Sunday, November 23, 2008

Bao dung là tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt

Thiên Chúa tạo dựng vạn vật muôn màu muôn vẻ với tất cả sự phong phú và đa dạng, không cái nào giống cái nào. Trên đời không bao giờ có hai vật hoàn toàn giống nhau, thế nào chúng cũng phải có ít nhiều khác biệt: có thể rất ít mà cũng có thể rất nhiều. Sự khác biệt đó thật là tự nhiên, và chắc chắn nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Nhờ sự khác biệt đó, vũ trụ vạn vật mới tươi đẹp, phong phú, rực rỡ. Nếu vạn vật chỉ có một loại duy nhất, cái nào cũng giống cái nào thì vũ trụ và thế giới này sẽ buồn thảm đơn điệu như thế nào!

Nơi con người cũng thế, không ai giống ai, từ khuôn mặt cho tới tính tình, từ thể xác tới tâm hồn, mỗi người một vẻ, mỗi vẻ mỗi khác. Tuy khác nhau, nhưng mỗi người đều có cái hay và cái dở riêng, không ai hoàn hảo cả. Người được cái này thì mất cái kia, người được cái kia thì lại mất cái này. Vì thế, để được cả cái này lẫn cái kia, người được cái này phải hợp với người được cái kia thì sự trọn vẹn cả để con người cần lẫn nhau, bổ túc lẫn nhau, có thế con người mới yêu thương nhau. Nếu ai cũng được đủ mọi mặt thì còn ai cần tới ai nữa, còn ai cần hợp tác với ai nữa, và tình yêu cũng khó phát sinh. Tình yêu phát sinh do sự khác biệt, có khác biệt mới thu hút lẫn nhau. Âm thu hút dương, dương hấp dẫn âm, còn âm với âm, dương với dương thì đẩy lẫn nhau.

Trong chương trình của Thiên Chúa, sự khác biệt và không hoàn hảo khiến người ta phải hợp lại với nhau thành gia đình, xã hội để bổ túc lẫn nhau mà tồn tại và phát triển. Không ai sống một mình mà đầy đủ được. Muốn tồn tại và phát triển ta phải nhờ tới biết bao người khác: Ðể hiện hữu ta phải nhờ cha mẹ, để có gạo ăn ta phải nhờ bác nông dân, để có áo mặc ta nhờ người dệt vải, để có sức khỏe phải nhờ bác sĩ... Sự khác biệt cần thiết và ích lợi như vậy. Nhưng cái lợi nào cũng có mặt trái của nó. Sự khác biệt cũng thế: hễ khác thì thường là khắc. Khắc là không hợp nhau, mâu thuẫn nhau, xung đột lẫn nhau. Mà hễ đã không hợp nhau, hễ có sự xung đột là phải có khó chịu, đau khổ. Ðó là cái giá phải trả của sự khác biệt, của sự hợp tác, bổ túc lẫn nhau. Hễ giống nhau thì đâu bổ túc cho nhau được, có hợp tác với nhau cũng chẳng đi đến đâu. Không chấp nhận khó chịu, đau khổ do sự khác biệt gây ra thì chẳng xây dựng được gì cả.

Thật vậy, con diều bay lượn lơ lửng trên bầu trời được là nhờ hợp tác với sợi dây. Nhưng sự hợp tác đó không phải là không có đau khổ. Con diều cảm thấy thực là bực bội vì sợi dây: nó muốn bay cao hơn, xa hơn, mở rộng phạm vi hoạt động ra, nhưng sợi dây cứ cầm giữ nó lại một cách thật là nghiệt ngã. Còn sợi dây cũng bực bội không kém: nó muốn được tự do bay lơ lửng trên bầu trời một cách thoải mái để ngắm sông núi bên dưới, nhưng con diều lúc nào cũng lôi kéo nó đi hết chỗ này tới chỗ kia, nhiều lúc kéo căng quá làm nó như muốn đứt. Thật là khó! không chịu đựng nổi nhau nữa, hai đứa quyết định chia tay, hy vọng đứa nào cũng sẽ được tự do theo ý mình trên bầu trời rộng thêng thang. Nhưng khi chia tay, sự việc đã không xảy ra như chúng mong ước mà tệ hại hơn trước rất nhiều. Tất cả đều rơi xuống đất! Ðó là kết quả của việc không chịu đựng nhau!

Cái lý hợp tác sống chung là như thế! Không hợp tác, không sống chung thì không thể làm được việc gì. Hay chỉ hợp tác với những người giống mình thì cũng thế. Mà sống chung, hợp tác với nhau giữa những người khác nhau thì thật là khó chịu. Nhưng thà khó chịu, xung đột mà tồn tại còn hơn! Vấn đề còn lại là làm sao để chấp nhận nhau, chấp nhận những đau khổ khó chịu do những khác biệt của nhau. Tinh thần chấp nhận đó chính là một khía cạnh của Lòng Bao Dung.

Gia đình chính là một nơi sống chung, nơi hợp tác của những đơn vị yêu thương nhau nhất trong xã hội. Nhưng dù có yêu thương nhau đến mấy, gia đình vẫn gồm những phần tử rất khác biệt nhau nên không thể không có những xung đột, khó chịu, thậm chí đau khổ. Càng vui lòng chấp nhận những khác biệt đau khổ đó thì gia đình càng dễ có hạnh phúc. Trái lại, gia đình sẽ trở thành hoả ngục trần gian ngay nếu các phần tử không muốn chấp nhận những phiền toái bực bội gây ra do sự khác biệt lẫn nhau.

Sự khác biệt nhau trong gia đình tuy gây ra nhiều xung khắc nhưng rất cần thiết. Vì thế, Thiên Chúa sinh ra vợ chồng có tâm lý khác biệt để bổ túc nhau. Chẳng hạn người chồng có cái nhìn tổng hợp bao quát, còn người vợ có cái nhìn phân tích chi li nhỏ nhặt. Gia đình tồn tại được, hạnh phúc được đều cần cả hai kiểu nhìn đó, mà một người thì không thể có được cả hai. Ý thức được như vậy, cả hai vợ chồng sẽ lắng nghe lập trường của nhau để có thể nhìn vấn đề một cách đầy đủ hơn, để hành động sáng suốt hơn. Sự sáng suốt thường không nằm ở một bên mà nằm ở giữa, tức là sự dung hoà giữa hai lập trường đối lập.

Vì thế, sự bao dung trong gia đình cũng như ngoài xã hội là điều hết sức cần thiết để gia đình, xã hội tồn tại và hạnh phúc. Người có lòng bao dung là người không những sẵn sàng đón nhận mà còn mong muốn dành chổ đứng và đất sống cho những tư tưởng hay lập trường khác với mình, để gia đình, xa hội, cũng như thế giới phù hợp với luật tự nhiên và chương trình của Thiên Chúa là muốn cho thế giới muôn hình muôn vẻ để cộng tác và yêu thương lẫn nhau.

Giáo sư Nguyễn Chính Kết

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 35, năm 2001)

Gia đình - Con đường của Giáo Hội

Ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2000, hơn 200.000 người đã qui tụ về Rô-ma để dự ngày Thế Giới Các Gia Ðình lần thứ ba. Ngày Thế Giới Các Gia Ðình được tổ chức lần thứ nhất tại Rôma năm 1994, nhân năm thế giới dành cho Gia Ðình, lần thứ hai tại Rio de Janeiro, Brasil, năm 1997. Và lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Phi-luật-tân vào tháng Giêng năm 2003. Tuy nhiên lần họp mặt năm vừa qua mang một tính chất đặc biệt vì được cử hành trong bối cảnh Năm Thánh, một thời điểm lịch sử mở cửa cho Ngàn Năm thứ ba của kỷ nguyên Kitô Giáo.

Trên đường dẫn đến ngày hôm ấy, trong vòng sáu năm trước đó, Tòa Thánh đã công bố nhiều văn kiện để giúp dân Chúa suy nghĩ về gia đình.

Từ tông thư "Gởi Các Gia Ðình" cho đến chủ đề của ngày Năm Thánh Các Gia Ðình "Con cái, mùa xuân của gia đình và của xã hội", Giáo Hội đã từng bước đi vào mọi khía cạnh của đơn vị được xem là "tế bào sự sống của đại gia đình nhân loại khắp hoàn cầu".

Thư Gởi Các Gia Ðình

Ngày 2.2.1994, nhân "Năm Quốc Tế Gia Ðình", Ðức Thánh Cha gởi cho các gia đình một Tông Thư gióng lên tiếng nói của Giáo Hội, để nhấn mạnh rằng "mong muốn sâu xa của Giáo hội là đồng hành với con người trong hành trình trên mọi nẻo đường cuộc sống của trần gian". Và để thực hiện công cuộc đồng hành đó, Giáo Hội đặt hy vọng vào các Gia Ðình, vì "Gia đình là con đường của Giáo Hội".

Trong tông thư này, Giáo Hội "muốn nói lên xác tín ấy, và đồng thời loan báo con đường này, một con đường dẫn vào Nước Trời thông qua đời sống vợ chồng và gia đình (x Mt 7, 14). Cần làm cho "sự hiệp thông những con người" trong gia đình trở nên việc chuẩn bị "hiệp thông các thánh". Vì thế, Giáo Hội tuyên xưng và loan báo "tình yêu chịu đựng tất cả" (I Cr 13, 7), cùng với thánh Phao-lô coi nó như nhân đức "trọng đại nhất" (ICr 13, 13). Thánh Tông Ðồ không vẽ giới hạn cho ai cả. Yêu là ơn gọi của mọi người, ơn gọi của các đôi bạn, của các gia đình. Trong Giáo Hội mọi người được gọi đến mức hoàn hảo của thánh thiện (x Mt 5, 48)" (Thư gởi các Gia Ðình số 14).

Ngoài lời tuyên xưng căn bản ấy, tông thư nhận định rằng "thời đại chúng ta là thời đại khủng hoảng nghiêm trọng được biểu hiện trước tiên dưới dạng "khủng hoảng chân lý" thật sâu xa. Khủng hoảng chân lý, có nghĩa là khủng hoảng về các khái niệm. Các từ "yêu thương", "tự do", "trao ban vô vị lợi" và cả những từ "nhân vị", "quyền con người" có còn diễn tả đúng điều mà tự nhiên chúng chỉ nghĩa chăng?" (nt. số 13)

Và để đối diện với khủng hoảng đó, tông thư đề xuất một nền "văn minh tình thương": "Theo ánh sáng các bản văn Tân Ước và nhiều bản văn khác, có thể hiểu điều mà ta hiểu là "Văn minh tình thương" và hiểu tại sao gia đình được gắn một cách hữu cơ vào văn minh này.

Nếu "con đường của Giáo Hội", trước tiên là gia đình, thì phải nói thêm rằng "văn minh tình thương" cũng là "con đường của Giáo Hội" đang tiến bước trên thế giới và kêu gọi các gia đình và mọi định chế xã hội, quốc gia và quốc tế, đi vào con đường này, chính xác cho các gia đình và qua các gia đình. Quả vậy gia đình tùy thuộc, vì nhiều lý do, vào văn minh tình thương, trong đó gia đình gặp được lẽ sống của hiện hữu như là gia đình. Ðồng thời gia đình là trung tâm, là trái tim của văn minh tình thương." (nt. số 13)

Ðức Thánh Cha muốn dân Chúa, và mọi người thiện chí trên thế giới, đem văn minh tình thương để đối lại với cái mà ngài gọi là "nền văn hóa sự chết" của ngày hôm nay, do đó ngài nói nhiều đến sự sống con người, đặc biệt là sự sống của trẻ em kể từ ngày một em bé được tượng hình trong lòng mẹ.

Tin Mừng Sự Sống

Hiện nay, sự sống đang bị đe dọa trầm trọng, đặc biệt là đối với thai nhi. Trong lương tâm tập thể, việc giết chết thai nhi không còn là một "tội ác" mà trở thành một "quyền" đến độ Luật Pháp Nhà Nước đã công nhận quyền đó, và để thực thi "quyền" ấy, cả một đội ngũ y bác sĩ đóng góp công sức mình vào. Trước thực trạng đó, tông thư Gởi Các Gia Ðình được nối dài và nâng cao bằng thông điệp "Tin Mừng Sự Sống" (Evangelium Vitae), được công bố ngày 25.3.1995.

Ðây là một tài liệu gây nhiều phản ứng ở các nước phương Tây, vì người ta cho rằng Giáo Hội đã xen vào công việc của chính quyền trần thế. Tuy nhiên, trong thông điệp, Giáo Hội không phê bình người nào hoặc chính phủ nào cả mà chỉ lên án cái não trạng muôn thuở của con người là "giết hại kẻ yếu hơn mình", và trong trường hợp hiện nay, kẻ yếu nhất là thai nhi, vì thai nhi là một trẻ thơ đang ở vào giai đoạn bất lực nhất để bảo vệ "quyền được sống" và "quyền trẻ em" của mình.

Lập trường Giáo Hội được nêu ra ngay trang đầu của thông điệp:

"Trong một trang mang tính thời sự đến bi đát, Công Ðồng Vatican II mạnh mẽ phản đối bao nhiêu hình thức tội ác và xâm phạm đối với sự sống con người. Ba mươi năm sau, tôi (Ðức Gio-an Phao-lô II) mang tâm tình của các nghị phụ để, một lần nữa, phản đối những tội ác ấy cũng mạnh mẽ như thế, nhân danh toàn thể Giáo Hội, và tôi tin rằng mình nói lên đúng tiếng nói đích thực của mọi lương tâm ngay thẳng: "Tất cả những gì đi ngược lại với sự sống, và mọi hình thức giết người, diệt chủng, phá thai, cái chết không đau (euthanasie) và thậm chí tự tử có chủ ý, cũng như những sự hành hạ, tra tấn thể xác hoặc tinh thần, những biện pháp làm áp lực tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người, như các điều kiện sống thiếu nhân bản, những cuộc cầm tù tùy tiện, án lưu đày, tình trạng nô lệ, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, hoặc những điều kiện lao động hạ cấp biến người lao động thành những công cụ đơn thuần, mà không hề quan tâm đến nhân vị tự do và có trách nhiệm trong họ: mọi hành vi đó và những hành vi tương tự quả thật là ô nhục. Chúng làm cho các nền văn minh băng hoại, và đồng thời làm ô danh những người thực hiện còn hơn là người chịu đựng, và những hành vi đó xúc phạm trầm trọng đến danh dự của Ðấng Tạo Dựng" (Tin Mừng Sự Sống, số 1)

"Con Cái, Mùa Xuân Của Gia Ðình Và Xã Hội"

Giáo Hội tha thiết với nền văn minh tình thương và với quyền sống con người, mà muốn bảo vệ sự sống thì phải bảo vệ ngay nguồn sống. Chân lý này càng ngày càng được nêu rõ hơn trong quá trình hướng đến Năm Thánh 2000, vì thế, ngày 27.12.1998, trong sứ điệp giờ kinh Truyền Tin nhân ngày lễ Thánh Gia, Ðức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã đưa ra đề tài suy tư cho ngày Năm Thánh các Gia Ðình: "Con cái, mùa xuân của gia đình và xã hội". Ðề tài này được Hội Ðồng Tòa Thánh triển khai thành 12 chủ đề suy niệm trong suốt năm vừa qua. Chỉ cần nhìn lại 12 chủ đề ấy, cũng thấy được ít nhiều các vấn đề chủ yếu của hiện trạng các gia đình trên khắp thế giới, ở phương tây cũng như ở phương đông, dù cho cách tiếp cận có khác nhau.

1. Sự sống là một ân huệ

"Nhưng có thật là một trẻ sơ sinh là một ân huệ đối với cha mẹ? Một ân huệ đối với xã hội?"

2. Con cái: dấu chỉ và kết quả của tình yêu vợ chồng

"Con cái không phải là của nợ, mà là ân huệ. Ân huệ cao cả nhất trong hôn nhân là một con người. Con cái không được xem là một của sở hữu" và do đó con cái có "quyền làm kết quả của hành động đặc trưng để trao đổi tình yêu giữa cha mẹ, và có quyền được tôn trọng như là một con người ngay khi tượng thai"

3. Phẩm giá cao cả của con cái

"Thiên Chúa muốn tạo dựng con người theo hình ảnh Người, là một con người. Con người ấy, mọi người, được Thiên Chúa tạo dựng vì chính họ... Kể cả những người sinh ra với bệnh hoạn hay khuyết tật"

4. Thiên chức làm cha làm mẹ, tham dự vào công trình tạo dựng

"Hôn nhân và tình yêu vợ chồng đều phải hướng về việc truyền sinh và giáo dục... Vợ chồng biết rằng họ là cộng tác viên trong tình yêu của Thiên Chúa Tạo Dựng"

5. Trách nhiệm trong việc truyền sinh và bảo vệ con cái

Khi hai vợ chồng trở nên "một xương một thịt", "họ sống giây phút trách nhiệm đặc biệt... vì vào lúc đó, họ có thể trở thành cha hoặc mẹ, vì đã bước vào tiến trình tạo sinh một con người mới sẽ phát triển trong cung lòng người nữ."

6. Quyền con cái

"Sự hiện hữu của một con người, từ nguyên thủy, đã ở trong chương trình của Thiên Chúa. Làm thế nào có thể tưởng tượng được rằng tiến trình xuất hiện sự sống lại bị bỏ mặc cho quyết định tùy tiện của con người?"

7. Con cái đối diện với "nền văn hóa sự chết"

"Chúng ta đang đối diện với một cơ cấu của tội lỗi, và trong nhiều trường hợp, cơ cấu ấy trở thành một "nền văn hóa của cái chết". Một cách nào đó, ta có thể nói đến một cuộc chiến giữa người mạnh (xã hội) đối với người yếu (trẻ em).

8. Tính chất nghiêm trọng của tội ác phá thai

"Việc chấp nhận phá thai trong quan niệm, trong phong tục và trong luật pháp là một khủng hoảng rất nguy hiểm đối với ý thức luân thường đạo lý."

9. Con cái mồ côi cha mẹ khi họ vẫn còn sống

"Việc ly dị tạo ra một sự mất trật tự trong gia đình cũng như trong xã hội... Con cái phải xa cha hoặc mẹ và buộc phải trở thành những đứa trẻ mồ côi, khi cha mẹ chúng vẫn còn sống."

10. Quyền con cái được yêu thương, đón nhận và giáo dục

"Quyền và bổn phận giáo dục của cha mẹ là một điều chủ yếu... tất cả những người khác tham gia vào tiến trình giáo dục chỉ có thể hành động nhân danh cha mẹ, và cùng với sự đồng ý của họ."

11. Giáo dục giới tính cho con cái: sự thật và ý nghĩa

"Giáo dục yêu thương qua việc trao ban bản thân phải là nền tảng để cho cha mẹ đem đến cho con cái một kiến thức về giới tính rõ ràng và tế nhị."

12. Quyền con cái được giáo dục đức tin

"Cha mẹ, do thiên chức giáo dục của mình, qua chứng từ đời sống của họ, phải là những sứ giả đầu tiên để loan báo Tin Mừng cho con cái mình".

Trong số mười hai chủ đề trên, trong bối cảnh thực tế Việt Nam hiện nay, có những điểm thật là hiển nhiên, nhưng cũng có những điểm gây bàn cãi. Dù sao đi nữa, đó cũng là những khẳng định bất di bất dịch trong truyền thống Giáo Hội công giáo, mà Ðức Thánh Cha nhắc nhở lại cho các gia đình.

Thư Gởi Những Người Cao Niên

Trong khi hướng về gia đình, Ðức Thánh Cha cũng không quên một thành phần khác mà xã hội phương Tây (và các xã hội phương đông đang có khuynh hướng) xem là thừa: đó là giới cao niên. Ngày 1.10.1999, Ðức Gio-an Phao-lô II công bố bức "Tông Thư gởi người Cao Niên". Ngài nhắc lại:

"Trong quá khứ, người ta rất mực kính trọng những người cao niên... Còn ngày nay thì sao? Nếu ta dừng lại giây lát để phân tích trình trạng hiện nay, ta thấy rằng một số dân tộc xem tuổi già là đáng kính và có giá trị, nhưng một số khác thì ít tôn trọng do cái não trạng xem trọng lợi ích trước mắt và năng suất lao động của con người. Thái độ ấy đã khiến xem thường người có tuổi, và chính những người cao niên cũng tự hỏi rằng cuộc sống của họ còn có ích chăng." (Thư gởi người Cao Niên. số 9).

"Phải cấp bách đặt mình lại trong một viễn cảnh đúng đắn, ấy là xem cuộc sống trong tổng thể... Những người cao niên giúp chấp nhận mọi biến cố trên trần thế một cách hiền triết hơn, vì những thăng trầm trong cuộc đời đã cho họ nhiều kinh nghiệm và sự chín chắn. Họ là những người canh giữ ký ức tập thể, và vì lý do đó, họ là những người có khả năng nói lên các giá trị và lý tưởng chung giúp cho cuộc sống hài hòa trong xã hội. Loại trừ họ, nhân danh sự đổi mới không cần đến ký ức, có nghĩa là từ chối cái quá khứ mà hiện tại đang cắm rễ. Những người cao niên, nhờ có kinh nghiệm và chín chắn, có thể đề ra cho người trẻ những lời khuyên dạy quí giá" (nt . số 10)

Nhưng có lẽ những ưu tư của Ðức Thánh Cha rõ nét nhất trong bài giảng của ngài, Chúa Nhật 17.9.2000, nhân Ngày Năm Thánh của Người Cao Niên.

"Anh chị em bạn hữu cao niên thân mến! Trong một thế giới như hiện nay, ở đấy sức mạnh và quyền lực thường được đưa lên hàng huyền thoại, anh chị em có nhiệm vụ làm chứng cho những giá trị vượt ngoài cái vỏ bên ngoài, và những giá trị ấy vẫn tồn tại mãi, vì chúng được ghi trong tâm khảm của mỗi một con người và được bảo đảm bằng Lời Chúa.

Với tư cách là người cao niên, anh chị em có một sự đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của một "nền văn hóa sự sống" đích thực, bằng cách làm chứng rằng mọi giây phút cuộc sống đều là ân sủng của Thiên Chúa và mọi giai đoạn cuộc đời đều có những sự phong phú mà mình có thể đóng góp cho mọi người." (Bài giảng trong Thánh Lễ ngày 17.9.2000. số 5)

Con Ðường Vẫn Còn Trước Mặt

Ngày Thế Giới Gia Ðình đã được chuẩn bị trong vòng sáu năm. Trong sáu năm, bao nhiêu giấy mực đã tốn hao, bao nhiêu tổ chức được dựng lên, bao nhiêu công việc được tiến hành, và khi bước vào thiên niên kỷ mới, thực trạng các gia đình cũng không có vẻ gì đi lên và con đường vẫn còn trước mặt. Tại sao vậy? Có lẽ vì công cuộc "toàn cầu hóa" đã khắc sâu khái niệm kinh tế và lợi nhuận vào tâm khảm của con người ở khắp mọi nơi. Người ta đều qui về bản thân mình mọi sự để biến nền văn mình hiện đại thành một "nền văn minh sự chết" thay vì xây dựng điều mà mỗi con người đều tha thiết mong chờ, đó là "nền văn mình tình thương".

Cũng vì thế mà Giáo Hội, trong thời gian vừa qua, dù không coi nhẹ người chồng hay người vợ trong gia đình, vẫn muốn xem họ là người cha hay người mẹ để "đồng công tác tạo" một nền "văn hóa của sự sống". Các giáo huấn Toà Thánh hướng nhiều về trẻ em và người già, Alpha và Ômêga của sự sống con người, bởi vì khi con người nhìn về cội nguồn và cùng đích của cuộc sống, họ sẽ nhận ra ý nghĩa của tình yêu, hôn nhân, gia đình đối với sự sống của từng người và đối với sự sống của cả nhân loại.

Ðiều mà Giáo Hội ít nhắc đến, không như nhiều người mong đợi, ấy là hạnh phúc trong gia đình. Thực ra điều đó không cần thiết. Trong hai ngàn năm qua, người ta tìm kiếm hạnh phúc bằng đủ mọi cách, và một trong những cách chủ yếu là làm cho mỗi người thoả mãn tối đa cái ích kỷ của mình. Ðể rồi ngày hôm nay, trước phồn vinh vật chất, con người khám phá rằng hạnh phúc đã bị phá sản. Dù không nói đến hạnh phúc, Giáo Hội đã chỉ ra con đường đi đến hạnh phúc đích thực: sống vì người khác ngay từ trong gia đình mình.

Với đường hướng này, người Việt Nam cảm thấy rằng lời nhắc nhở của Giáo Hội rất gần với truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Gia đình Việt Nam hiện nay vẫn là nơi hạnh phúc vì cha mẹ thường sống vì con cái trong niềm kính trọng những người cao niên.

Tôi vừa nói một câu vì quán tính. Trên thực tế, gia đình Việt Nam vẫn còn mang trọn vẹn những giá trị truyền thống dân tộc chăng?

Trong một buổi nói chuyện với sáu sinh viên Luật (từ năm 3 đến năm 5), các em đề cập đến vấn đề sống chung ngoài hôn nhân (concubinage) hiện rất phổ biến ở các nước phương tây. Các em có vẻ xem đấy là một giải pháp an toàn cho hạnh phúc của mình. Muốn chứng minh giá trị của gia đình, tôi hỏi: "Các em hãy nhìn về cha mẹ mình mà nói xem, các em có hạnh phúc trong môi trường gia đình không?" Câu trả lời rơi xuống như một gáo nước lạnh. Chỉ một trong sáu em nói là có, còn năm em im lặng. Tôi ngỡ ngàng. Sáu em này là những sinh viên rất nghiêm túc, học hành có kết quả khả quan. Tôi không thể ngờ rằng gia đình của các em có vấn đề. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi đặt câu hỏi cho từng em: "Thế em muốn cha mẹ mình không sống với nhau nữa à?". Bốn em trả lời vâng. Tôi hụt hẫng. Phải chăng tôi cũng hài lòng về gia đình Việt Nam nói chung và gia đình mình nói riêng, trong khi đó, ở ngoài đường, con cái mình cảm thấy gia đình không còn là cái nôi của tình thương và hạnh phúc?

Và vì thế tôi muốn kết thúc bài này bằng cách dâng lên Ðức Mẹ lời cầu nguyện mà Ðức Thánh Cha đã đề nghị trong Thông Ðiệp "Tin Mừng Sự Sống" của Ngài:

Lạy Mẹ Ma-ri-a, là hừng đông của thế giới mới, là Mẹ những người sống,

Chúng con dâng lên Mẹ cuộc sống này.

Lạy Mẹ, xin hãy nhìn xem

hằng hà sa số những trẻ em mà người ta không cho phép ra đời,

những người nghèo sống cuộc sống khó khăn,

những người nam người nữ nạn nhân của bạo lực phi nhân,

những người già nua và bệnh hoạn, bị giết chết bởi sự dửng dưng hay lòng thương xót giả tạo.

Xin cho những người tin vào Con Mẹ biết loan báo cho nhân loại ngày nay,

một cách xác tín và yêu thương, Tin Mừng của Sự Sống.

Xin ban cho họ ơn biết đón nhận Tin Mừng này như một ân ban luôn luôn mới mẻ.

Xin ban cho họ niềm vui tôn vinh Tin Mừng này, với lòng biết ơn, suốt đời họ.

Và xin ban cho họ lòng can đảm làm chứng cho Tin Mừng này,

một cách kiên trì tích cực, hầu xây dựng, cùng với mọi người thiện chí,

nền văn minh của sự thật và tình thương,

để ca ngợi vinh quang Chúa, là Ðấng Tạo Dựng yêu mến sự sống.

Trần Duy Nhiên

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 30, năm 2001)

Dạy con từ thuở còn thơ

Nhà tâm lý danh tiếng của Mỹ JB Watson từng tuyên bố: "Hãy mang đến cho tôi chục đứa trẻ khỏe mạnh..., tôi cam đoan với bất cứ đứa nào tôi cũng thành công trong việc giáo dục biến nó thành một chuyên viên theo ý muốn: y sĩ, luật gia, nghệ sĩ, thương gia hoặc thành một kẻ ăn mày hay một tên trộm cướp, cho dù tài năng, năng khiếu thiên hướng hay chủng tộc của đứa bé đó như thế nào".

Quan niệm đó sai lầm vì đã bỏ qua vai trò trọng yếu của di thể, của những năng hướng tự nhiên; nhưng có ưu điểm làm nổi bật tầm quan trọng của giáo dục, điều mà người xưa đã nói: "Dạy con từ thở còn thơ..." vấn đề còn lại là: phải giáo dục con theo mục đích nào?

Ðó là vấn đề căn bản, vì tùy theo từng mục đích, chúng ta lựa chọn những điều nên dạy cũng như phải lựa chọn phương pháp giáo dục thích hợp. Bài viết này không bàn đến những vấn đề to lớn nêu trên. Dựa vào sự nghiên cứu của các nhà giáo dục và các nhà tâm lý hiện đại, chúng tôi chỉ xin trình bày một số qui tắc hướng dẫn thái độ của bậc làm cha mẹ trong việc dạy con.

1. Qui tắc: Hãy tỏ ra hợp nhất với chính mình

Qui tắc này bắt buộc ta phải sống và hành động theo đúng nguyên lý mình đã đề xướng ra. Nói cách khác, người hành động hợp nhất là người không hành động tùy hứng hoặc tùy theo tình cảm của mình đối với riêng từng đứa con. Có khi ta tỏ ra rất nghiêm khắc với đứa này nhưng lại dễ dãi đối với đứa khác. Có người dạy con làm một đường nhưng chính mình, trong hoàn cảnh tương tự, làm theo một nẻo. Dạy con không được nói láo nhưng chính mình lại nói dối trước mặt con cái. Sách Cổ Học Tinh Hoa kể lại truyện thầy Tăng Tử là người thực hiện sự hợp nhất giữa lời nói và hành động.

Sách kể: Vợ thầy Tăng Tử hứa với con là sẽ làm thịt lợn khi đi chợ về. Lúc vợ về, thầy Tăng Tử đi bắt lợn làm thịt. Người vợ nói: "Tôi nói đùa nó đấy mà!" Thầy liền bảo: "Nói đùa là thế nào? Ðừng khinh trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư ?" Nói xong Tăng Tử đi làm thịt lợn cho con ăn thật. Các nhà tâm lý cho biết: sự mâu thuẫn nơi người cha người mẹ có những tác dụng không tốt cho con trẻ. Trước hết, chúng không vâng lời cha mẹ khi chúng nhận thấy cha mẹ chúng bất nhất. Chúng sẽ tự hỏi: ta nên làm điều cha mẹ nói hay điều cha mẹ làm? Ngoài ra, sự bất nhất nhiều khi gây ra những hỗn loạn tâm lý nghiêm trọng. Thái độ tốt đẹp là tôn trọng nguyên tắc nhưng biết tỏ ra linh động trong việc áp dụng nguyên tắc.

2. Qui tắc: Không tránh né trả lời câu hỏi của con cái

Óc tò mò là một năng hướng tự nhiên, tự nó không xấu, nếu được hướng dẫn, nó sẽ phát triển và trở thành một yếu tố thuận lợi cho sự hiếu học về sau. Vì vậy, khi con cái đặt một câu hỏi, chúng ta không nên xua đuổi chúng bằng cách nói: Ðừng làm mất thì giờ của bố mẹ! Sao con lại hỏi ngớ ngẩn thế? Tại sao con hỏi những chuyện kỳ cục vậy?... Thái độ xua đuổi có tác dụng làm đứa bé nản chí và óc tò mò có thể bị mai một.

3. Qui tắc: Không ngại nhìn nhận cái mình không biết

Có những người làm cha mẹ muốn tạo hình ảnh tốt đẹp về mình trước mắt con cái bằng cách cố ý làm cho chúng nghĩ rằng cái gì mình cũng biết và cái gì mình cũng làm được. Thái độ này đưa tới những hậu quả tai hại:

a/ Khi lớn lên, chúng sẽ gặp khó khăn khi muốn loại bỏ những điều chúng đã học ở nhà lúc chúng đón nhận từ người khác những kiến thức, những nguyên lý xác đáng hơn.

b/ Con cái không nhỏ mãi để luôn luôn tin tưởng điều cha mẹ nói; chúng phát triển và kiến thức chúng thâu lượm ở Học đường hay ở sách báo sẽ dần dần làm chúng mất đi phần nào sự kính trọng khi thấy rõ cha mẹ nói sai, làm sai. Ðã là người, chúng ta không đủ khả năng và thì giờ biết mọi chuyện. Do đó, khi đứng trước những câu hỏi vượt khỏi tầm hiểu biết của mình, thái độ hợp lý nhất là nên trả lời: bố (hay mẹ) không biết. Không phải ai cũng có khả năng trả lời thỏa đáng những câu hỏi: "Tại sao tuyết trắng trong khi lá cây xanh còn hòn than lại đen?" "Tại sao ban đêm trời tối?" "Cá sống dưới nước làm sao thở được?" v.v... Trong những trường hợp tương tợ, ta nên hướng dẫn con cái tìm câu trả lời thích đáng nơi sách vở hay nhờ người có kiến thức hơn mình.

4. Qui tắc: Hãy để con cái nhiều thì giờ rảnh rỗi

Giáo dục con cái không có nghĩa luôn luôn kè kè bên con để đóng vai trò ông thầy, cô giáo, người giám thị. Không ai chối cãi sự kiện: tâm lý và đặc biệt trí tuệ của trẻ con phát triển tốt đẹp khi chúng sống trong những môi trường phong phú và có tính cách kích thích. Ngoài quan hệ thầy trò giữa cha mẹ và con cái, còn có nhiều quan hệ, nhiều hoàn cảnh trong đó trẻ con tự chúng thâu lượm được nhiều sự hiểu biết. Chúng có thể học hỏi khi có đồ chơi trong tay, cũng như khi ngắm nghía một cành hoa, một bầy cá lia thia trong bể nuôi, và ngay cả khi chúng gây gỗ với trẻ lối xóm vv... Theo ý kiến một nhà giáo dục, trong một ngày, chúng ta Không Nên Dành Quá Một Tiếng Rưỡi để dạy con; và nên để chúng có "tự do suy nghĩ , đùa giỡn, tự do sống tuổi trẻ con của chúng".

5. Qui tắc: Giúp con cái có một quan niệm tích cực và trung thực về bản thân

Vì nếu mang một quan niệm tiêu cực - nghĩa là mang ý nghĩ mình kém cỏi về nhiều phương diện - trẻ con sẽ trở nên nhút nhát, không mạnh dạn có sáng kiến và cũng không mạnh dạn bày tỏ ý nghĩ của chúng. Ðó là những khuyết điểm dễ đưa tới sự thất bại trong sự học cũng như trong sự giao tiếp. Vì vậy, cha mẹ nên làm cho con cái có một quan niệm đúng đắn và tích cực về bản thân chúng và về cuộc sống. Nói cụ thể hơn, cha mẹ cần tạo cho con cái ý nghĩ là chúng thông minh, chúng có khả năng hơn hoặc bằng người. Ðừng bao giờ sơ ý phê bình chúng đần độn cũng như đừng bao giờ đem so sánh chúng với những đứa trẻ khác.

6. Qui tắc: Giúp con cái ý thức về người khác

Khuynh hướng tự nhiên của hầu hết trẻ con là: chỉ nghĩ đến mình khi bị một ý muốn thôi thúc. Lúc thèm ăn, chúng đòi ăn và không cần biết thứ thức ăn đó dành cho ai; khi muốn nói chúng bật miệng nói. Khuynh hướng đó nếu không được kềm chế sớm, chúng thành những đứa bé, những thiếu niên ích kỷ, thiếu tính kiên nhẫn và thiếu lễ độ. Có người cho rằng: nên để trẻ con phát triển tự nhiên; không nên bắt chúng vào khuôn phép (phải giữ lễ độ đối với mọi người, chẳng hạn); theo họ, làm như vậy là vô tình tạo ra những con người giả dối. Chúng ta đồng ý là lễ phép cũng như tính kiên nhẫn không phải là những đức hạnh, và tính bộc phát có nhiều mặt tốt.

Tuy nhiên, Lễ Phép, Kiên Nhẫn Là Bước Ðầu Của Ðời Sống Ðạo Ðức. Vì lễ phép đòi hỏi trẻ con phải có sự tự chủ và ý thức về người khác: chúng không thể coi sự hiện diện của người khác như không có, hoặc người khác chỉ là phương tiện hiện diện để phục vụ chúng. Chúng ta nên tập cho con cái biết đi thưa về trình và, khi nhờ ai điều gì thì biết lựa lời, biết nói "cảm ơn" khi nhận vật gì từ bất cứ người nào. Tốt đẹp hơn nữa, nên tạo cho chúng ý nghĩ tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau (vì đều là con của Chúa), và biết nghĩ tới những kẻ thiếu may mắn trong đời. Ý thức về người khác là điều kiện thiết yếu của đời sống xã hội và cũng là yếu tố của thành công cũng như của đạo đức.

7. Qui tắc: Giúp con cái phát triển về cả hai phương diện thể xác và tinh thần.

Tuổi thơ ấu và tuổi thiếu niên là khoảng thời gian quí báu để con cái thâu lượm kiến thức đồng thời tạo cho chúng những thói quen hữu ích. Ngoài việc cho con học bơi, chơi thể thao, biết chịu khó đi bộ, đi xe đạp... cha mẹ cũng nên cho con cái học ngoại ngữ, nuôi dưỡng óc tò mò, tinh thần hiếu học của chúng, và làm sao tạo cho chúng biết quí trọng sự học hơn mọi giá trị vật chất.

Vì giáo dục là một việc trọng đại và vô cùng phức tạp cho nên những qui tắc chúng tôi trình bày trên đây không thể bao quát hết mọi khía cạnh. Tuy vậy, chúng tôi thiển nghĩ đó là những qui tắc quan trọng và khẩn thiết nhất đối với những vị có ý thức trách nhiệm trong vai trò làm cha làm mẹ.

Tôn Nữ Bồ Câu. Lấy từ báo PVLC (Nhật-bản) số tháng 7.2001

(Trích dẫn từ Ephata số 30, năm 2001)

Nghệ thuật làm cha mẹ

Chúng ta thường được giáo dục để trở nên những đứa con tốt trong gia đình nhưng rất ít khi chúng ta được giáo dục để trở nên những cha mẹ tốt. Ở trường học, chúng ta học rất nhiều môn, nhưng không môn nào dạy ta nghệ thuật làm cha mẹ, là nghệ thuật mà ta phải áp dụng suốt cả cuộc đời kể từ khi có con, đồng thời cũng là một nghệ thuật hết sức quan trọng cho hạnh phúc của ta cũng như cho tương lai con cái ta. Vì thế, đa số nhân loại khi lên làm cha mẹ đã không biết phải đóng vai trò đó thế nào cho sáng suốt. Thường thì chỉ khi đã làm cha mẹ chúng ta mới bắt đầu học nghệ thuật ấy, học theo kiểu "nghề dạy nghề", tự học, học cách mò mẫm, phải tự suy nghĩ để tìm ra phương pháp. Cũng có những sách nói về nghệ thuật này, nhưng không nhiều.

Trong ý hướng giúp các bậc cha mẹ nắm vững hơn nghệ thuật này, chúng tôi xin đưa ra một số suy tư hay ý kiến góp phần xây dựng. Sau đây là 10 đề nghị, hay nói khác đi là 10 điều tâm niệm của các bậc cha mẹ.

1. Ðã là người thì đương nhiên bất toàn

Ngoài Thiên Chúa ra, không có ai hoàn hảo cả. Vì thế, ta đừng đòi hỏi con cái ta phải hoàn hảo, phải làm ta hài lòng. Chính ta, trong quá khứ cũng như hiện tại, ta có hoàn toàn làm hài lòng cha mẹ ta đâu! Chính ta cũng bất toàn. Tuy nhiên, vì tính cách sư phạm, ta có thể tỏ ra đòi hỏi con cái chút ít để chúng cố gắng hơn. Cùng là thân phận con người yếu đuối như nhau, ta nên thông cảm với những tật xấu, những khuyết điểm của con cái. Ta phải tập biết hài lòng về những cố gắng của con cái mình, về mức độ tốt đẹp mà chúng đã từng nỗ lực để đạt được.

2. Ðừng kỳ vọng về chúng quá mức

Ai cũng có giới hạn của mình, dù có cố gắng lắm cũng khó vượt qua giới hạn ấy. Ðiều quan trọng là biết được đâu là giới hạn của con cái mình để tôn trọng giới hạn đó, để đặt ra mục tiêu thích hợp bắt chúng đạt tới. Thông thường, khi có con, ai cũng kỳ vọng con mình phải thành người thế này thế kia. Ta mong con ta hơn ta, và sẵn sàng hy sinh tất cả để con ta đạt được những gì ta kỳ vọng nơi chúng. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, những kỳ vọng đó vượt quá khả năng thực hiện của chúng. Có thể chúng không có nhiều tài năng và nghị lực bẩm sinh như ta, có thể chúng có khuynh hướng khác với ta. Ta không nên lấy mình làm khuôn mẫu để ép con cái phải như mình. Ðặt lý tưởng quá cao cho con cái dễ làm cho chúng có mặc cảm tự ty và buồn phiền nếu chúng không thể đạt tới được, đồng thời dễ làm ta thất vọng và chán nản về chúng.

3. Chấp nhận, cầu nguyện cho con cái mình

Chấp nhận con cái không có nghĩa là không bắt chúng nỗ lực để nên tốt đẹp hơn, mà là chấp nhận mức độ chúng đạt được sau khi ta đã nỗ lực tạo đủ mọi điều kiện để chúng tốt đẹp hơn và chính chúng cũng đã cố gắng. Ðừng ép con cái mình phải giống hay bắt chước một trẻ em khác: trên đời này không thể có hai đứa trẻ giống nhau. Ðể chấp nhận trẻ, ta phải biết đặt mình vào địa vị của trẻ và nhìn theo quan điểm của chúng. Ðừng bắt chúng nhìn theo quan điểm của ta. Tích cực hơn, ta nên cầu nguyện cho chúng, xin Thiên Chúa ban thêm sức mạnh để chúng có khả năng cố gắng nhiều hơn nữa. Chỉ có Thiên Chúa mới có khả năng biến đổi tâm hồn chúng.

4. Dành thì giờ để đối thoại với con cái

Nên bỏ ra mỗi ngày ít nhất 15 hay 30 phút để tiếp xúc với con cái, để nói chuyện, tìm hiểu chúng, trao đổi tư tưởng, cảm nghĩ và tâm tình với chúng. Giờ rất thuận tiện là các bữa ăn. Phải lắng nghe chúng nói, khuyến khích chúng bày tỏ những điều chúng nghĩ trong đầu, chứ không phải chỉ biết bắt chúng nghe mình thôi. Ðồng thời phải biết phản ứng kịp thời và thích hợp với những gì chúng biểu lộ: vui, buồn, ngạc nhiên, sửa sai, bất đồng, tán thành, khuyến khích... Phải luôn luôn nắm được tư tưởng và ý muốn của chúng. Phải tập trò chuyện với chúng như với bạn bè, nhất là khi chúng đã lớn, khoảng 10 tuổi trở lên. Ðừng để chúng hư lúc nào ta không biết.

5. Cố gắng tạo quan hệ tình cảm với con cái

Con cái ta rất cần được yêu thương, khuyến khích, hỗ trợ để chúng có thể phát triển. Do đó, ta phải làm sao để chúng cảm nhận được tình thương của ta. Cần phải biểu lộ tình thương của ta ra bên ngoài, qua ánh mắt, qua những cử chỉ âu yếm, những lời nói ngọt ngào, những hy sinh cụ thể và thường xuyên của ta. Càng nhỏ, chúng càng nhạy cảm với tình thương của ta. Chúng cần tình thương để lớn lên và phát triển cũng như cần cơm bánh. Ðừng dấu tình thương trong lòng mà phải biểu lộ ra ngoài. Ðừng chỉ yêu thương bằng khối óc dù rất cần thiết, mà còn phải yêu thương bằng con tim nữa.

6. Phải làm sao cho con cái tin tưởng nơi ta

Trẻ cảm thấy cần được bảo đảm tốt đẹp về mọi phương diện: vật chất cũng như tinh thần. Chúng mong tìm được những bảo đảm đó nơi cha mẹ chúng. Vì thế, ta phải trở nên chỗ dựa vững chắc cho chúng về mọi mặt. Phải sống làm sao để chúng có thể cảm thấy an tâm: mọi lời ta nói phải đúng để chúng tin tưởng, mọi việc ta làm phải tốt để chúng bắt chước. Phải làm sao để chúng tin vào tình yêu, sự thành thật, khả năng hy sinh và sự cao thượng của ta. Ta muốn con cái ta tốt tới mức nào thì ít ra ta phải sống tốt tới mức đó. Hành động của ta - tốt hay xấu - ảnh hưởng tới con cái ta tới mức độ ta không ngờ.

7. Ðồng hành với con cái trên đường tiến tới hoàn mỹ

Tuy nhiên ta không nên tự thần tượng hóa mình trước mặt con cái. Tới một lúc nào đó ta phải cho chúng thấy rằng chính ta cũng là người bất toàn đang nỗ lực tiến tới trưởng thành, hoàn thiện và nên thánh. Ta chỉ là người đi trước có nhiệm vụ dẫn dắt chúng trong những bước đầu cuộc đời chúng, đưa chúng đi vào đời sống thần linh (với Thiên Chúa) và nhân bản (với bản thân và người khác). Và sau này chính ta cũng nên sẵn sàng nhận lại sự nâng đỡ của chúng. Cần phải khiêm tốn nhận những khuyết điểm của chính mình. Trên đường tiến tới hoàn thiện, ta hãy biến chúng thành những người bạn đồng hành và cho phép chúng được coi lại ta như thế, đồng thời chấp nhận sự xây dựng của chúng. Như thế chúng sẽ tự tin và dễ trưởng thành hơn.

8. Phải tôn trọng phẩm giá của con cái

Con cái ta là người, chúng có quyền và rất cần được đối xử như những con người, như con cái của Thiên Chúa. Ðừng xử với chúng như nô lệ hay đầy tớ trong nhà. Hãy tôn trọng tự do của chúng, đừng cấm đoán chúng những gì ta xét thấy vô hại. Cũng nên tôn trọng giờ làm việc, giờ ngủ và thì giờ của chúng một cách vừa phải. Nếu cần phải sửa phạt thì nên sửa phạt đúng mức, hợp lý, đừng đánh đập chúng quá đáng hoặc chửi rủa chúng những câu thậm tệ, như "Ðồ quỉ!", "Ðồ chó má!", "Con đ.!", xúc phạm tới phẩm giá hoặc làm tổn thương tự ái chúng quá mức cần thiết. Ðừng bêu xấu con trước mặt người khác hoặc những trẻ em khác. Có tôn trọng chúng thì chúng mới biết tự trọng và tự tin.

9. Khai phóng cho con cái

Khi còn nhỏ, con cái ta lệ thuộc ta mọi mặt. Lúc đó, ta phải bắt chúng vâng lời, làm theo ý ta để chúng đi đúng đường. Nhưng ta phải huấn luyện và giáo dục chúng làm sao để dần dần chúng trưởng thành, có khả năng tự do và tự lập về mọi mặt. Ðừng bắt chúng cứ phải lệ thuộc ta mãi, cứ phải theo ý muốn của ta hoài. Ðó cũng là cách để ta tự giải phóng chính mình. Nên ý thức rằng con cái ta không phải là của ta mãi, mà là của cuộc đời. Muốn chúng lệ thuộc ta mãi đó là ý muốn của những cha mẹ còn non nớt. Cần phải biết biến chúng thành những người bạn mà xét về nhiều mặt là ngang hàng với mình. Có như thế chúng mới dễ phát triển và trưởng thành.

10. Trao cho chúng trách nhiệm

Phải tập cho con cái tinh thần trách nhiệm ngay từ hồi chúng còn nhỏ bằng cách trao cho chúng những trách nhiệm từ dễ đến khó, từ nhỏ đến to trong gia đình. Phải tập cho con cái dần dần quán xuyến được mọi việc. Và khi chúng đã lớn, khoảng 20 - 25 tuổi, phải tập cho chúng làm những công việc có tầm vóc xã hội: làm ăn, giao thiệp, nhận trách nhiệm nghề nghiệp, điều hành công việc... Phải tập cho chúng làm được hầu hết những công việc của mình, thậm chí có thể thay thế mình trong địa vị của mình.

Hãy bắt chước các nhà vua của ta ngày xưa biết nhường ngôi cho con ngay khi chúng tạm đủ tư cách thay thế mình giải quyết mọi việc, còn mình thì đứng đằng sau hướng dẫn, cố vấn, làm "thái thượng hoàng". Tại nhiều nước đang phát triển mạnh, các giám đốc công ty, xí nghiệp, thậm chí các bộ trưởng... đa số thuộc giới trẻ (25 - 40 tuổi) rất năng nổ hoạt động. Người ta không sợ họ đi quá lố vì đằng sau những người trẻ ấy còn có cha mẹ của họ cố vấn, chỉ đạo và hỗ trợ họ. Nhờ vậy, đất nước của họ tiến bộ rất mau.

Trong gia đình, chúng ta cũng nên sớm giao trọng trách cho con cái đang khi chúng ta còn có thể đứng sau để hướng dẫn giúp đỡ. Ðừng để tới lúc ta không còn làm được gì nữa mới nhường trách nhiệm cho chúng. Tới lúc đó chúng mới tập sự làm việc thì đã hơi muộn, nên sẽ ít hữu hiệu và mắc nhiều sai lầm.

Kết Luận

Thế hệ con cái của chúng ta có đức hạnh và tài năng hay không tùy thuộc vào sự giáo dục chúng nhận được từ cha mẹ chúng rất nhiều. Vì thế, ta cần phải giáo dục chúng một cách khôn ngoan sáng suốt. Ðừng phó mặc công việc quan trọng này cho may rủi, cũng đừng làm một cách tùy tiện, thiếu suy nghĩ.

Hãy lắng nghe thế hệ của chúng ta đang lên tiếng: "Hãy giáo dục chúng tôi cho tử tế, chúng tôi sẽ biến xã hội và thế giới này thành thiên đường". Và một điều rất quan trọng là hãy cầu nguyện cho chúng, xin Thiên Chúa chúc lành, bảo vệ và thánh hóa chúng.

Giáo sư Nguyễn Chính Kết

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 33, năm 2001)

Một người vợ Kito giáo

Trước tiên, người vợ Ki-tô giáo phải là một người con, người con gái của Chúa: Sức mạnh của nàng, của một phụ nữ Ki-tô giáo, chủ yếu là để giúp đỡ cho chồng nàng. Kinh Thánh có mô tả nhiều đức tính phải có của một phụ nữ Ki-tô giáo, nhưng ở đây tôi chỉ nói đến bốn đức tính mà tôi cho là quan trọng nhất đối với phụ nữ.

1. Ðức tính đầu tiên là Ðức Tin. Những phụ nữ được Kinh Thánh đề cập đến đều có một niềm tin đặc biệt vững chắc, sâu xa vào Chúa, vào lời Ngài hứa với chính họ và với gia đình họ. Mỗi khi gặp âu lo, họ tin tuởng và phó thác cho Chúa, tin rằng lời Chúa sẽ chiến thắng. Bà Sa-ra, Han-na, Giu-đích, Ette và Ma-ri-a là những "phụ nữ thánh thiện biết hy vọng nơi Chúa" (1 Pr 3, 5). Lời bà Ysave nói với Ðức Ma-ri-a cũng có thể áp dụng cho các phụ nữ trên: "Chị thật có phúc vì chị đã tin rằng những lời Chúa phán cùng chị sẽ được thực hiện" (Lc 1, 45). Trong thư Do-thái, Thánh Phao-lô cũng nói về bà Sa-ra tương tự như thế: "...Bà tin rằng Chúa đã hứa thì Ngài sẽ trung thành với lời Ngài hứa" (Dt 11, 11).

Trong nền văn hoá chúng ta thì ngược lại, người phụ nữ thường hay lo sợ và bất an, buồn sầu về con cái, về chồng, về tương lai. Họ có đủ mọi chuyện để âu lo, đủ mọi lý do để sầu khổ: nào là vật giá leo thang, nào là bạo lực hoành hành khắp nơi, nào là hôn nhân bị coi thường... tương lai thì đầy bất trắc và đe doạ. Nhưng ý của Chúa là muốn người phụ nữ không phải lo sợ gì cho tương lai cả, giống như người phụ nữa trong sách Châm Ngôn "tươi cười khi nghĩ đến tương lai" (Cn 31, 25).

Thời nay, cách duy nhất giúp người ta có thể đọc báo mà không lo sợ là tin tưởng vào Chúa. Người phụ nữ Ki-tô giáo ngày nay cũng phải có đức tin nơi Thiên Chúa giống như những phụ nữ trong Kinh Thánh. Họ cũng phải ghi nhớ những lời Chúa hứa trong lòng và tin tưởng những lời hứa đó chắc chắn Chúa sẽ thực hiện.

2. Ðức tính thứ hai là Ðức ái. Ðức ái không chỉ khiến nàng yêu thương thắm thiết gia đình mình, mà còn thúc đẩy nàng quan tâm tích cực đến các nhu cầu của Dân Chúa nữa. Ở trên tôi có nói Kinh Thánh đã ca tụng các phụ nữ của họ. Ðặc tính của người phụ nữ Ki-tô giáo là thích "chuyên chăm làm việc thiện" (1 Tim 5, 10), được biểu lộ trong cách nàng lo lắng cho gia đình và cho Dân Chúa. Chúng ta có thể thấy điều đó trong cách nàng xây dựng tổ ấm, trong những bữa ăn nàng dọn ra, trong việc nàng lưu tâm săn sóc con cái. Tình yêu đã khiến sự phục vụ của họ nổi bật lên trong cộng đoàn Ki-tô giáo, là nơi họ tự nguyện giúp đõ những người đau khổ và rữa chân cho các tín hữu (x. 1 Tim 5, 10).

3. Ðức tính thứ ba được Kinh Thánh gọi là tinh thần thanh thản. Thánh Phê-rô gọi tinh thần này là "sự kiều diễm không phai tàn... có giá trị trước Thiên Chúa" (1 Pr 3, 4). Cách hay nhất để hiểu tinh thần thanh thản là gì là nghĩ về một phụ nữ có một đời sống trật tự ngăn nắp, có bình an và niềm tin tưởng rằng mình có tương quan thân thiện với Chúa và với chồng mình. Nhờ vậy, nàng có thể tập trung mọi năng lực để chu toàn mọi trách nhiệm của nàng, chứ không hành động theo tính hiếu kỳ sự lo âu hay những áp lực tình cảm. Nàng không ăn nói bừa bãi mà ăn nói có chừng mực, tự chủ được lời ăn tiếng nói của mình, và rất tin tưởng vào sự điều kiển của chồng mình. Ðể nói về họ, Kinh Thánh đã dùng những từ ngữ như "chừng mực", "nghiêm trang", "tinh tế", "giản dị", "tùng phục".

Người phụ nữ có tinh thần thanh thản luôn luôn sống trong bình an, một sự bình an sâu xa. Nàng sống an hoà với chính mình, với Chúa, với chồng con. Nàng có sức mạnh, và nàng làm chủ được với sức mạnh đó, kiểm soát được nó, một sức mạnh khiến nàng dễ thương vì nàng biết rằng quyền năng của Thiên Chúa đang hoạt động trong nàng để giúp nàng thực hiện tất cả những gì cần phải thực hiện. Nàng tùng phục chồng không phải vì nàng có tính thục động hay sợ hãi, mà vì nàng ý thức được vai trò của trách nhiệm và quyền hành Chúa ban cho nàng trong nhiệm thể Chúa.

Trong nền văn hoá của chúng ta hiện nay, người phụ nữ cảm thấy cần phải tỏ ra cứng rắn và làm mạnh để có thể có được điều mình muốn. Nhưng Chúa lại thích những phụ nữ nào biết đợi đến giờ Ngài đã ấn định để xem mọi việc xảy ra. Ðó là một thái độ quan trọng mà người phụ nữ nên áp dụng trong gia đình mình: nhất định không lấn áp quyền của chồng và cứ để mặc Chúa hoạt động qua quyền lực của chồng mình.

4. Ðức tính thứ tư là thánh thiện. Người phụ nữ Ki-tô giáo cần phải sống thánh thiện. Kinh Thánh nói về những phụ nữ biết kính sợ Chúa (Gđ 8: 8) và luôn sống trong tâm tình cầu nguyện "cả ngày lẫn đêm" như từ ngữ Thánh Phao-lô dùng (1 Tim 5: 5). Kinh Thánh cũng có nói đến những đức hạnh rất đáng nể phục của nhiều phụ nữ Ki-tô giáo (Tt 2, 3; 1 Pl 3, 2). Tương giao thân thiện giữa người phụ nữa Ki-tô giáo với Chúa tạo nên một phần rất quan trọng trong tính tình của nàng, và trong cuộc đời nàng.

Tự đào luyện tính tình để trở nên một người vợ Ki-tô giáo đúng nghĩa xem ra là việc khó nhất của một người vợ. Không có mấy phụ nữ tin rằng họ có thể trở nên thánh thiện, tin tưởng vững vàng và sống cho dũng cảm. Họ dễ chấp nhận hình ảnh người phụ nữ yếu đuối và hay thay đổi do nền văn hóa đưa ra. Nhưng tôi muốn nói lại với các bà vợ điều tôi đã nói với các ông chồng: "Ðây là cá tính mà Chúa đã tạo nên trong con người của chị, Chúa đã ban cho chị nhiều sức mạnh và ân sủng để làm một người phụ nữ. Khi chị đón nhận ơn gọi và những ân sủng Chúa ban, khi chị đóng đúng vai trò mà Chúa muốn chị sống, thì "con người ấn kín trong trái tim" (1 Pr 3, 4) của chị sẽ càng ngày càng biểu lộ ra ngoài.

"Thiên Chúa cũng sẽ giúp đỡ chị giúp chị triển nở và trưởng thành thành người phụ nữ Ki-tô giáo và người vợ Ki-tô giáo đúng nghĩa. Ngài sẽ tạo lập một tương quan giữa chị với Ngài để dùng Lời của Ngài dạy dỗ chị và nhờ Thần Khí của Ngài ban sức mạnh cho chị. Ngài cũng nâng đỡ chị qua chính chồng của chị, nhất là qua sự hướng dẫn của anh ấy đối với chị. Hãy nói cho anh ấy biết về cái mẫu phụ nữ mà chị muốn trở nên, và hãy đón nhận sự quan tâm dìu dắt của anh ấy. Chúa cũng nâng đỡ chị qua những anh em phụ nữ Ki-tô giáo khác, họ sẽ chia sẽ với chị sự dũng cảm, khôn ngoan và kinh nghiệm của họ để làm cho chị nên mạnh mẽ hơn. Chị nên lợi dụng mọi cơ hội để phát triển tình chị em với những phụ nữ khác, là những người đang sống chính cuộc sống mà Chúa đã mời gọi chị sống".

Hiểu cho đúng vai trò làm chồng làm vợ của chúng ta là gì, sự hiểu biết đó chính là nền tảng cho cuộc sống gia đình của chúng ta, tương quan thân thiện giữa vợ chồng lúc nào cũng vẫn là trọng tâm của gia đình cho dẫu sau khi đã có con cái. Nhưng khi hai vợ chồng bắt đầu có con cái, Thiên Chúa mới tỏ cho họ thấy một phần mới mẻ trong chương trình của Ngài.

Giáo sư Nguyễn Hùng Cường

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 33, năm 2001)

Bà vợ có ông chồng nghiện rượu

Hai vợ chồng có 4 người con, từ 2 đến 8 tuổi, các cháu xinh xắn khỏe mạnh, anh làm công chức vợ nội trợ ở nhà, và rảnh lúc nào, chị leo lên chiếc máy may để may gia công hàng chợ. Hai vợ chồng này rất hiền lành, bà con chòm xóm ai cũng quý mến. Ðột nhiên, một năm nay anh ta bị bè bạn quyến rũ mắc phải tật nghiện rượu. Mới đầu, ngày một hai ly, chẳng sao, dần dần cơn nghiện tăng lên, làm cho anh không còn sáng suốt nhận thức được những hành động của mình, tiền lương hàng tháng đem về cho vợ nuôi con càng ngày càng ít. Ðã vậy, anh lại u mê hành hạ vợ, đòi tiền uống rượu, nộ nạt con cái làm cho đứa nào cũng sợ anh như sợ cọp.

Nhưng làm sao để cho anh trở về bổn phận chính đáng của anh, là làm chồng làm cha? Ðã nhiều lần vợ anh đã thỏ thẻ bên tai anh, đã van xin anh, thậm chí chị đã hù sẽ bỏ anh nếu anh cứ đam mê rượu chè! Thế nhưng đều vô ích, mặc cho chị khuyên bảo, van xin, anh càng ngày càng thêm hành hạ chị nếu chị không bỏ tiền ra cho anh mua rượu. Cuối cùng chị nghĩ, chỉ còn cách phải cầu nguyện thật nhiều, phải ráng chịu cảnh hành hạ của chồng để dâng lên Chúa làm của lễ hy sinh cầu nguyện. Chị nói với các con: "Ba mình bây giờ bị ma quỷ lôi kéo, bị bè bạn quyến rũ rượu chè hóa thế này, thì các con và mẹ đều buồn chứ, mà chẳng biết làm sao. Thôi từ tối nay, các con với mẹ cố gắng tối nào cũng chịu khó lần hạt kính Ðức Mẹ, xin Mẹ thương dẫn đưa ba mình trở về với Chúa từ bỏ bạn bè xấu với con ma rượu."

Từ đó, tối nào chị và 4 cháu cũng chăm chỉ sốt sắng lần hạt năm chục Kinh Mai Khôi và tha thiết dâng lên Chúa, dâng lên Mẹ những lời nguyện xin, cầu cho người cha trong gia đình biết ăn năn hối cải. Sau giờ kinh tối là chị lại đun nồi nước nóng để chờ chồng về, cho anh tắm rửa. Còn anh thì vẫn tiếp tục đi sớm về khuya, vẫn tiếp tục rượu chè, nói năng lè nhè...

Cho đến một hôm, anh đang ở quán nhậu với bạn bè, anh cảm thấy như có ai thúc hối anh phải về nhà sớm, mặc dù nhìn đồng hồ chưa đến 9 giờ tối. Bạn bè cùng bàn níu kéo anh thế nào cũng không được. Ðến nhà, anh xô cổng bước vào thì thấy cửa nhà đóng kín, bên trong nhà 5 mẹ con đang đọc kinh lần hạt. Anh dựng chiếc xe lên và ngồi lên đó nghe ngóng, đúng lúc đó tiếng đọc kinh chấm dứt và tiếng vợ anh cất lên: "Lạy Chúa, lạy Mẹ, con đau khổ lắm, cả năm nay chồng con làm khổ con rất nhiều. Tiền bạc anh ấy làm ra đem về cho con thì ít, và anh ấy đòi con bỏ ra cho anh ấy ăn nhậu thì nhiều. Con lấy đâu ra tiền vừa lo cho 4 đứa con ăn học, lại còn lo cho chồng ăn nhậu. Ôi, xin Chúa, xin Mẹ thương cho chồng con biết trở lại làm con người hiền lành như xưa..."

Những lời tâm sự với Chúa với Mẹ của vợ anh, anh nghe rõ mồn một, anh còn nghe cả tiếng sụt sùi của vợ anh, làm anh thấy chạnh lòng. Anh đang suy nghĩ miên man, thì anh nghe tiếng đứa con lớn vang lên: "Lạy Chúa, chúng con cũng buồn lắm, ba con cứ đi cả ngày nhậu nhẹt với bạn bè, chẳng biết chúng con cần gì, thiếu gì. Chúa ơi, Chúa hãy đưa ba con về cho chúng con nhé, để mẹ con và chúng con khỏi khổ."

Sau lời nguyện của người con này là bài hát "Xin Vâng" do chị vợ anh xướng lên và các con cùng hát. Sau đó là làm dấu Thánh Giá kết thúc... Ðứa con lớn mở cửa ra, thấy ba em đang ngồi trên nệm yên xe vội reo lên: "A, ba đã về!" Nghe thế chị vợ anh nói lớn: "Ô, anh chờ em nấu nước cho anh tắm rửa nghen." Người chồng dắt xe vào nhà và nói vừa đủ cho vợ anh nghe: "Thôi để anh tắm nước lạnh được rồi, và từ mai anh sẽ không còn uống rượu nữa!"

Ðây quả là một phép lạ, Chúa và Ðức Mẹ đã đưa người chồng từ bỏ con đường nghiện rượu, trở về với mái ấm gia đình, chỉ do việc thành tâm lần chuỗi Mai Khôi của vợ con anh.

Phạm Văn Lượng (Huynh Ðoàn Ki-Tô Bệnh Nhân Và Người Khuyết Tật) sưu tầm

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 33, năm 2001)

Bảo vệ hạnh phúc gia đình

Em, Em bồng con đến nhà thờ. Tôi xối nước trên đầu bé: "Ma-ri-a, cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Tôi nhìn bé hai giây. Buồn! Em sung sướng bồng con về. Bà nội bà ngoại tíu tít đi theo, che dù che nón như đón bà hoàng. Tôi mời chồng Em ghé nhà xứ, thăm hỏi chuyện gia đình.

- Hồi mới sanh, con của con nặng mấy ký?

- Ba ký rưỡi.

- Con so mà nặng ba ký rưỡi là ngon rồi. Nhưng... cha thấy nước da của nó không được mịn màng, hơi vàng vàng, hơi mai mái. Dường như nó thiếu dinh dưỡng.

- Tại vợ con mất sữa.

- Vợ con tròn như củ khoai tây, tại sao lại mất sữa?

Chồng Em sụ mặt.

Thì ra...

Những năm còn khó khăn ấy, Em mới sanh được một tuần, thì nguồn sữa cạn khô. Chồng Em bán đồng hồ, lấy tiền đi mua sữa. Sữa Guigoz biến khỏi thị trường. Chỉ còn sữa ông Thọ bán cho quán café. Hộp sữa nào cũng qúa thời hạn. Khui ra thì sữa đặc sệt như cháo, mầu nâu nâu như mật ong loãng. Chồng Em thất vọng, chửi thề... Hoà bình mới tìm thấy, nhưng hậu qủa chiến tranh vẫn còn đầy rẫy. Biết bao giờ mới mua được sữa Guigoz cho con, con đầu lòng? Và nếu tìm được sữa Guigoz, thì còn đồng hồ đâu nữa mà bán. Chồng Em quay qủa, bứt rứt. Thương con quá là thương! Bứt rứt, thắc mắc mãi chồng Em mới tìm ra sự thật. Hận!

2. Mẹ Em là cán sự y tế, chích cho Em một phát thuốc cai sữa. Em hỏi:

- Chi vậy mẹ?

- Ðể bảo đảm hạnh phúc gia đình.

- Mẹ nói gì con không hiểu.

- Mặt mày sáng mà sao trí mày tối thế? Gái tham tài, trai ham sắc. Thằng đàn ông nào cũng muốn có vợ đẹp. Mày cho con bú, vú mày nhẽo ra, thì chồng mày lại ngó sang đứa khác... Ðàn bà bên Tây bây giờ đều cai sữa sớm, để bảo vệ sắc đẹp. Giữ được nhan sắc là giữ được chồng.

Em, mẹ Em nói đúng, nhưng chỉ đúng được một thời gian ngắn ngủi. Cũng thời điểm Em cai sữa, tôi nghe đài BBC. BBC cho biết: 86% phụ nữ Âu Châu cai sữa ngay từ đầu; nhưng bây giờ 76% lại nuôi con bằng sữa mẹ rồi.

Chuyện chồng con là chuyện của Em , tôi chẳng nên dính dấp làm chi. Nhưng vì qúa thương trẻ thơ tôi không thể làm ngơ khi thấy quyền lợi tối thượng của Em bị người ta cướp mất. Tôi phải đọc, tôi phải nghe, tôi phải suy nghĩ...

Bây giờ cả thế giới đã đứng lên để bênh vực sữa mẹ. UNICEF đã đấu tranh cho sữa mẹ. Thậm chí những nhà sản xuất sữa bột cho bé thơ cũng phải ghi trên hộp sữa một câu "phí khuyến mãi" rằng: "sữa mẹ là tốt nhất". Dù vậy trong chỗ riêng tư tôi vẫn muốn nói nhỏ với Em rằng: "Sữa mẹ có nhiệt độ đúng nhất: 37%C." Từ lúc bé bú cho đến khi bé nghỉ, sữa luôn luôn giữ độ nóng ấy. Sữa mẹ có độ ngọt đúng nhất. Lượng đường trong sữa mẹ được chính Tạo hóa pha.

Tuyệt! Sữa mẹ và chỉ trong sữa mẹ mới có tình yêu. Bé bú sữa mẹ, thì được mẹ bồng ẵm. Vừa bú vừa rờ rẫm, bé cảm nghiệm được tình yêu của mẹ trên đầu ngón tay của mình. Sữa và tình yêu là lương thực của bé thơ. Khi mẹ cho con bú, mẹ cảm thấy đê mê. Một cảm giác yêu thương chạy lăn tăn trên da thịt. Tình mẫu tử cứ thế mà lớn lên, xoắn vào cả không gian lẫn thời gian mãi mãi và vô tận. Ôi tình mẹ!

3. Nhan sắc là vũ khí hiện đại nhất để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mẹ Em nghĩ thế. Tôi không đồng ý. Tôi phỏng vấn một người đàn ông. Ông cho biết người đàn ông sẵn sàng sống êm ả bên cạnh người vợ có những đức tính sau đây: Dịu dàng - Duyên dáng - Ðảm đang.

Dịu Dàng là cử chỉ lúc nào cũng khoan thai, giọng nói lúc nào cũng ngọt ngào bất chấp mọi tình huống. Bận rộn hay nhàn nhã, gặp chuyện vui hay chuyện buồn... nhất nhất đều khoan thai và ngọt ngào. Nói chuyện với cụ già, hay khuyên nhủ một người bạn đồng trang lứa, hoặc khiển trách một em bé liếng khỉ... thì cũng vẫn một giọng ấy: ngọt như đường phèn. Người xưa nói rằng: "Một giọt mật bắt được nhiều ruồi hơn một thùng giấm."

Tôi vẫn còn nhớ y nguyên câu chuyện của một thời sinh viên, cách nay gần bốn thập niên. Tôi và một ông bạn tu sĩ ghé một tiệm đồng hồ ở đường Nguyễn Huệ - Sài Gòn. Ông bạn tôi say mê ngắm nghía một chiếc đồng hồ báo thức, rồi hỏi cô bán hàng:

- Nhiêu, cô?

- Dạ thưa năm "chăm" ạ!

Ông bạn tôi bỏ đi một mách. Tôi kéo áo hỏi:

- Cậu hỏi người ta nói giá, tại sao lại bỏ đi?

- Nói ngọt quá chịu không nổi!

Với giọng nói ngọt ngào ấy, nếu ông bạn tôi không bỏ chạy thì có lẽ ông đã mua cả đồng hồ lẫn cô bán hàng rồi.

Duyên Dáng không phải là nhan sắc. Nhan sắc thì trời cho, còn duyên dáng thì ai cũng tự tạo được. Duyên dáng là một cái gì đó rất dễ thương gắn liền vào mọi cử chỉ: ngồi dễ thương, đứng dễ thương, cười dễ thương, nhăn mặt dễ thương, vuốt tóc dễ thương, thậm chí ngáp cũng dễ thương... Ðó là duyên dáng. Nhan sắc thì sớm nở chiều tàn, nhưng duyên dáng thì còn mãi, lớn mãi cho tới khi lìa đời. Duyên dáng là một phản xạ phát xuất từ một tâm hồn an vui, bao dung, qúi phái. Rất tự nhiên, không gỉa tạo.

Ðảm Ðang là vừa cần vừa cù, vừa thông minh, người đàn bà cần cù mà không thông minh thì chỉ là người vợ vô ích và là gánh nặng cho người đàn ông. "Thứ nhất: mắc nợ, thứ nhì: vợ ngu". Người đàn bà thông minh mà biếng nhác thì sẽ thành thủ đoạn, ích kỷ một cách hợm hĩnh và đáng ghét.

Em, câu chuyện Em cai sữa để bảo vệ hạnh phúc gia đình đã làm nhiều người đàn ông nổi giận. Họ cho rằng làm như thế là khinh dể đàn ông. Chồng Em là một trong những người đàn ông ấy. Nhưng chồng Em chỉ coi Em là một nạn nhân của một trào lưu nông cạn và thô thiển. Tôi mong rằng Em sẽ có cách để đền bù cho con Em, một đứa cháu đã bị bà ngoại dại dột cắt mất một nguồn sống cao quý nhất.

Lm. Pi-ô Ngô Phúc Hậu

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 33, năm 2001)

Để tránh cãi vã giữa hai vợ chồng

Ngày nọ, một tu sĩ Dòng Thánh Phan-xi-cô đến thăm một gia đình ở gần tu viện. Thấy bà chủ nhà đang khóc, ngài hỏi: "Có chuyện gì mà buồn phiền vậy?" Bà ta trả lời: "Thưa thầy, chồng con thường hành hạ con, đôi khi còn đánh đập nữa..." Vị tu sĩ nói: "Tôi biết bà là một người tốt, vì thế, tôi xin tặng cho bà một liều thuốc kỳ diệu."

Người đàn bà thắc mắc hỏi lại: "Thưa thầy, thuốc gì vậy?" Tu sĩ trả lời: "Ðây, bà cầm lấy chai nhỏ nầy. Mỗi khi chồng bà nổi cơn lôi đinh, bà cứ ngậm một hớp nước kỳ diệu chứa trong chiếc chai này, cơn giông tố sẽ tan biến một cách huyền nhiệm."

Bà chủ nhà đã thi hành đúng như lời vị thầy tu đáng kính đã dặn. Cứ mỗi khi ông chồng nổi cơn la lối om sòm, bà liền kín đáo ngậm vào miệng một hớp nước trong chiếc chai, và đương nhiên bà không thể mở miệng để trả lời. Thấy vợ hiền lành và lặng thinh. ông chồng bình tĩnh trở lại và cơn giận cũng theo mây khói ngay lập tức.

Ít lâu sau, vị đạo sĩ trở lại thăm và hỏi: "Liều thuốc của tôi có hiệu nghiệm chút nào không?" Bà chủ nhà trả lời: "Thưa thầy, ngậm lâu trong miệng ngụm thuốc của thầy cũng có làm con thấy hơi mệt, nhưng hiệu quả thì thần diệu quá sức, thầy ạ!" Vị tu sĩ chậm rãi bảo: "Chắc chắn rồi, nhưng chẳng phải nước lạ chi đâu, chỉ là nước lã bình thường thôi đấy, nước của sự nhẫn nại và chịu đựng, nước của sự hiền hòa bao dung... Tôi có sẵn một chai nước như thế nữa cho chồng bà đây!"

Quang Uy sưu tầm, trích Nối Lửa Cho Ðời số 8

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 33, năm 2001)

Hãy là một người mẹ xứng đáng trước đã

Khi Mẹ và các anh em Chúa Giê-su đến tìm Ngài, một phụ nữ lên tiếng: "Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú" (Mt 12, 46 - 50). Ý của người phụ nữ đó là muốn ca ngợi Mẹ Ngài: Ðược làm Mẹ Ngài là một hạnh phúc tuyệt vời, một vinh dự lớn lao, vì được làm mẹ của một vị tiên tri, một Ðấng Cứu Thế: một con người vĩ đại và lý tưởng.

Ðọc đoạn Tin Mừng này chắc hẳn có nhiều người mẹ đã nghĩ: Phải chi mình sinh được một người con làm vĩ nhân: phải chi những đứa con của mình biết sống đạo hạnh, cao thượng theo gương Ðức Giê-su. Chắc chắn người mẹ nào cũng mong ước con mình nên người xứng đáng, hữu ích cho gia đình, xã hội và quê hương. Ðó là những mong ước rất chính đáng.

Trong số những phụ nữ có con, Ðức Ma-ri-a là người diễm phúc nhất. Nhưng không phải Ngài được diễm phúc đó một cách ngẫu nhiên, không có công lênh gì. Cuộc sống và chí hướng của Ngài cho thấy Ngài xứng đáng được vinh dự đó. Nói chung, người mẹ nào cũng muốn có con tài giỏi, đức hạnh hơn người. Nhưng vấn đề là chính người mẹ có xứng đáng có những người con như lòng mình mong ước không? Mình có xứng đáng với chính đứa con mình sinh ra không? Mình có sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, sống một cuộc đời đẹp lòng Thiên Chúa để xứng đáng với một người con thánh thiện tốt đẹp mà Thiên Chúa có thể ban cho mình không?

Cái gì cũng có cái giá của nó. Ðược làm Mẹ Ðức Ki Tô, Ðức Ma-ri-a cũng phải là một người như thế nào đó tương xứng với diễm phúc đó. Cái giá Ngài trả cho vinh dự đó chắc hẳn rất nhiều người mẹ không dám chấp nhận. Ðôi khi đành chấp nhận có những đứa con tầm thường hơn là phải chấp nhận những hy sinh cao cả để có được những người con cao cả!

Ðức Giê-su nói: "Những kẻ làm theo Thánh Ý Cha Ta trên trời mới là Mẹ và là anh chị em Ta" (Mt 12, 50). Như thế, xem ra Ngài đã coi nhẹ cái vinh dự làm nhân vật này hay nhân vật kia, cho dẫu là làm Mẹ Ðấng Cứu Thế đi nữa. Ðiều Ngài đặt nặng là "làm theo Thánh Ý Cha trên trời". Chỉ có Thánh Ý Thiên Chúa mới là chuyện quan trọng, còn tất cả mọi sự khác - dù là hạnh phúc, vinh dự hay chính mạng sống của mình đi nữa - đều không đáng phải quan tâm cho bằng Thánh Ý Thiên Chúa. Nhưng chính vì Ngài coi mình không là gì cả mà Ngài trở thành vĩ đại.

Chính vì Ngài sẵn sàng tự hạ nên Ngài được tôn vinh (Pl. 2, 6 - 11). Với tinh thần như thế, chắc chắn Ngài không đặt nặng cái vinh quang của một Ðấng Cứu Thế mà muôn đời phải tôn thờ, một vị Tôn Sư mà muôn thế hệ phải vâng nghe. Ðiều duy nhất mà Ngài quyết tâm thực hiện và quan tâm suốt cả cuộc đời là làm sao sống cho đúng Thánh Ý Thiên Chúa Cha, làm tất cả những gì Thiên Chúa Cha muốn Ngài làm. Không phải là Ngài vô cảm trước những vinh quang trần thế, không phải là của cải vật chất không quyến rũ Ngài, không phải là Ngài không hề bị lôi cuốn vào con đường hưởng thụ của thế gian. Ngài cũng bị cám dỗ (Mt 4, 1-11), cũng phải chiến đấu với chúng ta ở chỗ không bao giờ thất bại trong những cuộc chiến đấu. Lý do là Ngài yêu mến Thiên Chúa tha thiết hơn chúng ta, sự lựa chọn căn bản của Ngài - là lấy Thánh Ý Thiên Chúa làm lẽ sống - dứt khoát và mạnh mẽ hơn sự chọn lựa của chúng ta.

Sự chọn lựa căn bản của Ngài là dứt khoát đứng về phía Thiên Chúa chứ không về phía bản ngã của Ngài, về phía Thánh Ý Thiên Chúa chứa không về phía ý riêng của Ngài. Ngài đã dứt khoát một lần thay cho tất cả "sát tế" cái "tôi đáng yêu" của Ngài cùng với ý riêng của Ngài như một của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa Cha. Và Ngài cũng lập lại sự "sát tế" đó trong từng giây phút cuộc đời Ngài. Sự lựa chọn căn bản đó khiến Ngài nói: "Ta đến không phải để làm theo ý Ta mà theo ý Ðấng đã sai Ta" (Ga 6, 38), "Ta không tìm ý riêng Ta mà tìm ý Ðấng đã sai Ta. Ta không tự ý mình làm một điều gì" (Ga 5, 30). Không phải Ngài nói không có ý riêng, và không phải ý riêng của Ngài lúc nào cũng phù hợp với ý của Thiên Chúa. Nhưng lập trường của Ngài lúc nào cũng là: "Xin đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha" (Lc 22, 42).

Ðức Giê-su thế nào thì Mẹ Ngài cũng như vậy. Suốt đời, lúc nào Ðức Ma-ri-a cũng đặt ý Chúa lên hàng đầu, Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả cho Thánh Ý Thiên Chúa. Vì thế, Ngài đã thành tựu được mọi sự tốt đẹp, đã trải qua mọi thử thách ghê gớm một cách chiến thắng. Nếu không đặt ý Chúa lên hàng đầu làm sao Ngài có thể im lặng đứng nhìn con quằn quại trên Thánh Giá đầy đau thương nhục nhã, mà không vật vã khóc lóc thảm thiết như những bà mẹ khác? (Ga 19, 25). Ðâu phải Ngài không thương con bằng những bà mẹ khác! Ngài có thái độ can đảm như thế chỉ vì Ngài biết thuận theo thánh Ý Thiên Chúa. Chắc chắn lúc đó Ngài lập lại tiếng "xin vâng" như hồi được Thiên Sứ truyền tin (Lc 1, 38), và như thói quen của Ngài trong suốt cuộc đời. Có thể nói toàn bộ cuộc đời Ngài được dệt bằng những tiếng "xin vâng" như thế!

Xét về bản tính con người, chắc chắn Ðức Giê-su cũng chịu ảnh hưởng Ðức Ma-ri-a rất nhiều. Ðức Giê-su đã sống thật thánh thiện sống hoàn toàn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa một phần nào đó là nhờ gương sáng và sự dạy dỗ của Ðức Ma-ri-a và Thánh Giu-se. Nếu Ðức Giê-su đã nói: "Cứ xem trái thì biết cây..." (Mt 7, 16 - 18), ta có thể hiểu được con người của Ðức Ma-ri-a khi ta biết được con người của Ðức Giê-su. Nếu câu tục ngữ Việt Nam "Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ" mà đúng, thì nó càng đúng trong tương quan của Ðức Giê-su và Mẹ Ngài.

Ðức Ma-ri-a lúc nào cũng mong con mình biết luôn luôn tuân theo ý Thiên Chúa, sẵn sàng hy sinh ý riêng để làm theo ý Thiên Chúa. Ngài chỉ mong con mình làm điều đó, mà chính Ngài đã làm gương về điều đó một cách trọn hảo. Ðức Giê-su đã noi gương Mẹ mình và trở nên một người hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa (Mt 3, 17; 17, 5). Và Ðức Giê-su đã nhận ra rằng cái diễm phúc to lớn của Mẹ mình không hệ tại được làm Mẹ Ðấng Cứu Thế hay Mẹ của vị Thiên Chúa Nhập Thể, mà hệ tại việc Ngài hoàn toàn làm theo Thánh Ý Thiên Chúa. Ngài đã nhìn vào nguyên nhân sâu kín chứ không nhìn vào hậu quả trước mắt. Nếu Mẹ Ngài không biết tuân hành ý Thiên Chúa thì làm sao xứng đáng với diễm phúc ấy?

Ðó là một bài học thật qúy giá cho mọi người mẹ. Nếu ta mong muốn con cái mình trở nên người tốt, thánh thiện, biết tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa, thì chính ta phải thực hiện điều đó trước đã. Chính ta phải làm gương trước rồi dạy con làm theo gương đó. Muốn con mình sống thế nào thì ta hãy sống như thế trước đã, và rồi ta sẽ thấy "mẹ nào con nấy". Lúc đó diễm phúc của ta là ở chỗ làm theo Thánh Ý Chúa chứ không phải ở chỗ con ta trở thành thế này hay thế kia. Nếu ta đã làm đúng theo ý Thiên Chúa, ta đừng sợ con mình sẽ hư hỏng, hay không được như ta ước nguyện. Gương Thánh Monica và Augustino khuyến khích những người mẹ hiện đang có những đứa con hư hỏng hãy kiên trì tin vào Chúa, vào hiệu lực của lời cầu nguyện.

Tóm lại, hãy lo thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa trước đã, hãy trở nên một người mẹ xứng đáng trước đã, còn mọi sự khác hãy phó thác cho Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho sau (x. Mt 6, 33).

Giáo sư Nguyễn Chính Kết

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 35, năm 2001)

Vai trò làm chồng và làm cha

Vai trò Làm Chồng

Báo phụ nữ có tổ chức một diễn đàn mang tên "chấp nhận hay không những người làm chồng vô tư ?". Ðối với những cô vợ trẻ, thật lòng mà nói, quả khó mà trả lời câu hỏi "chấp nhận hay không". Nhiều gia đình xem ra hạnh phúc, không có những chuyện xào xáo giữa vợ chồng, cuộc sống hôn nhân dường như bình thản trôi theo ngày tháng. Nhưng không phải là gia đình đó không có vấn đề. Sự bất mãn âm ỉ cháy và lớn lên ngày này qua ngày khác.

Một người vợ tâm sự: "Khác với chồng chị Dung, chồng tôi là một cán bộ, anh sống vô cùng liêm khiết và tỏ ra rất có trách nhiệm đối với công việc. Nhưng cuộc đời anh ấy hầu như chỉ để dành cho công việc, còn gia đình đối với anh dường như chỉ là một quán trọ để anh ngủ qua đêm và trú mưa tránh nắng".

Một chị khác than thân: "Còn ông chồng tôi, luôn luôn tích cực với công tác nhà xứ, quan tâm đến mọi vấn đề xã hội, lo toan đủ mọi chuyện bức xúc của anh em hàng xóm, nhưng đối với việc nhà, việc học hành của con cái, việc giúp cho gia đình giải trí vui chơi, anh luôn luôn coi đó là chuyện nhỏ, có gì đâu mà phải đặt thành vấn đề, hay mọi khó khăn bất ổn theo dòng thời gian đều sẽ ổn thôi !".

Làm sao để gia đình được ấm êm, hạnh phúc? Những yếu tố nào làm rường cột cho hạnh phúc gia đình? Gia đình nào cũng được cấu tạo bởi ba thành phần: chồng hay cha, vợ hay mẹ, và con cái. Người chồng hay người cha là chiếc mái che mưa chống nắng. Người vợ hay người mẹ là rường cột nâng đỡ cho nóc nhà. Còn con cái là tất cả những chi tiết khác làm cho mái ấm được khang trang vững bền. Tuy nhiên, hạnh phúc gia đình tùy thuộc vào người chồng, người cha rất nhiều, một cách cụ thể tùy thuộc vào khả năng bao bọc, chở che, cần cù, can đảm, tâm lượng bao dung tha thứ, hay bản lãnh... của người chồng, người cha.

Như thế, đối với người đàn ông trong gia đình, yêu nhau, lấy nhau, chung sống với nhau chỉ là giai đoạn khởi đầu để bắt đầu bài học làm chồng, làm cha cho suốt cả đời người và trong chính cuộc sống bình dị của mình. Có như thế người chồng hay người cha mới tạo được hạnh phúc vững bền, mưu ích cho chính mình và xã hội.

1. Biết mình biết người

Biết mình biết người, từ ngữ này mới nghe tưởng chừng thật đơn giản, dễ dàng: "tôi không biết mình thì còn ai biết?", hay "vợ tôi mà tôi không biết sao?". Trong thực tế, khi đụng chuyện mới vỡ lẽ ra: "sao thế giới các bà bí ẩn quá!", "tôi không hiểu bà ấy muốn nói gì!".

Muốn hiểu thì phải thắc mắc, phải đi tìm lời giải đáp và chắc chắn phải quan tâm hơn về "cái xương sườn cụt" của mình. Mấy thằng bé trong xóm tôi cứ lải nhải ca cẩm: "Con gái nói không là có...". Hẳn nhạc sĩ Ngọc Lễ, người sáng tác bài ca ấy, đã hiểu đâu là nguyên ủy để xây dựng tình yêu đích thực với bạn tình Phương Thảo của mình.

- Ta biết ta là nam và có một người nữ đi cùng.

- Ta biết ta vô tâm, nhưng bên cạnh ta có người dễ quan tâm đến mọi vấn đề.

- Ta biết ta vô tư, nhưng người bên cạnh ta luôn để ý mọi chuyện lớn nhỏ trên đời.

- Ta biết ta hay trầm tư, nhưng người bạn của ta luôn luôn cần ta ngỏ lời, cho dù chỉ bằng ánh mắt.

2. Nói ngôn ngữ mà nàng hiểu

Nghe một đứa trẻ mới bập bẹ tập nói, tôi thấy nó phát ra những âm thanh mà tôi không sao hiểu được. Thế mà mẹ nó phiên dịch cho tôi từng lời. Trong đời sống vợ chồng, không dễ gì làm cho nhau đổi thay, nhưng điều dễ làm hơn là chấp nhận nhau và hiểu nhau để cùng hòa hợp và làm cho đôi tim đập chung một nhịp.

Trong đời sống vợ chồng còn có cả một sức sống mãnh liệt mà Thượng Ðế ban tặng. Ðó là đời sống tình dục mà ngôn ngữ biểu tượng của nó thật xúc tích và phong phú, gắn bó sâu chặt vào sứ mạng yêu thương và làm cho mặt đất phong nhiêu hơn.

Nhưng trong thực tế, nhiều đôi vợ chồng ly tán vì không hòa hợp trong cái lãnh vực khó nói nhưng không thể thiếu trong đời sống vợ chồng ấy. Người chồng phải luôn luôn chứng tỏ lòng ưu ái đối với vợ, chăm sóc quan tâm đến vợ, lời nói dễ đón nhận nhất là lời nói phát xuất tự con tim đầy trắc ẩn, chan chứa tình cảm thân thương, nó sẽ làm cho người vợ nhớ mãi.

3. Ðồng hành với vợ

"Ðang ngủ ngon bỗng nghe tiếng khóc thét của trẻ trong đêm làm tôi thức giấc, và sau đó tôi nghe thấy một tràng than phiền của chồng: "Kỳ quá! sao em cứ để nó khóc hoài! nó khóc hoài làm sao anh ngủ được?... Bực quá! ngày mai anh còn phải đi làm nữa đấy!"".

Ðối với con cái, giữa hai vợ chồng, ai có trách nhiệm hơn ai? Ngày nay, trong cuộc vượt cạn của các sản phụ thường có sự góp mặt của các ông chồng bên cạnh. Ðó quả là một nguồn trợ lực tích cực nhất cho các bà lúc mang nặng đẻ đau.

Ở Nhật-bản, các ông chồng thỉnh thoảng lại chuyển đổi vai trò với vợ, các ông trở về nhà mình đóng vai trò nội trợ trong gia đình để hiểu những khó khăn, trăn trở của các bà trong nghề nội tướng.

Tại Tây-ban-nha, chính phủ đang chi phí một ngân sách 876.000 đô-la cho các chương trình vận động giới đàn ông trong nước làm việc nội trợ nhiều hơn. Một chương trình vận động, quảng cáo trên truyền hình chiếu cảnh một doanh nhân đang đi dạo chơi với người vợ vốn rất ít được chồng giúp đỡ việc nhà. Chương trình kết thúc với khẩu hiệu: "Ðừng chỉ nói mà thôi!" Mỗi gia đình là một trách nhiệm cần được chia sẻ. Một công trình nghiên cứu do viện phụ nữ ở Madrid thực hiện cho biết trung bình mỗi tuần các ông chồng Tây Ban Nha chỉ bỏ ra 2 giờ 30 phút để chăm sóc nhà cửa con cái, trong khi các bà vợ mất hết 9 giờ.

Nói tóm lại, khi người chồng cùng đồng hành với vợ thì mới cảm thông được những chuyện nhỏ, nhưng nhờ vậy mà làm nên cả một hạnh phúc cho mái ấm gia đình.

Vai Trò Làm Cha

1. Người cha phải khoan dung, đại lượng:

Con cái cần được ai đó chứng tỏ tình yêu mà họ dành cho chúng. Cha nào mà không yêu con, thương con, mến con... Nhưng điều cần thiết là phải làm sao chứng tỏ được tình yêu của mình cho chúng thấy. Người cha sống trong gia đình cần phải luôn luôn thể hiện sự rộng lượng của mình đối với con cái, rộng lượng về tình cảm, về lòng tha thứ, không nhỏ mọn. Người cha cần phải thể hiện tinh thần quân tử, đừng bao giờ tỏ ra hẹp hòi, đừng coi trọng cá nhân mình mà không nghĩ đến người khác. Người cha cũng cần có óc phục thiện, luôn thành thật và không bao giờ giả dối.

"Ngày tôi còn bé, mẹ tôi hay nói với tôi: "Bố con là số một". Tôi không để ý cho lắm câu nói trên khi mình vẫn còn trong tuổi bồng bột. Nay đến tuổi trưởng thành, tôi mới khám phá thêm về hình ảnh cha tôi. Trước năm 1975, cha tôi là một nhà giáo. Nay cha tôi già yếu nhưng vẫn luôn luôn là điểm tựa cho mọi người trong gia đình: điểm tựa về kiến thức, về cách sống. Chưa lần nào cha tôi lớn tiếng la mắng, mà chỉ rất nhỏ nhẹ trước những lầm lỗi của anh chị em tôi. Còn gì hạnh phúc bằng có một người cha như thế !".

"Ðối với tôi, người cha luôn luôn là một biểu tượng sống động nhất trong gia đình, một biểu tượng không thể thay thế được: nghiêm khắc nhưng khoan dung, cương quyết nhưng độ lượng, thịnh nộ nhưng tha thứ, xa cách nhưng rất gần gũi, yêu thương nhưng công bằng. Người cha vừa là biểu tượng cho một thế hệ đi trước đầy kinh nghiệm sống, vừa là chiếc cầu nối giữa hai thế hệ trong gia đình".

2. Phải dành thì giờ cho con cái:

Các nhà tâm lý xã hội học, các nhà giáo dục Mỹ vừa lên tiếng báo động về quĩ thời gian dành cho việc chăm sóc con cái trong các gia đình Mỹ là quá ít. So với những công việc khác, thời gian mà các bậc cha mẹ dành để làm những việc thiết yếu cho con cái như lo cho chúng tắm rửa, ăn uống, đọc sách, chơi đùa... là quá hiếm hoi. Trung bình, một người mẹ có đi làm thường chỉ dành cho con khoảng 6, 6 giờ mỗi tuần, so với trước là 35, 1 giờ. Còn người cha có đi làm thì khoảng 2, 5 giờ, so với trước là 17, 4 giờ. Các chuyên gia về gia đình cho rằng: một trong những chức năng của cha mẹ là hướng dẫn con cái vào những lúc rảnh rỗi trong những công việc của chúng đối với gia đình, trong cách xử sự đối với bạn bè, trong những việc chúng cần phải làm. Thời gian dành cho việc chăm sóc con cái phải là "thời gian chất lượng", không thể là thời gian thừa thãi, nghĩa là những lúc mình mệt mỏi không thể làm gì khác được.

3. Phải hiểu thế giới tâm hồn của con cái:

Muốn thế, người cha phải coi mình là đứa trẻ để hiểu chúng và trò chuyện với chúng bằng ngôn ngữ của chúng. Những giây phút chuyện trò đó đem lại niềm vui cho cả cha lẫn con. Vui chơi, giải trí đối với các em không chỉ là phương tiện để lấp đi số giờ dư, mà còn là để các em tập sống đúng hướng cho các em bước vào đời. Và qua vui chơi giải trí, người cha khám phá ra cá tính của con mình và những cái nó không thể giãi bày cho ta được.

4. Cần thiết lập những giới hạn

Ðối với con cái, cần thiết lập cho chúng những giới hạn, một cách chính xác và công bằng: "Trong các gia đình nền nếp Việt Nam, tôi thấy có cách xử phạt đáng suy nghĩ: người lớn bắt trẻ em nằm sấp trên giường, kể tội cho trẻ nghe. Có người hỏi: con đã biết tội con chưa? Có đáng đánh đòn không? Sau đó họ dùng roi quất vào mông trẻ kèm theo lời căn dặn phải chừa bỏ, và nếu tái phạm thì phải chịu đòn nhiều hơn. Mặc dù không ủng hộ roi vọt, nhưng tôi cũng thấy cách này có nhiều ưu điểm. Trước hết, nó thể hiện rõ tính nghiêm túc của công việc uốn nắn, giáo dục trẻ; thứ đến nó bảo đảm thái độ đúng đắn của bậc cha mẹ, và sau cùng nó không thô bạo, chà đạp nhân phẩm, nhân cách của trẻ".

Ðể giáo dục con cái, người cha phải là mẫu mực để giúp chúng nhận ra đâu là phải, đâu là trái, giúp chúng có thái độ chuẩn mực khi bước vào cộng đồng xã hội với một trách nhiệm xây dựng cộng đồng đó. Chính quan niệm sống hôm nay của người cha ảnh hưởng mạnh mẽ trên con cái trong tương lai. Vì thế, người cha cần phải:

- thưởng phạt công minh

- phạt vì yêu thương, vì muốn con nên tốt

- lời răn dạy thật từ tốn, nhưng chan chứa khoan dung và thăng tiến, chứ không trì chiết, chà đạp chúng.

5. Những giây phút thư giãn:

Cần phải tạo ra những giây phút thư giãn và không gian thoải mái cho con cái và gia đình: Nếu bản thân người cha luôn luôn lạc quan, đầy nhựa sống, thì điều đó sẽ tạo cho con cái những giây phút nhẹ nhàng và thoải mái. Nhờ thế, gia đình không còn là không gian trống vắng nhưng thật sự là điểm hội tụ của mỗi người. Tiếng cười sảng khoái thật dễ lây lan. Quả thật khi người ta vui, tất cả những gì người ta gặp đều trở nên thích thú, kể cả những gì hết sức bình thường. Khi người ta vui vẻ, người ta trở nên dễ cảm thông, dễ gần gũi và trao đổi hơn.

Lời Kết

Món quà đẹp nhất không đến từ những chiếc hộp mà đến từ trái tim của bố mẹ và nó sẽ tồn tại mãi trong suốt cuộc đời của trẻ. Trẻ em nào cũng nằm lòng câu ca dao: "Công cha như núi Thái Sơn". Nhưng cái gì có thể ghi khắc được tình yêu đó vào lòng con trẻ nếu không phải là thái độ của cha đối với con qua cách thể hiện ở hành động thiết thực dành cho chúng. Sau đây là một lời minh họa cụ thể:

"Cả đời tôi luôn luôn văng vẳng lời trăn trối của cha: "Con hãy luôn luôn sống cho xứng đáng với giá trị của một con người, con nhé!" Cha tôi đã vĩnh biệt trần gian với khuôn mặt thật bình yên thanh thản. Hiện nay, tôi và em gái tôi đều làm nghề dạy học, nghề mà cha tôi hằng quí trọng. Em gái tôi đã có chồng và đã có mái ấm gia đình riêng. Mẹ tôi vẫn ở chung với tôi. Tôi đã có vợ và hai con như một qui luật tự nhiên. Giờ đây tôi lại đặt niềm hy vọng và mơ ước nơi các con tôi. Tôi lại thấy mình phải có bổn phận và trách nhiệm đối với các con".

Con cái chúng ta chính là bản thân tương lai của chúng ta, là "cái tôi" khác của chúng ta. Và chúng ta sẽ sống mãi với thời gian trong con cái, trong những thế hệ mai sau của chúng ta. Vì thế, những gì chúng ta làm cho con cái, là chúng ta làm cho chính chúng ta, cho bản thân tương lai của chúng ta.

Giáo sư Nguyễn Hùng Cường

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 35, năm 2001)