Wednesday, November 26, 2008

Viết cho SN con - Minh Thu

Trong Kinh Thánh Tân Ước - Tin mừng theo Thánh Mác co, chương 12 có bài viết :

Tiền dâng cúng của bà goá nghèo (Lc 21,1-4)

(41) Ðức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Ðền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. (42) Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. (43) Ðức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. (44) Quả vậy, mọi người điều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống mình".

Giống hình ảnh bà goá nghèo trên đây, Thu chỉ có 2 bộ quần áo cũ, sờn vai, cùng với một trình độ văn hoá lớp 2 làm hành trang khi bước vào nhà tôi.

Như một định mệnh hay duyên nợ thế nào không hiểu được, Thu đã sống, đã gắn bó cùng chúng tôi gần18 năm bằng cả một tấm lòng thơm thảo và hiếu thuận như một đứa con lớn trong gia đình

Ngày ấy...trước khi đi Thuỵ Điển, chị Hoa gửi Hường cho tôi. Chị nói Hường học khá, nhưng có nguy cơ phải nghỉ học, vì nhà nghèo. Nếu chị còn ở VN, chị sẽ đón cháu vào nuôi, nhưng chị lại sắp đi xa, chị muốn tôi nhận lời giúp chị...Thu, Hường là cháu gọi chị Hoa là cô ruột, và có họ hàng với gia đình dì Nhã....

Tôi chưa nghĩ đến vì không hình dung ra được mình sẽ có một gia đình như thế nào, nếu có một người lạ trong nhà (khi ấy, chúng tôi chỉ mới cưới nhau chưa đầy 1 tháng)...

Thời gian trôi nhanh, chỉ đến khi Bảo Khanh ra đời, chúng tôi mới cảm nhận được cái neo đơn, khó nhọc khi chỉ có 2 vợ chồng loay hoay với nhau. Nhớ lời chị Hoa, tôi nói anh Đường cho cháu nào vào ở với tôi

...Không ngờ, Thu, chứ không phải Hường được anh Đường chở xuống nhà tôi sau khi Bảo Khanh vừa tròn tháng tuổi....

Nhà nghèo, là chị cả của một gia đình đông con, ngay từ nhỏ, Thu đã phải nghỉ học, hết chăm mẹ sinh nở, lại phụ mẹ bồng ẵm các em, và theo cha đi hết nơi này, nơi khác nấu cơm cho thợ ăn. Tuổi thơ của con không biết đến một phút vui đùa, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác....

Anh Trung - bố của Thu - nói : "Không phải là đem con đi ở đợ, mà chỉ muốn cô chú xem cháu như con cháu trong gia đình". Thế nhưng, ngày đó, chúng tôi nghèo quá, nên không ít lần, anh Trung, chị Thuý muốn đưa Thu về nhà, hay sang ở với dì Hà. Dĩ nhiên, là cha mẹ, mình đã nghèo, muốn con được sung sướng hơn mới đành lòng xa con, chứ đâu ngờ, cho con ở với người ngoài còn khổ hơn mình, nên quyết định của anh chị là hoàn toàn có lý

Tôi không ngờ, Thu đã chọn quyết định ở lại cùng chúng tôi, đồng cam cộng khổ, chia xẻ ngọt bùi, cay đắng. Con nói : " Mình có chia xẻ lúc người ta nghèo, khó khăn, thì sau này, người ta mới quý trọng mình, chứ đợi khi người ta giàu có, mình lại hưởng thì ai mà cho không đâu ?''

18 năm, con đã sống hết lòng cùng bố mẹ, các em, các em khôn lớn chừng nào, có mồ hôi, công sức của con chừng ấy. Ông bà nội, ngoại đau ốm, con chẳng nề hà làm bất cứ việc gì được giao, vượt xa hẳn sự lo lắng những người con, cháu ruột khác...

Và cũng chẳng biết tự bao giờ, bố mẹ đã không còn phân biệt giữa con và các em nữa. Với bố mẹ, con gần như là con gái lớn trong nhà, bố mẹ tin yêu, quý trọng con, còn các em luôn nghe lời chị, gắn bó với chị Thu thật nhiều

Chỉ với 2 bộ quần áo cũ, và văn hoá hạn chế, nhưng những gì con làm cho bố mẹ thật to lớn, nó chính là "một đồng của lễ mà bà goá dâng cúng" đấy, con à

Ngày mai, mới là SN con, nhưng mẹ biết, ngay từ bây giờ, bô mẹ, các em, dì Út, và còn nhiều người nữa, ai cũng nghĩ đến những món quà, những lời chúc tốt đẹp gửi tặng con, để minh chứng cho một tình thương yêu mà bố mẹ, các em và mọi người dành cho con đấy