôi đi học. Cô V thuở ấy xịn lắm, mặc đầm, chạy xe ngon lành, trông thật năng động, tháo vát

Và những vòng xe của cô V cùng tấm lòng cưu mang đùm bọc của các cô đã làm cho tuổi thơ của chúng tôi đầy hạnh phúc, ấm áp những tiếng cười, chắp cánh tâm hồn tôi vươn cao...